03/02/2020 -

Lá thư biên tập

1034
Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thúng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của ánh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ để họ xem thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời”.( Mt 5, 14-16)
Lời đức Giêsu hình như đưa người môn đệ vào một tình huống “khó xử”. Một mặt, ai chân thật với chính mình sẽ phải nhìn nhận những giới hạn và cả những lỗi lầm của mình. Làm sao dám tự coi mình như ánh sáng, như thành trên núi ? Thế mà đức Giêsu lại truyền lệnh cho người môn đệ, không phải chỉ những người trọn hảo, phải dấn thân vào đời, vào Giáo hội và thế giới như những ngọn đèn chiếu sáng.
1. Ánh sáng của người môn đệ đức Giêsu
Một cách tự nhiên và tự dựa vào bản thân, không ai có thể khẳng định mình như ánh sáng. Đôi khi người ta quên “soi gương”, không nhìn thấy rõ bản thân mình, và lộ ra sự huênh hoang lố bịch. Nhưng một cách công khai khẳng định mình là ánh sáng, thì có lẽ chỉ có một vài người mất lương tri ngay thẳng mới dám làm. Thực sự con người vốn “nhân vô thập toàn”; và cho dù là đang được sống trong đức Tin, người Kitô hữu vẫn luôn thấy mình thật sự vẫn còn rất nhiều lỗi lầm.
Tuy nhiên, nếu chúng ta trở lại với giáo lý căn bản của đức Tin, chúng ta biết rằng Giáo hội có phẩm tính thánh thiện, và chúng ta, nhưng người Kitô hữu trong Giáo hội cũng mang phẩm tính thánh thiện ấy nơi bản thân mình.
Nhưng phẩm tính thánh thiện của Giáo hội là gì ?
Chắc hẳn ai cũng thấy bao nhiêu vết nhơ trên khuôn mặt Giáo hội. Bản thân Giáo hội, nhất là nơi các vị đang có trách nhiệm lãnh đạo Giáo hội cũng đều thấy và thấy rõ hơn ai hết về những vết nhơ ấy. Nhưng Giáo hội vẫn khẳng định phẩm tính thánh thiện của Giáo hội, vì ý thức rõ ràng đó là sự thánh thiện của Chúa, đang dưỡng nuôi, đang thánh hoá Giáo hội. Sự thánh thiện là của Chúa.
Dù con người luôn bất toàn, nhưng đức tin cũng cho thấy Chúa vẫn đang nuôi dưỡng con người trong sự thánh thiện của Chúa. Phẩm tính thánh thiện ấy bày tỏ một tiến trình Giáo hội đang được thánh hoá, một tiến trình không bao giờ ngừng nghỉ, một tiến trình không bao giờ đảo ngược.
Thời sơ khai, thánh Phaolô luôn chào hỏi người tín hữu là những người “được kêu gọi làm dân thánh” (Rm 1,7, 1Cr 1,2...). Sự thánh thiện của người Kitô hữu không quy vào phẩm tính cá nhân của một con người cho bằng xác nhận một con người đang đi vào hành trình nên thánh của Chúa, đang được Chúa thánh hoá từng ngày trong hành trình đức tin. Chính vì thế, đọc lại bài Tin Mừng Mt 5,16, ta thấy rằng sự thánh thiện của các môn đệ được tỏ bày nhằm để ca tụng Chúa Cha, Đấng ngự trên trời.
Như thế, cách thức Thiên Chúa thánh hoá con người, trong sự thánh thiện duy nhất của một mình Chúa, không phải như một phép lạ bất chợt xẩy ra, nhưng như một quá trình. Giáo hội vẫn luôn bao gồm những người tội lỗi, nhưng sự thánh thiện của Chúa vẫn quảng đại đón nhận, vẫn nhẫn nại dưỡng nuôi, vẫn kiên trì dẫn dắt.
“Nếu ta không trung tín, Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình” (2 Tm 2,13)
