16/03/2024 -

Phụng vụ

1179
Lm. Phêrô Lê văn Chính
(Giám học ĐCV Thánh Giuse)
[Thời sự Thần học ( số 2) Tháng 3/2008, tr. 159-165]

Người công giáo Việt Nam có thói quen kính thánh Giuse, nhiều người mang tên thánh Giuse. Hơn thế nữa, Giáo hội công giáo Việt Nam nhận bổn mạng là thánh Giuse. Việc sùng kính thánh Giuse phổ biến trong nhiều xứ đạo, dòng tu, chủng viện. Khắp nơi, người ta thấy đài thánh Giuse được xây dựng trong nhà thờ, giáo xứ, chủng viện, tu viện. Nhiều người đã đến cầu nguyện với thánh Cả và đón nhận được nhiều ơn lành. Lòng sùng kính này chắc hẳn bắt đầu từ các vị truyền giáo, những nhà truyền giáo đã có kinh nghiệm mạnh mẽ về sự che chở của thánh Giuse, nên đã sớm xây dựng cho tinh thần đạo đức của giáo dân Việt Nam những nền tảng vững chắc nâng đỡ đời sống đức tin của họ.

Cùng với Đức Trinh nữ Maria, thánh Giuse trở nên gương mẫu cho đời sống đức tin, cậy, mến của người tín hữu Việt Nam, người bảo vệ các gia đình, bởi vì thánh Giuse mạnh mẽ, gần gũi trong gia đình Thánh Gia. Người đã bảo vệ Thánh Gia cách vẹn toàn thế nào thì người cũng bảo vệ các gia đình và những ai kêu xin người cách mạnh mẽ như vậy.

GIUSE, NGƯỜI CÔNG CHÍNH BỊ BÁCH HẠI TRONG CỰU ƯỚC

Thực vậy, lòng sùng kính đối với thánh Giuse có những nền tảng sâu xa trong Thánh kinh. Câu nói thời danh của Pharaô: “Hãy đến cùng Giuse” (St 41,55), vào giai đoạn xứ Ai Cập phải chịu thất mùa bảy năm ròng rã quả là một sự kiện có tính cách tiên tri tiền báo trong lịch sử cứu độ. Giuse trong Cựu ước quả là một con người mạnh mẽ, khôn ngoan, vững vàng. Trong gia đình, ông là một người được cha già Giacóp yêu thương rất đặc biệt, một người con được sinh ra trong lúc tuổi già của ông. Cuộc đời của Giuse có một định mệnh thực phi thường được tiên báo qua những giấc mơ thời còn niên thiếu.

Những giấc mơ này quả thực là lạ lùng làm cho anh em trong nhà càng tức giận và cha già Giacóp phải trách mắng Giuse nhưng cũng làm cho cha già suy nghĩ cẩn thận và ghi nhớ. Làm sao mọi người trong gia đình, cả đến cha mẹ và anh em phải phục lạy người con út này sát đất. Cuộc đời lạ lùng của ông luôn là bài học về ơn quan phòng của Thiên Chúa dành cho những người biết tin tưởng phó thác đúng như những điềm mộng mà ông đã kể cho cha và anh em. Dù bị hại bởi những anh em ruột, rồi sau đó phải bị ngồi tù, ông càng chứng tỏ bản lãnh phi thường, vượt qua những thử thách để trở nên một người có địa vị cao cả tột bậc, cứu tinh của dân Ai Cập và cho cả gia đình của cha và các anh em. Ông đã tỏ ra là người đầy ơn Chúa đến độ những người chung quanh được Chúa chúc phúc nhờ sự hiện diện của ông. Ông trổi vượt về nhiều phương diện, khôn ngoan, tài trí, sáng suốt và mạnh mẽ đến độ chủ nhà giao cho ông công việc quản lý mọi việc trong nhà. Người chủ Ai Cập này nhận thấy rằng từ ngày Giuse làm việc thì gia đình ông nhận được nhiều ơn lành của Thiên Chúa Giavê: “Giavê ở với Giuse, và ông thật là người đắc thời. Chủ nghiệm thấy là có Giavê ở với ông, và mọi sự ông tra tay làm, Giavê đều cho được việc... Từ lúc chủ đặt ông làm quản gia nhà chủ, trên tất cả những gì chủ có, thì Giavê đã chúc lành cho nhà người Ai Cập, vì Giuse, phúc lành của Giavê đã đến cho tất cả những gì người ấy có, trong nhà cũng như ngoài đồng” (St 39,2-5). Giuse còn nổi bật về sự chiến đấu chống lại cám dỗ lỗi đức khiết tịnh do bà vợ của người chủ nhà, dù phải vì đó mà phải ngồi tù. Trong tù, ông lại nổi tiếng là người thông minh hiểu biết, giải thích được điềm mộng. Và sau cùng, do tài giải mộng, ông giải thích giấc mộng của chính nhà vua Pharaô, và vì thế được đặt làm quan đệ nhị của nước Ai Cập, chỉ sau Pharaô. Chính Pharaô trao mọi quyền bính cho Giuse: “Trẫm là Pharaô nhưng không có lệnh của khanh, không ai được cử tay động chân trong toàn cõi Ai Cập” (St 41,44). Công việc của ông là tích trữ lương thực trong những năm được mùa dành cho những năm mất mùa. Sau này khi nạn đói xảy ra, cả nước Ai Cập, cũng như những nước láng giềng và chính gia đình anh em và cha ông cũng phải chạy đến mua lương thực và nhờ sự giúp đỡ của Giuse.
 
