_GB. Vũ Thạch Vịnh, O.P_
Trong các tài liệu lịch sử Tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam từ trước tới nay, cách riêng trong phần Lược sử Tỉnh dòng ở đầu Niên giám, có ba (03) chi tiết về mặt Lịch sử chúng tôi xin được đóng góp ý kiến của mình, với tư cách là vị phụ trách Công hàm và Biên niên sử của Tỉnh dòng.
1. Thứ nhất, "Linh mục Gaspard Santa Cruz đặt chân lên đất Hà Tiên năm 1550" (Niên Giám 2023, tr. 9).
1.1. Tên gọi: Gaspar da Santa Cruz (k. 1520-1570), không phải là Gaspard. Các tài liệu tiếng Anh, Pháp (đa số), và tiếng gốc Bồ Đào Nha đều ghi nhận tên Gaspar da Santa Cruz, hoặc Gaspar da Cruz. Do vậy, chúng tôi kiến nghị sử dụng tên Gaspar thay cho Gaspard.
1.2. Năm đặt chân đến Hà Tiên.
+ Năm 1550 liệu có chính xác? Trong tác phẩm Historia de las Misiones dominicanas en Tungkin, cha Marcos Gispert đã ghi nhận năm 1550 là năm mà cha Gaspar da Santa Cruz đến Cần Cáo, Hà Tiên (tr. 8). Ngài trích nguồn từ tập Sử ký địa phận Trung (tr. 8) của cố Emmanuel Moreno Trinh, nhưng cố Moreno Trinh lại không trích nguồn, chỉ nói chung chung rằng “trong sử ký dòng ông thánh Duminhgô bằng tiếng Iphanho và tiếng Phutughê.” Sau đó, cha Vinh Sơn Bùi Đức Sinh trong tác phẩm Dòng Đa Minh trên đất Việt, tập 1 (tr. 15), đã trích dẫn lại năm này (1550). Bên cạnh, cha tiếp tục dẫn nguyên văn việc vua Khmer yêu cầu một thừa sai đến giảng đạo từ tài liệu Chronicon Polanci lấy nguồn trong văn khố của dòng Tên, tr. 723. Tuy nhiên, khi tìm lại tài liệu này trong văn khố dòng Tên, thì trích dẫn của cha Vinh Sơn Bùi Đức Sinh không khớp với tài liệu được trích dẫn.
+ Năm 1555 có nhiều chứng cứ lịch sử hơn.
- Tài liệu trong văn khố dòng Tên ở Mục 2027, năm 1555, ghi nhận sự kiện cha dòng Đa Minh là Gaspar từ Malacca đến Cambodia.
- Website chính thức của Giáo hội tại Cambodia (catholiccambodia.org) cũng ghi nhận mốc lịch sử năm 1555, thừa sai Gaspar da Santa Cruz đến vương quốc Khmer.
Trong khảo luận nghiên cứu về việc tiếp xúc với Á châu, Asia in the making of Europe, xuất bản năm 1965, (vol. I, quyển II, tr. 562-563), tác giả Donald F. Lach đã thuật lại rằng: Cha Gaspar da Santa Cruz cùng 10 anh em Đa Minh khác đến Goa vào năm 1548, làm việc tại Ấn Độ, sau đó, năm 1554 đến Malacca để lập Tu viện, rồi từ đó đi Cambodia vào năm 1555, ở đó khoảng một năm, sứ vụ không thành công (điều này chính cha Gaspar cũng kể lại trong tác phẩm của mình, Tractado em que se co[m]tam muito por este[n]so as cousas da China, xuất bản năm 1569 tại Lisboa), ngài đã đi Quảng Châu (Trung Quốc), rồi trở về Malacca vào năm 1557. Sau đó, năm 1560, ngài làm tuyên úy cho một toán quân người Bồ Đào Nha đi đến Homuz (thuộc Iran ngày nay), và trở về Ấn Độ năm 1563. Không rõ thời gian còn lại của ngài ở đâu và làm gì, nhưng ngài có mặt ở Lisboa, Bồ Đào Nha, vào năm 1565 và qua đời ở quê nhà năm 1570.
