Sáng nay, vào lúc 8:30 ngày 28/12/2024, tại Nhà thờ thánh Đa Minh – Ba Chuông, Đức cha Giuse Nguyễn Năng, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn, đã chủ tế thánh lễ an táng linh mục Phanxicô Xaviê Đào Trung Hiệu, OP. Thánh lễ được cử hành trong bầu khí trang trọng và sốt sáng với rất đông các tu sĩ nam nữ, thân nhân, ân nhân, rất nhiều giáo dân, gia đình linh tông – huyết tộc, các thân hữu của cố linh mục Phanxicô Xaviê, cùng quý khách xa gần.
Trước thánh lễ, vào lúc 8:00, anh em trong Tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam cũng như các anh chị em thuộc Gia đình Đa Minh đã cùng quy tụ bên linh cữu Cha Phanxicô Xaviê để cử hành nghi thức tiễn biệt. Cha Tôma Aquinô Nguyễn Trường Tam đã thay lời cho anh em trong Tỉnh dòng nói lên tâm tình và cảm xúc thương tiếc, ngỡ ngàng, nhưng đồng thời cùng tạ ơn Chúa với cha Phanxicô Xaviê. Sự ra đi đột ngột của cha Phanxicô Xaviê ngay sau lễ đêm Giáng Sinh thật bất ngờ đối với các anh em, nhưng đối với cá nhân cha, có lẽ sự ra đi này lại không bất ngờ chút nào, bởi hơn 40 năm nghiên cứu, giảng dạy môn Lịch sử Giáo hội, cha Phanxicô đã hiểu được dòng chảy của lịch sử, của Hội Thánh, của các cá nhân, và trong dòng chảy ấy, có những ngã rẽ bất ngờ không ai lường trước được. Do đó, cha Phanxicô Xaviê luôn sống tinh thần phó thác và lạc quan, và nụ cười luôn thường trực trên môi miệng cha.
Cha Giám tỉnh Tôma Aquinô đã thay lời cho anh em cảm ơn cha Phanxicô, vì đã cùng đồng hành, gánh vác trách nhiệm, và chia sẻ sứ vụ Giảng thuyết của Tỉnh dòng. Quả thật, cha Phanxicô Xaviê đã thể hiện tinh thần học hỏi, nghiên cứu, và giảng dạy của người tu sĩ Đa Minh cách rõ nét nhất. Nỗ lực làm việc và khối lượng công việc mà cha Phanxicô Xaviê đã làm thật vĩ đại, mà nhiều anh em trẻ có lẽ cũng không sánh được. Trong rất nhiều khía cạnh khác nhau của sứ vụ Đa Minh, cha Phanxicô Xaviê đều trải qua và thi hành cách tốt đẹp.
Ngay cả trong khoảnh khắc sinh tử của cuộc đời, hình ảnh cha Phanxicô Xaviê gõ cửa nhờ anh em đưa đi nhà thương gợi lên hình ảnh người tu sĩ Đa Minh phủ phục xin lòng thương xót của Chúa và của anh em. Và thật trùng hợp, cũng đêm hôm ấy, tại Rôma, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã gõ vào Cửa Thánh của Đền thờ thánh Phêrô, để ơn Chúa tuôn đổ cho các tín hữu. Cha Phanxicô đã gõ cửa trái tim của Chúa Giêsu, và Người đã mở cho anh vào hưởng hạnh phúc Thiên Đàng.
Tiếp sau nghi thức tiễn biệt của anh em Đa Minh là thánh lễ An táng. Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng, vị chủ chăn của Tổng Giáo phận, không những đến chủ tế thánh lễ an táng vì cha Phanxicô Xaviê từng là cha sở của hai giáo xứ trong Giáo phận, mà còn vì tương quan cá nhân của ngài với cố linh mục Phanxicô Xaviê.
Trước khi thánh lễ được bắt đầu, cộng đoàn phụng vụ cùng ôn lại tóm tắt tiểu sử cuộc đời của cha Phanxicô Xaviê Đào Trung Hiệu. Với hành trình dương thế 68 năm, 49 năm khấn Dòng, 27 năm trong thánh chức Linh mục, và hơn 40 năm trong công tác giảng dạy môn Lịch sử Giáo hội, cha Phanxicô Xaviê đã khéo léo sử dụng ân huệ Chúa ban là tài lợi khẩu và trí thông minh để đóng góp cho Giáo hội trong công việc đào tạo biết bao thế hệ linh mục, tu sĩ.
Mở đầu thánh lễ, Đức Tổng Giám mục Giuse đã nhắc lại kỷ niệm và ấn tượng của ngài mỗi khi gặp gỡ cha Phanxicô Xaviê. Với sự ra đi đột ngột vị giáo sư dày dạn kinh nghiệm truyền đạt và am tường kiến thức thánh khoa, rất nhiều học viện, chủng viện trên khắp cả nước đều cảm thấy tiếc thương và phần nào lo lắng cho chương trình giảng dạy của mình.
