25/01/2010 -

Linh đạo Đa Minh

2976
 

 

Linh Đạo Đa Minh

 

Chương 3

 

CHIÊM NIỆM TRONG ĐỜI SỐNG ĐA MINH

 

William A. Hinnebusch, O.P., D.Ph. (Oxon.)

 

  

 

Người tín hữu là hình ảnh của Đức Ki-tô. Người tu sĩ Đa Minh là hình ảnh của thánh Đa Minh. Khi còn là một kinh sĩ ở Ốt-ma, thánh Đa Minh đã là một người chiêm niệm trước khi ngài trở thành một người tông đồ. Chân phước Jordan Saxony đã miêu tả những năm cha thánh ở Ốt-ma như sau: "Ngày và đêm cha hay thường tới nhà nguyện và cầu nguyện. Cha ít khi ra khỏi tu viện để dành thời gian cho việc chiêm niệm". Sau đó thánh Đa Minh đi đến miền Nam nước Pháp để bắt đầu hoạt động tông đồ. Cha trở thành một người tông đồ nhưng vẫn không ngừng chiêm niệm. Viện phụ William Peter thuộc đan viện thánh Phao-lô ở Toulouse (một người đã từng quen biết với thánh Đa Minh) đã xác nhận là chưa bao giờ ngài thấy ai cầu nguyện và khóc nhiều như cha Đa Minh. Lời cầu nguyện của cha mãnh liệt đến nỗi đã làm cho cha thốt lên lớn tiếng: "Lạy Chúa, xin hãy dủ lòng thương xót dân Chúa...Các tội nhân rồi sẽ ra sao?"

 

 Dòng Đa Minh có tính chiêm niệm.  

 

 Thánh Đa Minh đã thiết lập một dòng mà mọi ngành đều chiêm niệm: Anh em, các nữ đan sĩ, các nữ tu hoạt động và huynh đoàn giáo dân Đa Minh. Bất cứ người tu sĩ Đa Minh nào không tha thiết trở thành một người chiêm niệm thì không sống trọn vẹn tinh thần Đa Minh của mình. Một số người cho là không thể kết hợp đời sống chiêm niệm và đời sống hoạt động được bởi vì mỗi đời sống đòi hỏi phải chú tâm rất nhiều. Nếu đời sống cầu nguyện đòi hỏi tất cả sự chú tâm của một người thì đời sống hoạt động cũng đòi hỏi phải chú tâm như thế. Khi thánh Đa Minh sáng lập dòng Anh Em Thuyết Giáo, một số người nói rằng không thể có một dòng mang cả hai đặc tính trên. Vì từ lâu, họ đã chỉ biết hai loại dòng. Đó là những dòng chiêm niệm như Biển Đức, Xi-tô, Xác-trơ,....Prê-mông-tra chuyên cầu nguyện, không bao giờ ra khỏi tu viện kèm theo lời khấn vĩnh cư (sống trong một tu viện suốt đời) và những dòng chuyên hoạt động như Dòng Hiệp sĩ đền thờ, Hiệp sĩ của Thánh Gio-an...,những dòng điều hành các bệnh viện và các quán trọ. Những kinh sĩ sống thành tu viện vừa sống đời chiêm niệm vừa đảm nhận một tác vụ trong giáo phận.

 

 Thánh Đa Minh đã lập nên một dòng mới, một dòng vừa sống đời cầu nguyện liên lỉ, nhưng vẫn dấn thân hoạt động tông đồ. Chính bản thân cha đã chứng minh rằng có thể là một tu sĩ chiêm niệm trọn vẹn nhưng cũng là một người tông đồ nhiệt thành. Nhưng khi kết hợp hai lối sống này thì người tông đồ bao giờ cũng phải dành ưu tiên cho chiêm niệm. Đó là chiêm niệm về Đức Ki-tô, suy niệm về mầu nhiệm cứu độ: lòng khao khát cứu rỗi tất cả các linh hồn của Đức Ki-tô, cái chết của Chúa trên thập giá để cứu độ các tội nhân. Tình yêu của Chúa Cha khi sai Đức Ki-tô đến với chúng ta. Cách cầu nguyện này nhằm hướng tới hoạt động tông đồ. Người chiêm niệm tìm kiếm phần rỗi của tha nhân bởi vì họ giống như những tín hữu tiên khởi: "nhìn thấy tha nhân là nhìn thấy Thiên Chúa".

 

Thánh Đa Minh đã cầu nguyện theo cách đó. Chân phước Jordan Saxony viết: "Thánh Đa Minh dành ban ngày cho tha nhân và ban đêm dành trọn vẹn cho Thiên Chúa". Cha cầu nguyện thâu đêm đến nỗi hầu như cha chẳng cần chiếc giường để nghỉ ngơi. Thực vậy nhiều tu sĩ xác nhận rằng: Cha không bao giờ có giường riêng. Khi quá mệt mỏi, cha nằm ngủ trên một chiếc ghế hay trên nền nhà hoặc dựa vào bàn thờ, có khi gục trên bàn ăn. Ban đêm cha cầu nguyện cho đến khi thân xác mệt mỏi. Khi quá buồn ngủ, cha gối đầu trên một cục đá giống như tổ phụ Gia-cóp ngày xưa. Chân phước Jordan viết tiếp: "Sau giấc ngủ ngắn, cha tỉnh dậy và tiếp tục cầu nguyện sốt sắng. Cha thực sự là người cầu nguyện đúng nghĩa. Do đó con cái của cha cũng phải là những người tu sĩ chiêm niệm.

