07/07/2015 -

Lá thư biên tập

1160

Anh chị em thân mến,

Là người Kitô hữu, chắc hẳn chúng ta có kinh nghiệm ít nhiều về cách thức hoạt động của Chúa Thánh Thần. Rất nhiều lần ta thấy rằng những điều ta xin thì thường không thấy kết quả, những điều ta mong chờ thì cứ mờ mịt…Lời đức Giêsu là một bảo đảm cho lời cầu nguyện của người tín hữu; nhưng đó là sự bảo đảm trong đường lối của Chúa Thánh Thần :

"Thế nên Thầy bảo anh em : anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho. Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó ? Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp ? Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao ?"” (Lc11,9-13)

Quả thật, ơn huệ quí báu nhất mà Thiên Chúa ban cho người tín hữu chính là “Ân Sủng Bất Thụ Tạo”, nghĩa là Ngài ban cho ta chính Chúa, chứ không phải là “ân sủng thụ tạo”, nghĩa là một điều gì đó khác với chính bản thân Chúa. Thiên Chúa ban cho ta Thánh Thần, ban cho ta Ngôi Ba Thiên Chúa, đó là một Ân Sủng diễn tả đẳng cấp của người Kitô hữu, đẳng cấp làm con cái, đẳng cấp của người được “chơi”với Chúa chứ không phải chỉ là người tôi tớ “không biết việc chủ làm” (Ga 15,15). Người Kitô hữu là người được cộng tác với Chúa trong việc xây dựng thế giới và cộng tác vào việc cứu độ trần gian. Đẳng cấp của người con trong nhà là người nhận công việc chung như là công việc của chính mình, vui buồn với thành công hay thất bại, sẵn sàng, tự nguyện chấp nhận hy sinh, chấp nhận phần thiệt thòi của bản thân vì lợi ích chung… Trong khi đó, đẳng cấp của người làm công là kẻ, vì không được dự phần vào vận mạng chung, nên chỉ biết so đo, tính toán phần của mình, đòi sự công bằng, muốn lãnh nhận tiền công đúng của mình, bất kể công việc chung thành bại thế nào.

Đẳng cấp của Tân Ước khác với Cựu Ước ở chỗ mối tương giao của Chúa với con người dính dáng đến cá nhân mỗi người tín hữu (cá nhân hóa) và thông hiểu mỗi người tín hữu từ bên trong (nội tâm hóa). Những điều đó được diễn tả trong việc Thiên Chúa ban Thánh Thần cho mỗi người tín hữu và Thánh Thần là Đấng thánh hóa từ bên trong. Đời sống đức Tin Tân Ước không còn chỉ là một bài thi chung cho mọi người, mà là ý Chúa dành riêng cho mỗi người; không còn là sự tính toán dựa trên số lượng nhiều ít bên ngoài, mà là dựa trên phẩm tính của tấm lòng bên trong. Chúa Thánh Thần đến, Ngài không vội tính toán đến sự thành công trước mắt; không vội đưa một công trình, một kế hoạch đạt đến kết quả mỹ mãn. Điều quan trọng hơn, Ngài biến đổi một người Kitô mỗi ngày mỗi trở nên con cái đích thực của Thiên Chúa, Ngài  làm gia tăng tình nghĩa bền chặt của mỗi người tín hữu với Chúa qua một quá trình dài, thường là qua nhiều khó khăn gian khổ; Ngài trợ giúp để mỗi người Kitô hữu hình thành được một “lẽ sống” bên trong, nghĩa là một ý nghĩa chân thật có khả năng thâu tóm mọi sự việc, mọi chi tiết vụn vặt trên hành trình cuộc đời.

Quả thật, trong số những ân huệ của Thánh Thần, ơn huệ cao quí nhất chính là “Thần Khí nghĩa tử”, thần khí làm cho người Kitô hữu thực sự trở nên con cái trong nhà của “Gia Đình Thiên Chúa” :

“Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên : "Áp-ba ! Cha ơi !" (Rm 8,15)

Nếu chỉ nhìn công việc, nếu chỉ nhằm tới thành công trong công việc, người ta sẽ không nhận ra cách thức hoạt động của Chúa Thánh Thần, và chắc chắn sẽ có cảm tưởng rằng Chúa Thánh Thần hoạt động rất chậm. Ngài quá chậm so với tính toán của ta, Ngài như thể không đếm xỉa đến ước muốn của ta…

Thật ra, Thiên Chúa không bị lệ thuộc vào thời gian. Ngài làm chủ thời gian nên không bị thúc bách do áp lực của thời gian. Ngài làm chủ thời gian nên Ngài đủ “kiên nhẫn” để giúp con người trưởng thành trong đức Tin. Sự trưởng thành đích thực của một con người khác với kiểu hứng khởi bồng bột, nhất thời. Sự trưởng thành của con người, vốn sống trong dòng thời gian, luôn phải là một quá trình lâu dài để có thể thấm nhập sâu xa, nối kết mọi chi tiết trong một sự sống “hữu cơ”.

Chúa Thánh Thần không phải là một “món quà ăn liền”; Ngài cũng không phải là Đấng đi theo đàng sau ta để “đổ rác” cho ta; nghĩa là Ngài không phải chỉ là Đấng giải quyết những đổ vỡ do ta gây ra. Thánh Thần không phải chỉ là một năng lực, không phải chỉ là một “sự” trợ giúp. Ngài là một Đấng, một Đấng cùng hoạt động với ta, như một người bạn đồng hành, như một người Thầy chỉ bảo, như một người thân cùng liên lụy trong những rắc rối của cuộc đời.

Anh chị em thân mến,

Bền bỉ trong Chúa Thánh Thần, đó là một thái độ thuận theo cách thức hoạt động của Chúa Thánh Thần. Bền bỉ trong Chúa Thánh Thần để ta đừng bao giờ thất vọng về chính bản thân mình. khi chưa thấy thành quả, ta hãy nhận ra đó là lời nhắc nhở rằng còn rất nhiều điều, còn rất nhiều “chi tiết”cần được uốn nắn trong chính bản thân mình. Thánh Thần vẫn đang kiên nhẫn để sửa chữa, mà trước tiên không phải sửa “con đường” trước mắt, mà là sửa chính lòng trí còn quanh co trong tâm hồn ta.

Bền bỉ trong Chúa Thánh Thần, đó cũng là thái độ người Kitô hữu cần phải có đối với anh chị em của mình. Không có con đường “nên thánh cấp tốc” cho mình và cũng đừng đòi hỏi kết quả “nên thánh cấp tốc” nơi anh chị em của mình. Hãy kiên nhẫn cộng tác với Ngài và chờ đợi hoa trái của Thánh Thần mà Ngài sẽ ban theo “thời gian” của Ngài.

Mong anh chị được biến đổi trong Chúa Thánh Thần và trở nên những người cộng tác tích cực với Ngài

 BBT

114.864864865135.135135135250