Trước khảo luận lịch sử trên, tác phẩm South China in the Sixteenth Century của C. R. Boxer, xuất bản tại London năm 1953 (tr. 52-53) và tác phẩm A history of Missions in China, của tác giả Kenneth Scott Latourette, xuất bản tại New York năm 1926, tr. 89 cũng trình bày các mốc thời gian tương tự.
1.3. Về địa danh Cancao.
Liệu có một sự nhầm lẫn ở đây? Cancao là địa danh chỉ xuất hiện sau này, khi mà người Trung Hoa (Mạc Cửu Kính và gia đình) đến lập nghiệp trên lãnh thổ Chân Lạp (lãnh thổ ngày nay thuộc Việt Nam).
Trong tác phẩm Tractado em que se co[m]tam muito por este[n]so as cousas da China, chính tác giả Gaspar da Santa Cruz cũng không đề cập gì đến địa danh Cần Cảo. Tuy nhiên, ngài mô tả chính xác và chi tiết đồng bằng sông Cửu Long với hai nhánh (sông Tiền và sông Hậu), và địa danh thuộc lãnh thổ Việt Nam khi đó được ngài nhắc đến là cửa Chudurmuch (Châu Đốc, thuộc tỉnh An Giang ngày nay). Tác phẩm Purchas his pilgrimes, vol. XI, tr. 474-485 của tác giả Simuel Purchas, xuất bản năm 1906 lặp lại điều tương tự.
Trước thế kỷ XVII, trên các bản đồ của người Âu châu, đặc biệt là của Bồ Đào Nha, khu vực phía nam đồng bằng sông Cửu Long được gọi là Ponthiamo/ Ponthiamas. Trong tác phẩm Asia in the making of Europe, tr. 740, tác giả Donald F. Lach giải thích concão là từ để chỉ viên quan toàn quyền hoặc vị thụ ủy của một tỉnh. Như vậy, có chăng concão đã bị đọc nhầm thành cancão? Và với việc tác giả Gaspar chỉ đề cập đến khu vực Chudurmuch (các tác phẩm khác cũng nói đến Chudurmuch hoặc Ponthiamo), chúng ta chỉ nên chân nhận rằng cha Gaspar đã đến đồng bằng sông Cửu Long, và địa danh Châu Đốc là khả tín nhất?
2. Thứ hai, "Tỉnh dòng Rất Thánh Mân Côi... đã thực hiện bốn chuyến truyền giáo" (Niên Giám 2023, tr. 9)
Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ năm 1596 đến năm 1628, Tỉnh dòng đã thực hiện năm (05) chuyến truyền giáo
Dựa trên mô tả chi tiết của tác giả Marcos Gispert trong tác phẩm Historia de las Misiones dominicanas en Tungkin (tr. 31-64); và sử gia Eladio Neira trong tác phẩm Herados de Cristo en los reinos del Oriente (Madrid, 1987. Bản dịch Việt ngữ của Vũ Thạch Vịnh, Những sứ giả của Đức Kitô ở vùng Viễn Đông, tr. 32.33.146.371.375.408), cũng như Công vụ Tỉnh hội các năm 1598, 1600, 1605, và các tác phẩm Historia de la Provincia del Santo Rosario en Filipinas, Japón, China, de la Orden de Predicadores của chính “người trong cuộc,” Diego Aduart, xuất bản tại Manila 1640, cũng như tiểu sử của các vị có liên hệ đến các chuyến hành trình trong tác phẩm Compendio de la Reseña Biográfica của cha Hilario Ocio, xuất bản tại Manila năm 1895.
Chuyến thứ nhất: ngày 18/01/1596, cha Alonso Jimenez, đương kim Giám tỉnh sắp mãn hạn, cha Diego Aduarte, sử gia của tỉnh dòng, và thầy trợ sĩ Juan Deza đến Cambodia. Tuy nhiên, khi đến nơi thì nhà vua Cambodia đang phải trốn sang Lào, do thua trận với quân Xiêm.