 

Chiêm niệm là mục đích chính của Dòng. Người tu sĩ Đa Minh không chiêm niệm vì họ muốn là một người chuyên hoạt động tông đồ. Điều đó sẽ khiến chiệm niệm trở thành một phương tiện cho một mục đích. Trong khi đó chiêm niệm cao trọng đến nỗi nó không thể lệ thuộc vào bất cứ cái gì thấp hơn. Người tu sĩ Đa Minh tìm thấy ích lợi của chiêm niệm, bởi vì chiêm niệm kết hợp họ với Thiên Chúa: "Trước hết hãy lo đi tìm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, còn những điều khác Ngài sẽ ban cho sau" (Mt 6,33).

 

Chiêm niệm là nguồn mạch của sứ vụ tông đồ.

 

Khi cầu nguyện, người tu sĩ mong cho lời cầu nguyện của mình trở nên thâm sâu và phong phú, đem lại ân sủng và sức mạnh thiêng liêng cho tâm hồn để họ lại chia sẻ những hồng ấy cho tha nhân. Cuộc đời của người tu sĩ là hình ảnh của một giếng nước sâu, nguồn nước tinh khiết dâng lên dần dần tới thành giếng, rồi lên đến miệng giếng, tràn ra tưới khắp cánh đồng. Khi tưới những cánh đồng, giếng đó không bao giờ cạn cho dù nó còn cho đi sự phong phú của mình. Người tu sĩ Đa Minh phải thánh hóa chính bản thân mình trước khi có thể để giúp đỡ tha nhân. Mục đích của Dòng cho mọi ngành là một sự chiêm niệm mà phải sinh hoa kết trái trong hoạt động tông đồ. Đời sống của người tu sĩ Đa Minh là một đời sống ẩn náu trong Thiên Chúa cùng với Đức Ki-tô, sống trong sự thinh vắng của tu viện. Ở đó, người tu sĩ sống một mình với Thiên Chúa trong khi các hoạt động bề ngoài là một âm vang của sự thinh lặng nơi tu viện.

 

Người tu sĩ Đa Minh lên tòa giảng, đến lớp học hay vào phòng bệnh, vì đức vâng lời. Vì lòng khao khát cứu rỗi các linh hồn đã thúc bách họ ra đi hoạt động tông đồ. Người tu sĩ không làm những công việc này vì đam mê tự nhiên để tập luyện tài năng hay thỏa mãn cá tính của mình. Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa là nếu một linh mục thích giảng thuyết thì ngài phải không còn cảm thấy thích thú nó nữa, cũng như nếu một người thích dạy học có nghĩa là người ấy phải tiết chế sự vui thích mà chính mình cảm nhận được. Những điều này chỉ có nghĩa rằng: động lực khi đi làm việc như vậy không phải là sự thỏa mãn cá nhân nhưng là vì vinh quang Thiên Chúa và lợi ích cho tha nhân.

 

Tất cả những động lực khác thúc đẩy người tu sĩ đi làm việc tông đồ thì kém giá trị hơn. Thánh Tô-ma diễn tả một cách nhạy bén về sự thất bại của hầu hết các tu sĩ, những người đã dấn thân cho sứ vụ tông đồ như sau: "Họ bị cuốn hút tham gia vào những hoạt động bề ngoài từ sự chán chường mà họ cảm thấy trong đời sống chiêm niệm hơn là từ một ước muốn là đạt đến sự viên mãn trong tình yêu Thiên Chúa" (De perf vitae sp, c 23). "Có một số người còn thời giờ dành cho việc chiêm ngắm Thiên Chúa nữa và họ quá say mê những công việc trần thế. Nơi những người này rõ ràng là có quá ít hoặc không có đức ái" (De Carit. a 11; ad 6).

 

Thánh Tô-ma nhận ra rằng không chỉ có những người hoạt động vì nhàm chán đới sống chiêm niệm nhưng kể cả những người chiêm niệm ích kỷ nữa. Ngài viết: "Họ quá thích thú chiêm ngắm Thiên Chúa đến nỗi họ không còn muốn từ bỏ nó, thậm chí không muốn hiến dâng đời mình cho công việc phục vụ Thiên Chúa trong việc cứu rỗi tha nhân" (De carit. a 11, ad 6).

