18/02/2015 -

Mục vụ

3527
Tết là những ngày lễ rất quan trọng, đặc biệt đối với người Việt Nam. Trong những ngày này, người ta thăm viếng, tưởng nhớ đến nhau và cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp. Những câu chúc quen thuộc luôn ở trên môi và đầu lưỡi của mọi người lớn bé già trẻ. Gần đây xuất hiện một cụm từ mới gọi là Văn Hóa Tết để nói về những điều đó.

Ngoài tinh thần Văn Hóa Tết của phần chung đồng bào, Người Công Giáo lại còn có những Ngày Lễ Tết : Lễ Giao Thừa, Lễ Minh Niên, Lễ Cầu Cho Tổ Tiên, Lễ Thánh Hóa Công Ăn Việc Làm. Mỗi lễ một ý nghĩa. Lễ Giao Thừa có những lời cầu phúc riêng trong đó. Những lời người ta chúc cho nhau trong Ba Ngày Tết là những lời chúc theo lối dân gian, còn lời cầu phúc trong Đêm Lễ Giao Thừa đúng là những lời cầu để mà chúc. Người tin Chúa cầu phúc cho người thân thay vì chỉ chúc phúc. Lời chúc tự nó đã đẹp rồi, nay thêm lời cầu nữa, chắc hy vọng sẽ có kết quả thiết thực hơn, do lòng tin của người cầu và sức mạnh cùng quyền năng của Đấng được cầu xin.

Đây là những lời cầu phúc trong Đêm Lễ Giao Thừa mà chủ điểm là cầu bình an và xin ơn hạnh phúc.

Thật vậy, Đức Chúa bảo ông Mô-sê nói với ông Áp-ra-ham và các con của ông này rằng khi chúc lành cho con cái của Ít-ra-en thì hãy nói thế này: “Nguyện Thiên Chúa chúc lành và gìn giữ anh chị em! Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh chị em và rủ lòng thương anh chị em! Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh chị em.”

Qua câu cuối cùng này, bình an là một ơn huệ. Vì là ơn huệ nên phải cầu, phải xin mới được. Xin Chúa chúc lành và gìn giữ chúng ta. Chúng ta cần được Chúa chúc lành và gìn giữ thì mới được bình an. Chúa chúc lành là Chúa ban ơn phúc, Chúa gìn giữ là Chúa bảo vệ, rồi Chúa lại “tươi nét mặt nhìn đến và rủ lòng thương”

Như vậy, bình an là một bước đường qua hai giai đoạn: giai đoạn thứ nhất là được Chúa chúc lành và gìn giữ ; giai đoạn thứ hai là được Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an. Thánh Âu-tinh đã tạo điều kiện cho chúng ta đón nhận và sống trong bình an, khi đưa ra một câu định nghĩa chí lý về bình an: “Bình an là sự ổn định của trật tự”. (Pax, tranquillitas ordinis): trật tự giữa ta với Chúa, giữa ta với tha nhân và giữa ta với ta. Trật tự giữa ta với Chúa là khi chúng ta ở trong tình trạng ơn nghĩa, trật tự giữa chúng ta với tha nhân là khi chúng ta giữ đức công bình, tôn trọng danh dự và quyền lợi của người ta, còn trật tự với chình mình là khi chúng ta điều khiển được mình, không để cho mình buông theo những dục vọng bất chính hay sống một đời vô tổ chức, không nguyên tắc, không đường lối, không lý tưởng. Trong Thánh Lễ Giao Thừa, chúng ta cầu xin cho được sự bình an đó.

Sau bài Sách Dân Số nói về sự bình an thì tới Bài Tin Mừng nói đến Các Mối Phúc Thật. Thường thì ai cũng thích được hạnh phúc và hạnh phúc thông thường thôi, chứ không phải hạnh phúc đích thật như trong Bài Giảng Trên Núi. Hạnh phúc này đối với phần đông là xa xôi, viển vông và xem ra không thực tế một chút nào. Ở đời, mấy ai cho nghèo khổ, bị ngược đãi là phúc. Thế mà Đức Giê-su lại rao giảng và cho những điều đó là phúc mà lại là phúc thật ! Vậy cần phải hiểu chữ phúc ở đây theo lời dạy của Chúa.

