01/02/2015 -

Lá thư biên tập

2101

Cùng quý độc giả em thân mến,

Có lẽ nhiều người tưởng rằng các giáo xứ được hiệp nhất với Giáo hội phổ quát theo kiểu người ta bỏ những sự vật hổ lốn vào một cái bao chung, làm thành như một món quà tổng hợp ngày Tết. Đúng thật là mỗi giáo xứ được liên kết với nhau trong một giáo phận, và các giáo phận liên kết với nhau trong một Giáo hội địa phương… Nhưng điều đó chỉ là hệ quả bên ngoài. Điều căn bản làm nên sự hiệp nhất trong Giáo hội là vì mỗi giáo xứ không là gì khác hơn chính Giáo hội phổ quát đang hiện diện ở tại địa phương ấy. Chẳng hạn, giáo xứ Ba Chuông là Giáo hội phổ quát đang hiện diện tại Ba Chuông… Mỗi giáo xứ trên toàn thế giới đều có đầy đủ những phẩm tính căn bản của Giáo hội phổ quát : duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền; và chính vì có cùng một bản chất như thế nên đương nhiên các giáo xứ được hợp nhất với nhau. Trong sự hiệp nhất này, những phẩm tính căn bản của Giáo hội phổ quát không gạt bỏ những tính chất riêng biệt của một địa phương nhưng được thể hiện trong những đường nét riêng biệt, đặc thù, độc đáo của từng môi trường, từng hoàn cảnh cụ thể.

Với nền thần học về giáo xứ ấy, các “gia đình”, dù là “huyết tộc” hay “linh tộc” theo một nghĩa nào đó, cũng như các cộng đoàn sống đời sống thánh hiến trong giáo xứ, mặc dù có khác biệt về lối sống, về sứ vụ, về linh đạo, được kêu mời để hiệp nhất với Giáo hội tại nơi giáo xứ của mình. Người Kitô hữu được mời gọi sống mầu nhiệm Giáo hội vừa vô hình vừa hữu hình, vừa “thiêng liêng” vừa cụ thể; không phải chỉ trong một ý tưởng “siêu hình” nào đó, nhưng là một cách “hiện sinh”. Sự hiệp nhất này được thể hiện trong sự liên đới về đời sống và sứ vụ.

Thật sự, các cộng đoàn sống đời sống thánh hiến cũng như các “gia đình” trong Hội thánh, ít nhiều, đều phải có tính cách giới hạn; nghĩa là có những điều kiện, tiêu chuẩn cần thiết để có thể gia nhập. Các cộng đoàn và các gia đình ấy luôn phải xác định rõ chu vi như một đường ranh giới nào đó để giữ được căn tính riêng của mình.

Tuy nhiên, điều kiện ấy chỉ là một phương thức cần thiết để có thể thi hành một sứ vụ riêng biệt nào đó. Điều kiện cần thiết ấy sẽ trở nên vô nghĩa và đi ngược lại bản chất của Giáo hội phổ quát, Giáo hội duy nhất và công giáo, nếu như các cộng đoàn và các gia đình ấy tách biệt với sự sống chân chính của Giáo hội.

Trong khi đó, khác với các cộng đoàn và các gia đình, các giáo xứ, trong bộ mặt bình thường và chân chính của một Giáo hội phổ quát, lại bộc lộ đường nét quy tụ nhiều hơn, bày tỏ sức sống như một trung tâm rộng mở hơn là xác định chu vi. Bộ mặt của Giáo hội phổ quát được bày tỏ một cách rõ nét nhất trong phụng vụ thánh lễ ngày Chúa Nhật, đây là ngày “Đại Hội” của Dân Chúa, nơi đó, người Kitô hữu được triệu tập về “từ muôn phương”.

Bài hát Lên Đền Thánh của linh mục Thành Tâm diễn tả thật đúng ý nghĩa sự sống của Giáo hội : “Từ muôn phương ta về đây sánh vai lên đường, đường đưa ta đi lên đền Chúa ta. Lòng hân hoan ta hòa chung tiếng hát nhịp nhàng, vui hát mừng danh Chúa cứu độ ta. Tiến tiến bước lên đền, đền thánh của Người. Cất tiếng hát vui lên dân thánh của Người. (…) lên đường đi hành hương thánh đô, chúng ta đi, đi lên đền Chúa ta thân yêu”.

Điều đó không phải tùy thuộc đường lối riêng biệt của cha xứ, nhưng biểu lộ một phẩm chất căn bản, thể hiện tính duy nhất và công giáo của Giáo hội phổ quát. Người Kitô hữu là người “thuộc về Đức Giê-su Ki-tô”; và mọi người Kitô hữu đều có một Cha chung trên trời, có Đức Giêsu là “Trưởng Tử”. Mối dây liên kết mới của đức tin, mối dây tình nghĩa có tính gia đình ấy được xây dựng trên nền tảng là Đức Giê-su :

“Vì những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm Trưởng tử giữa một đàn em đông đúc.” (Rm 8,29)

Anh chị em thân mến,

Có một hiện tượng “lạ” trong đời sống con người và trong đời sống đức Tin. Chẳng hạn một người Kitô hữu “bình thường” trong giáo xứ sẽ quý mến mọi ca đoàn, vì các ca đoàn phục vụ cho lễ nghi phụng vụ được sốt sắng; nhưng khi anh/chị ấy nhiệt thành gia nhập một ca đoàn nào đó, thì anh/chị ấy lại không còn đủ tấm lòng để quý trọng các ca đoàn khác. Cũng thế, một người Kitô hữu giáo dân sẽ quý trọng mọi dòng tu; thế rồi khi người ấy dấn thân vào một dòng tu nào đó, thì bỗng nhiên lại không còn nhiều tình nghĩa với các dòng tu khác nữa….

Hiện tượng “lạ” ấy cho thấy tinh thần thế gian vẫn còn lấn lướt Thần Khí của Đức Giê-su. Đáng lẽ ra, khi người Kitô càng đi sâu vào lòng Giáo hội, thì tinh thần Giáo hội, phẩm tính Giáo hội phải càng phong phú, càng mạnh mẽ hơn.

Người Kitô hữu được nhận vào gia đình của Chúa, được nối kết với nhau trong cùng một Thần Khí Nghĩa Tử của Đức Giêsu. Chính giáo xứ, như là Giáo hội phổ quát được tỏ lộ, phải là nơi nuôi dưỡng, vun trồng tâm thức “thuộc về Giáo hội” một cách cụ thể, sống động. Hình ảnh giáo xứ như thế trở nên như một “Gia đình của các gia đình”.

“Mẹ và anh em Đức Giê-su đến, đứng ở ngoài, cho gọi Người ra. Lúc ấy, đám đông đang ngồi chung quanh Người. Có kẻ nói với Người rằng : "Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy !" Nhưng Người đáp lại : "Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi ?" Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói : "Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi." (Mc 3,31-35)

Ước mong sao anh chị em trong Huynh Đoàn giáo dân Đa Minh, càng dấn thân sâu hơn vào lòng Giáo hội qua linh đạo của thánh Đa Minh, thì lại càng thêm lòng yêu mến Giáo hội và càng tích cực góp phần vào sự sống của Giáo hội tại chính giáo xứ của mình.

Thân ái trong Thánh Phụ Đa Minh

BBT

114.864864865135.135135135250