 

Người tu sĩ Đa Minh đích thực không thuộc vào những kiểu mẫu này; nếu tha nhân không có nhu cầu thì người tu sĩ sẽ ở lại trong tu viện với Thiên Chúa. Nhưng nếu vì nhu cầu khẩn thiết của tha nhân, người tu sĩ phải sẵn lòng trao ban những hoa quả của chính đời sống nội tâm mình cho họ. Nơi người tu sĩ có một tương quan mật thiết giữa lời cầu nguyện và sựmong nuốn hoạt động tông đồ. Điều này phân biệt người tu sĩ Đa Minh với một đan sĩ chiêm niệm thuần túy. Đan sĩ này có thể tiến xa hơn phạm vi đức vâng lời. Vì người tu sĩ Đa Minh nhận ra chính Thiên Chúa ở nơi tha nhân, nên họ đã được việc chiêm niệm thúc bách phải đem những người anh em đó về với Thiên Chúa, như thánh Tô-ma nhận xét:

 

"Trong tinh thần chiêm niệm sâu xa, người tu sĩ tự hiến mình vì danh Chúa, cho phần rỗi của tha nhân. Bởi vậy, đây là một bằng chứng của đức ái hoàn hảo hơn đối với tình yêu Thiên Chúa và tha nhân, để sẵn sàng ra đi vì phần rỗi của người khác. Tuy nhiên, trong trường hợp này, việc chiêm niệm có thể bị giảm bớt phần nào; nhưng vẫn còn tốt hơn là muốn sự ngọt ngào của chiêm niệm khi không sẵn sàng hy sinh nó thậm chí vì phần rỗi của tha nhân". (De carit Vitae sp, c 28).

 

Lòng nhiệt thành cứu rỗi các linh hồn thúc đẩy người tu sĩ Đa Minh mang đến cho họ một sứ điệp đã được sung mãn trong suy niệm trước nhan Thiên Chúa, một sứ điệp đã được thành hình nơi cung thánh, cung nguyện và tu viện.

 

Lý tưởng đi tìm thứ chiêm niệm được sinh hoa kết trái trong hoạt động tông đồ, đã được diễn tả cụ thể trong luật quản trị rất cổ xưa dễ hiểu và tốt đẹp của dòng Đa Minh.Lý tưởng này phát xuất trực tiếp từ đời sống của thánh Đa Minh. Các nhân chứng kể rằng: "Cha thánh chỉ nói với Chúa và nói về Chúa". Tu sĩ Tê-pha-nô kể rằng:

 

"Chính vì thói quen luôn nói về Chúa hay nói với Chúa, dẫu khi ở trong hay ngoài tu viện hoặc đang trong hành trình, thánh Đa Minh đã hăng say thúc giục anh em hãy luôn nói về Chúa hay với Chúa. Và cha đã đem điều này vào Hiến pháp".

 

Như vậy, khi nói về Chúa, trong đàm đạo hay thuyết giảng, việc chiêm niệm từ tâm hồn cầu nguyện của cha thánh tác động đến người nghe.

 

Các thánh Dòng Đa Minh đã học được điều này từ cha thánh. Họ cũng nói với Chúa và nói về Chúa. Chân phước Rây-mông miền Cap-pua viết điều này nơi thánh Ca-ta-ri-na Xi-ê-na như sau:

 

"Giả sử có người trí thức sẵn sàng nghe thì thánh nữ sẽ nói với họ về Chúa liên tục 100 ngày đêm (không cần nghỉ ngơi, ăn uống). Thánh nữ không biết mệt mỏi khi nói về Chúa. Trái lại càng nói, thánh nữ càng cảm thấy sôi nổi và nhiệt tình hơn. Rất nhiều lần thánh nữ đã nói với tôi là đối với thánh nữ không có gì bình thản trong cuộc sống cho bằng nói và tranh luận về Chúa với những người hiểu biết, và bất cứ ai đã từng giao tiếp với chị đều có cảm nghiệm như vậy".

 

Chân phước Rây-mông còn kể rằng: "Một lần kia, tôi ngủ gật đang khi nghe thánh nữ nói về Chúa. Thánh nữ đã đánh thức tôi với lời khiển trách: "Phải chăng đây không phải là những gì mà cha cần đến cho phần rỗi linh hồn của mình sao?"

 

Thánh Tô-ma đã giải thích có tính thần học về phương châm của Dòng khi nói một người tu sĩ hoạt động tông đồ phải: "Chiêm niệm và trao ban người khác hoa trái chiêm niệm của mình". Người tông đồ Đa Minh luôn phải nói với Chúa và nói về Chúa.

 

Chiêm niệm - Gia sản của đời sống Đa Minh.

 

Có thể chứng minh rằng dòng Đa Minh là một dòng chiêm niệm không? Trước hết, điều này có thể được thực hiện bằng việc xem xét hình thức của dòng mà thánh Đa Minh đã lập: một hội dòng của cộng đoàn Kinh Sĩ. Sắc lệnh phê chuẩn được Đức thánh cha Hô-nô-ri-ô III công bố vào ngày 22-12-1216 mở đầu bằng cụm từ Religiosam vitam (đời sống tu trì). Hàng trăm sắc lệnh tương tự cũng đã mở đầu bằng những cụm từ này và cùng một nội dung như vậy. Có những khác biệt về chi tiết nhưng luôn luôn qui chiếu về luật kinh sĩ. Bổn phận chủ yếu của các kinh sĩ là chiêm niệm. Phụng thờ Thiên Chúa Ba Ngôi. Sở dĩ có sự hiện diện của các công đoàn Kinh Sĩ là để cử hành việc thờ phượng của Giáo Hội theo một nghi thức long trọng. Họ qui tụ tại các nhà thờ chính tòa để: cử hành nghi thức phụng vụ, tham dự thánh lễ trọng thể, hát kinh Thần Vụ nhân danh Giáo Hội. Họ là những người cầu nguyện một cách chính thức vì chính thuật ngữ Religiosam Vitam của Đức thánh cha Hô-nô-ri-ô III đã lưu ý tu sĩ Dòng Thuyết Giáo rằng họ là những kinh sĩ và vai trò chính của họ là phải thờ phượng Thiên Chúa theo thể thức chiêm niệm.

