02/06/2023 -

Lá thư biên tập

906


Người ta thường nói người Việt Nam vốn thông minh nhưng không thể làm việc chung được. Nguyên do là bởi người Việt Nam thường có tính đố kỵ. Đây là một tật xấu cố cựu trong máu người Việt mà những nghiên cứu về người Việt cũng luôn nhắc tới. Có giải pháp nào để diệt trừ tính đố kỵ ấy?
Có lẽ nhiều người thường nghĩ rằng tính đố kỵ là do cái tôi quá lớn, nên giải pháp là cần phải dẹp bỏ cái tôi. Tuy nhiên, giải pháp này không phải là giải pháp đúng tinh thần Kitô giáo và thường mang mầu sắc của luân lý của con người chứ không phải tìm về cội nguồn nơi giải pháp cứu độ của Thiên Chúa.
Kitô giáo tin rằng mọi sự Thiên Chúa dựng nên đều tốt đẹp, trong đó có cả cái tôi nữa. Cái tôi tự nó là một phẩm giá cao quý, được chính Thiên Chúa tôn trọng:
Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.” (Mt 18.10)
Cái tôi chỉ bị hư hoại do tội lỗi, và vấn đề không phải là loại bỏ, đè bẹp, coi thường cái tôi nhưng là đón nhận, trân trọng, thanh lọc để trả lại cho mỗi cái tôi giá trị nguyên thuỷ. Thật sự con người không thể loại bỏ cái tôi, vì khi đó thật ra người ta sẽ chỉ làm cho cái tôi trở nên lẫn khuất tinh vi hơn, ngấm ngầm tỏ lộ trong những tình tiết ta không ngờ được. Ngược lại, cái tôi có một khát vọng chân chính, đó là cần được nhận biết, cần được tôn trọng, cần được yêu thương… thậm chí cái tôi cần được yêu thương nhất, chính vì đó mà người ta mới ghen…
Trong đức Tin Kitô giáo, sự kiện cái tôi bị hư hoại, trở thành thái độ vị kỷ chính là vì cái tôi ấy đã không tìm được ai đó chấp nhận và yêu thương mình một cách đích thực và trọn vẹn. Cái tôi trở nên hư hoại chính vì người ta khao khát được chấp nhận, người ta khẳng định mình để được chấp nhận, và khẳng định mình một cách bất chính. Việc khao khát được chấp nhận như thế là một nhu cầu tự nhiên và chính đáng, bởi vì con người được được Chúa dựng nên giống hình ảnh Chúa, vốn luôn khao khát tình yêu, khao khao khát yêu và được yêu.
Theo đức Tin Kitô giáo, nguyên do sâu xa của sự lệch lạc về cái tôi chính là do sự bấp bênh, giới hạn hoặc sự lệch lạc của tương quan con người với nhau. Người ta tìm cách được ai đó chấp nhận, nhưng không được chấp nhận trọn vẹn từ chính ngã vị, hoặc chỉ được chấp nhận trong một giai đoạn, trong một số tình huống giới hạn nào đó. Thật sự cũng có những mảnh tình nghĩa tuyệt diệu trong đời sống “tự nhiên” của con người, đặc biệt là tình phụ tử hoặc mẫu tử. Nhưng tình yêu tuyệt diệu ấy vẫn không đủ cho khát vọng vô biên của con người. Không ai có thể thoả lòng và trưởng thành phong phú nếu cả một đời chỉ mãi mãi là đứa con được cha mẹ yêu thương. Cha mẹ có lúc không còn, và mỗi người cần có bạn bè, cần có vợ chồng, cần có con cái, cần có cộng đoàn xã hội…. Do đó, nói chung, những ai đi tìm mình trong trong tương quan con người với nhau sẽ không bao giờ có thể vượt qua được sự bấp bênh, giới hạn và lệch lạc căn bản ấy.
Như thế, chúng ta hiểu được tâm tình của thánh Âu Tinh:  “Lạy Chúa, Chúa dựng nên con vì Chúa, nên tâm hồn con xao xuyến mãi cho tới khi được nghỉ yên trong Chúa”; cũng như chúng ta hiểu được khẳng định của thánh Thomas Aquino rằng con người có khả năng nhận biết Chúa, và khát vọng cuối đời của ngài chính là: chỉ có mình Chúa là đủ cho con…
Tín lý Kitô giáo khẳng định con người chỉ được thờ phượng một mình Thiên Chúa, còn với mọi người khác, tổ tiên, cha mẹ, các danh nhân của dân tộc… thì ta chỉ tôn kính mà thôi; bởi vì thờ phượng là tin nhận chỉ có một mình Thiên Chúa mới làm chủ toàn thể vận mạng của mình. Điều đó không phải chỉ là một sự tranh chấp về thế giá, danh dự, chính yếu là vì đó là giải pháp căn bản để cứu độ con người. Con người cần được chấp nhận, và thật sự chỉ khi con người được chính Thiên Chúa chấp nhận cái tôi của mình, một sự “chấp nhận từ chân”, thì người ta mới có thể tìm thấy được một sự giải thoát khỏi những cái tôi khao khát khẳng định một cách lệch lạc…


Giải pháp cho căn bệnh đố kỵ, căn bệnh nặng nề trong tâm tính người Việt nhưng cũng thực sự cũng là căn bệnh muôn thuở, khi ít khi nhiều, của toàn thể thân phận con người, chỉ có thể tìm thấy nơi ơn cứu độ của đức Giêsu, nơi tình yêu của Đức Giêsu, thứ tình yêu của Đấng đã hy sinh mạng sống vì bạn hữu, như thánh Phaolo nói:
Nếu quả thật sự liên kết với Đức Ki-tô đem lại cho chúng ta một niềm an ủi, nếu tình bác ái khích lệ chúng ta, nếu chúng ta được hiệp thông trong Thần Khí, nếu chúng ta sống thân tình và biết cảm thương nhau, thì xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn, là hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau. Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác. Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Ki-tô Giê-su” (Pl 2, 1-5)
Chỉ trong ơn cứu độ, con người mới tìm lại được một trái tim thắm đượm tình yêu và có khả năng hoàn thành khát vọng của cái tôi bằng con đường tình nguyện dâng tặng bản thân, tìm được sự hiệp nhất chân thật và chung sức thi hành sứ vụ cách mạnh mẽ.
 

114.864864865135.135135135250