Trước hết, Chúa nói đến phúc của những người có tâm hồn nghèo khó. Những người này không phải là những người nghèo khổ túng đói mà là những người đơn sơ, nghèo nàn mà không cùng khổ, nhưng khiêm tốn và biết trông cậy vào Chúa, biết giải gỡ lòng mình cho khỏi những sự ham mê tiền tài vật chất một cách quá đáng đến nỗi quên cả luân thường đạo lý. Người có tinh thần nghèo khó là người biết dùng của cải một cách hợp lý, không để cho tiến tài mê hoặc lòng mình mà làm những điều thất nhân thất đức. Người có tinh thần nghèo khó là người như vậy, chứ không phải người lang thang cùng khổ ở đầu đường, xó chợ. Những người như thế là nạn nhân của sự nghèo đói, là sự thất bại của một xã hội kém tổ chức và vụng điều hành, là một cái nạn trong xã hội mà những người cầm quyền trị nước và những nhà hoạt động chính trị theo đúng nghĩa có bổn phận phải lo giải quyết.

Thánh Tô-ma A-qui-nô cũng nói: “Phải có một chút dễ chịu tối thiểu để thực hành nhân đức.” (Il faut un minimum de bien- être pour pratiquer la vertu) Như thế có nghĩa là nếu nghèo khổ cùng cực quá đáng thì cũng khó thực hành nhân đức. Vậy, sống nghèo nhưng là nghèo theo tinh thần Tám Mối Phúc Thật. Do đó, Chúa nhằm tới tinh thần và tấm lòng nhiều hơn.

Rồi Chúa lại cho những người sầu khổ là may lành hạnh phúc. Thường mất nhà mất của, mất công ăn việc làm, bị lường gạt, ốm đau, buôn thua bán lỗ là người ta buồn. Bây giờ bảo những người như thế là có phúc thì thật là ngược đời. Nhưng người sầu khổ ở đây không phải là những người đó, mà là những người lo buồn vì tội lỗi của mình, thấy mình bất trung, tinh thần bạc nhược, muốn vươn lên nhưng không có sức. Họ cảm thấy mình thiếu vắng nghị lực và sức sống tinh thần. Vì vậy, họ buồn sầu khổ sở và ao ước thoát khỏi tình trạng này để được nên thân tình với Chúa. Ngoài ra, Chúa còn cho những người hiền lành, khát khao sự công chính, xót thương người và có lòng trong sạch cũng như những người bị ngược đãi vì chính đạo là có phúc. Những điều này dễ hiểu hơn và tương đối cũng ít gây ra thắc mắc. Nhưng dù sao vẫn là những điều khó hiểu và khó chấp nhận đối với phần đông loài người. Vì thế, Chúa mới nói trong Tin Mừng: “Ai có tai thì nghe.” (Mt 11,15; Mc 4,9 ; Lc 8,8) Chúng ta có tai nhưng không biết đã nghe chưa. Vậy xin Chúa cho chúng ta biết nghe và hiểu được lời của Chúa để thực hành trong đời sống mỗi ngày.

Trong Thánh Lễ Giao Thừa, các tín hữu đã dựa vào các Bài Sách Thánh để suy nghĩ về Sự Bình An và những Mối Phúc Thật. Người Công Giáo đi lễ trong Đêm Giao Thừa cũng là để cầu nguyện cho được bình an và hạnh phúc trong Năm Mới, đồng thời cầu xin cho ông bà cha mẹ, anh em, chú bác cô dì và bạn bè thân hữu, có được những những điều người ta cầu chúc, nhờ tình thương và sức mạnh của Chúa trong Những Ngày Đầu Năm Mới này. Ước mong được như vậy.

Lm. Anrê Đỗ Xuân Quế, OP.

114.864864865135.135135135250