 

Thánh Đa Minh cũng áp dụng những nếp sống từ những dòng chiêm niệm, đan viện. Đó là đời sống cộng đoàn, thinh lặng, khổ chế bằng chay tịnh, cúi đầu trong cử hành Thần Vụ và thánh lễ, sám hối, mặc tu phục. Phần đầu của hiến pháp tiên khởi hầu như chỉ nói về những điều này. Cha thánh Đa Minh đã lấy những điều này bắt đầu từ dòng Xi-tô, một dòng chiêm niệm rất nghiêm ngặt. Các nữ đan sĩ và các nữ tu hoạt động Đa Minh đã nhận những nếp sống tu trì này từ anh em. Huynh đoàn giáo dân Đa Minh cũng cúi mình khi đọc kinh thần vụ. Trong những giờ kinh riêng, họ cũng cung kính cúi đầu khi đọc kinh Sáng Danh. Những nếp sống tu trì này là một dấu hiệu nhắc nhở người tu sĩ rằng họ phải là người chiêm niệm.

 

Phần thứ hai của hiến pháp tiên khởi cũng xác định rõ ràng tính cách chiêm niệm của Dòng. Phần này hướng dẫn việc giảng thuyết, học hành và hoạt động tông đồ; sai phái anh em ra đi giảng thuyết, một hình ảnh sinh động của sự nghiệp tông đồ chiêm niệm:

 

"Được tham gia vào sứ vụ tông đồ, chúng ta cũng chấp nhận nếp sống của các tông đồ theo hình thức thánh Đa Minh đã ấp ủ là chung sống hòa hợp, trung thành trong việc khấn giữ các lời khuyên Phúc Âm, sốt sắng cử hành phụng vụ cộng đoàn, nhất là nhiệm tích Thánh Thể, kinh thần vụ và cầu nguyện, chuyên cần học hỏi và kiên tâm giữ kỷ luật tu trì. Tất cả những việc đó không những làm tôn vinh Danh Thiên Chúa và thánh hóa chúng ta, mà còn trực tiếp phục vụ phần rỗi các linh hồn, vì chúng chuẩn bị và thúc đẩy việc giảng thuyết một cách hòa hợp, lại hun đúc việc giảng thuyết và ngược lại...Đó là nếp sống tông đồ đầy đủ ý nghĩa của nó, trong đó, lời giảng và đạo lý phải phát sinh từ sự sung mãn của suy niệm (HPNT ỀIV).

 

Sau khi lãnh phép lành, họ ra đi như những người khao khát phần rỗi mình và tha nhân. Họ phải sống đạo đức, nết na như những người của Tin Mừng, bước theo chân Đấng Cứu Thế và chỉ nói với Chúa và nói về Chúa cho chính mình cũng như cho tha nhân.

 

Hiến pháp hiện hành cũng xác định những ý hướng đó và nhắc lại những lời của hiến pháp năm 1220: "Như ai cũng biết, Dòng chúng ta được thành lập ngay từ đầu với mục đích là giảng thuyết và cứu rỗi các linh hồn...Mục đích này phải được theo đuổi bằng giảng thuyết và dạy học từ sự phong phú và sung mãn của suy niệm, theo gương thánh Đa Minh, cha chỉ nói với Chúa và nói về Chúa vì phần rỗi của các linh hồn".

 

"Những phương thế mà thánh phụ đặt ra để đạt đến mục đích: ngoài ba lời khấn vâng phục, khó nghèo và khiết tịnh còn có đời sống kỷ luật, nếp sống tu trì cử hành long trọng kinh thần vụ và chuyên cần học hỏi chân lý thánh. Chúng ta, không thể hủy bỏ hay thay đổi tận căn những phương thế này mặc dù có thể được tu chính (trừ ba lời khấn) cho thích ứng hơn để đạt được mục đích và hiệu quả hơn.

