05/12/2024 -

Lịch sử Đa Minh

1025
Cách đây 90 năm : 

Ngày 6 tháng 12 năm 1934

Một sự kiện mở đầu cho lịch sử Dòng Đa Minh ở Việt Nam

 
_Phan Tấn Thành_

Một năm tận cùng bằng số 4 sắp qua đi. Nhưng chúng ta không thể nào để cho năm 2024 trôi qua mà không nhắc lại vài kỷ niệm quan trọng đối với Dòng Đa Minh ở Việt Nam, đặc biệt là ngày 6-12-1934.

Trước hết chúng ta  hãy đùa giỡn với con số 4. Năm nay kỷ niệm 790 năm cha Đa Minh được phong thánh (ngày 3-7-1234), và 750 năm thánh Tôma qua đời (7-3-1274). Nhưng trước đó 6 tháng, thánh Tôma đã “treo bút”, bởi vì (theo tục truyền) ngài đã nhận được một cảm nghiệm huyền bí (xuất thần) vào lễ thánh Nicôla (6-12), khiến cho ngài thấy rằng tất cả những gì mình viết đều là rơm rác!

Trở về với nước Việt Nam. Ngày 6-12-1934, nghĩa là cách đây 90 năm, đã xảy ra một sự kiện quan trọng trong lịch sử Giáo hội: hôm ấy ngày bế mạc công đồng Đông Dương họp tại Hà Nội từ ngày 8-11, quy tụ tất cả các giám mục Việt Nam – Campuchia – Lào – Thái Lan. Đây là công đồng toàn quốc lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng. (Xem: Thời sự thần học, số 105, trang 178-197).

Cũng vào ngày ấy,  tại tu viện Quần phương, diễn ra lễ trao áo dòng cho 13 tu sĩ Đa Minh người Việt đầu tiên, trong đó có 9 học sĩ và 4 trợ sĩ (Xem: Bùi Đức Sinh, Dòng Đa Minh trên đất Việt, Quyển hai, in lần hai, Saigon 1995, trang 132-134). Đây là một sự kiện quan trọng xét về nhiều mặt, khi nhìn lui và nhìn tới.

Nhìn lui: từ ngày 25-7-1918, khi cha Bartolomêô Oanh qua đời, không còn tu sĩ Đa Minh người Việt nữa. Nên biết 2 người Việt đầu tiên (Piô de Santa Cruz và Gioan de Santo Domingo) được khấn dòng năm 1739. Như vậy sự kiện nói trên tiếp nối một truyền thống đã bị gián đoạn từ 16 năm qua. Có người gọi đây là mở màn giai đoạn II của lịch sử các tu sĩ Đa Minh người Việt.

Nhìn tới. Đối với người kể chuyện 90 năm sau, thì những gì xảy ra sau biến cố đó đã thuộc về quá khứ, nhưng đối với những người sống trong cuộc thì đó là chuyện tương lai, tương lai mà không ai lường được (Chỉ có Chúa biết!), bởi vì giả như lường được ắt là họ sẽ không “dại dột”  làm chuyện đó.

Để dễ đánh giá sự “dại dột” ấy, chúng ta hãy điểm qua lý lịch của những người vào nhà tập hôm ấy:
 
  1. 1) Giuse Hiền (27 tuổi, đã học xong triết học ở đại chủng viện);
  2. 2) Gioan Chí (26 tuổi, cựu chủng sinh);
  3. 3) Giuse Lợi (25 tuổi, cựu chủng sinh).
  4. 4) Đa Minh Kỳ (23 tuổi, cựu chủng sinh).
  5. 5) Đa Minh Thuận (20 tuổi, cựu chủng sinh).
  6. 6) Giuse Độ (20 tuổi, cựu chủng sinh).
  7. 7) Gioan Baptista Đích (20 tuổi, từ trường đệ tử Hải Dương);
  8. 8) Giuse Cảnh (18 tuổi, từ trường đệ tử Hải dương);
  9. 9) Giuse Phú (18 tuổi, từ trường đệ tử).

