BÓ HOA MUÔN SẮC
Tình yêu chính là ý nghĩa hay phẩm tính căn bản của sự sống. Thời nào và ở bất cứ nơi đâu người ta cũng cần tới tình yêu và thế giới con người đã không ngừng nói về tình yêu bằng biết bao nhiêu cách thức, bằng biết bao nhiêu cách thức, qua biết bao nhiêu tình huống khác nhau… Đó là sự phong phú của tình yêu, sự phong phú “bên ngoài”, sự phong phú như là tổng số của nhiều thứ tình yêu.
Tuy nhiên, điều con người cũng thường ít để ý là tính phong phú như là chính phẩm tính căn bản của tình yêu chân chính, tính phong phú trong mỗi và nơi mọi tình yêu. Nói cách khác, người ta thường chỉ thấy “sự phong phú” của nhiều loại tình yêu mà ít nhận ta “tính phong phú” như là bản chất của tình yêu; người ta thấy có nhiều loại tình yêu, gồm cả những thứ yêu lệch lạc, biến tướng, mà ít thấy rằng một tình yêu nào chân chính thì phải được triển nở phong phú.
Quả thật, “sự phong phú” của nhiều loại tình yêu có thể cho tay thấy một “bức tranh” tổng hợp muôn mầu muôn sắc, nhưng “tính phong phú” của tình yêu lại mời gọi ta chiêm ngắm huyền nhiệm phong phú của sự sống. Sự sống ấy, của một sinh vật nào đó, tuy ở đây và lúc này, rất đơn sơ, nhỏ bé, nhưng lại hàm chứa cả một thiên nhiên tính phong phú. Như thế, tình yêu đích thực phải là sự sống đích thực. Đối với con người, tình yêu chính là ý nghĩa căn bản của sự sống, nên sự sống con người đích thực cũng phải là tình yêu.
Đức Gioan Phaolô II, trong Tông huấn Gia Đình, đã long trọng nhắc lại điều chính ngài đã nói trong Thông điệp “Đấng Cứu Chuộc Con Người” như sau :
“Điều tôi đã viết trong Thông điệp “Đấng Cứu Chuộc Con Người” (s.10) được áp dụng độc đáo và ưu tiên trước hết nơi gia đình : “Con người không thể sống mà không có tình yêu. Con người sẽ là kẻ không thể hiểu được đối với chính bản thân mình, cuộc sống con người mất ý nghĩa nếu không nhận lấy mặc khải về tình yêu, nếu không có kinh nghiêm về tình yêu và nếu không nhận lấy kinh nghiệm ấy làm của mình và hăng say dự phần vào đó”. (Tông huấn Gia Đình, số 18).
Một khi đặt nền tảng của mọi sinh hoạt của con người, cũng như mọi sinh hoạt trong Giáo hội, trên nền tảng sự sống và tình yêu, chúng ta hiểu ra tính phong phú như là điều không thể thiếu trong Tin Mừng Nước Trời :
“Vì Ta bảo các ngươi : nếu đức công chính của các ngươi không dư dật hơn ký lục và Biệt Phái, các ngươi sẽ không vào được Nước Trời “ (Mt 5, 20)[1].
Tính phong phú của từng cá nhân làm nên sự hoàn hảo của cái toàn thể. Hai điều đó không loại trừ nhau, nhưng bổ túc cho nhau. Do đó, chúng ta biết Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa nhằm tới cái toàn thể bằng cách phát triển cái cá biệt:
“Vì Kitô gíao nhắm tới cái toàn thể, vì nó có khởi điểm và cùng đích là cộng đoàn hiệp thông, vì nó không phải là ơn cứu độ cho từng cá thể riêng rẽ nhưng phục vụ cho Toàn Thể, một đòi hỏi mà mỗi các thể không thể và không được phép trốn tránh, chính vì như thế mà Kitô giáo dựa cách hết sức triệt để trên nguyên lý “Cá Thể”. (J. Ratzinger, trang 266-267)[2]
Như thế, sự sống đức Tin Kitô giáo vượt qua sự đối lập giữa cá nhân và tập thể, nhưng hướng tới một toàn thể bao hàm sự phát triển trọn vẹn của từng cá nhân. Tuy nhiên, sự hoà hợp này chỉ có thể được thực hiện nhờ đức Giêsu Kitô. Để thực hiện được một chương trình cứu độ lạ thường như thế, Thiên Chúa đã lựa chọn một cách thức mời gọi con người tuyên xưng niềm tin vào một “đức Giêsu là Đấng Kitô”.
“Chính ở điểm này mà chúng ta có thể thấy được tính tất yếu nội tại của niềm tin điên rồ; tuyên xưng Giêsu Kitô, một cá thể, một con người độc nhất là ơn cứu độ của thế giới. Cá Thể là ơn cứu độ của Toàn Thể, và Toàn Thể nhận được cứu độ từ một Cá Thể chân thực, và cũng chính vì thế mà con người đó không còn hiện hữu cho riêng mình” (J. Ratzinger)[3].
Trong đức Kitô, Giáo hội mới thực sự là một “bó hoa muôn sắc”; nơi đó, gồm có cả sự triển nở phong phú của mỗi bông hoa và sự hài hoà của cả một bó hoa. Điều này cũng thường bị bỏ quên trong một mớ các giáo huấn luân lý. Người ta thường trình bày luân lý Kitô giáo như một số các mệnh lệnh đòi buộc, như một sự cưỡng bức từ bên ngoài, như một thứ mất mát để đổi lấy “phần rỗi linh hồn”… Cách trình bày ấy không làm nên được sự hoàn hảo của cái toàn thể. Giáo hội hiệp hành chỉ thực sự là một “bó hoa muôn sắc” khi Giáo hội được Đức Giêsu thanh tẩy và thánh hoá “để trước mặt mọi người, có một Hội thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tì ố, không vết nhăn, hoặc bắt cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền”. (Ep, 5,27)