 

Thánh Đa Minh đã chọn tu luật thánh Âu-tinh như tu luật thích hợp nhất cho những mục đích của Dòng mà các tu sĩ của Dòng phải chiêm niệm. Vì vậy tu luật mở đầu bằng một lời nói nhằm đến cùng một mục đích quan trọng của Dòng là chỉ nói với Chúa và nói về Chúa: "Anh em thân mến, anh em hãy yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và sau đó hãy yêu thương tha nhân". Đây là lời mời gọi chiêm niệm. Trước hết, tu luật hướng ta lên Thiên Chúa để chiêm ngắm Ngài trong sự chiêm niệm. Rồi sau đó, nó hướng ta ra đi, mang tình yêu của Chúa đến cho các linh hồn. Cha Humbert Romans, Bề trên tổng quyền thứ 5, đã khéo léo áp dụng những lời này cho người giảng thuyết Đa Minh như sau:

 

"Đó là bổn phận của người giảng thuyết vào những lúc suy niệm những điều thuộc về Thiên Chúa, đồng thời cố gắng hoạt động cho tha nhân, người ấy sẽ dành tình yêu trước tiên cho Thiên Chúa, và kế đó là cho tha nhân...vì mỗi người có trách nhiệm đối với chính mình hơn là đối với tha nhân. Do đó, họ phải tạo cho mình sự an thái của đời sống chiêm niệm hơn là cho những hoạt động bên ngoài, giống như những người thợ của vua Sa-lô-môn nghỉ ngơi nhiều hơn làm việc. Người giảng thuyết phải tìm kiếm những điều thuộc về Thiên Chúa hơn là kiếm tìm những gì thuộc về tha nhân và họ phải giảng dạy cho mình hơn là cho người khác. Mến Chúa hơn yêu người, vì đó là giới răn lớn nhất và trọng nhất. Như thế đúng như Thánh Kinh viết: "Trên hết mọi sự,anh em hãy yêu mến Thiên Chúa và sau đó yêu thương tha nhân".

 

Những lời trong tu luật đã làm nổi bật sự cao cả và linh đạo của ơn gọi Đa Minh, ơn gọi này thúc giục ta thực hiện hai giới răn quan trọng nhất: "Ngươi phải yêu mến Thiên Chúa, Chúa các ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết tâm trí của ngươi. Đó là giới răn thứ nhất và quan trọng nhất. Và giống như thế, ngươi hãy yêu mến anh em của ngươi như chính mình ngươi" (Mt 12, 37 - 39).

 

Chiêm niệm và giảng thuyết.

 

Đặc tính chiêm niệm của Dòng được quảng diễn từ mục đích đặc biệt mà thánh Đa Minh đã chọn là giảng thuyết để cứu rỗi các linh hồn. "Hiến pháp tiên khởi trình bày một cách rõ ràng mục đích này trong phần mở đầu: "Nên biết rằng ngay từ đầu, Dòng của chúng ta được thành lập chuyên giảng thuyết và cứu rỗi các linh hồn". Sự truyền bá Lời Chúa cho các linh hồn đòi hỏi mọi người tông đồ phải có đời sống chiêm niệm. Thánh Phêrô đã dạy chân lý này một cách rõ ràng khi chọn những vị phó tế đầu tiên chỉ rõ những nhu cầu cho chức vụ mới, ngài thay mặt nhóm Mười Hai tuyên bố:

 

"Không phải là điều đẹp lòng Thiên Chúa, nếu chúng ta từ bỏ Lời Thiên Chúa mà đi lo giúp việc bàn ăn. Vậy, hỡi anh em hãy tuyển chọn từ trong số anh em bảy người có tiếng tăm tốt, đầy thần khí và đầy khôn ngoan để chúng tôi đặt họ phụ trách công việc này. Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa" (Cv 6,2-4).

 

Chính thánh nhân đã muốn các trợ tế "hoạt động" phải chiêm niệm. Họ phải là những con người "đầy thần khí và khôn ngoan".

 

Thánh Đa Minh, vị tông đồ giữa những người An-bi đã chuyên cầu nguyện và phục vụ lời Thiên Chúa". Cha dành "ban ngày cho tha nhân còn ban đêm cho Thiên Chúa". Trong phần chú giải tu luật, tu sĩ Humbert Romans đã trình bày thật tuyệt vời về những người con đầu tiên của cha thánh Đa Minh đã noi gương vị sáng lập của mình:

 

"Tu sĩ phải là người chiêm niệm. Những điều giảng thuyết là chính những điều chiêm niệm. Nhận định về người giảng thuyết, chân phước Grê-gô-ri nói: "Trong chiêm niệm, họ kín múc những chân lý, để rồi sau đó, họ sẽ đổ tràn ra trong giảng thuyết. Nhiệm vụ của những người giảng thuyết: một mặt chuyên lo chiêm niệm những sự thuộc về Thiên Chúa và mặt khác tận tâm với những hoạt động vì lợi ích của tha nhân. Người giảng thuyết phải hiến mình cho cả hai đời sống: chiêm niệm và hoạt động. Nhưng vì mỗi người phải có trách nhiệm trước tiên với chính mình nên người giảng thuyết phải chuyên tâm sống đời chiêm niệm hơn là hoạt động.

 

Chiêm niệm trong đời sống của các nữ tu và huynh đoàn giáo dân Đa Minh.

