23/05/2024 -

Suy Niệm

1421
Bài giảng thánh lễ Tu viện của Phó tế Phanxicô X. Nguyễn Quốc Vinh, O.P.
Thứ Năm tuần 7 Thường Niên và mừng thượng thọ cha cố Giuse Trần Quang Thiện, O.P.
 
Kính thưa quý cha và anh em,

Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta được nghe rất nhiều lần đề cập đến Muối. Hầu hết chúng ta đều khá quen thuộc với loại gia vị này. Hôm nay trong mạch văn dạy bảo các môn đệ, Đức Giêsu đề cập đến hình ảnh của Muối như một gợi ý nhằm giúp các ông có lối sống ngay lành, thánh thiện và biết cho đi.

Trước hết, Muối có tác dụng gìn giữ, bảo quản thức ăn. Trong thế giới cổ đại Ướp Muối là cách tốt nhất để giữ cho mọi thứ không bị hư hỏng. Thêm vào đó, Muối có tác dụng tiêu diệt côn trùng, ngăn những sinh vật này phá hủy thức ăn, đồ đạc. Chúa Giêsu nhắc nhở rằng “Anh em hãy giữ muối trong lòng anh em”. Giữ muối trong lòng, tức là giữ cho mình không bị lôi cuốn vào những thói quen, những hành vi hay những suy nghĩ làm chúng ta bị biến chất, thay đổi và trở nên hư hại. Chúa muốn chúng ta cần có Muối trong lòng, tức là có khả năng ngăn chặn những tư tưởng ích kỉ, toan tính có thể tiếp cận và làm hư hại tâm hồn quảng đại của mỗi người. Thêm vào đó, giữ muối trong lòng là giữ cho mình luôn được mặn mà tình yêu, đừng để lòng mình ra tẻ nhạt khô khan và nguội lạnh.

Thứ đến, Đức Giêsu cũng nhắc nhở chúng ta đừng để mất căn tính của chính mình. Bản chất quan trọng nhất của muối là vị mặn, chính vị mặn này làm cho muối trở nên gia vị đặc trưng nhất, thành phần không thể thiếu của các món ăn. Nhưng nếu Muối mất đi vị mặn cơ bản của mình, thì nó chẳng còn giá trị gì. Cũng vậy nếu chúng ta mất đi căn tính của mình, căn tính yêu thương, hi sinh và trao ban, chúng ta cũng sẽ mất đi giá trị của một Kitô hữu. Ở đầu bài Tin mừng, Đức Giêsu khuyên mọi người hãy biết cho đi, dù chỉ là một chén nước lã. Còn trong bài đọc thứ nhất, Thánh Giacôbê đã lên án lối sống: ích kỷ, tích trữ của cải của một số Kitô hữu. Đức Giêsu muốn chúng ta phải sống căn tính trao ban và hi sinh. Bởi nếu không sống đúng căn tính của mình, không biết cho đi, và ban tặng, thì dù có tích trữ đầy muối ở trong lòng, thì thứ muối đó cũng trở nên nhạt nhẽo, vứt bỏ.

Ở Paléttin có hai biển hồ. Biển hồ thứ gọi là biển Chết. Đúng như tên gọi, không có sự sống nào bên trong và ngoài biển hồ này. Nước trong hồ mặn đến nỗi không có một loài cá nào có thể sống nổi. Biển hồ thứ hai là Galilê. Nước ở biển hồ lúc nào cũng trong xanh, nhiều cá. Vườn cây xung quanh tốt tươi nhờ nguồn nước này. Nhưng điều kỳ lạ là cả hai biển hồ này đều được đón nhận nguồn nước từ sông Jordan. Nước sông Jondan chảy vào biển Chết. Biển Chết đón nhận và giữ nó cho riêng mình mà không chia sẻ, nên nước trong biển Chết tích đầy muối và trở nên mặn chát. Biển hồ Galilê cũng đón nhận nguồn nước từ sông Jondan rồi từ đó tràn qua các hồ nhỏ và sông rạch, nhờ vậy nước trong biển hồ này luôn sạch và mang lại sự sống cho cây cối, muôn thú và con người. Rõ ràng, nếu chỉ tích trữ, chúng ta cũng có nguy cơ trở thành một thứ biển chết. Chứa đầy muối nhưng ko thể sống được.

Thứ ba, Muối có tác dụng rửa sạch vết thương, ngăn ngừa nhiễm trùng và giúp thúc đẩy quá trình chữa bệnh. Mỗi chúng ta đều mang trên mình những vết thương do tội lỗi gây nên. Chúng ta cần muối để xát lên những vết thương nhằm để tránh nó nhiễm trùng và lan rộng. Đức Giêsu nói rằng “ai nấy sẽ được luyện bằng lửa như thể ướp bằng muối". Hình ảnh của Lửa gợi lên tác động của Thánh Thần. Chính Ngài sẽ dùng lửa để soi sáng cho chúng ta nhận ra tội lỗi của mình, ban cho “muối của lòng sám hối ở trong lòng” và giúp tẩy trừ khỏi chúng ta những ích kỉ, vụ lợi, đề cao cái tôi, vốn là những nguyên nhân gây ra những vết thương của sự bất hòa và chia rẽ nơi cộng đoàn và Giáo hội chúng ta.

Cuối cùng, muối là biểu tượng cho sự khôn ngoan. Trong thư Côlôxê Thánh Phaolô đã nói rằng: “Anh em hãy ăn ở khôn ngoan với người ngoài. Lời nói của anh em phải luôn luôn mặn mà dễ thương” (Cl 4, 5-6). Nếu như thánh Phaolô coi muối là biểu tượng của khôn ngoan, thì Sách châm ngôn gắn hình ảnh khôn ngoan ấy với những người cao niên: “người đầu bạc thì khôn ngoan. Người tuổi già thì đẹp lòng Chúa”. Thật trùng hợp khi hôm nay, chúng ta cũng mừng thượng thọ của cha cố Giuse Trần Quang Thiện. Nói theo ngôn ngữ bây giờ, thì hôm nay chúng ta mừng ngày cha cố được 80 nồi bánh trưng. Còn theo cha giáo Giuse Hưng thì hôm nay cha cố bước sang tuổi được gọi là Khao Lão, và cha bề trên thì gọi là Thượng Thọ Bát Tuần. Trong Thánh vịnh 89 có câu “Tính tuổi thọ trong ngoài bảy chục, Mạnh giỏi chăng là được tám mươi".

Hôm nay cha cố được tròn 80 tuổi, tức là cha cố đã được vinh dự xếp vào hàng những người mạnh giỏi ở trong Kinh Thánh. Và điều đặc biệt nhất ở nơi cha cố cũng như những người tuổi già mà Thánh Kinh ca ngợi, đó là: Già cỗi rồi vẫn sinh hoa kết quả, tràn đầy nhựa sống, cành lá xanh rờn.

Mừng sinh nhật của cha cố hôm nay, chúng ta cùng chia sẻ niềm hạnh phúc cao niên mà Chúa ban cho cha cố, và cầu chúc cha cố cũng vẫn sẽ tiếp tục sinh hoa trái cho cộng đoàn và Giáo hội, vẫn tiếp tục cầu nguyện và cống hiến cho nhà Dòng, và đặc biệt cầu chúc cha cố sống cuộc đời như đúng tên gọi Quang Thiện của mình là: làm cho ánh quang thánh thiện của Đức Kitô được chiếu toả cho mọi người xung quanh. Amen.
114.864864865135.135135135250