Chuyến thứ hai: ngày 17/9/1598, có cả thảy ba tàu ra khơi. Cha Alonso Jimenez và hai cha dòng Phanxicô đi trên một tàu, cha Diego Aduarte đi trên tàu khác. Tuy nhiên, khi ra khơi được sáu ngày thì đoàn tàu gặp bão, tàu của cha Jimenez bị đánh dạt về biển Trung Hoa, bị bắt giam một thời gian và được trả tự do; tàu của cha Aduarte dạt vào mạn bắc đảo Luzon, còn tàu nhỏ thì may mắn trở về được Philippines.
Chuyến thứ ba: sau khi bão tan, tàu nhỏ trên chuyến thăm dò vừa nêu trở về Manila trình báo sự việc, quan toàn quyền ra lệnh cho một tàu khác lên đường tìm kiếm hai tàu còn lại, trường hợp không tìm thấy phải tiếp tục hành trình đến Cao Miên để tìm. Trên tàu này, có hai cha Juan Maldonado và Pedro de la Bastida. Họ đến được Cambodia, nhưng do nhà vua còn nhỏ tuổi, hoàng hậu không mặn mà tiếp đón, các ngài trở về. Trên đường ra biển thì xảy ra cuộc chiến với người Malaysia, cha Juan de la Bastida tử trận, cha Maldonado bị thương, phải lánh nạn qua Xiêm, sau đó tìm đường trở về Philippines, nhưng ngài qua đời do vết thương tại vùng biển Cochinchina.
Chuyến thứ tư: năm 1603, nhà vua mới của Cambodia sai sứ giả sang Manila để xin các thừa sai đến giảng đạo. Ba cha Iñigo de Santa Maria, Jeronimo de Belem và Alonso de Santa Catalina được lệnh lên đường. Các ngài đã đến và hoạt động tại đó khoảng một năm. Trong thời gian này, có một số biến động chính trị, khiến cha Iñigo phải trở về Manila để trình bày với quan toàn quyền. Cha Alonso mắc bệnh và qua đời tại Cambodia. Cha Jeronimo chờ mãi không thấy cha Iñigo và phái đoàn mới của Manila trở lại Cambodia, nên đã bỏ nơi này mà về Manila.
Chuyến thứ năm: ngày 21/12/1628, phái đoàn gồm bốn cha và một thầy trợ sĩ, do cha Morales dẫn đầu, lên đường đi Cambodia. Các ngài ở đó được hai năm rưỡi thì bất ngờ được lệnh của Giám tỉnh trở về Manila. Dù ngỡ ngàng nhưng vì đức vâng lời, các ngài đành bỏ Cambodia để trở về Manila.
3. Thứ ba, "240 vị thừa sai Tây Ban Nha đã được gửi đến Việt Nam" (Niên Giám 2023, tr. 9).
Dựa trên bảng danh sách các vị thừa sai đã được gửi đến Tonkin ở cuối hai tập sách lịch sử: Historia de las Misiones Dominicanas en Tungkin của cha Marcos Gispert (Madrid: 1927) và Los Dominicos Españoles en Vietnam của cha Francisco Zurdo (Madrid: 1988), cũng như đối chiếu với danh sách các đợt sứ vụ trong tác phẩm Misioneros Dominicos en el Extremo Oriente của hai sử gia Eladio Neira và Hilario Ocio (Manila: 2000), con số chính xác phải là 241 vị thừa sai thuộc Tỉnh dòng Rất Thánh Mân Côi đã đến truyền giáo tại Việt Nam.
Có tổng cộng 246 vị đã nhận bài sai lên đường đi truyền giáo tại Việt Nam. Tuy nhiên, hai trong số này đã dừng lại ở Macao và chuyển hướng đi miền truyền giáo khác hoặc nhận bài sai khác, ba vị còn lại bị đắm tàu vào năm 1728. Xin xem Danh sách các vị thừa sai đã nhận bài sai đến Việt Nam ở phụ trương 1, các trang 453-466 trong tác phẩm Những sứ giả của Đức Kitô ở vùng Viễn Đông được nói đến ở trên.