31/12/2022 -

Lá thư biên tập

924


Hình như dân tộc nào cũng có “Tết” và Tết thực sự là một nhu cầu không thể thiếu cho phận người. Con người cần có Tết như một chặng nghỉ để nhìn lại ý nghĩa cho một hành trình dài. Con người cần có Tết để tìm lại năng lực sống nguyên sơ, hầu có thể tiếp tục hành trình gian nan của phận người…
Người Việt Nam dùng kiểu nói “Tết Ma-rốc” hoặc “Tết Con-gô”[1] để chỉ một việc gì đó còn lâu mới đến hoặc không bao giờ xẩy ra; lý do là vì ở những nơi này, người dân bị chìm trong chiến tranh, nghèo đói…của một giai đoạn lịch sử, khi mà người ta không có đủ điều kiện để mừng Tết. Nhưng con người ở đâu và thời nào cũng mong muốn có một khởi đầu mới, với ước vọng thoát khỏi những rắc rối, những sự xui xẻo…của năm cũ, để mong được mọi may lành trong năm mới.
Trong lãnh vực tự nhiên, ta khó lòng xác định những may lành hoặc xui xẻo xẩy đến trong năm cũ là do một thứ hên-xui “huyền bí” nào đó. Cũng thế, việc mong chờ một năm mới may lành theo kiểu hên xui cũng chỉ thuần túy là thứ mơ mộng viển vông.
Tuy vậy, điều chân thật là bất cứ ai cũng có khát vọng được sống tốt đẹp hơn, và khát vọng ấy được tỏ lộ ra một cách cụ thể trong việc đón “Tết”. Mặt khác, khát vọng đón Tết như thế cũng biểu lộ niềm tin rằng con người luôn có thể bắt đầu lại. Khát vọng và niềm tin ấy giúp con người tìm thấy một ý nghĩa nào đó cho cuộc sống, giúp con người có thêm năng lực để sống, và để vươn lên mãi… Chính vì thế, ngày Tết luôn được biểu lộ như là ngày của niềm vui, diễn tả niềm hy vọng mãnh liệt của phận người.… Quả thật, nếu không có Tết, con người sẽ bị chìm ngập trong sức nặng của quá khứ, chơi vơi trong sự mờ mịt của tương lai, những khó khăn bên ngoài sẽ nhân bội vì sự thất vọng ở bên trong… Tất cả những chiều kích ấy sẽ đè bẹp năng lực sống của con người…
Ngày đầu Xuân cũng giống như một buổi sáng tinh khôi, không khí trong lành, vạn vật bừng tỉnh trong dáng dấp mới mẻ, và tinh thần con người cũng tìm thấy một sự minh mẫn để bắt đầu một ngày mới. Ngày Xuân, hoa nở rộ, nhà cửa được dọn dẹp sạch sẽ, con người mặc quần áo mới, trẻ em tươi cười, xúng xính trong áo quần mới…, tất cả như biểu lộ một sức sống…
Tuy nhiên, tất cả điều đó chỉ là những “biểu lộ” của sự sống, một sự sống mang tính “thiên nhiên”, theo chu kỳ xoay vần của những những tinh tú, chịu khuất phục do một thứ quy luật cố định, có sinh có diệt, có trẻ có già, có tăng có giảm, và, một cách nào đó, vẫn nằm trong vòng cương tỏa của sự tương đối, vẫn là một chu kỳ tuần hoàn vĩnh cửu chứ không phải một cứu cánh vĩnh cửu…
Trong đời sống Kitô giáo, khát vọng vươn lên của con người tìm được một nền tảng vững chắc nơi sự quan phòng yêu thương của Chúa. Sống thái độ cậy trông, người tín hữu có thể mừng Xuân trong niềm vui của một khởi đầu mới và nắm chắc niềm hy vọng đạt tới một sự thành toàn.


Người Kitô gọi Thiên Chúa là “Chúa Xuân” bởi vì chính Chúa mới là cội nguồn của sự sống, một sự sống có khả năng khai mở chiều kích tuyệt đối, một sự sống chiến thắng sự chết và đưa vũ trụ đạt tới đích điểm thành toàn. Chính Chúa mới là “Chúa Xuân”, tạo nên một mùa Xuân đích thực; chính Chúa mới làm cho “vòng xoáy” thời gian đạt tới cứu cánh viên mãn tươi đẹp của một mùa xuân vĩnh cửu.
Do đó, đối với người Kitô hữu, mùa Xuân không phải dựa vào chu kỳ trời đất, nhưng là tìm đến Đấng là cội nguồn của trời đất; niềm vui của mùa Xuân không phải đến từ những biểu hiện của sự sống thiên nhiên, nhưng là hiệp thông cùng những biểu hiện tươi đẹp ấy để nung nấu khát vọng về một đời sống viên mãn. Người Kitô hữu sống niềm vui ngày Xuân như “cử hành nghi lễ tôn vinh sự sống đích thực”…
Trên nền tảng đức Tin như thế, ngày Xuân giống như bước khởi đầu của một hành trình, một hành trình mới, trong niềm vui mới, trong tình hiệp thông mới, trong sự hợp tác mới, trong sứ vụ dấn thân mới,… Trên con đường mùa Xuân, người Kitô hữu được khai mở tầm nhìn về một chân trời mới, nơi đó mọi gặp gỡ đều lóe lên dáng dấp của tình huynh đệ đại đồng, mọi công việc đều được định hướng từ sự thành toàn chung cuộc, mọi vui buồn đều mặc lấy ý nghĩa của sự sống đích thực…
Một khi tìm lại được ý nghĩa của niềm Tin Cậy, người Kitô hữu có thể bước trên hành trình mùa xuân trong một bầu không khí mới mẻ, với một tinh thần vui tươi, với nhãn giới lạc quan và một thái độ dấn thân quảng đại…
 
[1] Có hai quốc gia cùng mang tên “Công-go”, một là “Cộng hòa Dân chủ Con-Gô”, và “Cộng hòa Công Gô”. Nước “Cộng hòa Dân chủ Công Gô” có kiểu đón Tết 50 năm một lần và kéo dài 3 tháng…
 
114.864864865135.135135135250