30/01/2023 -

Lá thư biên tập

466

Con người có vô vàn thứ tình cảm khác nhau, vui hay buồn, yêu hay ghét, thân quen hay xa lạ, phấn khích hay ủ dột…, trong đó, thái độ bỡ ngỡ hay ngạc nhiên có vẻ như không phải là một tình cảm đặc biệt gì lắm. Tuy nhiên, ngạc nhiên trước một điều gì đó, hoặc bỡ ngỡ trước một hoàn cảnh nào đó thực sự là một thứ tình cảm gắn với một thái độ trong sáng và có thể mở ra chân trời vốn hàm chứa biết bao nhiêu huyền nhiệm.
Vào thế kỷ XX, người ta hiểu ra khía cạnh huyền nhiệm của vũ trụ, của thế giới và nhất là huyền nhiệm của thân phận con người. Thái độ này giúp con người bớt đi cái nhìn thiên kiến, dè dặt với cái nhìn về thế giới và phận người trong một khuôn khổ cứng nhắc, dị ứng với những học thuyết giản lược thành thứ “duy” này “duy” nọ (duy vật, duy tâm, duy khoa học..). Thái độ bỡ ngỡ giúp con người “trung thành với sự vật” hơn là áp đặt cách suy nghĩ của mình một cách khiên cưỡng.
Thật sự con người vẫn cần khẳng định “chủ thể tính” của mình như là một sứ mạng “đặt tên cho muôn vật” (x. St 2,19), nhưng điều đó không có ý nghĩa con người hoàn toàn có quyền muốn nói sao cũng được. Con người không thể đổi trắng thay đen, “chuyện không nói có” tùy vào ý thích vô cương của mình, nhưng con người chỉ được quyền và có nhiệm vụ làm phong phú cho một sự thật khách quan bằng những cảm nhận riêng biệt về những khía cạnh vô cùng phong phú của một sự thật khách quan. Chỉ có một Đức Giêsu lịch sử, nhưng bốn thánh ký Tin Mừng đã có những kinh nghiệm đức Tin riêng biệt. Những kinh nghiệm này chân thật và làm phong phú sứ điệp Tin Mừng nhưng không bao giờ được phép trở thành những sáng chế giả tạo và khiên cưỡng.
Mỗi một sự vật, từng sự kiện thật nhỏ, và nhất là một con người, đều hàm chứa vô cùng ý nghĩa. Để khám phá kho tàng ý nghĩa ấy, ngành khoa học thực nghiệm tỏ ra yếu kém và hụt hơi. Thế nhưng, từ muôn thế hệ, luôn có những nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ, triết gia … không ngừng khám phá kho tàng ý nghĩa và kho tàng ấy vẫn không bao giờ cạn kiệt….
Những điều lớn lao và căn bản ấy dường như được bắt đầu bằng một thái độ khá đơn giản: ngạc nhiên hay bỡ ngỡ. Bỡ ngỡ là bắt gặp tính “xa lạ” của thế giới, là chạm đến để vượt qua ranh giới của những tương tác thực nghiệm và bắt đầu bước vào chân trời bao la của ý nghĩa, là bắt đầu khám phá tính nhân văn và siêu việt của thực tại. Khoa học thực nghiệm chỉ có thể thấy một cái bánh có bao nhiêu chất dinh dưỡng, nhưng khoa học nhân văn (khoa học xã hội) lại khám phá cái bánh của mẹ với biết bao thân thương, khám phá cái bánh do người thợ làm ra với sự trân trọng sức lao động của con người, cái bánh cho người nghèo trở nên sự trao tặng tấm lòng,… và đức Tin sẽ lại còn có thể mời gọi con người nhận ra cái bánh chính là sự chăm sóc ân cần của Đấng Sáng Tạo….


Có muôn vàn nẻo đường đến với Chúa, nhưng có một nẻo đường được Chúa chúc phúc: “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8). Ta nhận ra ý nghĩa của mối phúc này nơi ông Nathanaen (x. Ga 1, 43-51). Nathanaen khẳng định lập trường của mình “Từ Na-da-rét làm sao có cái gì hay được?”, nhưng ông đã hết sức bỡ ngỡ khi thấy thầy Giêsu biết được điều gì đó riêng tư của mình “Trước khi Philiphê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả tôi đã thấy anh rồi” (Ga 1,48). Từ thái độ bỡ ngỡ ấy, ông đã mau chóng thay đổi lập trường và tin nhận đức Giêsu: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Israel!” (Ga 1,49). Chính vì thái độ có khả năng bỡ ngỡ ấy mà Nathanaen được Đức Giêsu khen ngợi “Đây đích thực là một người Israel, lòng dạ không có gì gian dối” (Ga 1, 47). Rồi đức Giêsu mở ra một chân trời bao la huyền nhiệm đang chờ đón những con người như thế: “Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa. Người lại nói: Thật tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người” (Ga 1,50-51).
Quả thật bỡ ngỡ là một thái độ kỳ diệu, vì nó phát xuất từ một tâm hồn ngay thẳng và đưa tới chân trời huyền nhiệm, không phải chỉ trong lãnh vực của đời sống đức Tin, nhưng còn trong đời thường, trong những chuyện nhỏ bé quen thuộc của cuộc sống hằng ngày. Thái độ bỡ ngỡ cho thấy một tâm hồn dám chân nhận sự “nghèo khó” của mình, không tự mãn và giam hãm “tầm mắt” của mình vào những gì mình đã có, không coi khả năng, kiến thức của mình là đã đủ lắm rồi… nhưng mong ước lãnh nhận được chân lý, mở lòng đón nhận thế giới huyền nhiệm, sẵn sàng bước vào nẻo đường phiêu lưu mới…
Thực sự cũng có bao nhiêu tiến bộ khoa học làm ta “bỡ ngỡ”, nhưng sự “bỡ ngỡ trước sự vật” cần được chuyển hóa lên một đẳng cấp mới, sự bỡ ngỡ về con người và vận mạng của con người. Đây là điều cho thấy thế giới hiện đại đã lạc bước. Con người hiện đại bị mờ mắt vì quá chú trọng đến những thành quả của khoa học. Con người hiện đại rơi vào thái độ so sánh và ganh đua trên con đường phát triển kinh tế và kỹ thuật vật chất hoặc sự hưởng thụ. Mặt khác, đại đa số quần chúng vẫn thích “đi guốc trong bụng” thiên hạ, thích “dán nhãn” cách nhìn của mình lên người khác, và nhất là rất dễ “nhảy vào” lương tâm của người khác để xét đoán một cách quá dễ dàng…
“Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em”. (Mt 7,5)
 
114.864864865135.135135135250