01/07/2023 -

Lá thư biên tập

683


Có một mâu thuẫn không nhỏ trong cuộc sống con người mà tạm gọi là mâu thuẫn giữa ước mơ và thực tế, giữa lòng khát khao cái thiện và diễn tiến cuộc sống theo quy luật của cái ác. Một đàng nhân loại vẫn không ngừng loan truyền cho nhau về qui luật “ở hiền gặp lành”. Ở đâu cũng có những niềm tin tôn giáo, những chuyện cổ tích, những ca dao tục ngữ khẳng định về một thứ qui luật nhân quả, gieo gió gặt bão… Đàng khác, trong thực tế cuộc sống, ai cũng nhận thấy, ít nhất là bên ngoài, có không ít người gian ác, tham lam, lừa đảo… nhưng vẫn có được “kết quả” là một đời sống giầu có, khỏe mạnh hoặc địa vị xã hội… 
Trong Kinh Thánh ta cũng thấy sách Gióp là một nỗ lực lý giải mâu thuẫn ấy và kết luận của sách Gióp cũng là sau hết Chúa sẽ lại trả lại cho Ông những gì tốt đẹp nhất trong cuộc sống này.
Phật giáo lý giải mâu thuẫn này bằng cách nêu lên những kiếp sống luân hồi mà hệ quả luân lý của kiếp này sẽ đưa đến những hệ quả ở kiếp sau.
Đức Tin Kitô giáo về cuộc phán xét ở đời sau cũng là một cách lý giải sự bất công này. Nhưng nếu giải pháp Kitô giáo chỉ có thế, thì khó lòng trình bày một ý nghĩa tích cực cho cuộc sống hiện tại và Kitô giáo dễ bị kết án là “thuốc phiện”, nghĩa là làm cho người tín hữu quên đi trách nhiệm đối với xã hội, đối với vận mạng của lịch sử nhân loại ở đời này. Quả thật nếu có chỉ duy nhất cách lý giải ấy thì chẳng những khó thuyết phục con người hiện đại, và còn để lại một cảm giác ấm ức cho những người tín hữu, khi mà thực trạng oan khiên vẫn sờ sờ trong xã hội.
Trong dụ ngôn lúa và cỏ lùng (Mt 13,24-30), Đức Giêsu hé mở cho chúng ta một lối nhìn tích cực và toàn vẹn hơn: lý do chính để không nhổ cỏ lùng là vì “lúa”. Dĩ nhiên là chẳng có ai nghe lời một “Ông Thợ Mộc” chỉ dạy việc trồng lúa cả; nhưng phương thức của “Ông Thợ Mộc Giêsu” lại có khả năng khơi dậy lòng trông cậy của con người để mỗi người có thể trở nên mảnh đất tốt, làm cho cây lúa sinh lời, “hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục”(x.Mt 13,8)
Thánh Âu Tinh, khi trình bày về mối tương quan giữa Đô Thị Thiên Chúa và đô thị trần thế, cho rằng khi còn ở trần gian này, người ta vẫn luôn có thể “thay đổi quốc tịch”, người ta có thể chuyển từ công dân của Đô thị Thiên Chúa trở thành công dân của độ thị trần thế, và ngược lại. Như thế nghĩa là trong cuộc sống trần gian, lúa vẫn có thể trở thành cỏ lùng và cỏ lùng có thể trở thành lúa. Như thế việc “…sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa” là cách diễn tả lòng kiễn nhẫn của Thiên Chúa.
Thực sự vận mạng của con người chỉ được thành toàn trong dòng thời gian, và Giáo hội cũng trở nên tinh tuyền trong dòng thời gian. Vì thế, khi muốn thực hiện ơn cứu độ con người, Thiên Chúa cũng bước vào thời gian, “ở cùng con người” qua dòng lịch sử và biến lịch sử trần thế trở thành lịch sử ơn cứu độ. Trong nhiệm cục cứu độ ấy, Thiên Chúa đã thể hiện một thái độ kiên nhẫn vô biên:


“Vì thế, anh em thân mến, trong khi mong đợi ngày đó, anh em phải cố gắng sao cho Người thấy anh em tinh tuyền, không chi đáng trách và sống bình an. Và anh em hãy biết rằng Chúa chúng ta tỏ lòng kiên nhẫn chính là để anh em được cứu độ…”  (2Pr 3,14-15)
Lúa chỉ thực sự lớn lên trong dòng thời gian, và trong dòng thời gian cỏ lùng cũng có thể trở nên lúa. Trong dòng thời gian, con người vẫn luôn có thể trỗi dậy, dù có sa ngã biết bao lần; và lòng trung tín vô biên của Thiên Chúa thực sự là “điều kiện cần thiết” để con người tìm được ơn cứu độ. Lòng trung tín của Thiên Chúa không phải là ngẫu hứng, nhưng được cam kết bằng máu của chính Con Thiên Chúa; lòng trung tín ấy cũng không “trôi nổi” theo thái độ của con người nhưng dựa trên chính “bản chất” của Ngôi Vị Thiên Chúa.
“Nhưng nếu có một số người Do-thái không trung tín thì sao? Chẳng lẽ sự bất trung bất tín của họ lại làm cho lòng trung tín của Thiên Chúa ra vô hiệu ? Không phải thế ! Thiên Chúa nhất định là Đấng chân thật, còn mọi người đều giả dối. Như có lời chép trong Kinh Thánh: Như vậy, Ngài thật công bằng khi tuyên án, liêm chính khi xét xử”. (Rm 3,3-4)
Sự bất trung của con người không thể làm cho lòng trung tín của Thiên Chúa ra vô hiệu. Đó là lối “lý luận” của Chúa. Đây không phải là lối lý luận đối phó, ăn miếng trả miếng và giam hãm con người trong vòng tuần hoàn bế tắc, nhưng là lối lý luận khai mở chân trời của lòng thương xót và thu hút mọi sự vào thế giới của tình yêu cứu độ.
Nếu ta không trung tín, Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình.” (2 Tm 2,13)
Quả thật, con người vốn yếu đuối và càng yếu đuối trong dòng thời gian. Ai cũng có thể vấp ngã và ngã đi ngã lại là “chuyện thường ngày” mà ai trong chúng ta cũng đều nghiệm thấy.
“Bởi vậy, ai tưởng mình đang đứng vững, thì hãy coi chừng kẻo ngã” (1 Cr 10,12)
Chính trong tính trạng chơi vơi ấy, chúng ta nhận ra ý nghĩa của Đức Tin đối với vận mạng con người. Loan báo Tin Mừng về một Thiên Chúa yêu thương và yêu thương đến cùng, đó là lời loan báo châm lên ngọn lửa của lòng Mến. Chân nhận một Thiên Chúa trung tín vượt qua mọi bất trung của lòng người, luôn sẵn sàng nâng đỡ ủi an trong mọi cơn gian nan thử thách, đây là nguồn mạch của lòng Trông Cậy.




 

114.864864865135.135135135250