02/08/2010 -

Linh đạo Đa Minh

1187
 

 

 

PHẦN II

 

LINH ĐẠO CATARINA TRONG SÁCH ĐỐI THOẠI

 

 

Sau khi đã rảo qua nội dung sách Đối Thoại, chúng ta hãy tìm hiểu “học thuyết của thánh Catarina”. Có nhiều lối  trình bày tư tưởng của vị thánh được tôn phong làm “Tiến sĩ Hội thánh”. Người ta có thể tìm hiểu quan điểm của thánh nữ liên quan đến các đạo lý căn bản của Kitô giáo: mầu nhiệm Thiên Chúa, mầu nhiệm Đức Kitô, Hội thánh, các bí tích. Tuy nhiên, phương pháp này xem ra gượng ép, bởi vì thánh Catarina không hề nghĩ đến việc soạn ra một giáo trình về thần học tín lý, bao gồm tất cả những đạo lý căn bản của đức tin. Một lối trình bày khác hợp lý hơn là bình giải các đề tài chính của sách Đối Thoại đã được nêu bật khi phân tích bố cục, chẳng hạn như: đạo lý về cây cầu, nước mắt, chân lý, về Chúa Quan phòng, về đức vâng lời.

 

Dựa theo hai học giả chuyên môn về thánh Catarina, cha Giacinta d’Urso (Santa Caterina da Siena, Temi di Predicazione n. 84, Napoli 1970) và giáo sư Giuliana  Cavallini (San Domenico e i suoi frati nella spiritualità di S. Caterina da Siena, Editrice Domenicana Italiana, Napoli 1993), chúng tôi áp dụng một đường lối khác, đó là tìm hiểu linh đạo của thánh nữ. Thật vậy, thánh Catarina không phải là một giáo sư thần học cho bằng một vị thầy về đời sống tâm linh. Vì thế chúng ta hãy đến lắng nghe người thuật lại cảm nghiệm của mình về sự kết hiệp với Thiên Chúa. Chúng tôi sẽ lần lượt trình bày ba điểm: 1/ Chân lý về Thiên Chúa và con người; 2/ Hành trình tiến đến sự trọn lành; 3/  Sự cầu nguyện[1].

 

 

CHƯƠNG III

 

CHÂN LÝ VỀ THIÊN CHÚA VÀ CON NGƯỜI

 

 

Những tư tưởng then chốt của sách Đối thoại về Chân lý được diễn tả qua một số ý niệm và qua hình ảnh như : Chân lý, biết Chúa biết mình, căn phòng nội tâm, Cây Đức Ái. Nhưng hình ảnh và ý niệm ấy cùng thống nhất với nhau trong Chân lý :

 

- Chân lý là đối tượng của niềm khao khát và tìm hiểu của Catarina và thánh nữ được chính Đấng Chân lý đối thoại và dạy dỗ.

 

- Nơi để học biết chân lý là căn phòng nội tâm.

 

- Nội dung của chân lý là Thiên Chúa và con người cũng như tình yêu của Ngài được biểu lộ nơi “máu” của Chúa Kitô.

 

- Hoa trái của sự hiểu biết chân lý là vun trồng “cây đức ái”.

 

I. ĐỐI THOẠI VỀ CHÂN LÝ

 

Là một thành viên của nhóm “áo choàng” thuộc Dòng Đa Minh, thánh nữ Catarina đã bị thu hút bởi phương châm “Chân lý” khắc trên huy hiệu của Dòng, như chị đã viết trong chương 158: đây là  Dòng lãnh nhận lấy "sứ vụ của Lời Chúa" và gieo rắc lời mặc khải với "chân lý và ánh sáng"[2]. Dĩ nhiên, chân lý nói đây không thuộc lãnh vực triết học siêu hình, nhưng là chính Thiên Chúa, hoặc Đức Kitô “Đấng là chân lý” (Ga 14,6). Chị đã hiểu như vậy khi viết cho cha Raymonđô Capua :

 

"Con viết cho Cha với ao ước thấy cha là người tìm kiếm và yêu mến Chân lý, chỉ có điều đó mới làm cho cha trở thành người con thực thụ của Đức Kitô chịu đóng đinh, Người là Chân lý và đóa hoa toả hương thơm ngát trong Dòng thánh thiện này" (T. 272).

 

Niềm khao khát Chân lý của thánh nữ được biểu lộ trong các bút tích của Ngài, kể cả sách Đối Thoại, đến nỗi chúng ta có thể nói Chân lý là động cơ chi phối các đề tài, mở đầu và kết thúc toàn bộ cuốn sách[3].

 

1. Một cách cụ thể, sách Đối thoại bắt đầu từ nỗi khao khát của Catarina muốn biết chân lý; và chính Chúa Cha, Đấng tự xưng là Chân lý, dạy cho Catarina biết chân lý về Thiên Chúa và về con người. Sách Đối thoại được dẫn nhập như thế này:

 

"Có một linh hồn được nâng cao lên bởi khát khao mãnh liệt hướng đến vinh danh Chúa và cứu vớt các linh hồn. Từ lâu, linh hồn ấy đã thực tập các nhân đức, đã quen cư ngụ trong căn phòng nhỏ của sự biết mình, ngõ hầu hiểu biết hơn lòng nhân lành của Thiên Chúa ở trong chính mình; bởi vì sự hiểu biết đưa đến yêu mến, và linh hồn yêu mến thì muốn tiến tới và mặc lấy Chân lý". (ĐT. 1; tr. 1)[4]

 

Lời mở đầu này phác họa những chủ đề chính của linh đạo Catarina: con người mong muốn được biết Chúa và biết mình. Chính lòng yêu mến Chúa và phần rỗi của tha nhân đã thúc đẩy linh hồn khao khát hiểu biết ấy; và càng yêu mến nó càng ao ước tiến thêm trên đường chân lý. Những phương thế trợ giúp cho sự hiểu biết và yêu mến là thi hành nhân đức và cư ngụ trong căn phòng nội tâm, để rồi cùng với tình yêu mến và hiểu biết, con người có thể trở nên đồng hình đồng dạng với Chân lý là đích điểm của mình.

