09/08/2010 -

Linh đạo Đa Minh

420
 

 
 

 
CHƯƠNG III
 

Linh Đạo Thánh CATARINA

 

 
Nt. Maria Đinh Thị Sáng, op
 

Lm. Giuse Phan Tấn Thành, op

 

IV. CÂY ĐỨC ÁI

 
 

Sau khi đã đặt xong nền tảng của đường tu đức – dựa trên sự ‘biết mình’ và ‘biết Chúa’ - , giờ đây chúng ta sẽ đi sâu hơn vào hành trình để đạt tới đời sống trọn lành ấy. Catarina dùng hình ảnh Cây Đức Ai để mô tả sự phong phú của các nhân đức.

 
 

A. HÌNH ẢNH CÂY ĐỨC ÁI

 
 

Để mô tả vẻ đẹp của đời sống trọn lành, thánh Catarina dùng tới hình ảnh của một cây với hoa trái xum xê của các nhân đức, được trình bày trong các chương 9-11 và 44 của sách Đối Thoại. Linh hồn con người giống như Cây Đức ái (yêu thương). Cây là hình ảnh rất cổ điển và phổ biến, được sử dụng nhiều trong văn chương tôn giáo từ rất lâu (ví dụ : cây biết lành biết dữ trong vườn địa đàng)[1]. Catarina rất quý hình ảnh này. Đức bác ái là nòng cốt của tất cả mọi nhân đức khác bởi vì các nhân đức đều có thể tóm lại trong tâm tình căn bản mà Chúa đòi hỏi nơi ta, đó là "yêu mến" (x. ĐT. 55; tr. 111). Bác ái là nhân đức trọn hảo hơn cả bởi vì nó đưa ta lại sát gần Chúa, kết hợp ta với Chúa. Đức ái là “mẹ” của các nhân đức : cưu mang các nhân đức chân thật (x. ĐT. 61; tr. 120); đem lại sức sống cho mọi nhân đức (x. ĐT. 4; tr. 7[2]; ĐT. 7; tr. 14[3]; ĐT. 11; tr. 23). Các nhân đức khác được đặt nền trên đức ái (x. ĐT. 61; tr. 120). Tuy nhiên đức ái cũng cần được trang điểm các nhân đức khác như : khiêm nhường, biện phân, kiên nhẫn. Trong các nhân đức này, chúng ta sẽ tìm hiểu đức biện phân cách đặc biệt  trước khi đi tới chóp đỉnh của Cây Đức Ái.

 
 

1. Đức Biện Phân

 
 

Biện phân là một nhân đức rất được Catarina ưa chuộng. Từ ngữ này (trong nguyên bản tiếng Ý là  discrezione) theo nghĩa thông thường chỉ có nghĩa là “tính thận trọng, tính kín đáo; hay là sự quyết đoán”, nhưng trong ngôn ngữ của Catarina, từ discrezione mang một nghĩa chuyên biệt, được định nghĩa như sau:

 
 

"Ơn thông hiểu[4] (bản Việt ngữ dịch từ tiếng Pháp discretion) không gì khác là sự biết phân biệt linh hồn cần phải có để nhận thức đúng về mình và về Cha; nhờ chính sự nhận biết này mà linh hồn biết được nguồn gốc của mình" (ĐT. 9; tr. 18-19).

 
 

Theo giáo sư Giuliana Cavallini[5] nghiên cứu về các tác phẩm và học thuyết của Catarina, discrezione trong ngôn ngữ của thánh nữ có nghĩa là sự biện phân (discernimento); là biết nhìn, phân biệt và phán đoán những giá trị. Nhân đức này được Catarina mến chuộng cách đặc biệt, nhiều lần giới thiệu và triển khai từ ngữ này trong học thuyết của mình. Đức biện phân giúp cho ta biết giữ gìn mực thước trong việc thực hành các nhân đức. Gốc rễ của sự biện phân là sự nhận biết đúng về mình và về Cha là Đấng nhân lành vô cùng, biết “trả cho mỗi người cái gì thuộc về họ”. Như vậy, nó không chỉ dừng lại trên bình diện tri thức và tâm lý mà thôi, nhưng còn sống, hành động hoà hợp với sự nhận biết đó.