Như thế, ta cũng có thể thấy ánh sáng của người môn đệ đức Giêsu, không phải là thứ “ánh sáng mặt trời”, tự mình chiếu sáng, mà là thứ “ánh sáng mặt trăng”, nhận được ánh sáng từ mặt trời và soi chiếu trên mặt đất; thứ ánh sáng mời gọi mọi người, mời gọi muôn dân hướng về mặt trời công chính là đức Giêsu Kitô.
Ánh sáng mà Chúa thắp lên nơi người môn đệ không phải là thứ ánh sáng của “đạo đức con người”, nhưng là thứ ánh sáng của tình yêu quảng đại nơi Thiên Chúa. Nói cách khác, người môn đệ được thắp sáng, đó là người làm chứng cho Chúa, làm chứng cho tình yêu kiên nhẫn và quảng đại của Thiên Chúa. Ánh sáng đó soi chiếu vào bóng tối sự chết, không phải như một bài học hay đức độ luân lý mà bao nhiêu người bất lực, nhưng là ánh sáng của ơn cứu độ mà người Kitô hữu chỉ cần tin, lãnh nhận với lòng tri ân, và thành tâm sám hối không ngừng.
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II vẫn không người kêu gọi các bạn trẻ đừng sợ nên thánh. Người trẻ Đa Minh, dĩ nhiên, cũng được kêu gọi đừng sợ nên thánh. Lời mời gọi đó không phải là một lời dành riêng cho những con người ưu tuyển, không phải là một lời gián tiếp loại trừ những người vẫn còn đầy vết nhơ của tội lỗi... Lời mời ấy mời gọi hết mọi người trẻ Kitô hữu. Hãy đặt cuộc đời mình trong ánh sáng thánh thiện của Chúa, ánh sáng ấy sẽ làm lộ ra rõ rệt hơn những vết hằn của tội lỗi, nhưng cũng chính như thế mà ánh sáng của Chúa được tỏ lộ với muôn dân; chính vì thế mà ý nghĩa cứu độ mới càng được tỏ lộ một cách chân thực, có khả năng gieo vãi niềm hy vọng cho những người chìm ngập trong bóng tối của tội lỗi và sự chết.
2. Để trên giá đèn
Điều được đức Giêsu coi như chuyện đương nhiên : đèn thì để phải để trên giá đèn. Chúa đã thắp lên ngọn đèn của Chúa nơi người Kitô hữu, thì đèn ấy cần được “đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà”.
Linh đạo Kitô giáo không phải là một thái độ “siêu thoát”, “ngất ngưởng” bên trên cuộc đời để “tự sướng” về bản thân mình. Linh đạo Kitô giáo cũng không phải là một thái độ nhập cuộc kiểu “vung tay quá trán”, huênh hoang về khả năng và đức độ của mình. Linh đạo Kitô giáo cũng không phải là thái độ lo lắng, dè dặt, sợ hãi rú rú trong cái tôi bé nhỏ của mình. Linh đạo Kitô giáo là thái độ dấn thân, dấn thân phục vụ như đáp đền một ân huệ mà mình đã lãnh nhận, dấn thân như một thái độ nhận ra trách nhiệm của mình với người xung quanh, và dấn thân trong niềm xác tín vào quyền năng và sự thánh thiện của Chúa; và đó cũng là sự dấn thân trong thái độ hồn nhiên chân thật, chân thật về giới hạn của mình, và hồn nhiên vì được đặt mình trong dòng suối ân phúc của Chúa, vi biết rằng chính Chúa chính Chúa đã chấp nhận giới hạn ấy để tỏ lộ một nguồn mạch sức sống khác, sức sống siêu nhiên của Chúa.  
Người Kitô hữu, nhất là các bạn trẻ, không được quyền dấu đi ánh sáng của Chúa, không được quyền an phận, không được quyền chọn thái độ mang tính tự nhiên của con người. Càng dấn thân, người ta càng được thêm xác tín vào quyền năng, xác tín vào sức mạnh của Chúa chứ không phải ru rú trong góc hẹp của thế giới để lo lắng về mình, lo lắng về khả năng về đức độ của mình.
Nguyện xin thánh Đa Minh, Đấng luôn có khuôn mặt đơn sơ, rạng ngời, giúp anh chị em, nhất là các bạn trẻ, có được một thái độ dấn thân hồn nhiên và đơn sơ như Ngài.
Ban Biên Tập.
 
114.864864865135.135135135250