06/08/2024 -

Lịch sử Đa Minh

2018
_GB. Vũ Thạch Vịnh, O.P._

Lễ Đầu Dòng là cách gọi dân dã của ngày lễ kính thánh phụ Đa Minh, Đấng sáng lập Dòng Anh Em Giảng Thuyết. Trước đây, lễ kính thánh Đa Minh được ghi trong niên lịch phụng vụ của Giáo hội là ngày 06/8, kỷ niệm ngày thánh nhân qua đời (ở Bologna, người ta vẫn mừng kính ngài vào đúng ngày tạ thế, 06/8). Sau cải cách phụng vụ của Công đồng Vatican II, lễ kính thánh Đa Minh được cử hành vào ngày 08/8 hàng năm.

(HĐGDĐM TGP Sài Gòn Mừng lễ Thánh Đa MInh sớm 3/8/2024)

Lịch sử:

Đầu năm 1841, khi cơn bách hại tàn khốc trong triều đại vua Minh Mạng đang diễn ra thì bị ngắt đoạn bởi cái chết của nhà vua (10/01/1841, tức 28 tháng Chạp năm Canh Tý). Giáo hội Việt Nam có được một quãng thời gian bình yên ngắn ngủi vào đầu triều đại vua Thiệu Trị.

Đức cha Hermosilla Liêm, vị đứng đầu miền truyền giáo Đông Đàng Ngoài khi ấy, đã tận dụng quãng thời gian bình yên có được để sửa chữa lại những thứ đổ vỡ do cuộc bách hại cuối triều vua Minh Mạng gây ra.

Nhận thấy lòng đạo của các tín hữu vẫn còn rất buồn phiền sau cơn bão bách hại, năm 1844, Đức cha Hermosilla Liêm đã cho tổ chức lễ kính thánh phụ Đa Minh cách long trọng nhất có thể, ngõ hầu bằng cách này, ngài có thể xoa dịu nỗi u buồn nơi tâm hồn các tín hữu. Nam Am, nơi có trường Latin và cũng là nơi thân thuộc của Đức cha Hermosilla, đã được chọn làm nơi tổ chức thánh lễ này. Cha Marcos Gispert ghi nhận trong tập sách lịch sử của mình như sau:

“Để chuẩn bị cho thánh lễ này [lễ kính thánh phụ Đa Minh], Đức cha đã chọn nhà thờ Nam Am làm nơi tổ chức lễ. Nhà Thờ Nam Am chẳng qua chỉ lớn hơn phòng thay áo một chút, được dựng tạm lên giữa đám lau sậy và vườn cau. Đức cha đã triệu tập tất các các giáo dân ở các xứ lân cận, các thừa sai Âu châu, chín linh mục triều, khoảng 200 thành viên Nhà Đức Chúa Trời, trong số đó có cả các sinh viên, thầy giảng, và người giúp việc. Ngài cũng chỉ đạo trang hoàng nhà thờ cách lộng lẫy nhất với các giá treo và bảng in từ Pháp gửi đến.” [1]

Quả thật, thánh lễ đã thành công vang dội vượt ngoài sự mong đợi của Đức cha. Các giáo dân tham dự lần đầu tiên thấy những cảnh tượng như vậy, chưa từng thấy trước đây, và không khỏi vui mừng sung sướng khi so sánh thời điểm hiện tại khi ấy với quá khứ đau thương. Suốt tám ngày liền, giáo dân đua nhau đến viếng nhà thờ Nam Am; và nhân dịp này, Đức cha Hermosilla còn đã tận dụng để ban bí tích thêm sức cho một lượng đông người lớn và trẻ em.

(Lễ Đầu Dòng Gp. Hải Phòng)

Tại sao lễ Đầu Dòng ở địa phận Bùi Chu lại có vẻ nổi tiếng hơn các địa phận Dòng khác?

Như vừa trình bày ở trên, thánh lễ đại trào kính thánh phụ Đa Minh lần đầu được tổ chức tại Nam Am (nay thuộc địa phận Hải Phòng). Sau khi chia tách địa phận Đông Đàng Ngoài (1848) thành hai địa phận: Trung (Bùi Chu và Thái Bình ngày nay) và Đông (Hải Phòng, Bắc Ninh, và Lạng Sơn ngày nay), đặc biệt là sau khi hòa bình tôn giáo được lập lại trên toàn cõi Việt Nam (1888), truyền thống tổ chức lễ kính thánh phụ Đa Minh vẫn được duy trì tại các địa phận Dòng (cách gọi các địa phận do các thừa sai Đa Minh phụ trách). Tuy nhiên, có vẻ như truyền thống tổ chức lễ Đầu Dòng được duy trì và phát triển tại địa phận Bùi Chu hơn, theo thiển ý của người viết, vì hai lý do sau:

1/ Số giáo dân của địa phận này đông hơn hẳn các địa phận khác của vùng Đông Đàng Ngoài; [2]

2/ Kể từ khi Đức cha Đa Minh Hồ Ngọc Cẩn, vị Giám mục bản quốc đầu tiên coi sóc địa phận Bùi Chu, thì lễ thánh Đa Minh, vốn là quan thầy đệ nhị của địa phận sau quan thầy Đức Maria Vô Nhiễm (Phú Nhai), cũng là quan thầy của Đức cha địa phận. [3]

Do vậy, địa phận Bùi Chu tổ chức lễ kính thánh phụ Đa Minh cách rầm rộ và long trọng hơn, bởi đó vừa là quan thầy đệ nhị của địa phận, vừa là quan thầy của Đức cha địa phận.