 

Tất cả những gì mà chúng ta đã nói về chiêm niệm đều có thể áp dụng cho các nữ tu Đa Minh. Điều này thấy rõ nơi các nữ đan sĩ tuy nhiên các nữ tu hoạt động cũng phải sống đời sống tinh thần của Dòng như thế. Trong những điều cốt yếu, linh đạo Đa Minh đều giống nhau cho mọi thành phần của Dòng. Bất cứ hội dòng nào có thể được sáp nhập vào Dòng trừ phi bề trên tổng quyền thấy rằng hiến pháp và tập quán của hội Dòng đó phản ánh một cách trung thực tinh thần của dòng Anh Em Thuyết Giáo. Một hội dòng được sáp nhập Dòng khi đã có tính chiêm niệm trong luật và tập quán. Tất cả mọi thành phần trong Dòng (ngoại trừ huynh đoàn giáo dân) đều phải tuân giữ tu luật thánh Âu-tinh. Hãy năng đọc tu luật này trong nhà cơm của tu viện, vì nó luôn yêu cầu các anh em với những lời sau:

 

"Anh em thân mến, trên hết mọi sự, anh em hãy yêu mến Thiên Chúa và sauđó anh em hãy thương yêu tha nhân; bởi vì những điều này là những giới răn chính đã được ban cho chúng ta. Vì thế chúng tôi yêu cầu anh em, những người sống trong tu viện phải giữ những điều sau đây: Trước tiên, anh em hãy chung sống với nhau trong mối dây liên kết ở tu viện và hãy có chung một lòng, một ý trong Thiên Chúa vì đây là lý do tại sao anh em lại đến với nhau".

 

Hiến pháp của các chị em cũng như hiến pháp của anh em đều bó buộc họ phải sống chiêm niệm. Dòng Anh Em Thuyết Giáo được cha thánh thành lập nhằm thánh hóa mỗi thành viên của Dòng và cứu rỗi các linh hồn. "Như con cái thực sự của cha thánh (vừa là vị sáng lập vừa là vị tổ phụ), các chị em phải luôn luôn ghi nhớ mục đích đôi này và phải nỗ lực để đạt được điều đó". Điểm nhấn mạnh trước hết là "cứu rỗi chính linh hồn của mình", Dòng được thành lập để thánh hóa các phần tử của mình và để làm cho họ hoàn thiện trong đức ái; Thứ đến mới là cứu rỗi các linh hồn. Mục đích cốt yếu của người tu sĩ Đa Minh khi tham dự vào đời sống tu trì là thánh hóa chính bản thân. Điều này được thể hiện qua việc giữ ba lời khuyên Phúc âm, tu luật cũng như hiến pháp. Tất cả những điều đó cũng như tu luật của các nữ tu đều đòi buộc họ phải tuân giữ nếp sống tu trì chiêm niệm như đã được thánh Đa Minh khởi thảo năm 1216.

 

Các nữ tu cũng tuyên khấn tuân giữ hiến pháp và tu luật. Họ mặc tu phục với áo phép, dấu hiệu của một dòng chiêm niệm. Họ phải giữ chung luật, đời sống cộng đoàn, thinh lặng, Kinh Thần Vụ và nhiều nghi thức Dòng giúp họ hướng tâm hồn lên cùng Chúa.

 

Chiêm niệm thiên phú - Lý tưởng của tu sĩ Đa Minh.

 

Khi thánh Đa Minh đặt việc suy niệm cho con cái của mình như là nền tảng trong đời tu, cha muốn đề cập tới sự chiêm niệm thiên phú. Thế kỷ 13, người ta không biết phân biệt giữa chiêm niệm thiên phú và chiêm niệm thủ đắc như những tác giả về đời sống tâm linh sau này. Cha thánh đã không loại bỏ khẩu nguyện (đọc kinh), tâm nguyện hay những hình thức khác của đời sống cầu nguyện. Chính cha đã áp dụng và coi chúng như là những tác nhân chuyển tiếp chuẩn bị cho hình thức cầu nguyện cao hơn.

 

Chiêm niệm chủ yếu là một hành vi của lý trí nhưng nó phát xuất từ đức mến, một hành vi của ý chí. Khi tâm hồn yêu mến Thiên Chúa, nó ước ao được kết hợp với Ngài. Lòng yêu mến Thiên Chúa mãnh liệt sẽ dẫn đến hành vi chiêm niệm. Một khi linh hồn gặp gỡ được Thiên Chúa trong chiêm niệm thì lòng yêu mến Thiên Chúa sẽ gia tăng không ngừng theo một tiến trình hỗ tương. Trước sự hiện diện của người mà chúng ta yêu, chúng ta sẽ cảm thấy sung sướng. Dần dần điều này sẽ dẫn đến một tình yêu sâu đậm và phát triển không ngừng. Vì vậy, chiêm niệm là một chu trình khép kín (Summa theo II-III, q 180, a 6). Nó khởi đầu trong lòng yêu mến Thiên Chúa và dẫn chúng ta đến chiêm ngắm Ngài; như vậy chúng ta sẽ được sung mãn trong Ngài, yêu mến Ngài sâu xa hơn.