 
 

Nhưng phải trả cái gì và cho ai ? Có ba đối tượng phải trả : đối với Chúa, phải ca ngợi và tôn vinh Ngài; đối với bản thân, phải nhận thức được cách xác đáng những khuyết điểm của mình và nếu là sự tốt lành thì cũng phải biết đền đáp hồng ân Chúa; còn đối với tha nhân, phải biết yêu thương họ. Đi đôi với tình yêu còn có nhiều điều khác như : cầu nguyện, làm gương lành, ban lời khuyên, giúp đỡ … Biện phân là nhận biết và thực hiện luật yêu thương, luật chung mà Thiên Chúa đã đặt để trong mỗi con người và trong xã hội nhân loại. Biện phân, bác ái và khiêm nhường là ba nhân đức luôn liên kết với nhau; không thể tách nhân đức này ra khỏi nhân đức kia.

 
 

2. Tương quan giữa các nhân đức

 
 

Cây Đức Ai hay yêu thương là hình ảnh của linh hồn con người cắm rễ sâu trong mảnh đất khiêm nhường. Nếu cây không ở trong lòng đất nó sẽ bị khô héo và chết đi.

 
 

Đất khiêm nhường được khoanh vùng trong một diện tích vòng tròn “biết Chúa và biết mình”. Vòng tròn càng rộng bao nhiêu, và sự hiểu biết về thân phận của chúng ta là hư không, còn Chúa là tất cả càng nhiều bao nhiêu, thì diện tích đất nuôi dưỡng linh hồn càng rộng bấy nhiêu. Đối với Catarina, khiêm nhường là hệ luận của cái biết sự thật, và cái biết này thì vô biên, bởi vì biết có đối tượng là chính Chúa, Đấng không có khởi đầu và kết thúc. Giờ đây Cây yêu thương được trồng trong mảnh đất khiêm nhường, trong vòng tròn của sự nhận biết Chúa và chính mình. Nó lớn lên, phát triển, đâm cành và nở hoa. Nó sinh ra một mầm cây ở bên cạnh; mầm cây ấy chính là đức biện phân. Nhựa sống của cây là đức nhẫn nại được cắm sâu trong đức khiêm nhường, và khiêm nhường là vú nuôi của đức ái, bởi vì đức ái đến từ đức khiêm nhường, là chính sự thật. Cây tình yêu này có hoa và có trái. Nó dâng lên Chúa những bông hoa ca ngợi và tôn vinh. Trái thì dành cho tha nhân bởi vì con người không sống bằng hoa mà bằng trái của những điều tốt đẹp chúng ta làm cho tha nhân.

 
 

Nếu mọi sự ở trong trật tự như vậy thì Cây Đức Ai sẽ tốt đẹp. Nhưng nếu cây không được đặt trong sự biện phân thì mọi sự sẽ xảy ra ngược lại. Nếu cây không được trồng trong đất khiêm nhường mà trong sự kiên ngạo nó sẽ thành cây nghịch lại với cây yêu thương, nó không tôn vinh Chúa mà tôn vinh chính mình (x. ĐT. 31; tr. 62). Cây ấy được nuôi dưỡng bởi sự “yêu mình”; những con sâu quảng của lương tâm bị cắn rứt dần dần đưa cây ấy đến chỗ chết (x. ĐT. 31; tr. 62). Nhựa sống của cây không còn là đức nhẫn nại mà là sự bất nhẫn và không đâm nhánh biện phân hay khôn ngoan, nghĩa là tâm trí trở nên đần độn, mù quáng.

