14/07/2021 -

Lá thư biên tập

794

Thế giới ảo đang càng ngày lớn và mạnh. Ở khắp hang cùng ngõ hẻm và ở mọi nơi trên thế giới, người ta đang ngụp lặn giữa thế giới thật và thế giới ảo. Các bạn trẻ có lẽ khó có thể sống ở đâu được một vài ngày nếu không có thiết bị di động… Thế giới ảo tràn ngập xung quanh con người như thế chắc chắn không thể không ảnh hưởng tới nếp sống, cách suy nghĩ, mối tương quan giữa con người với nhau, và đặc biệt ảnh hưởng tới mối tương quan trong đời sống gia đình.

Thế giới ảo là một môi trường giả lập trên máy tính, hoặc mô phỏng thế giới thật, hoặc vẽ ra một thế giới của trí tưởng tượng. Thế giới ảo càng ngày càng đa dạng, phức tạp thuộc đủ mọi loại hình và cũng xâm nhập vào tâm trí con người với đủ mọi khía cạnh đa dạng và phức tạp khó có thể khái quát được.

Ở mức độ dễ nhận thấy nhất, tạm gọi là mức độ thể lý, ta thấy người nào dành quá nhiều thời gian để dùng các phương tiện kỹ thuật số thì đương nhiên cũng giảm thiểu thời gian và mối quan tâm để sống với người khác trong đời thực. Ta có thể thấy nhiều bạn trẻ thường xuyên cắm đầu vào chiếc điện thoại thông minh, trong giờ ăn, trong buổi họp mặt, trên xe buýt, khi chờ đợi, trên giường ngủ, khi đi vệ sinh…

Thế giới ảo quá phong phú và hấp dẫn, với đủ kỹ năng để mời gọi, để níu kéo, để giam hãm mối tương quan tâm của con người trong thế giới riêng của nó, khiến cho nhiều bạn trẻ bỏ mọi sự để chơi game, bỏ học để xem phim, bỏ việc để tán gẫu, bỏ những hoạt động thăm viếng, gặp gỡ người thân, để “thăm” những trang web quá hấp dẫn… Như thế, người ta không chỉ đánh mất thời giờ, nhưng còn đánh mất mối quan tâm tình nghĩa hoặc trách nhiệm với con những con người thật trong thế giới thật. Đây là mức độ ảnh hưởng luân lý của lối sống ảo.

Ở mức độ sâu hơn nữa, tạm gọi là mức độ siêu hình, người ta thật khó lường được những tác động tinh vi, tế nhị trên thái độ sống của con người bị lôi cuốn quá sâu vào thế giới ảo. Con người hình thành nên nhân cách của mình trong tương giao, và tương giao con người không đơn giản như người ta tưởng. Tương giao con người, bình thường, được thực hiện trong cảm thức về một ngôi vị đằng sau những cử chỉ, lời nói, đụng chạm… Khi đó, người ta nói, cười, vui chơi hoặc chửi rủa, đánh nhau đi nữa, thì thường vẫn là nói với, cười với, chơi với… ai đó. Cảm thức về một ai đó, ít nhiều, hàm chứa một sự “tôn trọng căn bản”, đó là sự tôn trọng một “ai đó”, khác xa với những tương quan với “cái gì”; đó là mối tương tác qua lại “hai chiều”, cho dù là yêu thương hay hận thù, ghét bỏ, chứ không phải là một thái độ hàm chứa lòng quyết tâm điều khiển một cái gì đó hoàn toàn theo ý mình, chỉ tuỳ thuộc vào năng lực của mình. Nói cách khác tâm thức của con người trong thế giới ảo là tinh thần “làm thế nào” để được kết quả, chứ không phải là sự chờ đợi và “khẩn cầu” lời đáp trả tự do của một ai khác. Về điều này, Virgil Georghiu đã từng nói : khi một người chủ có một ngàn tên nô lệ quanh mình, thì những người nô lệ sẽ không cần học ngôn ngữ của người chủ, nhưng chính người chủ sẽ phải học ngôn ngữ của người nô lệ. Y như vậy, con người ngày nay có hàng ngàn tên nô lệ kỹ thuật xung quanh mình, và người ta dễ dàng “học” ngôn ngữ của máy móc kỹ thuật chứ không thể nhân hoá kỹ thuật theo giá trị nhân văn. Thế giới ảo sẽ dần dần làm cho con người trở nên như cái máy, suy nghĩ logic như máy, đòi hỏi người khác theo ý mình chứ không phải lắng nghe tâm hồn của ai trong sự cảm thông, giải quyết mọi sự theo bài toán được thua, chứ không còn biết hy sinh, bỏ mình vì yêu thương và làm sáng lên những giá trị nhân bản trong tương quan con người với nhau…

Thật ra, những phương tiện kỹ thuật hiện đại, thế giới ảo, không phải là không ích lợi. Chúng thực sự là phương tiện, và phương tiện có hữu ích hay nguy hại là tuỳ thuộc vào thái độ và cách thức của người sử dụng. Không gian mạng có thể giúp được cho nhiều người sống phong phú hơn, làm việc dễ dàng và hiệu quả hơn, trao gởi tình nghĩa nhanh chóng và rộng khắp hơn và cũng có thể là phương tiện để loan báo Tin Mừng một cách mạnh mẽ nữa.

Con người thường không vững như mình tưởng. Những bước trượt chân “vong mạng” của con người thường do những ảo tưởng rằng mình có thể đứng vững. Chỉ cần ba người thay nhau khen ngợi một người nào đó, đến ngày thứ tư, gần như chắc chắn người được khen ấy sẽ nói to hơn, xác quyết hơn… Một ví dụ nhỏ như thế cũng là lời nhắc nhở các bạn trẻ cần tỉnh thức, rất tỉnh thức để tránh được mối nguy rất lớn của thế giới ảo trên cuộc đời của mình.
 

114.864864865135.135135135250