Tuy nhiên, điều khẳng định ấy không phải là đề cao một thái độ bần cùng hoá con người. Kitô giáo không phải hô hào con người đừng thăng tiến, đừng khát vọng, đừng nỗ lực… Kitô giáo không đề cao một thứ “khiêm tốn thuần tuý luân lý”, nghĩa là cố gắng tự nhận mình hèn mọn một cách khiên cưỡng. Kitô giáo nhắc nhớ một sự thật sâu xa : tất cả những gì con người có được đều là do đã được lãnh nhận : “Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh ? Nếu đã nhận lãnh, tại sao lại vênh vang như thể đã không nhận lãnh ?” (1 Cr 4,7). Một khi chân nhận sự thật căn bản ấy, người Kitô hữu không cần giả bộ khiêm tốn, không phải cố tỏ ra hèn mọn, hoặc ráng đi tìm một sự bần cùng cho bản thân… khiêm tốn đích thực là lãnh nhận ân huệ của Chúa với lòng tri ân, là phát triển ơn huệ của Chúa như một sứ vụ, và trở nên chứng nhân cho tình yêu của Chúa.
Để có một sự khiêm tốn đích thực Kitô giáo như thế, thay vì chọn thái độ khẳng định mình trong sự so sánh hơn thua với người khác, thay vì tìm sự thành toàn của bản thân mình bằng một cuộc cạnh tranh vị thế xã hội, người Kitô hữu, trước tiên, cần đặt mình trong chương trình của Chúa, khám phá ý nghĩa cuộc đời mình trong việc thi hành thánh ý Chúa. Người Kitô hữu không chê bai những thành quả xã hội, không bài bác sự thăng tiến, nhưng luôn nhắc nhở ý nghĩa căn bản hơn : thành quả để cho ai ? thăng tiến vì ai ?
Hình ảnh Giuse, có lẽ trước tiên là sự nhắc nhớ cho Hội thánh và cho từng người Kitô hữu về một nền “linh đạo” nền tảng của Kitô giáo : linh đạo sống với ai. Một khi đi lạc khỏi linh đạo ấy, tất cả mọi thành quả đều trở nên vô nghĩa và nguy hiểm.
Nếu thánh Giuse được xưng tụng là “thánh cả”, thì quả thật, không phải vì ngài đã làm những việc vĩ đại, nhưng là làm những việc tầm thường với một tâm hồn vĩ đại, một tâm hồn biết hy sinh cuộc đời mình cho gia đình, theo đúng ý muốn của Chúa trên cuộc đời mình. Cuộc đời thánh Giuse không phải là một sự vĩ đại về lượng tính, tức là điều người ta có thể cân đong đo đếm được, nhưng là một sự vĩ đại về phẩm tính, là điều mà chỉ có một sự thẩm định giá trị của tinh thần mới có thể nhận ra được. Cuộc đời thánh Giuse không đọng lại thành một công trình, những thứ công trình mà mọi người có thể dễ dàng nhìn thấy được, nhưng lại là một hình ảnh sống động về thái độ rất nhạy bén trong tương quan với ai. Ngài quá nhiệt thành và quảng đại trong từng chọn lựa. Mọi hành hành động của ngài đều lóng lánh nghĩa tình, đầy ắp ý nghĩa làm vì ai, làm cho ai…
Quên mất Thiên Chúa, con người ngày nay đánh mất cứu cánh cuộc đời và rơi vào một cuộc chiến cạnh tranh bi đát. Cuộc chiến ấy miên man vô định và cuối cùng là một chung cuộc bi đát : có người hơn thì phải có người kém; có người giành vị trí lãnh đạo thì người khác phải là thuộc hạ; ta giỏi thì cũng có người giỏi hơn ta; ta khát vọng đỉnh cao rồi lại rơi vào sườn dốc; chiến thắng của người này cũng chính là thất bại của người kia; và sự sống của người này kéo theo cái chết của người nọ; mỗi bước vươn lên cũng đồng nghĩa với mỗi bước tiến về gần cái chết…
Cuộc sống con người chỉ thoát được tính bi đát ấy khi tìm được cứu cánh đích thực, khi ta tìm thấy ý nghĩa cuộc đời bằng sự dâng hiến, khi ta làm cho cuộc đời thành đạt bằng sự hy sinh chính bản thân và cuộc đời mình cho ai, vì ai.
Thánh Giuse đã luôn lắng nghe và sẵn sàng thi hành ý Chúa. Cuộc đời ngài đã “thành công” rực rỡ vì đã gìn giữ Thánh Gia và cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Ước mong sao, nhờ sự phù trợ của thánh Giuse, các bạn trẻ cũng tìm được nẻo đường “thành đạt đích thực” ấy.
Ban Biên Tập