 
 

Như vậy, ơn biện phân rất quan trọng, nó đối nghịch với sự mù quáng, đần độn. Sự mù quáng làm cho cây trở thành cây của sự chết. Cây dẫn tới sự chết không phải là những cây khô; chúng cũng sinh trái nhưng là những trái độc, còn lá cây thì hư hoại và héo tàn. Hoa trái của cây chết có bốn loại chính được phân làm hai lãnh vực vật chất và tinh thần : sự ô uế làm cho con người thành thực phẩm cho súc vật (x. ĐT. 32; tr. 63); sự tham lam hà tiện khiến cho nó bám chặt lấy đất đen giống như con chuột chũi sống dưới hầm đất và ăn đất (x. ĐT. 33; tr. 63); sự kiêu hãnh ngẩng cao đầu vì quyền cao chức trọng cho nên phạm tội bất chính đối với Thiên Chúa và bất công đối với tha nhân và bản thân mình (x. ĐT. 34; 65); phán đoán sai lầm về công việc của Thiên Chúa và đường lối của Người (x. ĐT. 35; tr. 66).

 
 

B. ĐỨC ÁI LÀ GÌ ?

 
 

Trong hai bức tâm thư, Catarina định nghĩa đức ái dựa vào đạo lý của thánh Phaolô để nhấn mạnh đến vai trò của nó trong đời sống thiêng liêng của người Kitô hữu.

 
 

“Đức bác ái là sợi dây êm dịu và thánh thiện ràng buộc linh hồn với Chúa : trói buộc con người với Chúa và trói buộc Chúa với con người” (T. 7)

 
 

“Đức bác ái là tình yêu khôn tả mà con người đã lãnh nhận từ Đấng Tạo Hoá, với tất cả tâm tình và sức lực” (T. 113)

 
 

Qua hai câu nói điển hình trên, Catarina muốn nói đến nguồn gốc của đức bác ái là Thiên Chúa với hai chiều kích là Thiên Chúa và con người.

 
 

1. Đức ái : mến Chúa

 
 

Nguồn gốc của đức ái chính là Thiên Chúa ; chính Ngài nhen nhúm lửa tình yêu thiêu đốt tâm hồn chúng ta, để làm say mê trái tim và tinh thần ta (x. ĐT. 84; tr. 174). Tuy nhiên về phần chúng ta, cần phải có sự đóng góp trong việc phát sinh và tăng cường lòng mến Chúa. Chúng ta phải biết khao khát yêu mến Chúa và nhận biết tình yêu của Ngài. Chúng ta phải nhận biết tình yêu của Ngài : Ngài đã yêu thương chúng ta trước khi chưa dựng nên chúng ta, và do tình yêu mà Ngài đã sáng tạo chúng ta theo hình ảnh của Ngài (x. ĐT. 89; tr. 187).

 
 

Do đó trong con đường yêu mến Chúa, Catarina dành một chỗ quan trọng cho sự hiểu biết : “sự hiểu biết phát sinh tình yêu” (ĐT. 1; tr. 1); “ai càng biết nhiều thì càng yêu nhiều” (ĐT. 131; tr. 320). Dĩ nhiên ở đây sự “biết” không phải là tác động của trí tuệ, nhưng là tác động của đức tin. Ngoài ra, việc “biết mình biết Chúa” không chỉ có tính cách trừu tượng, nhưng con có tính cách thực tiễn. Sự “biết mình” dẫn đến sự “ghét mình” như chúng ta đã trình bày.

 
 

2. Đức ái : yêu người

 
 

Lòng yêu thương tha nhân không phải là một thứ tình yêu khác với tình yêu Chúa nhưng cả hai bắt nguồn từ Thiên Chúa và chỉ là một (x. ĐT. 7; tr. 14tt), tuy diễn tả ra những hành vi khác nhau : tình yêu dành cho Chúa được phát biểu qua việc thờ lạy, ngợi khen, khao khát kết hiệp … còn tình yêu dành cho tha nhân được diễn tả qua các việc giúp đỡ họ. Giữa hai chiều hướng của một mối tình, Catarina đã vạch ra mối tương quan như sau : tình yêu dành cho tha nhân là một bằng chứng ta muốn đáp trả lại tình yêu Chúa. Thánh nữ nhấn mạnh rất nhiều về sự bất khả phân ly giữa tình yêu đối với tha nhân và tình yêu đối với Thiên Chúa (x. ĐT. 17; tr. 37)[6]. Thực vậy Catarina nói đến ba động lực chính của tình yêu dành cho tha nhân :