 

Đáp lại niềm khát vọng tha thiết của Catarina là muốn học biết chân lý, Thiên Chúa “Đấng Chân lý” đã từng bước tỏ bày cho thánh nữ.

 

2. Mỗi khảo luận trong sách Đối thoại đều được giới thiệu và kết thúc bằng sự quy chiếu về Chân lý. Ví dụ, khởi đầu cho câu trả lời của ước nguyện thứ nhất, Chân lý là chính Chúa, Đấng làm cho chúng ta khao khát được kết hiệp với Ngài. Chúng ta đọc thấy như sau:

 

"Thế rồi, Đấng Chân Lý vĩnh cửu nhận lấy tấm lòng khao khát của linh hồn ấy và kéo nó lại với Ngài một cách mạnh mẽ hơn [...] Chân lý ngọt ngào đã làm cho linh hồn như vậy [...] và nói : Hỡi con Cha, con có biết không ..." (ĐT. 3; tr. 5)

 

Và kết thúc câu trả lời cho ước nguyện thứ nhất, Chân lý được đề cập như là giáo lý của Cha :

 

"Bây giờ con đã thấy Cha là Đấng Chân lý, Cha đã tỏ cho con thấy chân lý và giáo lý để con đạt tới đức ái trọn lành" (ĐT. 12; tr. 49).

 

Giáo lý này có nền tảng trong sự nhận biết hai mặt cách chân thật : Thiên Chúa ở trong chúng ta và chúng ta ở trong Thiên Chúa. Tất cả các nhân đức đều phát sinh từ đó và đạt được triều thiên trong đức ái. Nhưng giáo lý hay Chân lý ấy không chỉ là một mớ đạo lý hay kiến thức khô khan mà còn là nguyên lý của sự sống và đem lại hạnh phúc vĩnh cửu cho con người nữa :

 

“Cha [chân lý của Cha] đã sáng tạo con người theo hình ảnh của Cha và giống Cha, để nó hưởng sự sống muôn đời, được chia sẻ và nếm sự ngọt ngào khôn tả của Cha” (ĐT. 21; tr. 41)

 

3. Đặc biệt ở chương 166, tổng kết toàn bộ tác phẩm, chúng ta lại đọc thấy tư tưởng này trong cả bốn ước nguyện:

 

"... Cha đã làm cho con được mãn nguyện [ước nguyện thứ nhất]. Cha soi sáng cho con bằng chân lý Cha, cho con biết bằng cách nào để con nhận biết chân lý như con khát khao. Cha đã giải thích cho con biết cách thức, cùng với sự nhận biết con và biết Cha, và với ánh sáng đức tin, con sẽ đạt tới sự nhận biết chân lý" (ĐT.166; tr. 451)

 

Chân lý thật là phong phú và sâu sắc, vừa là đối tượng của niềm khao khát tâm tình, vừa là nguyên lý soi sáng trí thức và đức tin, nhưng chân lý đó không chỉ thuộc về Thiên Chúa và con người cách chung chung, mà liên quan tới mỗi tâm hồn.

 

Đáp lại ước nguyện thứ hai, Thiên Chúa đã thương xót và ban cho thế giới Con Một xuống trần gian, Ngôi Lời của Ngài, "Đấng Chân lý dịu hiền của Cha" làm Cây Cầu nối dài giữa trời và đất, và kết hợp hai bản tính thần linh và nhân linh.

 

Mọi ơn ban của Chúa quan phòng là sự đáp trả cho lời nguyện ước thứ tư, cũng đều nhắm đến mục đích này :

 

"Tất cả mọi sự đã được ban nhằm vì lợi ích của các con, để các con được thánh hóa trong Cha và để chân lý của Cha được hoàn tất trong các con. Bởi vì chân lý Cha là thế này : Cha đã tạo dựng nên các con để các con được sự sống muôn đời. Chân lý ấy đã được mặc khải cho các con trong Máu của Ngôi Lời, Con Một yêu dấu của Cha" (ĐT. 166; tr. 453)

 

Trước khi cuốn sách được gấp lại, chiều kích tông đồ và làm chứng tá của người Kitô hữu cũng được nhìn dưới lăng kính của Chân lý ánh sáng, như là lời nhắn nhủ cuối cùng của Chúa cho chúng ta:

 

"Con hãy cố gắng  đừng bao giờ ra khỏi căn phòng nhỏ của sự biết mình. Bên trong căn phòng đó con hãy  giữ  gìn và khai thác kho báu mà Cha đã ban cho con. Đó là học thuyết của chân lý, được xây cất trên viên đá sống động là Đức Giêsu Kitô dịu hiền, được bao phủ  nhờ ánh sáng chiếu tỏa vào bóng tối. Con hãy mặc lấy ánh sáng chân lý đó, hỡi ái nữ quý mến của Cha" (ĐT. 166; tr. 454).

 

II. BIẾT MÌNH VÀ BIẾT CHÚA

 

Chân lý mà Catarina quan tâm tìm kiếm chủ yếu là chân lý về Thiên Chúa và chân lý về con người. Đâu là gốc rễ, căn nguyên đã thúc đẩy Catarina muốn biết Thiên Chúa và biết con người ? Cha Raymonđô kể lại một mẩu chuyện trong cuộc đời của thánh nữ để trả lời cho câu hỏi này.

 

Khi còn nhỏ, Catarina đã được Chúa cho biết rằng thánh Đa Minh lập Dòng thuyết giáo  để chuyển trao cho nhân loại hồng ân Chân lý. Điều này đã đánh động cô bé mãnh liệt đến nỗi cô tìm cách nuôi một kế hoạch mà chỉ có trẻ con mới làm được : cô ăn mặc như một cậu con trai và đến gõ cửa tu viện dòng anh em Đa Minh ở một miền xa xôi mà chẳng ai hay biết. Giấc mộng trẻ con này sau đó đã hoá thành sự thật, khi cô gần được tuổi 16, cô được nhận vào số những người khoác "áo choàng", đó là các chị em Dòng Ba Hãm Mình của thánh Đa Minh.