(Lễ Đầu Dòng Gp. Bùi Chu)
Các hoạt động trong Lễ Đầu Dòng

Kể từ đầu thế kỷ XX, Việt Nam không ngừng trải qua các cuộc chiến tranh. Tuy nhiên, lòng đạo của người dân Việt Nam nói chung và của các địa phận Dòng nói riêng không lúc nào suy giảm.

Tại địa phận Bùi Chu, sự kiện “lễ Đầu Dòng” diễn ra từ chiều ngày 07/8 đến hết ngày 08/8. Ngay từ sáng sớm ngày mùng Bảy, giáo dân đã nườm nợp từ khắp nơi đổ về nhà thờ chính tòa. Họ đi thành từng nhóm, từng làng, vừa đi vừa đọc kinh Mân Côi, vừa giao lưu kể chuyện xóm làng, chuyện làm ăn,… Người xe đạp, kẻ chân trần, cứ thế đổ về hướng Tòa Giám mục. Họ mang theo cơm nắm, sắn, khoai, với một túi đựng áo quần để dự lễ. Họ nghỉ đêm bên các gốc nhãn trong khuôn viên, hiên nhà thờ hay hiên tòa giám mục… không thấy xấu hổ vì ngủ bờ ngủ bụi, vì ai cũng như ai, và ai cũng một lòng về đây để mừng lễ. [4]

Tại Bùi Chu, đây là thánh lễ cấp địa phận, toàn thể giáo dân thuộc địa phận đều được kêu gọi tham dự. Tại các địa phận khác, lễ này chủ yếu cho các ông bà thuộc Dòng Ba Đa Minh.

Tại địa phận Bùi Chu, trước đây, buổi chiều tối ngày mùng Bảy, khi bà con khắp nơi đã tụ tập về nhà thờ chính tòa, họ chầu Thánh Thể, xưng tội và dọn mình đón đại lễ. Vào chính ngày, 08/8, sẽ có thánh lễ đại trào do Đức Giám mục Giáo phận chủ tế, cùng đông đảo linh mục trong địa phận. Từ đầu thiên niên kỷ này, vào buổi chiều ngày mùng Bảy, ngoài hoạt động xưng tội và chầu Thánh Thể, còn có buổi diễn nguyện về cuộc đời thánh Đa Minh, thánh lễ vọng kính cha thánh Đa Minh, và đêm văn nghệ mừng đại lễ.

Hơn chục năm gần đây, các địa phận Dòng đang dần lấy lại truyền thống tốt đẹp của mỗi địa phận liên quan đến ngày lễ kính thánh phụ Đa Minh [5]. Ngay tại miền Nam, nơi có số lượng đông đảo giáo dân di cư từ các địa phận Dòng trong biến cố 1954, lễ Đầu Dòng cũng được tổ chức cách long trọng, và vài năm trở lại đây, anh chị em trong Huynh đoàn Giáo dân Đa Minh ở các địa phận miền Nam, cách riêng là địa phận Xuân Lộc, đã thường xuyên tổ chức dịp lễ kính thánh tổ phụ cách trọng thể tại Đền thánh Martinô, Hố Nai.

(Lễ Thánh Đa Minh - 8/8/2022 tại Đền thánh Máctinô, Biên Hoà)

[1] Marcos Gispert, Historia de las Misiones Dominicanas en Tonkin, Madrid: 1928, tr. 481.

[2] Theo thống kê đầu năm 1930, các cha dòng Đa Minh gốc Tây Ban Nha coi sóc các địa phận Bùi Chu (330 000 tín hữu, 27 thừa sai Tây Ban Nha, 180 linh mục người Việt, 700 nữ tu và 690 thầy giảng), Hải Phòng (92 000 tín hữu, 22 linh mục Dòng, 69 linh mục người Việt, 135 nữ tu và 328 thầy giảng), Bắc Ninh (44 250 tín hữu, 14 linh mục Dòng, 56 linh mục người Việt, 80 nữ tu và 110 thầy giảng).

[3] Ngoài ra, cũng nên biết rằng Đức cha Đa Minh Hồ Ngọc Cẩn còn đứng chủ bút tạp chí “Đa Minh bán nguyệt” số ra mắt ngày 01/6/1939, xuất bản ngày các ngày 01 và 15 mỗi tháng, ra được 166 số, mùa xuân năm 1946 phải đình bản vì vật giá quá đắt đỏ và Ban Quản lý lại không thể tìm mua được giấy in. Có lẽ, ngài cũng là người đã sáng tạo ra tên gọi Đa Minh, thay thế cho tên gọi Đôminicô vốn được dùng trước đó.

[4] Nhựa Sống, “Lễ Đầu Dòng xưa và nay”, Lễ Đầu Dòng xưa và nay (gpbuichu.org). Truy cập ngày 06/8/2024.
[5] x. Thông báo chương trình lễ Thánh Đa Minh – Lễ Đầu Dòng - Giáo Phận Hải Phòng (gphaiphong.org). Truy cập ngày 06/8/2024.
114.864864865135.135135135250