05/12/2024 -

Lịch sử Đa Minh

684
_Vũ Thạch Vịnh, O.P._

Ngày 06 tháng 12 năm 2024, nhân kỷ niệm 90 năm (1934–2024) lớp tập đầu tiên dành cho các tu sĩ Đa Minh bản xứ, thuộc giai đoạn II (1934 – nay) trong lịch sử dòng Anh Em Giảng Thuyết trên quê hương Việt Nam, chúng tôi xin được giới thiệu đôi nét về Tu viện Quần Phương, nơi được chọn để đặt nhà tập, và về lớp tập đầu tiên, khởi sự cho việc thành lập Tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam sau này (18/3/1967).
 
TU VIỆN QUẦN PHƯƠNG

Khởi sự

Trong cuộc hành hương Ad Limina năm 1926, Đức cha Muñagorri (tên Việt là Trung, 1865–1936) đã trình bày ước nguyện thiết lập tại miền truyền giáo một cơ sở để đào tạo các tu sĩ bản địa lên Đức Thánh Cha Pius XI (1922–1939), và Đức Thánh Cha Pius XI đã khuyến khích Đức cha Muñagorri thực hiện ước mơ của mình. Đức Thánh Cha không chỉ ủng hộ công việc này bằng lời nói, mà còn bằng cả hành động. Ngài đã trao cho Đức cha Muñagorri 1.000 franc Pháp (~60.000 franc Đông Dương) để thực hiện công trình. Bên cạnh đó, Dòng cũng ủng hộ công trình Tu viện này với số tiền 12.000 franc Đông Dương.[1]
 
Tiến hành

Đức cha truyền đạt ý định của ngài lên Tỉnh dòng Rất Thánh Mân Côi, và ngay lập tức được chấp thuận. Cha Giám tỉnh Alejando García Foncuberta (tên Việt là Thiên/Thiện) đã tiến hành những bước cần thiết để cho việc xây dựng tu viện trong một làng có đông tín hữu Công giáo tại Quần Phương, tọa lạc trên lãnh thổ địa phận Trung. Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin cũng đã cấp những “phép” cần thiết cho việc xây dựng này.[2]

Tòa nhà được khởi công xây cất giữa tháng Giêng năm 1933 và hoàn thành đầu tháng 12/1934. Ngày 04/12 cùng năm, anh em bắt đầu sống đời sống cộng đoàn tại đây.

Tu viện gồm dãy nhà chính cao ba tầng, dài 80 mét, rộng trên 10 mét, mỗi tầng có chín phòng, hai tầng dùng làm phòng riêng của các tu sĩ, tầng trệt là các lớp học, phòng sinh hoạt và văn phòng. Phòng ăn và nhà nguyện nằm ở một cánh của tòa nhà. Dãy nhà phụ nằm ngang với dãy nhà chính cũng cao ba tầng, dài 20 mét, tầng trên cùng làm phòng hội của tập viện, tầng giữa là nhà nguyện, tầng trệt làm phòng ăn.


Hoạt động

Sau khi công trình xây dựng này được hoàn thành dưới sự điều hành của cha Francisco Romón Y, đời sống cộng đoàn nơi đây được bắt đầu vào ngày 04/12/1934, và chỉ hai ngày sau, tức ngày 06/12, cha Giám tỉnh Mauricio Andrés đã đến để khánh thành tập viện, và trao áo Dòng cho lớp tập đầu tiên.

Trước đó, ngày 19/9/1934, được sự chấp thuận của Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin và của Tỉnh dòng Rất Thánh Mân Côi, Đức cha Muñagorri đã ra văn bản chuyển nhượng toàn bộ tài sản gồm nhà thờ và tu viện mới xây cho Dòng.

Lễ khánh thành có sự hiện diện của cả ba vị Đại diện Tông Tòa của ba địa phận Dòng: Đức cha Muñagorri Trung (địa phận Trung, – Gp. Bùi Chu và Gp. Thái Bình ngày nay), Đức cha Artaraz Chỉnh (địa phận Bắc, – Gp. Bắc Ninh và Gp. Lạng Sơn ngày nay) và Đức cha Francisco Gomez Lễ (địa phận Đông, – Gp. Hải Phòng ngày nay), cũng như nhiều nhà truyền giáo và đông đảo tín hữu Công giáo. Hôm ấy, cũng diễn ra nghi thức trao tu phục cho chín anh em tư giáo và bốn anh em trợ sĩ (không phải là ‘năm’ như đọc thấy trong Công vụ Tỉnh hội năm 1939).