 

Chân phước Raymonđô cũng kể rằng, ngay từ lúc Catarina bắt đầu cuộc sống tâm linh khổ hạnh, một ngày nọ Chúa đã hiện ra với cô và nói : "Con có biết con là ai và Ta là ai không?" - và chính Chúa đã trả lời : "Con là kẻ không hiện hữu, còn Ta là Hiện hữu" (Vita 92)

 

Thật vậy từ ánh sáng mà Catarina đã nhận được từ thiếu thời, cô đã tự vấn : Nếu con không hiện hữu, thì tại sao con biết con đang sống ? Cuộc sống này bởi đâu mà có ? Và thánh nữ đã tìm thấy câu trả lời trong Đấng tự hữu : Ngài đã ban cho con cuộc sống ấy. Nhưng nếu Ngài là Đấng tự hữu cách viên mãn, là sự viên mãn của mọi hữu thể, là sự viên mãn của cuộc sống, Ngài không cần đến những cái khác sao? Tại sao Ngài lại tạo dựng nên mọi sự ? Và thánh nữ đã tìm thấy câu trả lời trong tình yêu : Thiên Chúa là tình yêu, Ngài đã tạo thành vũ trụ vì yêu. Muôn vật có đó đều bởi tình yêu sáng tạo.

 

Sách Đối Thoại làm nổi bật lên chân lý nền tảng của sự trọn lành là “biết mình và biết Chúa”.

 

A. BIẾT MÌNH

 

1. Biết mình là gì ?

 

Trong ngôn ngữ của Catarina, "biết mình" không phải là sự suy xét đơn thuần về những thiếu thốn, bất toàn của mình, cũng không phải là sự am tường về phương diện tâm lý. Chúng ta sẽ biết mình trong ánh sáng của Đấng Tạo Thành, là Đấng đã dựng nên chúng ta. Chúng ta có thể nhìn thấy chúng ta trong Chúa bởi vì chúng ta được sáng tạo theo hình ảnh của Ngài.

 

a) Chúng ta chỉ là thụ tạo

 

Khi đối diện với Thiên Chúa, Đấng tự hữu, Toàn Năng và Tuyết đối, con người chỉ là hư vô. Điều này không những đúng trong lãnh vực tự nhiên, nhưng còn đúng hơn nữa trong con đường siêu nhiên, trong con đường nên thánh.

 

Chúng ta chỉ là thụ tạo : chúng ta không thể tự mình mà có. Tất cả những gì chúng ta có đều do bởi Chúa. Chúng ta tuỳ thuộc vào Chúa ngay từ tác động hiện hữu:

 

“Con phải biết rằng không một ai có thể thoát khỏi bàn tay Cha, bởi vì Cha là Đấng Tự Hữu (x. Xh 3, 14). Các con không tự mình mà có hiện hữu. Các con hiện hữu là do Cha đã sáng tạo nên” (ĐT. 18; tr. 38)

 

Trong những lá thư đầu tiên gửi cho cha linh hướng thứ nhất của mình, Thomas de Fonte, Catarina xác nhận rằng con người chỉ là loài thụ tạo không tự mình hiện hữu. Để có niềm xác tín ấy chúng ta phải ở trong căn phòng nhỏ của sự biết mình:

 

"Căn phòng nhỏ đó là một cái giếng, bên trong nó là nước và đất. Cha thân yêu, con muốn nói sự nghèo hèn của chúng ta là đất, và chúng ta biết chúng ta không hiện hữu nhờ chính mình, nhưng chúng ta biết rằng chúng ta có hiện hữu  bởi Chúa" (T. 41)

 

Trong phạm vi luân lý  đạo đức, chúng ta càng tuỳ thuộc vào Thiên Chúa nhiều hơn nữa. Nếu không có ơn Chúa, chúng ta không làm được chi cả, kể cả khả năng xua đuổi một tư tưởng vu vơ (x. T. 23 và 335). Khi nhìn đến khả năng của chúng ta trong lãnh vực luân lý chúng ta mới thấy rõ hơn sự mỏng dòn của chúng ta.

 

b) Chúng ta là những tội nhân

 

Tội lỗi cho thấy tính cách hư vô của con người chúng ta bởi vì tội lỗi đi ngược lại với Thiên Chúa.

 

“Các lỗi lầm của chúng con đều chủ yếu ở tại yêu chuộng những gì Cha chê ghét và chê ghét những gì Cha yêu chuộng. Cha yêu chuộng nhân đức và ghét nết xấu. Ai yêu chuộng nết xấu và ghét nhân đức thì nó xúc phạm đến Cha và mất ân sủng của Cha” (ĐT. 98; tr. 215)

 

Khi phạm tội như vậy, chúng ta sẽ đối nghịch với Đấng Tự Hữu, tách mình ra khỏi Ngài và trở về hư vô (x. ĐT. 54; tr. 108). Do đó tội lỗi không phải là gì cả mà là cái hư vô, nó không ở trong số các loài thọ tạo vì Thiên Chúa không dựng nên nó (x. ĐT. 31; tr. 62; ĐT. 94; tr. 200).

 

Do đó không những tội lỗi đưa chúng ta đến hình phạt muôn đời (x. ĐT. 37; tr. 70) mà còn trải qua nhiều đau khổ trong hoả ngục và trở thành những chứng nhân của ma quỷ (x. ĐT. 48; tr. 98; ĐT. 54; tr. 103).

