03/08/2014 -

Lá thư biên tập

1480

Quý bạn đọc thân mến,

Suy nghĩ về trách nhiệm loan báo Lời Chúa của gia đình Kitô hữu, chắc chắn có nhiều người, đúng hơn là phần lớn anh chị em, cho rằng đây là việc viển vông, xa vời…nói để mà nói…Quả thật vấn đề này không phải dễ thực hiện…

Mặc dù việc đọc Lời Chúa trong phụng vụ vốn là cao điểm của việc đọc Lời Chúa, nhưng việc đọc Lời Chúa trong các nhóm chia sẻ và trong gia đình cùng có phần đóng góp không thể thiếu được. Nói chung, nếu Lời Chúa trong Phụng vụ, cùng với phần diễn giảng của các thừa tác viên, vốn thiên về việc giải nghĩa và xác định ý nghĩa chân thật của sứ điệp Lời Chúa, thì việc đọc và chia sẻ Lời Chúa, trong các nhóm cũng như trong gia đình, lại có khả năng làm nổi bật ý nghĩa “lời ngỏ” của Lời Chúa và rộng mở cho kinh nghiệm đức Tin của mỗi cá nhân, cũng như việc làm chứng bằng cách chia sẻ kinh nghiệm đức Tin cho nhau. Như chúng ta đã biết, cùng với Thánh Kinh, Giáo hội Công giáo còn khẳng định nguồn mạc khải theo Thánh truyền, qua quyền giáo huấn của Giáo hội Công giáo. Đó là điều luôn được nhấn mạnh trong Giáo hội, nhằm cảnh giác với nguy cơ hiểu Lời Chúa có tính ngẫu hứng và bấp bênh của tình cảm. Do đó, người Kitô hữu không bao giờ được coi thường việc học hỏi Lời Chúa, việc hiểu đúng ý nghĩa sứ điệp Lời Chúa qua việc lắng nghe phần diễn giảng của thường tác viên… Tuy vậy, điều chính yếu hơn, theo Hiến chế Tín lý về Mạc Khải, vẫn là nghe được Lời Chúa như lời ngỏ, lời ngỏ của Chúa với tôi, cũng như cho cộng đoàn Hội Thánh ở đây và lúc này. Điểm này thực sự là một khoảng trống, khoảng trống khá lớn trong sinh hoạt của Giáo hội Công giáo.

Các nhà chuyên môn thường khuyên nhủ người giáo dân không nên đọc Lời Chúa theo kiểu “bói kiều”, nhưng nên đọc trọn từ đầu đến hết một tác phẩm trong bộ Kinh Thánh,…điều đó là cần thiết và đúng đắn, như đã nói trên, nhằm tránh thái độ quá thiên về tình cảm hoặc tính ngẫu hứng của thời cuộc. Tuy nhiên, thái độ ấy sẽ trở nên quá đà khi trở thành một thái độ lo sợ, đề phòng; phản ảnh một tâm trạng không dám tin vào sự hiện diện thường xuyên của Thánh Thần. Thái độ ấy cũng phản ảnh sự thiên lệch, khi quá chú trọng đến khía cạnh chân-lý khách quan của sứ điệp Lời Chúa mà lại bỏ quên khía cạnh chân-thật của kinh nghiệm đức Tin; bỏ quên tầm mức chủ thể của cá nhân hoặc cộng đoàn đang lắng nghe Lời Chúa…

Như thế, trong tổng thể của việc lắng nghe Lời Chúa, khi một người Kitô hữu vẫn thiết tha với việc học hỏi, vẫn trân trọng giáo huấn của các thừa tác viên, thì việc đón nhận một câu Lời Chúa, trong tâm tình cầu nguyện, sẽ ít có nguy cơ rớt vào tình trạng ngẫu hứng “bói kiều”, nhưng có nhiều cơ may đón nhận một cách sống động Lời Chúa như lời ngỏ thân tình của Chúa cho chính mình.

Do đó, cùng với việc đọc Lời Chúa trong phụng vụ, việc đọc Lời Chúa trong gia đình, cũng như trong các nhóm chia sẻ, thực sự là một khía cạnh không thể thiếu trong đời sống đức Tin của người Kitô hữu.

Nếu hiểu sứ vụ loan báo Lời Chúa như “giảng dạy” một chân lý khách quan, thì vấn đề gia đình loan báo Lời Chúa chỉ là một vấn đề giả, gần như là chuyện không-tưởng. Ngược lại, chỉ từ một thái độ biết lắng nghe Lời Chúa như lời ngỏ với chính mình, thì cá nhân người kitô hữu mới có thể loan báo Lời Chúa. “Loan báo” Lời Chúa ở đây chính yếu là một thứ “chia sẻ”, chia sẻ kinh nghiệm đức Tin của chính mình, chia sẻ cảm nhận đức Tin của mình qua Lời Chúa; một sự chia sẻ có tác dụng như một lời chứng thật, lời chứng không tạo duyên cớ cãi vã, nhưng kêu gọi một lòng tin cậy vững vàng hơn cũng như một thái độ dấn thân cách can đảm hơn.

Anh chị em thân mến,

Có lẽ nhiều anh chị em sợ việc loan báo Lời Chúa, vì tưởng rằng đó là việc khó khăn, cần phải có nhiều khả năng, nhiều kiến thức. Thật ra, việc loan báo Tin Mừng là phần chính yếu trong sứ vụ tông đồ, một sứ vụ nằm trong bản chất của người Kỉtô hữu. Nói cách khác, không thể là một Kitô hữu chân chính nếu không ít nhiều góp phần vào việc loan báo Tin Mừng; cũng như không thể là một gia đình Kitô hữu chân chính, nếu như gia đình đó không phải là một gia đình loan báo Tin Mừng.

Từ Công đồng Vatican II, khái niệm “chứng tá” trở thành quan trọng và là nguồn mạch chính yếu của việc loan báo Tin Mừng. Đức Gioan Phaolô II đã từng nói : con người ngày nay cần chứng nhân hơn là thầy dạy; và nếu ai đó là thầy dạy thì phải vừa là thầy dạy, vừa là chứng nhân. Chân lý và cái đẹp của Lời Chúa sẽ mãi mãi là một kho tàng bị bỏ quên nếu không mặc được “cái duyên” của kinh nghiệm đức Tin chân thật; nghĩa là sự sống thật của Chúa Thánh Thần trong dòng chảy cuộc đời thật của một “ai đó”, một chủ thể nào đó.

Sự sống đức Tin, hay sự sống tâm linh, tức là sự sống của Chúa, không bao giờ là một kho tàng chết, không phải là một sự vật mà con người có thể chiếm hữu, cất dấu. Người Kitô hữu chỉ có thể được đổ tràn đầy sự sống tâm linh của Chúa khi dám tin, khi dám dấn thân một cách phiêu lưu, khi dám buông mình vào chương trình cứu độ của Chúa. “Đừng sợ”, đó chính là một thái độ của niềm tin đích thực.

Ước mong việc đọc lời Chúa trong gia đình anh chị em được phong phú hơn, để ứa tràn hoa trái trong việc loan báo Tin Mừng
 

Ban Biên Tập

114.864864865135.135135135250