Sau này, trong tiến trình chuẩn bị thành lập Phụ tỉnh Việt Nam, Tu viện Quần Phương được Bề trên Cả Estanislao Gillet công bố vào ngày 27/3/1936 là tu viện chính và là Nhà Học của phụ tỉnh; đồng thời, ngài cũng đặt cha Jacinto Hernández Tế làm Tu viện trưởng đầu tiên.[3]

Các vị Bề trên Tu viện Quần Phương

  1. 1. Jacinto Hernandez Tế (1936-1939)
  2. 2. Remigio Aparicio Y (1939-1940)

Do thỏa thuận trao đổi cơ sở giữa địa phận Bùi Chu và Dòng, cộng đoàn Tu viện Quần Phương buộc phải di tản vào tháng 5/1940, trước hết là đến trường đệ tử ở Hải Dương, sau đó là về trường Santo Tomas ở Nam Định (15/7/1942) để các sinh viên có thể đi Hồng Kông theo học tại trường thánh Alberto, đồng thời có thể tiếp tục đời sống cộng đoàn.

NHÀ THỜ QUẦN PHƯƠNG

Làng Quần Phương là một trong những nơi đón nhận ánh sáng Tin Mừng sớm nhất, từ khi Tây dương đạo trưởng Inikhu đến truyền đạo Giatô tại Bùi Chu.[4] Sau đó, giáo xứ này hình thành và phát triển dưới sự hướng dẫn của các thừa sai dòng Tên từ năm 1627 và sau đó là các cha thuộc Hội Thừa sai Paris, tiếp đến là các thừa sai Đa Minh.

Giữa làng Quần Phương luôn có một nhà dành làm nơi thờ phượng Chúa, nhưng chỉ sau thời kỳ bách hại tôn giáo, cụ thể là năm 1876, làng Quần Phương mới có một ngôi nhà thờ đúng nghĩa, bằng gỗ khang trang và rộng lớn với sáu hàng cột, cùng một Quán Cư được xây cất năm 1882. Năm 1928, ngôi nhà thờ bằng gỗ được nhượng lại cho xứ Tân Phường, và làng Quần Phương bắt đầu xây dựng một nhà thờ mới bằng gạch lớn hơn.[5]

Khi công trình nhà thờ mới còn đang dang dở, thì được tin Dòng Đa Minh sẽ xây dựng Tu viện tại miền truyền giáo Bắc Hà. Quan viên làng Quần Phương đã xin Đức cha và Bề trên Dòng xây Tu viện tại làng này, và dâng hiến ngôi nhà thờ đang xây dở dang cho nhà Dòng.[6]

Do đó, Đức cha Pedro Muñagorri Trung đã ban sắc lệnh ngày 19/9/1934 để trao công trình nhà thờ này cùng tu viện mới xây và các sở ruộng thuộc về xứ Quần Phương cho Dòng. Trong sắc lệnh, Đức cha Muñagorri Trung đã nhắc lại văn thư với số lưu Prot. 530/29 của Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin, cho phép ngài nhượng số tài sản này cho Dòng một khi Tu viện tại Quần Phương được xây cất xong.[7]

Sau khi chia tách Địa phận Bùi Chu làm hai địa phận là Bùi Chu và Thái Bình năm 1936, một số sự việc tranh chấp tài sản thuộc giáo hội địa phương và thuộc Dòng tu đã xảy ra, dẫn đến việc nhà Dòng đã trao đổi Tu viện và giáo xứ Quần Phương cùng một số sở ruộng thuộc xứ để lấy xứ Khoái Đồng, thuộc thành phố Nam Định.[8]

TẬP VIỆN QUẦN PHƯƠNG

Lớp tập đầu tiên được ủy thác cho cha Giám sư Antonio Gonzalez Quang làm cha giáo, với 13 tập sinh, gồm 9 tập sinh tư giáo và 4 tập sinh trợ sĩ, lần lượt như sau:[4]
 
  1. 1. Giuse Hoàng Mạnh Hiền (1907–1991), quê Phú Nhai
  2. 2. Gioan Chí (1908 - ), quê Hải Ninh
  3. 3. Giuse Đỗ Văn Lợi (1909–2003), quê Nam Am
  4. 4. Đa Minh Nguyễn Hữu Kỳ (1911–1994), quê Nhã Lộng
  5. 5. Đa Minh Hoàng Bình Thuận (1914–2014), quê Việt Yên
  6. 6. Giuse Hoàng Công Độ (1914–1985), quê Hải Ninh
  7. 7. Gioan B. Trần Mục Đích (1914–1987), quê Trần Xá
  8. 8. Giuse Trương Quang Cảnh (1916–2004), quê Thiết Thượng
  9. 9. Giuse Phú (1916 – ?), quê Xá Thị
  10. 10. Đa Minh Nguyễn Duy Uyển (1901–1978), quê Ninh Cường
  11. 11. Đa Minh Nguyễn Khoát Đạt (1909–1999), quê Quần Phương
  12. 12. Gioan B. Bùi Văn Toán (1911–2004), quê Phú Triệu
  13. 13. Antôn Học (1914 - ?), quê Thạch Bích