 

c) Chúng ta chịu cám dỗ và thử thách

 

Các cám dỗ cũng là dịp cho chúng ta nhận ra sự mỏng dòn của chính chúng ta, và nhờ đó mà chúng ta phải khiêm tốn và cầu xin ơn Chúa giúp đỡ. Trong học thuyết của mình, Catarina nói đến hai lý do vì sao Chúa đã để chúng ta chịu cám dỗ : thử thách và tập luyện nhân đức; để lập công trạng. Nhưng sách Đối Thoại nói nhiều đến lý do thứ nhất :

 

Chúng ta chỉ nhận thức về mình và về Chúa cách trọn vẹn hơn trong những cơn thử thách. Khi đó chúng ta biết mình không kiên định vững vàng[5], không thể chạy trốn những quẫn bách, làm tiêu tan những ưu phiền. Cám dỗ sẽ cho chúng ta biết thực lực của mình nhiều hơn và chúng ta sẽ nhận ra rằng Chúa sẽ hiện diện trong ý chí chúng ta và làm cho ý chí ấy trở nên mạnh mẽ để chúng ta tỉnh thức canh phòng, chiến đấu chống lại các các nết xấu (x. ĐT. 43; tr. 82-83) và luyện tập các nhân đức (ĐT. 90; tr. 190-191)

 

Đối với người đã nên trọn lành, sự cám dỗ hay cơn thử thách vẫn còn ích lợi. Nó không những giúp họ khiêm nhường mà còn giúp họ biết thông cảm với những người cũng bị thử thách cám dỗ :

 

“Gian truân là bằng chứng để nhận biết đức ái của một linh hồn đã trọn lành, khi linh hồn đó chịu đựng một cách kiên nhẫn những bất công và những thử thách Cha gửi đến cho các tôi tớ của Cha là để luyện tập đức nhẫn nại của họ, đốt thêm lửa bác ái cho họ, để cảm thông những người sỉ nhục họ” (ĐT. 145; tr. 376)

 

Dĩ nhiên dù cám dỗ có mạnh mẽ tới đâu, nếu chúng ta chống trả lại bằng ý chí thì không những chúng ta không phạm tội mà còn tăng thêm công phúc nữa. Dù vậy để chống trả những cám dỗ cách hữu hiệu, cần phải biết khiêm tốn và tín thác vào Chúa.

 

2. Những phương thế để biết mình

 

Catarina nêu ra ba phương thế chính : khiêm nhường, ghét mình và đền tội.

 

a) Khiêm nhường

 

Nhân đức khiêm nhường phát sinh từ sự biết mình, nghĩa là chân nhận thực tại của mình, nhìn nhận thực tại khốn nạn của mình (x. ĐT. 63; tr. 123). Ta càng biết mình bao nhiêu thì càng khiêm nhường bấy nhiêu. Nhân đức khiêm nhường là nền tảng của các nhân đức khác và nuôi dưỡng Cây Đức Ai (x. ĐT. 10; tr. 21). Nó vừa là “nhân đức nhỏ bé” nhất vì làm cho ta trở nên nhỏ bé theo tinh thần Tin Mừng (x. ĐT. 159; tr. 426) nhưng đồng thời cũng là “nhân đức rất lớn” vì nó chống đỡ tất cả mọi cuộc giao tranh chống lại các kẻ thù và xây dựng tòa nhà nhân đức. Vì thế khiêm nhường cũng có vai trò chống đỡ kẻ thù của đời sống thiêng liêng và nuôi dưỡng các nhân đức, nhất là đức ái (x. ĐT. 4; tr. 7; ĐT. 10; tr. 21) và đức vâng phục (x. ĐT. 154; tr. 410; ĐT. 159; tr. 432).

 

Để rèn luyện nhân đức này cần phải đào sâu sự biết mình và nhìn ngắm các mẫu gương sống.

 

b) Sự ghét mình

 

Ghét mình có nghĩa là tiêu diệt tính ích kỷ, sự “yêu mình”, muốn tìm ý riêng, sở thích hay thoả mãn riêng tư. Sự yêu mình được diễn tả ra nhiều lãnh vực về phương diệm cảm xúc giác quan cũng như trong phương diện thiêng liêng.

 

1/ Về phương diện giác quan, yêu mình là tìm sung sướng thoả mãn về giác quan (kể cả danh lợi, tài sản): tất cả tâm trí đều dồn về những thực tại hữu hình và chỉ lo sao không bị mất chúng (x. ĐT. 51; tr. 104);

 

2/ Về phương diện thiêng liêng, yêu mình là một thứ ích kỷ. Chúng ta chỉ thực hành việc đạo đức thiêng liêng bao lâu chúng đem lại lợi ích, an ủi khoái lạc cho mình (ĐT. 60; tr. 116-119).

 

Cần phải hiểu từ “ghét mình” theo nghĩa Kinh Thánh : “Ai muốn theo Ta mà không ghét cha mẹ..., và kể cả mạng sống thì không đáng làm môn đệ của Ta” (Lc 14, 26). Ghét mình có nghĩa là ghét phần tội lỗi và ích kỷ nơi mình do hậu quả của sự biết mình (x. ĐT. 4; tr. 7). Thánh Catarina dùng hình ảnh “con dao hai lưỡi của ghét và yêu” (x. ĐT. 23; tr. 44tt[6]; ĐT. 47; 93[7]) để nói lên ý chí quyết tâm cắt đứt lòng quyến luyến tội lỗi, mạnh dạn can đảm cắt đứt tình yêu ngang trái làm cản trở đường nhân đức.

 

c) Đền tội

 

Chính trong cuộc chiến đấu với tội lỗi ấy mà sự đền tội trở nên một phương thế hữu hiệu. Catarina nhấn mạnh đến tinh thần đền tội rồi mới nói đến việc đền tội. Nếu thiếu tinh thần đền tội thì việc đền tội không bền lâu : hoặc vì ý chí suy nhược sẽ ngưng thực hành khi thấy thân xác mệt mỏi, hoặc linh hồn đâm ra kiêu căng, tự phụ tưởng là mình nhân đức và khinh dể người khác, thậm chí bất tuân các bề trên khác (x. ĐT. 9; tr. 18 ; ĐT. 11; tr. 22). Vì thế cần phải khởi sự với nhân đức (tinh thần) đền tội. Các việc đền tội bên ngoài cũng trở nên cần thiết như là phương tiện của tinh thần đền tội, còn sự thực hành các việc đền tội nhằm giúp các giác quan thân xác phục tùng tinh thần.