GIUSE, CHA NUÔI CHÚA CỨU THẾ

Trong Tân Ước, Giuse được nhắc tới trong Phúc âm theo thánh Matthêu. Nhờ ông mà Chúa Cứu Thế được kể là thuộc dòng dõi Đavít, chi tộc Giuđa và ngược lên tới Abraham, bởi vì Giuse xuất thân từ dòng dõi Đavít, thuộc chi tộc Giuđa. Giuse là người đón nhận Đấng Cứu Thế mà Thiên Chúa đã hứa ban cho nhà Đavít, và cũng nhờ đó mà các lời hứa của Thiên Chúa cho Abraham được ứng nghiệm. Cách viết gia phả này của thánh Matthêu rất nhấn mạnh đến những con số 7 và 14 được tính theo 3 đợt các thời kỳ lịch sử của Israel, mỗi đợt là 2 lần 7. Con số 14 là tổng số tiếng Dawid theo giá trị số của chữ Híp-ri.

Câu chuyện của Phúc âm Matthêu còn rất nhấn mạnh đến hôn nhân của Giuse và Maria. Giuse được sứ thần báo tin trong giấc mộng để đón Maria về nhà mình và được mời gọi làm cha nuôi Chúa Cứu Thế: “Giuse, con của Đavít, chớ sợ lấy Maria vợ ông: thai sinh nơi bà là do tự Thánh Thần ; bà sẽ sinh con, và ông sẽ đặt tên cho người con là Giêsu” (Mt 1,20-21). Trong hôn nhân này, Giuse thực là chồng của Maria, ông là người được mời gọi lãnh nhận trách nhiệm bảo vệ Maria và bảo vệ người con mà Maria sinh ra, được trao danh dự đặt tên cho Hài Nhi Giêsu. Việc đặt tên này nhìn nhận thánh Giuse là cha theo pháp lý của Hài Nhi Giêsu. Phúc âm cũng nhấn mạnh sự can thiệp lạ lùng của Thiên Chúa trong việc Maria mang thai, trước khi hai ông bà chung sống. Như thế, Phúc âm Matthêu muốn nói Giuse thực là người chồng của Maria, và là người cha của Chúa Cứu Thế, mặc dù Chúa Cứu Thế có nguồn gốc thần linh, do bởi sự can thiệp phi thường của Thiên Chúa. Hai chiều kích tín lý về Kitô học rất quan trọng được nhấn mạnh là Chúa Cứu Thế là Thiên Chúa thực và là người thực. Là người thực sự, người thuộc về một gia đình nhân loại, được sinh hạ như một con người cũng như có người cha nhân loại và cắm rễ trong dòng tộc Giuđa bền vững. Phúc âm còn gợi lên chi tiết Giuse là người công chính, và có ý định rút lui đứng trước những gì xảy ra cho người bạn đời của mình là Maria, chứ không tố giác Maria chiếu theo luật. Thế nhưng, khi hiểu đây là thánh ý Chúa, ông đã sẵn sàng thực hiện theo chương trình của Thiên Chúa. Câu chuyện được kể đơn sơ khiến những nhà chú giải đã đưa nhiều giải thích. Chúng ta ghi nhận điều nổi bật của thánh Giuse là công chính nhưng không hình thức như những người Do Thái, ngài không tố giác Maria, tuy nhiên ngài cũng không thể tiếp tục chung sống với Maria vì như thế là lỗi luật. Chính khi băn khoăn và đang suy nghĩ, thì Giuse được ơn soi sáng và hiểu thánh ý Thiên Chúa và lời mời gọi của Thiên Chúa để cộng tác vào chương trình cứu độ. Nơi thánh Giuse, cũng như nơi Đức Maria, điều nổi bật nơi các ngài là việc sẵn lòng cộng tác thực sự trọn vẹn vào mầu nhiệm nhập thể cứu chuộc theo ơn gọi của mình. Ơn gọi của thánh Giuse là làm chồng của Maria và làm cha của Chúa Cứu Thế một cách trọn vẹn ý nghĩa của công việc được trao phó. Đó là công việc của một người chồng, cha, gia trưởng bảo vệ gia đình, bảo vệ “Hài Nhi và Mẹ Người” an toàn qua những cơn sóng gió.