Sau khi kết thúc năm tập, ngày 08/12/1935, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, 12 anh em đã tuyên khấn, trừ anh Antôn Học rút lui vì lý do sức khỏe. Về sau, khi trở về từ Học viện Albertô Cả ở Rosaryhill, Hồng Kông, anh Giuse Phú xin chuyển sang Giáo phận Lạng Sơn, và đổi tên thành Giuse Đức.[5]

Tập viện duy trì tại Quần Phương đến tháng 5/1940 thì chuyển về Tu viện thánh phụ Đa Minh tại Hải Dương. Đến mùa hè năm 1943, tập viện được chuyển về tạm trú tại trường Santo Tomas, Nam Định. Sau đó, tháng 9/1946, tập viện được chuyển đến Tu viện Gabriel, Đáp Cầu, Bắc Ninh, nhưng chỉ ở được một năm, do tình hình chiến sự leo thang, tập viện một lần nữa trở lại Đệ tử viện Hải Dương, cho đến ngày di cư năm 1954.[6]

Như vậy, những cánh chim đầu đàn của Dòng Đa Minh trên đất Việt giai đoạn II đã lãnh áo Dòng, gia nhập tập viện tại Tu viện Quần Phương, nơi cũng là Tu viện đầu tiên trên đất Việt của Dòng.
 
Cước chú:

[1] Thư của Đức cha Muñagorri Trung gửi BTTQ Gillet, đề ngày 10/5/1934, Văn khố Avila/ Tonkin/Quần Phương. Xem thêm: Francisco Zurdo, Los Dominicos Españoles en Vietnam (1926 – 1967), Madrid: 1988, tr. 58. MD, III, 1935, tr. 83-85.
 
[2] Làng Quần Phương nằm cách thủ phủ tỉnh Nam Định khoảng 35 km, và cách Bùi Chu, trụ sở của Đức cha Đại diện Tông Tòa, khoảng 16 km. Đây là tu viện tiên khởi. Số giáo dân vượt trên 11.000 nhân danh, rất đạo đức bởi lòng sùng kính kinh Mân Côi và lòng sốt mến đối với Dòng. Từng coi sóc họ đạo này có các Đức cha Domingo Hernares Minh, Maximo Fernandez Định, Venceslao Oñate Thuận, và Muñagorri Trung. Nơi đây cũng sản sinh nhiều vị tử đạo, và hai trong số đó đã được tuyên thánh là thánh Giuse Hiển và thánh Bernađô Duệ. Sau cùng, đây là nơi mà các bề trên đã chọn để xây dựng tu viện Đa Minh tiên khởi tại Việt Nam (x. MD, 1932, IV, tr. 114-116). x. ACPSR, 1939, den. 46, 47, tr. 20-23.
 
[3] ACPSR, 1939, den. 47, tr. 22: “Chúng tôi tuyên bố Tu viện thánh phụ Đa Minh Quần Phương, được thiết lập ngày 27/3/1936, được Bề trên Cả Martino Stanislao Gillet đặt làm Tu viện chính thức về mặt pháp lý, và tu sĩ Jacinto Hernandez được đặt làm bề trên tiên khởi.”
 
[4] x. Trần Đức Huynh, Lịch sử Địa phận Bùi Chu, Hội Ái Hữu Bùi Chu tại Hoa Kỳ, 2000, tr.25.
 
[5] x. facebook: “Giáo xứ Đền thánh Quần Phương – Giáo phận Bùi Chu”
 
[6] Thư Quan viên làng Quần Phương gửi Đức cha Muñagorri Trung, đề ngày 02/3/1928.
 
[7] Sắc lệnh của Đức cha Muñagorri Trung, đề ngày 19/9/1934. Văn khố Avila: Cronica del Convento de Quần Phương.
 
[8] x. Vũ Thạch Vịnh, “Đôi dòng Lịch sử nhà thờ Khoái Đồng,” Đôi Dòng Lịch Sử Nhà Thờ Khoái Đồng | Tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam
 
[9] Bùi Đức Sinh, Dòng Đa Minh trên đất Việt, tập 2, Biên Hòa: 2013, tr. 132-133.
 
[10] Ibid., tr. 135 và 161.
 
[11] Ibid., tr. 159-167.
114.864864865135.135135135250