 

Các phương tiện để biết mình trên đây xem ra hơi tiêu cực như muốn huỷ diệt tất cả bản ngã. Nhưng đây chỉ là chặng đầu nhằm chuẩn bị cho chặng kế tiếp quan trọng hơn là biết Chúa. Thực ra Catarina còn đề cập đến sự biết mình ở trong căn phòng nội tâm giống như căn phòng nhỏ của Chị. Căn phòng đó cùng là một căn nhà trong đó người ta ở một mình và ở với Chúa của mình. Ở trong căn phòng nhỏ là một phương thế để nhận biết mình và biết Chúa mà chúng ta sẽ bàn sau. Thánh nữ muốn chúng ta nhận thức rằng chúng ta không thể đạt tới sự hiểu biết mình phong phú và sâu sắc mà không nhìn qua "tấm gương toàn hảo của Chúa" (ĐT. 13; tr. 28).

 

Cả hai khía cạnh "biết mình" và "biết Chúa" cần bổ túc cho nhau. Những phương tiện này nhằm giúp ta đến sự nhận thức thực trạng về chính mình. Tự mình ta không là chi cả, nhưng khi nhìn ngắm công trình của Chúa dành cho ta, ta sẽ khám phá ra biết bao hồng ân Chúa đã nâng ta lên từ hàng bụi tro lên hàng nghĩa tử.

 

B. BIẾT CHÚA

 

Biết mình thực sự là một hiểu biết lưỡng diện : hiểu  biết chính mình bằng cách nhìn vào Chúa và hiểu biết Chúa bằng cách suy gẫm về lòng nhân lành của Chúa đối với mình. Sự biết mình, biết tính cách hư vô của mình là nhằm đưa chúng ta đến sự hiểu biết về Chúa, về quyền năng và tình yêu của Ngài. Trong sách Đối Thoại, chúng ta có thể thấy hai cách thức trình bày về Thiên Chúa. Trước tiên là Thiên Chúa Đấng Tạo Thành và Quan Phòng vạn vật, như lý trí tự nhiên của chúng ta có thể khám phá ra. Kế đó là Thiên Chúa Ba Ngôi, một chân lý trọng yếu của mặc khải Kitô giáo.

 

1. Thiên Chúa tạo thành và quan phòng

 

Yếu tố đầu tiên của sự nhận biết là ý thức chúng ta không tự mình hiện hữu, hay nói cách khác, sự hiện hữu của chúng ta là một quà tặng của Thiên Chúa. Giữa bước chuyển tiếp từ nhận biết chính mình đến nhận biết Chúa không có gì làm trung gian. Khi linh hồn ý thức mình chỉ là đất, sự hiện hữu của mình không do mình mà có nhưng là do hồng ân của Chúa, tức khắc linh hồn sẽ cảm nhận được lòng nhân lành của Ngài đối với chúng ta.

 

  1. Chúa đã tạo dựng chúng ta do tình thương


  2.  
 

Người đã yêu chúng ta trước khi chúng ta hiện hữu (x. ĐT. 89; tr. 187). Ngài đã tạo thành chúng ta là loài thụ tạo có lý trí theo hình ảnh Ngài và giống Ngài (x. ĐT. 110; tr. 240-241; ĐT. 89; tr. 187; ĐT. 135; tr. 337 …)

 

Ngài yêu thương chúng ta cũng vì tình yêu và Ngài sẽ gìn giữ chúng ta cũng vì tình yêu :

 

“Các con đã được tạo thành bởi tình thương của Cha, nếu Cha rút lại tình thương ấy, nghĩa là nếu Cha không yêu thương cái hữu thể của các con nữa, các con sẽ hết hiện hữu. Nhưng vì tình thương của Cha đã tạo thành các con, tình thương ấy bảo tồn các con” (ĐT. 82; tr. 169)

 

Không những thế Ngài còn muốn cho chúng ta hạnh phúc và hưởng sự sống đời đời nữa :

 

“Chân lý Cha đã sáng tạo con người theo hình ảnh và giống Cha để nó được hưởng sự sống muôn đời, được chia sẻ và nếm sự ngọt ngào khôn tả của Cha” (ĐT. 21; tr. 41; x. ĐT. 135; tr. 340).

 

b) Chúa quan phòng cho chúng ta được hạnh phúc

 

Bởi vậy Ngài đã xếp đặt và quan phòng hết mọi sự ngõ hầu đưa chúng ta tới mục tiêu đó :

 

- Ngài đã ban cho chúng ta các hồng ân, tài năng, nhân đức và những phương thế cần thiết để vượt thắng mọi nguy khốn (x. ĐT. 135; tr. 337-340), bệnh tật (x. ĐT. 136; tr. 341). Ngài cho phép những thử thách, bách hại, cám dỗ xảy đến để thanh tẩy chúng ta và dẫn đưa chúng ta về sự sống hạnh phúc (x. ĐT. 138; tr. 350).

 

- Tình yêu của Chúa bao trùm hết mọi người thiện cũng như ác. Ngài an bài, quan phòng cho từng người một : 1/ Đối với người tội lỗi, Ngài thúc giục họ hối cải và xin ơn tha thứ (ĐT. 143; tr. 367); 2/ Đối với người bất toàn, Ngài để họ bị khô khan để giúp họ kiện toàn hơn (ĐT. 144; tr. 370-376); 3/ Đối với người toàn thiện, Ngài vẫn thanh tẩy họ bằng những đau khổ, nhằm giúp họ thăng tiến hơn trên đường trọn lành (ĐT. 145; tr. 376-381)

 

- Lòng nhân lành của Chúa không là chi khác ngoài việc làm cho chúng ta nên thánh.

 

"Ôi đức ái nồng cháy và cao quý ! Con đã đến và tìm thấy đất và nước hằng sống, nghĩa là con đã nhận biết ý muốn đích thực và ngọt ngào của Ngài là không muốn điều gì khác ngoài việc làm cho chúng con nên thánh" (T. 41)

 

Đây là chân lý nền tảng. Khi Catarina nói đến "chân lý của Ngài" là có ý nói : Ngài không những đã tạo dựng nên chúng ta vì yêu thương mà còn muốn những điều tốt lành cho chúng ta. Ngài muốn ban cho chúng ta chính mình Ngài, Con Một Ngài, trước tiên là những ân sủng của đời này và rồi là hưởng kiến tôn nhan ở đời sau (x. ĐT. 61; tr. 120).