Cha Giuse Nguyễn Trọng Viễn, một người anh em cùng thế hệ “nửa chừng xuân” sau biến cố “mất học viện Thủ Đức năm 1978” đã chia sẻ Lời Chúa cho cộng đoàn tham dự thánh lễ. Cha Giuse mở đầu bằng hình ảnh mà mọi người đều nhớ về cha Phanxicô Xaviê, đó là vầng trán rộng và cặp kính cận dày. Các tu sĩ trẻ trải qua biến cố 1975 luôn tự hào tạ ơn Chúa vì “cũng được” và “cùng được” mang những vết thương đau của dân tộc đau thương, và đã để cho Chúa sử dụng độ chín “nửa chừng” ấy mà thực hiện chương trình của Người.
Cha Giuse đã khen ngợi người đồng niên quá cố của mình là một “trí thức đa năng đa tài.” Giả như với sự thông minh và tài lợi khẩu, mà cha Phanxicô Xaviê chuyên chăm vào một việc nào đó, thì hẳn đã tiến rất xa. Tuy nhiên, trong cái thời kỳ tăm tối, trong cái giai đoạn nhiễu nhương, thì cái đa tài, đa năng của cha Phanxicô Xaviê lại giúp ích nhiều hơn hết cho Tỉnh dòng, cho Giáo hội.
Cha Giuse cũng ôn lại kỷ niệm của thế hệ các “thầy già” sau những biến cố đau thương của đất nước. Chính cái độ liều, dám nghĩ, dám làm, và xông xáo của mình cha Phanxicô đã tiên phong trong nhiều lãnh vực trí thức, giúp ích rất nhiều cho đời sống Giáo hội. Biến cố tuyên thánh cho 117 vị tử đạo tại Việt Nam đã làm thay đổi cuộc đời của cha Phanxicô Xaviê. Ngài bỏ dở việc học ngoại ngữ để chuyên chăm vào việc nghiên cứu Giáo sử, viết lách và giảng dạy về môn Giáo sử, đặc biệt là Lịch sử Giáo hội Việt Nam. Với hành trang hơn 40 năm miệt mài với sử học, cha Phanxicô đã tham gia vào việc đào tạo linh mục, tu sĩ cho khoảng trên 10 chủng viện, học viện liên dòng, và trung tâm học vấn trên cả nước.
Cha Giuse kết thúc bài giảng của mình bằng một gợi mở khá thú vị, đó là khi người anh em sống cùng với chúng ta, có lẽ ít người nhận ra hay đọc lại lịch sử của cá nhân người anh em ấy. Chỉ khi người ấy nằm xuống, khi chương cuối của cuộc đời một con người được viết xong, thì khi ấy, sự am hợp lạ lùng giữa cuộc đời và châm ngôn đời tu của họ mới làm cho chúng ta ngạc nhiên trước con đường mà Thiên Chúa đã vẽ nên cho mỗi người. Cha Phanxicô đã như hạt giống được gieo xuống, để sinh hoa kết quả. Với cha, các trinh nữ cầm đèn đi đón chàng rể nhất thiết phải có đèn, dù đèn có leo lét, có mờ mờ, nhưng phải có đèn. Cũng vậy, hạt giồng thì phải gieo xuống, chứ không thể không gieo, thì mới mong sinh được hoa lợi.
Sau lời nguyện hiệp lễ, cha Giám tỉnh Tôma Aquinô thay lời cho Tỉnh dòng và gia quyến của cha cố Phanxicô Xaviê, cảm ơn và tri ân Đức Tổng Giuse, quý Đức cha, quý cha quản hạt, quý cha điều hành các chủng viện, học viện, quý bề trên, quý tu sĩ nam nữ, cùng toàn thể cộng đoàn, vì tình thương mến dành cho cha Phanxicô Xaviê, và mối liên hệ với thân bằng, quyến thuộc với cha, đã gửi điện thư, vòng hoa, đã đến viếng thăm, phúng điếu, chia buồn, dâng lễ và cầu nguyện cho cha Phanxicô Xaviê, cũng như bớt chút thời gian tham dự thánh lễ và tiễn đưa cha cố đến nơi an nghĩ cuối cùng.
Sau thánh lễ, cộng đoàn đã đưa linh cữu của cha Phanxicô Xaviê về an táng ở nghĩa trang Tỉnh dòng, ngay cạnh đền thánh Martinô, thuộc Tu viện Martinô, Hố Nai. Tại mộ phần, cha Phaolô Trần Quốc Huy, Phó Bề trên Tu viện thánh Martinô, đã chủ sự các nghi thức sau cùng cho cha Phanxicô Xaviê Đào Trung Hiệu. Cha Phanxicô Xaviê được an nghỉ bên cạnh anh em của người, chờ ngày phục sinh.
Nguyện xin Thiên Chúa vì lòng từ bi và nhân hậu đoái thương đến cha Phanxicô Xaviê, và xin sớm đưa người vào hưởng ánh sáng vinh quang bất tận nơi Thiên Quốc.
Gb. Vũ Thạch Vịnh, OP.
Hình ảnh trích xuất từ thánh lễ trực tuyến trên Youtube của Gx. Đa Minh, và sẽ bổ sung hình ảnh sau.
52. Đoạn văn trong sách Khải huyền, chương 20, nói Đức Kitô sẽ cai trị 1000 năm nghĩa là gì?
Bạn sẽ rơi vào mơ hồ vô vọng với sách Khải huyền nếu bạn quên rằng đó là cuốn sách về các thị kiến và những biểu tượng kỳ bí, phức tạp. Trong lịch sử Kitô