Thánh Matthêu phác hoạ vinh quang Chúa Cứu Thế với ngôi sao lạ và việc viếng thăm của ba nhà đạo sĩ từ phương Đông, đồng thời cũng cho thấy sự cứng lòng của Hêrôđê và Giêrusalem, âm mưu thâm độc của Hêrôđê tìm giết Hài Nhi Giêsu. Trong những hoàn cảnh thực tế nhị và khó khăn, thánh Giuse chu toàn thực sự công việc của mình là bảo vệ gia đình của mình trong đó có “Hài Nhi và Mẹ người”. Trong việc phục vụ, Giuse đã tự xóa mình, khiêm tốn phục vụ để chu toàn thánh ý Chúa. Ông nhận Giêsu làm con của mình trong chính gia đình của mình và đã sống hết lòng phục vụ với trọn vẹn tình yêu. Hình ảnh nổi bật của thánh Giuse cũng như của Đức Maria là đời sống khôn ngoan, khiết tịnh trong gia thất như là dấu chỉ đời sống nội tâm của việc dấn thân hoàn toàn vào chương trình của Thiên Chúa. Một tình yêu hoàn toàn là dâng hiến, cho đi, xứng đáng với tình yêu của Thiên Chúa, và cũng có thể nói phản ánh được tình yêu của Thiên Chúa vốn luôn là tình yêu tuôn tràn trong lòng mầu nhiệm Ba ngôi vĩnh cửu. Khôn ngoan, khiết tịnh, mạnh mẽ là những đức tính của Giuse.

Cách viết của Phúc âm Matthêu trình bày niềm tin của Giáo hội sơ khai. Giáo hội tông truyền tin chắc chắn Đức Giêsu thực là người Con của Thiên Chúa, sinh bởi người mẹ đồng trinh do quyền phép Thánh Thần. Đồng thời Giáo hội cũng tin Đức Giêsu cũng là Con Đavít. Hai chiều kích tín lý mà chúng ta đã nói. Tước hiệu “Con Đavít” không phải chỉ tước hiệu vinh dự cho Chúa Kitô, nhưng chính Người thực sự thuộc về dòng tộc Đavít do bởi được sinh hạ, lớn lên trong gia đình của Giuse, một gia đình nhân loại với những thăng trầm vui buồn. Giuse thực sự là người cha của Chúa Cứu Thế, ông đặt tên cho Chúa Cứu Thế, bảo vệ gia đình này với người vợ và con thuộc về ông, mang tên do ông đặt. Hai điều được nhấn mạnh là sự can thiệp phi thường của Thiên Chúa và vai trò làm Cha Chúa Cứu Thế thực sự của Giuse. Làm cha để bao bọc chở che cho Chúa Cứu Thế. Như thế, Phúc âm trình bày sự khai mở của Thiên Chúa cũng như sự khai mở của con người, của những tâm hồn như Maria, Giuse.