 

2. Thiên Chúa Ba Ngôi

 

Catarina không viết một thiên thần học về Thiên Chúa Ba Ngôi, nhưng chỉ tóm lược vài điểm quan hệ đến sự hiểu biết tình thương của Chúa đối với ta và hình ảnh của Ba Ngôi trong linh hồn ta. Tuy nhiên, chúng ta có thể tìm thấy các ý tưởng rải rác trong tác phẩm Đối Thoại, cho phép ta quy chiếu phần nào về đời sống nội tại của Ba Ngôi và hoạt động cứu độ con người của Ngài trong thế giới. Tuy nhiên hai lãnh vực này không tách rời nhau mà luôn gắn bó với nhau trong đời sống của Ba Ngôi.

 

a) Trong tương quan giữa các Ngôi vị

 

Trong mầu nhiệm Ba Ngôi, Chúa Cha là nguyên uỷ : Chúa Con bởi Cha mà ra. Tất cả những gì Chúa Con có đều nhận từ Cha, nhưng không vì thế mà Chúa Cha và Chúa Con không là một (x. ĐT. 62; tr. 121-122).

 

Chúa Thánh Thần cũng bởi Chúa Cha mà ra :

 

“Cha là Mặt Trời, là Thiên Chúa hằng hữu, từ Cha xuất phát Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (ĐT. 110; tr. 242)

 

Chúa Thánh Thần là Đấng làm một với Cha và Con : cả Ba Ngôi đều cùng một bản tính mà Catarina gọi là Mặt Trời. Thánh nữ lý giải sự nên một này trong cuộc đối thoại với Chúa Cha như sau :

 

“Quyền năng của Cha không tách rời khỏi sự khôn ngoan của Ngài [Ngôi Lời Con Cha], và sức nóng và lửa của Thánh Thần cũng không chia cắt khỏi Cha, hay khỏi Con, bởi vì Thánh Thần xuất phát từ Cha và Con, và chúng ta cùng là một Mặt Trời” (ĐT. 110; tr. 241)

 

Việc “Chúa Thánh Thần xuất phát từ Cha và Con” và việc “từ Cha xuất phát Chúa Con và Chúa Thánh Thần” đều cho thấy Cha là nguyên thủy và nguồn gốc của Ba Ngôi và của mọi thọ tạo. Điều ấy không gây nên sự phân cấp trong Ba Ngôi (Cha cao trọng hơn Chúa Con và Thánh Thần, hay Chúa Thánh Thần nhỏ hơn Cha và Con) nhưng xác định cách rõ ràng là cả ba đều là một như nhau và cũng khác biệt nhau.

 

 

Cha                                                             Cha

 


























 
 

 

 

Con           Thánh Thần                                Con

 

 

 

Thánh Thần

 

 

 

Dựa theo thần học cổ truyền, Catarina dành riêng (appropriatio) sức nóng cho Chúa Thánh Thần, và sự khôn ngoan cho Chúa Con (x. ĐT. 110; tr. 242)

 

b) Trong công cuộc cứu rỗi

 

Một cách tương tự như vậy, khi buớc sang nhiệm cục cứu độ, Catarina cũng dành riêng một hoạt động mỗi Ngôi vị  Thiên Chúa: quyền năng tạo dựng quy về Ngôi Cha, sự thượng trí cho Ngôi Con,  tình yêu và sự khoan dung cho Chúa Thánh Thần (x. ĐT. 29; tr. 55; ĐT. 61; tr. 120; ĐT. 63; tr 124; ĐT. 112; tr. 249)

 

"Ngài [Đức Kitô] đã trở lại khi Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các môn đệ. Chúa Thánh Thần đã không đến một mình, nhưng đã đến cùng với uy quyền của Chúa Cha và sự khôn ngoan của Chúa Con (Chúa Cha và Con là một) cùng với sự khoan dung của Chúa Thánh Thần, là Đấng bởi Cha và Con mà ra" (ĐT. 63; tr. 124)

 

Khi nhập thể làm người, Chúa Con nhận lấy bản tính nhân loại thì trở nên hữu hình (x. ĐT. 62; tr. 121-122). Ngài là Ngôi Lời vừa là Thiên Chúa vừa là con người, nhưng vẫn là một với Cha :

 

“Ngôi lời Con Cha, với Máu châu báu của Ngài, là một Mặt Trời, là Thiên Chúa trọn vẹn và là người trọn vẹn, vì Ngài và Cha là một, Cha và Ngài là một và Cha ở với Ngài” (ĐT. 110; tr. 241).

 

Còn Thánh Thần được Cha sai xuống trần gian sau khi Đức Giêsu lên trời và về với Cha. Cùng với quyền năng của Cha và sự khôn ngoan của Con, Ngài củng cố giáo lý mà Đức Giêsu đã giảng dạy (x. ĐT. 29; tr. 55). Như vậy, tất cả Ba Ngôi dù trong đời sống nội tại, dù thi hành sứ mạng cứu độ con người, bắt đầu từ công trình tạo dựng, đều xuất phát từ Cha và quy hướng về Cha và là Một với nhau nhưng vẫn giữ được cái riêng biệt của nhau.

 

Thiên Chúa Ba Ngôi không những là khởi thuỷ của vạn vật, nhưng còn là tận điểm của sự hiện hữu của chúng ta nữa. Ba Ngôi là đích điểm của cuộc hành trình của chúng ta, nơi lý tưởng mà chúng ta phải nhắm đến. Trên đường lữ hành dương thế đôi khi chúng ta được nếm thử phần nào sự hưởng kiến hạnh phúc trên trời, nhờ những lần Chúa Ba Ngôi đến viếng thăm ta, thông ban cho chúng ta quyền năng, thượng trí, tình yêu (x. ĐT. 61; tr. 120). Nhờ vậy, những người trọn lành phần nào hưởng kiến Thiên Chúa ngay từ đời này rồi (x. ĐT. 78; tr. 162) tuy rằng chỉ các thánh trên trời mới có thể chiêm ngưỡng Thiên Chúa toàn vẹn (x. ĐT. 83; tr. 171).