 

Một số người có thể không đồng ý rằng: chiêm niệm thiên phú là một ân huệ của Thiên Chúa và không thể thủ đắc được. Thiên Chúa ban nó cho ai, khi nào và bao nhiêu tùy theo ý Ngài muốn. Thiên Chúa trao ban khi mà Thánh Thần làm cho những Ơn của Ngài đặc biệt là ơn khôn ngoan, thông minh, hiểu biết, sống động trong tâm hồn ta. Khi đó, tâm hồn trở nên thuần tính và sẵn sàng đáp trả lại tiếng nói của Thần Khí. Nếu nói được như vậy, nếu chiêm niệm là một ơn Chúa ban, nếu chúng ta không thể thủ đắc được nó bằng cố gắng riêng mình, thì làm sao ta có thể là những tu sĩ Đa Minh đúng nghĩa. Không ai và có lẽ chỉ có một số người được đặc ân này. Dĩ nhiên chúng ta không biết ai được và ai không. Đôi khi, một người có thể có được mà chính họ không nhận ra nó hay một tâm hồn có thể đã chiêm niệm một lần, một vài lần hoặc thường xuyên. Vì vậy, vấn đề đặt ra là làm sao ta có thể trung thành được với ơn gọi của mình nếu như ở đây và bây giờ chúng ta không chiêm niệm ? Chúng ta sẽ trung thành với ơn gọi của mình nếu biết sống ơn gọi chiêm niệm một cách chân thành, biết nỗ lực thường xuyên, thăng tiến việc cầu nguyện. Điều này đòi buộc cả những người đang chiêm niệm. Vì là một hành vi, do đó nó có tính cách tạm thời: nó diễn ra và chấm dứt trong một thời gian. Ngay cả những ai được phú bẩm cũng phải luôn luôn sẵn sàng, nếu không họ sẽ đánh mất ơn huệ của Thiên Chúa.

 

Chuẩn bị cho chiêm niệm.

 

Phải làm gì để chiêm niệm? Theo thánh Tô-ma, đó là lắng nghe, đọc sách, suy gẫm, cầu nguyện (Summa theo II-III, q 180, a.3 ad a 4). Người tu sĩ Đa Minh chuẩn bị cho chiêm niệm khi lắng nghe những bài giảng, khi đọc những sách thiêng liêng, khi tâm nguyện hay khẩu nguyện. Hát kinh thần vụ ở cung nguyện trong khi tâm hồn suy gẫm những đoạn Thánh Kinh và lắng nghe tiếng nói của vị Tôn Sư vô hình, là những cách thế mà thánh Đa Minh sử dụng để tập cho con cái cha chiêm niệm.

 

Tu sĩ Đa Minh nên thường xuyên và khiêm tốn xin Thiên Chúa ban cho mình ơn chiêm niệm. Vì đó là một đặc ân cao trọng trực tiếp đưa đến sự thánh thiện; do đó nó đáng được ao ước. Chúa Giê-su qua cuộc nói chuyện với người thiếu phụ Sa-ma-ri đến kín nước ở giếng Gia-cóp, muốn khuyến khích ta cầu xin những ơn chiêm niệm. Nếu chị nhận ra những ân huệ Chúa ban và ai là người đã nói với chị: "Hãy cho tôi uống nước" thì chị sẽ xin người ấy và người ấy sẽ cho chị nước hằng sống" (Ga 4,10). Sách Khôn Ngoan dạy rằng cầu nguyện khiêm tốn và bền bỉ như thế có thể hy vọng được Chúa nhận lời: "Tôi đã kêu cứu Chúa và Thần Khí khôn ngoan đã đến với tôi" (Kn 7, 7). Linh hồn khiêm tốn cầu xin cho được ơn này khi nhận ra rằng đó là hồng ân của Thiên Chúa và sự đáp lời tùy thuộc vào ý muốn của Ngài. Có thể Chúa không đáp trả lời cầu nguyện này ngay trong đời sống hiện tại hoặc có thể Chúa đáp trả lại sau đó khi linh hồn đã sẵn sàng hơn. Có thể Ngài chỉ trả lời một lần hay có thể nhiều hơn. Chúng ta cầu xin ơn chiêm niệm mà không tự phụ bởi vì chiêm niệm thiên phú là sự khai mở bình thường của đời sống ân sủng và sẽ tiếp tục phát triển cho đến khi đạt đến sự viên mãn trong chiêm niệm. Nếu như sự viên mãn không xảy đến ở hiện tại, nó sẽ xảy đến trong cuộc sống vĩnh cửu, theo sau việc thanh lọc ở luyện ngục. Khi những thử thách và đau khổ xảy đến trong đời mình, người tu sĩ không bao giờ nên kêu ca, than phiền. Tốt hơn là họ nên đón nhận chúng như những thứ thanh tẩy linh hồn, và bày tỏ những yếu đuối, dần dần lôi kéo họ đến kết hiệp với Thiên Chúa. Có nhiều linh hồn đánh mất giá trị thanh tẩy của đau khổ khi họ có thái phản kháng hay tự ti mặc cảm.

 

Tu sĩ Đa Minh, người cảm nghiệm được tấm lòng quảng đại của Thiên Chúa, sẽ luôn cầu xin Ngài những ơn cao quí hơn. Tuy nhiên, sự cầu nguyện này sẽ trở nên tự phụ nếu họ không cần phải cố gắng liên tục để làm mọi cách khả dĩ ngõ hầu họ sẵn sàng đón nhận những ân huệ lớn hơn. Lòng trung thành tuyệt đối với cầu nguyện và các bổn phận của đời sống tu trì là những phương thế được Chúa ban cho người tu sĩ để hoàn tất công việc này. Sự chủ tâm lười biếng hay sự bội tín thường xuyên với những bổn phận tu trì sẽ vô hiệu hóa tất cả những nỗ lực trong việc cầu xin Thiên Chúa những hình thức cầu nguyện cao hơn.