Chính nhờ sự khai mở của Thiên Chúa mà tình yêu của Thiên Chúa tuôn trào vào thế giới con người chúng ta. Đồng thời cũng do chính sự khai mở tâm hồn của con người mà ân sủng của Thiên Chúa có thể hoạt động trong thế giới chúng ta. Phúc âm Matthêu cho thấy sự cao cả của sự dấn thân và công việc của thánh cả Giuse trong chương trình cứu chuộc. Giuse là người rất nhạy bén để hiểu chương trình của Thiên Chúa và cũng rất sẵn sàng để cộng tác vào chương trình này với một tình yêu toàn vẹn của chính mình. Ông được mời gọi từ bỏ sự công chính của mình để đón nhận sự công chính của Thiên Chúa, và khi ông đón nhận Maria thì ông được đón nhận, ông đóng một vai trò quan trọng trong mầu nhiệm nhập thể cứu độ của Con Thiên Chúa. Nhờ ông, Chúa Cứu Thế được gọi là Con Đavít, và lời hứa của Thiên Chúa với Abraham và dòng dõi ông được hoàn tất.

Phúc âm Matthêu còn trình bày sự kiện Thánh Gia thất lánh nạn sang Ai Cập với sự hướng dẫn nhanh nhẹn và mạnh mẽ của Giuse, thoát khỏi âm mưu tìm giết Hài Nhi Giêsu của Hêrôđê. Giuse trong Cựu ước đã là cứu tinh cho toàn thể Ai Cập cũng như cho gia đình cha và anh em, thì thánh Giuse đã cứu Maria và Chúa Cứu Thế khỏi bàn tay của Hêrôđê. Giuse đã nhanh nhẹn để hiểu và đón nhận thánh ý Thiên Chúa trong hôn nhân của mình thế nào thì ông cũng nhanh nhẹn hành động để đưa Thánh Gia qua Ai Cập như vậy. Hành trình qua Ai Cập cũng như hành trình từ Ai Cập trở về là hành trình và ơn gọi của Dân Israel. Gia đình Giacóp có thể qua Ai Cập tá túc sinh sống mới có thể thoát khỏi nạn đói là nhờ vào Giuse. Nhưng dân Israel được Thiên Chúa bảo vệ và gìn giữ để ra khỏi xứ Ai Cập mà lên đường tới đất hứa để thực hiện ơn gọi và vai trò riêng biệt của mình, thì Chúa Cứu Thế cũng trải qua hành trình Ai Cập như vậy. Trong hành trình này, dưới sự hướng dẫn của Giuse, Thánh Gia thất đã đến Ai Cập cũng như từ Ai Cập trở về bằng an, thoát khỏi âm mưu giết Hài Nhi Giêsu của Hêrôđê. Trong mọi tình huống, thánh Giuse hướng dẫn gia thất, bảo vệ “Hài Nhi và Mẹ người” cách bằng an.

LỜI KẾT

Giuse, hình ảnh của những con người mới. Như thế, trong phần đầu của Phúc âm, thánh Matthêu đã nói nhiều về thánh Giuse và qua hình ảnh Giuse cũng muốn nói đến những con người muốn trở nên công chính theo cái nhìn của Thiên Chúa. Mối bận tâm của những người Do Thái là được kể là công chính trước mặt Thiên Chúa, và theo quan niệm của họ, người công chính là người chu toàn lề luật vẹn toàn. Sự giằng co giữa sự công chính theo lề luật và sự công chính mới theo Tin Mừng là điều được đặt ra cho những người Do Thái, cũng như cho mọi người, cho nhân loại nói chung.