 

c) Trong tâm hồn mỗi người

 

Đối với Catarina, Chúa Ba Ngôi hiện diện với chúng ta bởi vì chúng ta được dựng nên giống hình ảnh của Ngài. Cũng như Thiên Chúa là Một bản thể với Ba Ngôi vị, thì linh hồn chúng ta cũng là một bản thể với ba tài năng : trí nhớ, trí hiểu và ý chí. Nhờ ba tài năng ấy mà linh hồn tham dự vào các hoạt động của Ba Ngôi (x. ĐT. 13; 29; ĐT. 51; tr. 103):

 

- Trí nhớ để đến với Chúa và lưu giữ Ngài trong mình; thông dự vào quyền năng của Ngôi Cha.

 

- Trí hiểu để biết Chúa; thông dự vào thượng trí của Ngôi Lời.

 

- Ý chí để yêu mến Chúa; thông dự vào tình yêu của Ngôi Ba.

 

Khi tìm hiểu về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, và “biết Chúa” nhiều hơn, chúng ta cũng “biết mình” hơn, biết rõ phẩm giá của mình hơn, xét vì chúng ta được dựng nên giống hình ảnh của Chúa Ba Ngôi và được kêu gọi hiệp thông vào hạnh phúc với Ngài.

 

3. Những phương thế để nhận biết Chúa

 

Để nhận biết Chúa là Đấng Tự Hữu, Sáng Tạo, Quan phòng và Mầu nhiệm thẳm sâu Ba Ngôi, để nhận ra ý muốn của Chúa cho con người cũng như lòng nhân lành vô biên của Người, Catarina cho chúng ta biết những điều kiện hay phương thế để có thể nhận biết Ngài. Các phương thế đó đi từ bình diện tự nhiên đến siêu nhiên; đi từ ánh sáng lý trí đến hồng ân đức tin.

 

a) Mở mắt trí tuệ

 

Mọi sự vật hiện hữu trong vũ trụ đều do bởi Chúa, và không có chi vượt khỏi quyền năng của Ngài. Chúng ta được ban cho khả năng để nhìn thấy tình thương cao cả và dự phóng của Ngài trong công trình tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài, bằng con mắt của trí tuệ. Đây là niềm xác tín của Catarina trong lúc xuất thần[8]:

 

"Tôi nhớ lại đã được nghe từ một nữ tì của Thiên Chúa rằng : trong khi cầu nguyện tâm hồn nàng được nâng cao cùng với tâm trí. Chúa đã mở tình yêu của Ngài cho con mắt trí tuệ của các tôi tớ Ngài xem thấy và nói rằng : 'Hãy mở mắt trí tuệ ra và nhìn thẳng vào Ta và con sẽ thấy phẩm giá và sự tốt đẹp của các thụ tạo có lý trí của Ta. Giữa cái đẹp mà Ta đã ban cho linh hồn khi sáng tạo nó theo hình ảnh và giống Ta, con hãy nhìn xem những linh hồn được mặc áo cưới đức ái, được trang điểm bằng nhiều nhân đức, họ được kết hợp với Ta trong tình yêu. Vì thế Ta nói cho con nghe, nếu con hỏi họ là ai thì Ta sẽ trả lời : họ là một Ta khác, vì họ đã nhận chìm và làm mất đi ý riêng của mình, họ mặc lấy Ta, hiệp nhất và đồng tình với ý muốn của Ta'. Ngôi Lời yêu thương và dịu hiền đã nói như vậy" (ĐT. 1; tr. 2)

 

"Hãy mở mắt trí tuệ!". Chúa đã ban cho con người thị giác, ban cho trí tuệ khả năng để nhìn ngắm, đó là đôi mắt, nhưng nếu chúng ta không dùng hành vi của ý chí để mở mắt thì chẳng bao giờ chúng ta thấy được gì. Hãy mở mắt trí tuệ để ngắm nhìn, để thấy phẩm giá và sự tốt đẹp của loài "thụ tạo có lý trí", được tạo dựng theo hình ảnh của "Đệ nhất Chân lý dịu hiền". Con người ngày nay chỉ biết nhìn ngắm mình, chiêm ngưỡng sự khéo léo của mình, những tiến bộ, kỹ thuật, những thành tựu chúng ta đã đạt được. Nhưng nếu chúng ta ở mãi trong cái vòng đóng kín, chúng ta sẽ chăng bao giờ biết được chính mình. Ngược lại nếu nhìn thẳng vào Đấng tạo thành, chúng ta sẽ biết chính chúng ta trong Chúa. Bởi vì chúng ta là kết quả của những ý tưởng mà Chúa đã cưu mang trong tâm trí tốt đẹp của Chúa, cho nên khi chiêm ngưỡng Chúa, chúng ta sẽ nhận biết phẩm giá và sự cao cả của chúng ta cách đích thực.

 

b) Ở trong căn phòng nội tâm

 

Điều kiện cần thiết để nhận biết được thánh ý và chương trình của Chúa dành cho con người là phải ở trong "căn phòng nhỏ của linh hồn". Catarina đã dạy điều đó khi viết thư cho cha linh hướng đầu tiên của mình :

 

"Nếu con muốn cảm thấy lửa của ý muốn Cha, con hãy cư ngụ trong căn phòng nhỏ của linh hồn con" (T. 41)

 

Sự nhận biết mình và biết Chúa trong căn phòng nội tâm cũng có khi được diễn tả gắn liền với một hình ảnh khác[9] :

 

"Căn phòng nhỏ đó là một cái giếng bên trong nó là nước và đất " (T. 41)

 

Chúng ta phải đi vào trong một cái giếng để từ độ sâu đó, chúng ta sẽ thấy thân phận của mình chỉ là phàm nhân, nghèo nàn, vật chất, đất sét, nhưng ở đó lại có nước hằng sống của Thiên Chúa đang sôi sục vọt lên trong con người chúng ta.