– Các thầy trợ sĩ thì lớn tuổi hơn:
 
  1. 1) Đa Minh Uyển (33 tuổi);
  2. 2) Đa Minh Đạt (27 tuổi);
  3. 3) Gioan Toán (23 tuổi);
  4. 4) Antôn Học (20 tuổi).

Đó là lớp tập đầu tiên, và được tiếp tục vào những năm sau ... cho đến năm 1940. Tại sao vậy? Trên đời này, ai học được chữ ngờ? Bởi vì năm 1936, địa phận Bùi Chu được tách làm hai: Bùi Chu giao cho các giáo sĩ triều, Dòng Đa Minh chỉ còn giữ địa phận Thái bình (mới lập). Quần Phương nằm trong lãnh thổ Bùi Chu, và phải trao lại cho các cha triều ... và được hoán đổi xứ Khoái đồng (năm 1939); tập viện dời về Hải Dương. Giả như biết trước như vậy, liệu người ta có xây cất tu viện ở đó không?


Tuy nhiên, cái bất ngờ hơn nữa là 20 năm sau, năm 1954, đất nước bị chia đôi. Dòng Đa Minh bỏ lại tất cả các cơ sở ở miền Bắc để vào Nam, nơi mà Dòng chưa hề đặt chân đến! Những lớp tập từ năm 1934-1940 có ngờ rằng họ sẽ là “tổ phụ” của một đoàn dân mới không? Thật vậy, từ những thập niên 1950, các cha Tây Ban Nha đã lần lượt rút khỏi Việt Nam. Và khi “di cư” vào Nam thì chỉ còn leo teo một vài cha Tây. Điều đáng nói nữa, là lúc ấy các cha người Việt toàn là những người trẻ: người lớn tuổi nhất là cha Hiền  (47 tuổi); nhiều cha trẻ về tuổi đời cũng như tuổi linh mục dám đưa cả xứ đi vào Nam, chẳng hạn Ngọc Đồng (cha Sự, 38 tuổi, 11 năm linh mục), Cao Xá (cha Dụ, 34 tuổi, 8 năm linh mục), v.v.

Có những người vào Nam với ý định “tạm cư” nghĩa là sẽ sớm trở về miền Bắc, nhưng điều đó đã không xảy ra! Tạ ơn Chúa, phần lớn anh em đã không nghĩ như vậy, và bắt đầu xây dựng các cơ sỏ ở miền Nam, đưa tới kết quả là Tỉnh dòng Nữ vương các thánh Tử đạo được thành lập vào ngày 19-3-1967, nghĩa là chỉ mới 13 năm từ khi rời đất Bắc. Chắc chắn vào hồi đó, không ai dám nghĩ rằng sẽ có ngày 30-4-1975 (nghĩa là 7 năm sau đó)! Giả như biết như vậy, chắc là họ sẽ không “dại dột” thành lập Tỉnh dòng. Nhưng cũng nhờ sự dại dột mà dòng Đa Minh tồn tại ở Việt Nam (bởi vì nếu duy trì điều kiện làm phụ tỉnh của tỉnh dòng Mân Côi, thì có lẽ phần lớn đã vượt biên)!

Dù sao, cũng nhờ những anh em vượt biên mà nảy sinh phụ tỉnh Việt Nam ở Bắc Mỹ, một chuyện ngoài sự tính toán của con người.

Năm 2024 sắp hết. Sang năm 2025, chúng ta sẽ cử hành năm Toàn xá, cũng trùng vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước (30-4-1975). 50 năm qua rồi. Nhìn lùi lại, từ 1934 đến 1954 là 20 năm; từ 1954 đến 1975 là 21 năm: 41 năm đã nhào nặn bộ mặt của Tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam. Phải nói gì về giai đoạn 50 năm gần đây (1975-1925)? Chúng ta đã “làm” nên trang sử gì, để cho hậu thể “viết” lại? Nói vậy hơi kiêu ngạo, chính Chúa mới thực sự làm nên lịch sử, chúng ta chỉ là cây viết. Xin cho chúng ta biết ngoan ngoãn để Chúa  sử dụng vào kế hoạch khôn dò của ngài.
114.864864865135.135135135250