Nếu Tin Mừng là giáo lý mới, phải chăng lề luật không còn hiệu lực gì ? Những giá trị ngàn đời của cha ông lưu truyền lại cho con cháu phải chăng không còn giá trị gì ? Nói rộng hơn, những giá trị khác của con người mà con người xây dựng phải chăng không có giá trị ? Thánh Giuse là hình ảnh của con người Do Thái giáo cũng như là hình ảnh của con người nói chung, được mời gọi đón nhận những luồng gió mới của ân sủng Thánh Thần để hoàn tất chính mình. Những tình huống mới mẻ đầy sức sống của can thiệp của Thiên Chúa đến không phải để loại trừ hay hủy bỏ những giá trị ngàn đời của con người, nhưng chính là để làm cho hoàn tất. Con người không thể hoàn tất chính mình với lề luật, dù là do Chúa ban, cũng như những giá trị khác của con người, nhưng còn bởi chính Con Thiên Chúa, hồng ân và quà tặng mới của Thiên Chúa, đến để hoàn tất những cố gắng của con người. Giuse biết từ bỏ chính mình, từ bỏ những dự định của mình thì ông được đón nhận vào trong chương trình của Thiên Chúa. Và chỉ có trong chương trình đó, những tài năng và công việc của ông mới thực sự phát huy trọn vẹn. Nói cách khác, nếu con người dám từ bỏ những dự định riêng tư của mình, những xây dựng của mình để đón nhận chương trình và công việc của Thiên Chúa thì con người sẽ được đón nhận vào trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Trong chương trình đó, mọi giá trị của con người được phát huy trọn vẹn. Thánh Giuse được mời gọi đón nhận Maria, và qua đó đón nhận Hài Nhi Giêsu. Như thế, ông cùng cộng tác trong một chương trình của Thiên Chúa với Maria và nhờ đó mà ơn gọi của Maria cũng được hoàn tất và công trình cứu chuộc của Thiên Chúa được thực hiện cho con người. Tội lỗi, sự kiêu căng của con người chống lại Thiên Chúa, qua hình ảnh cặp vợ chồng đầu tiên ở địa đàng đã làm đổ vỡ mọi tương quan của con người với nhau cũng như với thiên nhiên và với Thiên Chúa thế nào thì sự dấn thân chấp nhận chương trình của Thiên Chúa và đón nhận người nữ bạn đời của mình là điều kiện để xây dựng lại mọi tương quan giữa con người với nhau, với thiên nhiên và với Thiên Chúa như vậy. Sự hoàn tất mà Thiên Chúa thực hiện là sự hoàn tất trọn vẹn, triệt để bao hàm toàn vẹn mọi con người, chứ không chỉ theo cái nhìn hạn hẹp của những suy nghĩ riêng của mỗi người.

Tuy nhiên, sự hoàn tất đó cần sự cộng tác của mỗi người, của Maria để làm mẹ Hài Nhi Giêsu mà còn cần cả sự cộng tác của Giuse, tức của những con người khác nữa. Maria không thể một mình làm mẹ Chúa Cứu Thế mà Maria cần Giuse, cũng như Giuse không thể một mình để có thể bảo vệ sự công chính của mình nhưng Giuse được mời gọi đón nhận Maria. Khi đón nhận Maria thì ông đón nhận được Đấng Cứu Thế, và Đấng Cứu Thế cũng nhờ ông mà được nhìn nhận như là một phần tử trong gia đình nhân loại.

Giáo hội được mời gọi đến chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu, Đức Maria đồng thời cũng chiêm ngắm Giuse, con người mới của nhân loại. Phúc Âm Luca giới thiệu nhiều về Đức Maria thì Phúc Âm Mátthêu giới thiệu thánh Giuse. Thánh Giuse là gương mẫu và nơi nương tựa của mọi gia đình. Là gương mẫu của những gia trưởng trong gia đình với sự khôn ngoan sáng suốt mạnh mẽ cũng như tình yêu chân thành, một con người sẵn sàng dấn thân vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa, là nơi nương tựa của mọi gia đình vì ơn gọi của thánh Giuse là che chở, bảo vệ gia đình. Lòng sùng kính của Giáo hội, cũng như của người tín hữu công giáo Việt Nam, cách riêng của các gia đình công giáo đối với thánh Giuse là linh đạo thích hợp giúp cho người tín hữu cũng như các gia đình công giáo được gìn giữ luôn trong đời sống ân sủng cũng như những nhu cầu vật chất, được bảo vệ bởi những ơn lành siêu nhiên và cả những nhu cầu vật chất cần thiết mà các gia đình luôn cần đến.
114.864864865135.135135135250