 
 

1/ Chúng ta không thể làm ích cho Thiên Chúa được, nên chỉ có thể làm ích cho tha nhân. Đây là một tư tưởng Catarina đề cập nhiều lần trong các bức tâm thư (x. T. 8. 50. 51. 103. 113. 151. 203. 226. 254…). Chúng ta còn mắc nợ tình yêu của Chúa quá nhiều đến nỗi chẳng làm gì đáp trả lại được (x. ĐT. 89; tr. 187). Càng mến Chúa thì càng yêu tha nhân nhiều hơn (x. ĐT. 7; tr. 14). Chúng ta yêu tha nhân bởi vì chính Chúa yêu mến họ trước (x. ĐT. 89; tr. 187).

 
 

2/ Chúa đã ban phát các hồng ân cho mỗi người một cách khác nhau. Chúa muốn cho chúng ta cần đến nhau, cần thực hiện bác ái đối với nhau cho nên Ngài đã ban cho mỗi người những hồng ân vật chất và tinh thần khác nhau, mỗi người một tài năng riêng biệt, đến nỗi không ai có thể tự hào là có tất cả mọi ân huệ hoặc có tất cả một cách toàn vẹn (x. ĐT. 7; tr. 15-16; ĐT. 148; tr. 388).

 
 

3/ Mọi nhân đức (cũng như các tật xấu) được thực hiện thông qua tha nhân (x. ĐT. 6; tr. 11-13; ĐT. 89; tr. 186). Đây là một quan điểm khá độc đáo của Catarina, nhằm đề cao ảnh hưởng xã hội của các hành vi tốt xấu của chúng ta, dù đó là hành vi thầm kín riêng tư trong tư tưởng hay hành động (x. ĐT. 6; tr. 12).

 
 

- Điều gì tốt mà ta làm, dù cho mình hay cho người khác, đều là điều tốt hay xấu đối với cộng đồng thế giới, do định luật liên đới : bởi vì mọi hành vi tốt hay xấu mà ta làm đều tăng gia hay giảm bớt lòng yêu mến Chúa, nguồn gốc của sự thiện (x. ĐT. 6; tr. 1tt).

 
 

- Khi ta làm bất cứ điều gì xấu (hành vi thiếu bác ái), thì hoặc là ta đã làm hại cho mình, tức là “tha nhân chính” (theo ý Catarina bản thân mình là tha nhân chính : ĐT. 6; tr. 12); hoặc là làm hại cho tha nhân vì những hành vi bất công; hoặc là làm mất giá trị công đức siêu nhiêu cho mình hoặc cho người khác (x. ĐT. 145; tr. 377). Mọi điều xấu ta làm vì ích kỷ và tìm vui thích, buông theo sự “yêu mình”, nó sẽ sinh ra các tội khác nghịch với tha nhân (x. ĐT. 6; tr. 12)

 
 

Do đó không ai nên thánh hay xuống hoả ngục một mình, nhưng họ sẽ lôi kéo nhiều người khác theo nữa.

 
 

Tóm lại “mến Chúa và yêu người” có liên quan với nhau rất chặt chẽ : Chính tình yêu mà Chúa tuôn đổ trên chúng ta mang lại động lực và sức mạnh để chúng ta có khả năng yêu thương tha nhân. Đối lại, tình yêu chúng ta dành cho tha nhân chứng tỏ ta yêu mến Chúa thực, xét vì nó là một cách đền đáp lại tình yêu của Chúa và đem chúng ta đến gần Ngài hơn nữa. Nói cách khác, tình yêu đối với tha nhân là phương thế đưa chúng ta tiến lên trên đường hoàn thiện.

