Tin Mừng cho thấy lời hứa cứu độ đã được thực hiện nơi Đức Giêsu. Người đã chiến thắng Satan và thiết lập Vương quốc của Thiên Chúa. Những ai tin vào Người và thi hành Thánh ý Thiên Chúa, tất cả tạo thành mối liên hệ mới.
Tuy nhiên, khi Đức Giêsu rao giảng và làm phép lạ, các thân nhân của Người cho rằng Người mất trí, nên đi bắt Người đưa về nhà. Còn các Kinh sư thì lại đặt vấn đề về quyền năng chữa lành của Đức Giêsu.
Nêu lên thách đố
Ngay lập tức, Đức Giêsu đặt mình vào thách đố Người vừa nêu lên. Điều này được tạo nên trong bài đọc I, trích từ sách Sáng thế.
Từ ban đầu, con người do Thiên Chúa dựng nên, đã bị lôi kéo ra khỏi Thiên Chúa. Họ đã bị dụ dỗ để cắt đứt giao hảo yêu thương. Thủ lãnh ma quỷ đã trở thành thủ lãnh của thế gian này, và con người nhận ra mình bị trần trụi, mất đi sự trong sáng trước mặt người khác và Thiên Chúa, mất đi mối thân tình với Thiên Chúa và người khác. Con người rơi vào ngõ cụt và không thể thoát ra bằng sức mình.
Đức Giêsu đến và dẫn dắt cuộc chiến giải thoát này. Đối thủ của Người là “kẻ mạnh” đang chiếm giữ ngôi nhà. Đức Giêsu không chỉ là một người trẻ có thể lay động đám đông, không chỉ là nhà giảng thuyết lừng danh, và cũng không chỉ là người chữa bệnh. Người là tất cả và vượt trên tất cả. Người đến để thực hiện lời tiên báo trong sách Sáng thế: một cuộc giải thoát do dòng dõi của người nữ.
Đức Giêsu không lập một trật tự mới, nhưng là tái lập trật tự Thiên Chúa đã quy định từ ban đầu. Trật tự này gồm ba yếu tố: Khống chế “kẻ mạnh” đang chiếm giữ ngôi nhà; tôn kính Thánh Thần, Đấng khai mở công trình nơi Đức Giêsu; sau cùng, là thi hành thánh ý Chúa Cha để gia nhập gia đình đích thực của Đức Giêsu.
Đối chọi với kẻ mạnh
Đức Giêsu loan báo rằng triều đại Thiên Chúa đã khởi đầu, Người cũng loan báo rằng quyền lực của Sự Dữ chấm dứt, và mở ra Vương Quốc của Thánh Thần. Thần Dữ đã nhận ra điều ấy và thốt lên: “Ông Giêsu Nadarét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Mc 1,23). Còn Đức Giêsu tuyên bố: “Giờ đây thủ lãnh thế gian sắp bị tống ra ngoài. Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi”. (Ga 12,31-32)
Quy phục Chúa Thánh Thần
Cuộc chiến thắng trên thần dữ do Thánh Thần thực hiện. Chính Người, từ nay sẽ ngự trị trong tâm hồn con người. Người là Thánh Thần chân lý, tình yêu, ánh sáng, cùng với Chúa Cha và Chúa Con. Do đó, mọi tội lỗi và lời phạm thượng đếu có thể được tha, nhưng phạm đến Thánh Thần thì “chẳng đời nào được tha”. Chống lại Thánh Thần của Thiên Chúa đang hoạt động nơi Đức Giêsu tức là tách mình khởi Vương Quốc, và đặt mình ở bên ngoài sự hiệp thông với Đức Kitô.
Lời lẽ nghiêm khắc của Đức Giêsu không chỉ liên hệ đến bình diện đạo đức, hay một thái độ cụ thể, nhưng là một lựa chọn của đời sống. Không phải Đức Giêsu kết án, nhưng chính những người chọn như vậy tự kết án mình: họ đã từ khước Thánh Thần, từ khước dòng nước ban sự sống (x. Ga 7,37-39).
Gia nhập gia đình của Đức Giêsu
Ngược lại, ai đi theo Đức Giêsu, tức là chấp nhận theo Người và thi hành Thánh ý Chúa Cha, người ấy gia nhập gia đình đích thực của Đức Giêsu. Họ được sinh ra từ Chúa Cha, đón nhận các anh chị em, được liên kết trong mối dây linh thiêng do cùng một Thánh Thần tác động. Tất cả đều được mời chia sẻ cùng một tấm bánh và một chén thánh.
Như vậy, nhân một tranh luận có vẻ như giai thoại, ngay từ những ngày đầu đi rao giảng, Đức Giêsu đã loan báo vấn đề cốt yếu trong sứ điệp của Người. Dân chúng, kể cả thân nhân, nghĩ rằng Người bị mất trí. Nhưng Đức Giêsu mời gọi chúng ta nhìn Người theo một cách khác. “Chúng ta không chú tâm đến những sự vật hữu hình nhưng đến những thực tại vô hình” (1 Cr 4,18). Cần phải chấp nhận lối nhìn của Thiên Chúa để nhìn nhận Đức Giêsu chính là Đấng Mêsia.
Nước nào bị chia rẽ, nước ấy không bền lâu
Tôi là nước bị chia rẽ,
Tôi bị chia rẽ trong chính tôi.
Điều tốt tôi muốn làm, tôi lại không làm,
Điều xấu tôi không muốn làm, tôi lại làm.
Ai sẽ cứu nước tôi khỏi suy đổ?
Lạy Chúa,
Người đã chiến thắng Satan
Xin chữa lành sự chia rẽ trong con,
và giúp con làm chủ căn nhà của mình,
như thế,
Con được tự do, hiệp nhất và bình an.
? Tôi đang gặp vài khó khăn với một người theo thuyết bảo thủ. Xin vui lòng cho biết những đoạn văn trong Thánh Kinh nói về việc Chúa Giêsu thiết lập bảy bí tích?
Nhiều người Công giáo (và nhiều Kitô hữu khác) có liên hệ với những người