 

Nếu người tu sĩ Đa Minh cầu xin ơn chiêm niệm thì họ phải sẵn sàng trả giá, không ai có thể trở thành một người chiêm niệm trừ phi người ấy sẵn lòng hy sinh tính mạng. Mọi điều trong đời tu của Dòng đều chuẩn bị cho mỗi người để chết đi cho chính mình và sống trong Chúa. Người tu sĩ bắt đầu chết đi cho chính mình khi khởi đầu sống đời tu một cách chân thành, khi bắt đầu giết chết những ý riêng, ước muốn, những cái thích và không thích của mình. Trong nhiều trường hợp người tu sĩ phải biết dẹp bỏ ý riêng. Nếu người tu sĩ trung thành tuân giữ nếp sống tu trì, thinh lặng, chay tịnh và những điều tương tự như thế, thì họ đang chết đi cho chính mình. Sự trung thành giữ từng chi tiết như thế chuẩn bị cho người tu sĩ chiêm niệm bằng cách dẹp bỏ những trở ngại, nhất là lòng tự ái và thói xấu ngăn cản chiêm niệm, đồng thời luyện tập các nhân đức như vâng lời, nhẫn nại, kiên tâm và bác ái hỗ trợ cho chiêm niệm.

 

Người tu sĩ Đa Minh sống trong Chúa khi họ chú tâm vào việc cầu nguyện, phụng vụ, học hành và hoạt động tông đồ. Phụng vụ và chuyên chăm học hỏi chân lý thánh tạo cho người tu sĩ tiếp xúc trực tiếp với Thiên Chúa, đối tượng của chiêm niệm. Hoạt động tông đồ chuyển thông hoa trái của chiêm niệm đến các linh hồn. Không có điều gì trong linh đạo của Dòng là vô ích. Mọi yếu tố của linh đạo Dòng đều thống nhất trong một phương hướng chủ đạo nhắm tới việc thánh hóa các tu sĩ Đa Minh và phần rỗi các linh hồn.

 

Đời sống, luật lệ, hiến pháp và những phong tục của Dòng đều tốt đẹp. Chúng tôt đẹp về hình thức, mục đích và hiệu quả. Một người tu sĩ Đa Minh cần hết sức cố gắng sống những điều ấy và thực sự hối hận khi sai phạm. Họ phải kiên tâm giữ luật lệ và hiến pháp mọi ngày trong suốt cuộc đời mình và không bao giờ được nản lòng. Duy mình Chúa mới biết lý do Ngài ban ơn chiêm niệm cho người này mà không cho người kia; trước hay sau, thường xuyên hay thỉnh thoảng. Thánh Âu-tinh dạy: "Đây là một mầu nhiệm và nếu chúng ta không muốn sai lầm, đừng nên tìm hiểu. Nhưng tốt hơn, linh hồn nên hồi tâm tự kiểm về sự bất tín với ân sủng của mình. Nếu Thiên Chúa ban cho linh hồn ơn chiêm niệm thì linh hồn phải đáp trả bằng trọn lòng biết ơn và lòng mến nồng nàn.

 

Nếu người tu sĩ làm tất cả để chuẩn bị cho chiêm niệm, chắc chắn họ sẽ đạt được hiệu quả cao trong việc thánh hóa linh hồn mình. Về phần mình, chính khi người tu sĩ không theo đuổi mục tiêu, những phương thế của Dòng, hay không sử dụng những phương thế đó cách quân bình, thì cũng chính khi đó, họ đã tạo ra những trở ngại cho chiêm niệm: Giảng thuyết, dạy dỗ, hộ lý và vô số công việc của Dòng trong thế giới hiện tại không cản ngăn người tu sĩ Đa Minh khao khát trở nên người chiêm niệm.

 

Dòng đã đào tạo được những người chiêm niệm và ngày nay vẫn có những người chiêm niệm. Có lẽ độc giả có thể không biết đến, nhưng thực ra vẫn có nhiều người chiêm niệm. Các thánh của Dòng đã minh họa cho sự quân bình xác đáng trong linh đạo Đa Minh, sự phối hợp hài hòa giữa chiêm niệm và hoạt động tông đồ. Các thánh đã từng là những người chiêm niệm vĩ đại của Giáo Hội như: thánh Đa Minh, thánh Tô-ma A-qui-nô, thánh Ca-tha-ri-na Xi-ê-na, thánh Vinh-sơn Phê-rê; nhưng đồng thời cũng là những tông đồ nhiệt thành. Những trang sử Dòng đã được điểm tô với những tâm hồn cao cả đã nên thánh theo đường hướng Đa Minh, tuân theo luật lệ với lòng trung thành tuyệt đối và một lòng một dạ hoạt động vì lợi ích các linh hồn.

 

 

114.864864865135.135135135250