 
 

Catarina có một vài câu nói độc đáo diễn tả mối liên hệ giữa mến Chúa và yêu người trong các Tâm thư như sau :

 

  •  
     

    “Trong Chúa các nhân đức nảy mầm; trong tha nhân chúng sinh hoa kết quả” (T. 50 và 104)


  •  
     

    “Danh dự dành cho Chúa vất vả cho tha nhân” (T. 104 và 164)


  •  
     

    “Chúng ta biết yêu tha nhân nhờ sự hoàn thiện mà ta yêu Chúa” (T. 263)



  •  
 
 

C. NHÂN ĐỨC VÀ NẾT XẤU

 
 

Catarina nói nhiều đến các nhân đức rải rác trong sách Đối Thoại (vâng lời, bền chí, mạnh bạo, biết ơn …). Tuy nhiên thánh nữ không quên các nết xấu mà chúng ta luôn luôn phải chống trả, ngõ hầu có thể bảo vệ và phát triển các nhân đức.

 
 

1. Đời sống thiêng liêng là một cuộc giao tranh trường kỳ giữa các lực lượng tương phản :

 
 

- Tương phản giữa Đức Kitô và ma quỷ : một bên mời gọi đến nước hằng sống (x. ĐT. 53; tr. 106-107), bên kia mời gọi ta đến dòng sông của sự chết (x. ĐT. 42; tr. 81; ĐT. 48; tr. 98); một bên là sự thật, bên kia là dối trá (x. ĐT. 27; tr. 54; ĐT. 42; tr. 81);

 
 

- Tương phản giữa bác ái, mẹ các nhân đức, với “yêu mình”, nền tảng mọi sự dữ (x. ĐT. 7; tr. 13-14);

 
 

- Tương phản giữa ánh sáng đức tin với tối tăm của tội lỗi (x. ĐT. 46; tr. 91);

 
 

- Tương phản giữa nhân đức và nết xấu : việc thực hành nhân đức đòi hỏi việc ghét bỏ nết xấu (x. ĐT. 65; tr. 128).

 
 

2. Bởi vậy trong giao tranh này, ta cần phải biết chiến trường, đâu là bạn và đâu là thù :

 
 

- Kẻ thù của chúng ta là thế gian, ma quỷ, xác thịt, nhưng kẻ thù nguy hiểm nhất là “yêu mình” (x. ĐT. 7; tr. 13-14).

 
 

- Các bạn hữu của chúng ta là : 1/ Máu thánh Chúa ban cho ta sức mạnh, không để ta chùn bước trước sự tấn công của thù địch (x. ĐT. 14; tr. 30-31); 2/ Ý chí của chúng ta (x. ĐT. 23; tr. 44), nhất là khi kết hợp với ý muốn của Chúa (x. ĐT. 76; tr. 154); 3/ Sự cầu nguyện (x. ĐT. 65; tr. 129).

 
 

- Những kẻ thù và bạn hữu trong cuộc giao tranh này sẽ được mô tả trong chương kế tiếp khi bàn về các bậc thang của sự tiến đức. Ở đây chúng ta chỉ tóm tắt những đức tính cần thiết trong cuộc giao tranh : 1/ Quyết chí không dằng co do dự (x. ĐT. 60 ; tr. 118); 2/ Can đảm không nhút nhát sợ sệt (x. ĐT. 74; tr. 147-148; ĐT. 77; tr. 155); 3/ Kiên trì không thoái lui (ĐT. 52; tr. 106; ĐT. 53; tr. 107; ĐT. 73; tr. 146).

 
 

 
 

 
 
 

[1] Xem Giuliana Cavallini, San Domenico …, tr. 28

 
 

[2] Xem nguyên bản tiếng Ý "avere in sé vita"

 
 

[3] Xem nguyên bản tiếng Ý "dar vita"

 
 

[4] Bản Việt Ngữ của Cha Bùi Đức Sinh và Nhóm "Phục vụ Lời Chúa" (2003) dịch discrezione bằng nhiều từ như : "sự phân biệt hay thông hiểu"; "thông hiểu hay phân biệt" (tr. 19); "ơn thông hiểu", (tr. 18; 23-24).

 
 

[5] Xem Giuliana Cavallini, San Domenico …, tr. 28 ; Ermano Rossi, La spiritualità di s. Caterina da Siena …, tr. 32-33

 
 

[6] Xem Gioan Phaolô II, Amantissima providentia, 3

 

 

 

.

114.864864865135.135135135250