05/03/2023 -

Lá thư biên tập

1023

Tháng Ba hằng năm, chúng ta vẫn quen dành để kính nhớ thánh Giuse. Thánh Giuse là một vị thánh có một địa vị cao cả, với những danh hiệu lớn: Cha Nuôi Đức Giêsu, Bạn thanh khiết của Đức Maria, Bổn mạng giới lao động…, cùng với một đời sống khá bình dị, khiêm tốn và ẩn dật. Nhưng chúng ta có thể thấy trong cuộc đời bình dị ấy một lòng can đảm, một thái độ quảng đại, một đời sống trung tín, tận tuỵ với sứ mạng Thiên Chúa trao phó. Con người và cuộc đời của thánh Giuse thật sự là một lời chứng giúp chúng ta có thể định hướng hành trình sứ vụ, tận tâm và cộng tác cùng nhau để thực hiện kế hoạch cứu độ của Chúa.
Mọi sự tốt lành trên đời này đều là hồng ân của Thiên Chúa. Tuy nhiên, chúng ta cũng biết rằng những hồng ân của Thiên Chúa, trong đức Tin Công giáo, không phải là những ân huệ “ngẫu hứng” và “tuỳ tiện”, hoặc theo kiểu “công chính theo luật” chỉ nhờ tin theo cách hiểu của anh em Tin Lành. Trong đức Tin Công giáo, ân huệ của Chúa đi bước trước, nhưng thực sự thánh hoá con người qua một tiến trình trưởng thành, bằng cách biến đổi con người, giúp con người thể hiện sự công chính thánh thiện trong những việc làm tốt đẹp. Những ân huệ Thiên Chúa ban, lúc khởi đầu, thường giống như một hạt cải bé nhỏ, một nhúm men nhỏ, nhưng lại hứa hẹn một sự tăng triển phong phú. Đó chính là cách thức Thiên Chúa ban tặng ân huệ cho con người theo “qui chế hiện hữu” của con người, nghĩa là vun trồng một sự sống phát triển trong dòng thời gian, thông qua việc đón nhận và xử lý những biến cố và những sự kiện dưới ánh sáng đức Tin.
“Người nói với các ông: “Tại anh em kém tin! Thầy bảo thật anh em: nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này: ‘Rời khỏi đây, qua bên kia!’ nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được”. (Mt 17,20)
Có lẽ không ít người Kitô hữu cảm thấy, dù Chúa hứa: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho (Mt 7,7), Chúa không nhận lời cầu xin của mình. Thật ra, Thiên Chúa luôn lắng nghe và đáp ứng những lời cầu xin của con người, nhưng Ngài lại không muốn làm hết thay cho con người, không muốn để con người sống trong tình trạng ù lì, miễn cưỡng, ỷ lại. Thiên Chúa ban cho con người những điều chân thật mà con người khấn xin Ngài, nhưng Ngài thực hiện ân ban bằng cách bạn tặng Thánh Thần của Ngài, và Thánh Thần sẽ thay đổi tâm hồn, củng cố sức mạnh nơi người xin và đưa người ấy vào một hành trình sáng suốt và mạnh mẽ để cùng với Chúa thực hiện điều mình cầu xin…
“Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?” (Lc 11,13)
Nhiều người Kitô hữu thường biến đời sống đức Tin Kitô giáo thành một tôn giáo thuần tuý luân lý, nghĩa là chỉ thấy mặc khải của Thiên Chúa như những bài học dạy ta ăn ngay ở lành. Khi đó, nỗ lực sống luân lý của con người mang tính quyết định, và ân huệ Thiên Chúa là yếu tố phụ thuộc. Cũng vì thế, không ít người Kitô hữu đã “sự vật hoá” ân sủng cuả Thiên Chúa, nghĩa là hiểu ân sủng của Thiên Chúa như những món quà cụ thể, một sự trợ giúp bên ngoài, để con người tự gồng mình thực hiện những đòi hỏi luân lý quá khó khăn của đạo Chúa.
Thật ra, ân sủng chính là Sự Sống của Thiên Chúa, nghĩa là chính sự hiện diện của Chúa với ai đó trên hành trình cuộc đời. Có ân sủng không là gì khác hơn được “Thiên Chúa ở cùng”: “Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”. (Lc 1,28)


“Thiên Chúa ở cùng” chính là xương sống của toàn bộ lịch sử ơn cứu độ. Ngài ở cùng Dân của Ngài trên suốt hành trình lịch sử của Dân tộc; rồi với mầu nhiệm Tử nạn và Phục Sinh, Đức Giêsu có thể ở cùng người tín hữu mọi nơi và mọi thời. Trên nền tảng ấy, những nỗ lực chân chính của con người luôn khởi đi từ thái độ khiêm tốn, biết lãnh nhận ân huệ của Thiên Chúa với lòng tri ân, biết chú tâm để cho chính Thiên Chúa thực hiện kỳ công của Ngài nơi bản thân và cuộc đời mình.
Ngày Mùng Ba Tết hằng năm, chúng ta xin Chúa thánh hoá công ăn việc làm, điều đó khác xa với lối cầu xin may mắn trong các lễ hội đầu Xuân; khác xa với những việc đi mua vàng, mua đồ phong thuỷ hoặc mở các cửa hướng Tây để đón Thần Tài… Thánh hoá công ăn việc làm của người Kitô hữu là ước nguyện được Chúa đồng hành trong công việc, thực hiện mọi công việc theo đúng ý Chúa và góp phần vào việc vun trồng Nước Chúa…
Như thế, lòng tín thác vào Chúa không hề làm giảm sút những nỗ lực của người Kitô hữu; và những nỗ lực của con người cũng  không hề làm giảm đi lòng tín thác vào Chúa. Lòng tín thác giúp người Kitô hữu bước vào hành trình sống với sức mạnh của niềm tin; và những nỗ lực của người Kitô hữu lại chính là cách thức biểu lộ sự sống của đức Tin.
Trên nền tảng ấy, người Kitô hữu có thể luôn định hướng cho sứ vụ trong niềm lạc quan, luôn chú tâm tìm tòi những cách thức mới trong thái độ lắng nghe, luôn kiên định trước những thách đố… bởi vì luôn có được một “vị Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (X. Is 7,14).

 
114.864864865135.135135135250