 

Những lời dạy dỗ này không chỉ nhắm tới một vài cá nhân trong các bức tâm thư mà còn được đào sâu và mở rộng trong tác phẩm quan trọng là sách Đối Thoại, nhất là hình ảnh "căn phòng nhỏ". Thật vậy, trong cuốn sách này, Catarina dùng lại hình ảnh "căn phòng nhỏ của linh hồn" bằng cách thay thế "căn phòng nhỏ của sự biết mình". Hình ảnh này được lặp đi lặp lại nhiều lần từ chương đầu cho đến chương cuối của cuốn sách[10]. Thật vậy, ngay trên những dòng mở đầu của tác phẩm[11], Catarina kể lại kinh nghiệm của mình khi cư ngụ trong căn phòng này để thấu hiểu lòng nhân lành của Chúa :

 

"Linh hồn ấy đã được rèn luyện trong các nhân đức một thời gian và thường cư ngụ trong căn phòng nhỏ của sự biết mình, nhằm hiểu biết hơn lòng nhân lành của Thiên Chúa ở trong chính mình" (ĐT. 1; tr. 1)

 

Và ở trong căn phòng đó, linh hồn sẽ nhận ra lòng xót thương của Chúa để hoán cải ăn năn :

 

"Chính trong căn phòng đó, linh hồn sẽ học biết lòng xót thương của Cha trong Máu thánh Con Cha, lôi kéo đức ái thần linh của Cha xuống cho nó, ra sức diệt trừ mọi ý muốn ngang trái về đàng thiêng liêng cũng như trần thế. Nó ẩn mình trong nhà để khóc lóc như Phêrô và các môn đệ của Cha" (ĐT. 63; tr. 123).

 

Căn phòng nội tâm ấy cũng là nơi chúng ta chờ đợi Chúa Thánh Thần đến và chờ đợi Cha (x. ĐT. 63; tr. 125), để đạt tới sự trọn lành (x. ĐT. 63; tr. 127). Như vậy căn phòng này là nơi gặp gỡ chính Chúa Ba Ngôi, để cuối cùng linh hồn được mặc áo ánh sáng Chân lý :

 

"Con hãy cố gắng  đừng bao giờ ra khỏi căn phòng nhỏ của sự biết mình. Bên trong căn phòng […] đó là học thuyết của chân lý, […] được bao phủ nhờ ánh sáng chiếu tỏa vào bóng tối. Con hãy mặc lấy ánh sáng chân lý đó" (ĐT. 166; tr. 454).

 

Nếu bỏ trốn căn phòng này, chúng ta sẽ bỏ trốn việc cầu nguyện kèm theo những hậu quả khác như sự bất tuân phục, xa tránh tình huynh đệ, và nhìn người anh em như những kẻ thù (x. ĐT. 161; tr. 438).

 

 
 
 

[1] Xem thêm Ermano Rossi, La spiritualità di s. Caterina da Siena nel "Dialogo della Divina Provvidenza" in: “Sacra Doctrina” XLIV, (11-12/1999), pp. 7-76.

 
 

[2] Xem Nguyên Bản tiếng Ý "verità e lume", chương 158, tr. 356

 
 

[3] Xem Giuliana Cavalini, San Domenico e i suoi frati nella spiritualità di S. Caterina da Siena, Editrice Domenicana Italiana, Napoli 1993, tr. 15-17

 
 

[4] Trong sách này chúng tôi ghi chú số chương kèm theo số trang, theo bản dịch tiếng Việt của Cha Vinh Sơn Bùi Đức Sinh, OP và nhóm “Phục Vụ Lời Chúa” năm 2003. Như đã nói trong lời giới thiệu, chúng tôi trích đoạn theo bản dịch Việt ngữ hiện có, rồi bổ sung đối chiếu những chi thiết cần thiết dựa theo nguyên bản tiếng Ý của giáo sư Giuliana Cavallini (2ed. Roma 1980) và Angiolo Puccetti (3ed. Siena 1980).

 
 

[5] Bản tiếng Việt dịch là “con người biết mình không phải là một thực thể nữa” trong khi bản tiếng Ý là “l’uomo non conosce l’inconsistenza”. Xem S. Cateriana da Siena, Il Dialogo della Providenza, (ed. Angiolo Puccetti), Edizione Cantagalli, Siena 1980, c. 43, tr. 98.

 
 

[6] Xem bản tiếng Ý của P. Angiolo Puccetti, tr. 66

 
 

[7] Xem bản tiếng Ý của P. Angiolo Puccetti, tr. 106

 
 

[8] Đây là sự hồi tưởng của Catarina về cuộc trò chuyện với Chúa, và ở đây, người đối thoại với thánh nữ không phải là Cha hằng hữu, mà là Chúa Giêsu, bởi vì trong lời dẫn nhập của Đối Thoại, thánh nữ kể lại điều đã xảy ra trước đó : Chúa Giêsu, Ngài là "Ngôi Lời yêu thương và dịu hiền" đã nói với Catarina.

 
 

[9] Catarina còn dẫn chúng ta bước đi từ ý tưởng tạo dựng tới ý tưởng cứu chuộc bằng cách sử dụng nhiều hình ảnh và chuyển đổi chúng cách nhanh chóng và đột ngột : từ hình ảnh "căn phòng nhỏ" đến "cái giếng"; từ cái giếng đến "cánh cửa" là cạnh sườn mở toang của Chúa, trào ra mạch trường sinh; từ "cánh cửa" này, chúng ta được dẫn vào nơi "kín ẩn của trái tim", bí mật của tình yêu Thiên Chúa, ở ngọn nguồn của cuộc Khổ nạn, nơi đó chúng ta nhận biết tình yêu của Chúa để rồi chúng ta yêu Ngài.

 
 

[10] Xem Bảng các từ khoá phần phụ lục.

 
 
[11] Nguyên bản tiếng Ý của Giuliana Cavallini (2ed. Roma 1980) và P. Angiolo Puccetti (2ed. Siena 1980)  "cella del cognoscimento di sé".
 
.
114.864864865135.135135135250