01/02/2015 -

Mục vụ

2181
Truyền giáo là ơn gọi và là bổn phận chính yếu của Giáo Hội. Là phản ảnh của Giáo Hội hoàn vũ, cộng đoàn giáo xứ cũng liên đới trong công cuộc loan báo Tin Mừng cho muôn dân. Quả vậy, trong tông huấn Niềm vui Tin Mừng, Đức thánh cha Phan-xi-cô viết: “Giáo xứ là sự hiện diện của Hội thánh tại một địa phương nhất định, một môi trường để nghe Lời Chúa, để tăng trưởng đời sống Ki-tô hữu, để đối thoại, rao giảng, làm việc bác ái, thờ phượng và mừng lễ. Giáo xứ là cộng đoàn của các cộng đoàn, một thánh điện để những người khát nước đến uống nước dọc đường, và một trung tâm thường xuyên vươn ra truyền giáo.”[1]

1. Vì sao phải loan báo Tin Mừng?

Loan báo Tin Mừng là một lời mời gọi của Thiên Chúa. Ngay từ đầu, Chúa Giê-su “đã mời gọi những kẻ Người muốn để họ ở với Người và để Người sai họ đi rao giảng.”[2] “Được sai đi” không chỉ là ơn gọi của các tông đồ xưa mà còn là ơn gọi của mỗi chúng ta ngày nay.

Không những là một ơn gọi, rao giảng Tin Mừng cho tha nhân còn là một sứ mạng, một trách nhiệm. Trước khi về trời, Đức Giê-su đã dạy: “Các con hãy đi dạy dỗ muôn dân, rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ tất cả những điều Thầy đã dạy các con”[3]{C} và “Các con hãy đi khắp thế gian loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.”[4]

Thiên Chúa, Đấng nhân lành đã “muốn mọi người được cứu rỗi và nhận biết chân lý”[5] cho nên Ngài chẳng ngại hy sinh Con Một làm giá chuộc muôn dân, và Ngài cũng ước mong chúng ta cùng cộng tác trong chương trình này. Đáp lại lời mời gọi đó, cách riêng, tại Việt Nam chúng ta từng đoàn người đã anh dũng tiến lên pháp trường, chịu chết để làm chứng cho Tin Mừng.

2. Loan báo Tin Mừng như thế nào?

Chúng ta không thể cho điều mà chúng ta không có. Bởi vậy, để đem Lời, một tin vui, đến cho tha nhân, trước hết, chúng ta phải nhìn lại chính mình, phải hoán cải. Hay nói đúng hơn, chúng ta phải lắng nghe và đón nhận Lời Chúa. Tác giả Thánh vịnh đã nói: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi.”[6] Bước trong ánh sáng của Lời Chúa thì chúng ta không sợ bị lầm đường lạc lối.

Lắng nghe Lời Chúa không chỉ là mở cuốn Kinh thánh và đọc mà còn là sự khiêm nhường đón nhận Thánh ý qua tha nhân. Muốn vậy, mỗi chúng ta phải có một tinh thần rộng mở. Tinh thần này thể hiện ở việc sẵn sàng đối thoại với những thành viên trong cùng cộng đoàn giáo xứ hay với các tôn giáo khác. Đó chính là tinh thần sống cùng và sống với nhau. Đức Giê-su là một mẫu gương sáng ngời về điều này. Ngài là con Thiên Chúa, ở một địa vị cao sang nhưng Ngài đã từ bỏ để nhập thể sống như người phàm, ngoại trừ tội lỗi.[7]{C} Có như vậy chúng ta mới có thể “vui với người vui, khóc với người khóc”{C}[8] như lời của thánh Phao-lô tông đồ.

Và cuối cùng, loan báo Tin Mừng là sống chứng nhân giữa đời. Trong thông điệp Loan báo Tin Mừng, Đức thánh cha Phao-lô VI đã để lại cho chúng ta một phương châm trong công cuộc rao truyền Tin Mừng: “Người thời nay sẵn sàng nghe những chứng nhân hơn là thầy dạy và người ta có nghe theo thầy dạy là vì thầy dạy cũng là chứng nhân.”[9]

Nhưng làm chứng bằng cách nào? Thánh Công đồng dạy rằng: “Để có thể làm chứng cho Chúa Ki-tô cách hữu hiệu, mỗi chúng ta phải tìm đến mọi người chung quanh với thái độ tôn trọng và yêu thương, phải ý thức về tư cách là thành viên của cộng đồng đang chung sống, tham gia đời sống văn hóa, xã hội qua những giao tiếp và hoạt động nhân văn.”[10] Chúng ta làm sao có thể đối thoại, làm sao có thể làm chứng cho Thiên Chúa trước tha nhân nếu như chúng ta không thực sự tôn trọng và yêu thương họ? Quả vậy, sự hiện diện của cộng đồng giáo xứ phải được tác động bằng chính tình yêu của Thiên Chúa, Đấng luôn yêu thương chúng ta và muốn chúng ta cũng biết yêu thương nhau.

Dụ ngôn người Sa-ma-ri nhân hậumang đến cho chúng ta tiêu chuẩn để đo lường lòng bác ái, yêu thương. Tiêu chuẩn đó chính là bất cứ ai cần đến tôi và tôi có thể giúp họ, đều là người thân cận của tôi. Đây chính là thước đo tình yêu của người Ki-tô hữu. Giới răn yêu thương phải vượt qua ranh giới địa lý, vùng miền, tôn giáo. Yêu thương tất cả mọi người, bất kể người đó là ai, thuộc tôn giáo nào, thậm chí yêu thương cả kẻ thù.

Tạm kết

Là một phản ảnh của Giáo Hội cho nên mỗi cộng đoàn giáo xứ cũng như Giáo Hội mẹ phải loan báo Tin Mừng cho muôn dân để mọi người được cứu rỗi và được nhận biết chân lý. Đây không những là một trách nhiệm mà còn là một lời mời gọi của Thiên Chúa. Ước mong sao mỗi thành viên trong gia đình giáo dân Ma Minh cùng hiệp nhau góp sức xây dựng cộng đoàn giáo xứ mình đang sinh sống xứng đáng là cộng đoàn môn đệ của Chúa.
 
Giuse Trần

[1] Đức thánh cha Phan-xi-cô, Tông huấn Niềm vui Tin Mừng (2013), số 28.
[2] Mc 3, 13.
[3] Mt 28, 19-20.
[4] Mc 16, 15.
[5] 1Tm 2, 4.
[6] Tv 118, 105.
[7] x. Pl 2, 6-7.
[8] Rm 12, 15.
[9]{C} Đức thánh cha Phao-lô VI, Thông điệp Loan báo Tin Mừng, số 41.
[10] Vatican II, Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo hội (1965), số 11.
[11] x. Ga 4, 11.
[12] x. Lc 10, 25-27.
[13] x. Mt 5, 44.
[14] x.Ga 13, 35.

114.864864865135.135135135250