30/11/2022 -

Lá thư biên tập

722


Mặc khải trong truyền thống Do Thái Kitô giáo luôn đặt nền trên lịch sử ơn cứu độ, nghĩa là được thực hiện trong dòng thời gian, gắn liền với thực tại và hướng tới một “thời điểm” thành toàn ở cuối lịch sử. Từ đường nét căn bản ấy của mặc khải, tín lý và luân lý Kitô giáo cũng luôn được diễn giải và thực hiện trên nền tảng của lịch sử. Đường nét ấy không loại trừ những kinh nghiệm thần bí, nhưng luôn là nền tảng cho chính những kinh nghiệm tu đức hoặc thần bí nào đó; nghĩa là những kinh nghiệm nội tâm, kinh nghiệm thần bí là những ân huệ Thánh Thần ban tặng nhằm để soi sáng cho lịch sử và để củng cố sức mạnh cho con người đi vào dòng lịch sử ơn cứu độ. Mặc dù Tin Mừng thứ IV cũng như những thư muộn thời của thánh Phaolô nói nhiều tới sự kết hợp mật thiết với đức Giêsu, nhưng đức Tin Kitô giáo không bao giờ được tách rời đức Giêsu và Nước Thiên Chúa, không bao giờ được bỏ quên niềm khát vọng Nước Chúa mau đến, không bao giờ được quên lãng niềm mong chờ Ngày Chúa Lại Đến…
Đức Tin trong truyền thống Do thái Kitô giáo không phải là “đạo tại tâm” và không phải nhằm cứu độ cá nhân mỗi người trong một bài toán cộng trừ công và tội. Điểm chính yếu của ơn cứu độ Kitô giáo nhằm tới sự thành toàn của toàn thể; bởi vì chỉ trong cái “toàn thể”, không phải là cái “tổng số”, mỗi cá nhân mới được thành toàn một cách trọn vẹn. Cá nhân được cứu độ trong lịch sử đời mình, hòa cùng lịch sử của toàn thể vũ trụ. Do đó, đức Tin Kitô giáo luôn đặt thời điểm hiện tại trong trục thời gian, giữa nhớ và mơ. Giây phút hiện tại luôn “mang vác” những gì đã xảy ra trong quá khứ và luôn “dự phóng” tới tương lai như một khát vọng khôn nguôi. Thái độ tin bao gồm việc “nhớ lại những kỳ công dấu lạ Thiên Chúa đã làm với cha ông” để luôn ước để tỉnh thức “chờ đợi chủ về”.
Phụng vụ mùa Vọng luôn nhắc nhớ chúng ta về niềm mong chờ Chúa đến; và niềm mong chờ ấy không chỉ là nhằm tới ngày lễ Giáng Sinh của một năm, nhưng là chính yếu là nung nấu nỗi mong chờ ngày Chúa lại đến để hoàn tất lịch sử.
Những ngày cuối năm 2022, thế giới đang chìm vào những biến động đáng buồn, cả trong những đối cực chính trị toàn cầu, cả những dự báo khó khăn về kinh tế,… và nhất là sự lệch lạc trong tâm thức con người thời hiện đại.
Chiến tranh vẫn bùng nổ nơi này nơi khác và càng ngày càng lớn hơn, gây ra tai họa cho nhiều người hơn. Thế giới ùn ùn đua nhau gia tăng ngân sách quốc phòng, người ta đầu tư khủng vào việc nghiên cứu vũ khí mới và thị trường vũ khí càng ngày càng sôi động. Cho đến tận thế kỷ XXI rồi, ngày quốc khánh của các quốc gia vẫn là ngày diễu hành của quân đội và vũ khí… Người ta đặt niềm tự hào dân tộc vào khả năng giết người chứ không phải khả năng thăng tiến con người qua những giá trị văn hóa nhân bản đích thực… Trước tình hình đó, làm sao người Kitô hữu lại không mơ tới một viễn cảnh: “Trong tương lai núi nhà Đức Chúa đứng kiên cường vượt đỉnh các non cao, vươn mình trên hết mọi ngọn đồi…. Người sẽ đứng làm trọng tài giữa các quốc gia và phân xử cho muôn dân tộc. Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái” (Is 2,2.4)?


Bên cạnh các cuộc chiến quân sự, thế giới ngày nay còn đặt thêm một “thùng thuốc nổ” của cuộc chiến kinh tế. Người ta đua nhau làm giàu và làm giàu trên xương máu của những người nghèo. Những con số về người thất nghiệp, những thống kê về nạn đói, tình trạng không có được một điều kiện sống xứng với phẩm giá người… vẫn không được quan tâm bằng những con số nhảy múa trên thị trường chứng khoán…. Làm sao người Kitô hữu lại không mơ về một khung trời: “Đến cả đi hỡi những người đang khát, nước đã sẵn đây! Dầu không có tiền bạc cứ đến mua mà dùng; đến mua rượu mua sữa, không phải trả đồng nào” (Is 55,1)?
Trước tình trạng thực phẩm độc hại lan tràn khắp nơi, người ta tự đầu độc lẫn nhau,… làm sao người Kitô hữu lại không mơ “Ngày ấy, trên núi này, Đức Chúa sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc, tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế” (Is 21, 6)?
Trước tình trạng bạo lực xã hội, bạo lực gia đình, bạo lực trẻ em… với những hoàn cảnh đau xót nhất, làm sao người Kitô hữu lại không mơ có ngày : “Bấy giờ sói sẽ ở với dê con, beo nằm bên dê nhỏ. Bò tơ và sư tử non được nuôi chung vớinhau, một cậu bé sẽ chăn dắt chúng. Bò cái kết thân cùng gấu cái, con của chúng nằm chung một chỗ, sư tử cũng ăn rơm như bò. Bé còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục, trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay và ổ rắn hổ mang” (Is 11, 6-8)?
Những hình ảnh như thế không phải chỉ là cách diễn tả biểu tượng của thế giới mai sau. Cánh chung Kitô giáo đã bắt đầu ở đời này và sẽ hoàn tất trọn vẹn trên thiên quốc. Với đức Giêsu Kitô, những ước mơ ấy đã bắt đầu ngay trong cuộc sống hiện tại và ngay trong đời thường của chúng ta, ở dạng men, dạng hạt. Men và hạt ấy chờ đợi chúng ta bắt tay để dựng xây ngay từ cuộc đời này. 
Có lẽ hơn lúc nào hết, vào thời điểm lịch sử cuối năm 2022 này, người Kitô hữu cần hát vang lên, hét to lên niềm mơ ước Núi Thánh của Chúa: “Sẽ không còn ai tác hại và tàn phá trên khắp Núi Thánh của Ta” (Is 11,9).
114.864864865135.135135135250