09/03/2024 -

Lá thư biên tập

1023

Thật khó lòng đánh giá một cách chính xác những thành quả của hành trình sống Hiệp Hành vừa qua. Có thể tạm nói, đây là việc gầy dựng một nền “văn hóa phi vật thể”, tức là một giá trị tinh thần được thể hiện trong một không gian văn hóa có tính lịch sử. Do đó, người ta khó lòng “lượng giá” một cách cụ thể…

Để xem xét thành quả của nền “văn hóa phi vật thể này”, một đàng, chúng ta xác tín rằng dù có những thành phần trong Giáo hội rất tích cực hoặc quá tiêu cực, thì trong niềm Tin, chúng ta cũng biết đây không phải là một công trình hoàn toàn của con người và chỉ tùy thuộc vào con người; nhưng chính yếu là kế hoạch của Thiên Chúa, qua tác động hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Đàng khác, bước khởi đầu để hình thành bất cứ một giá trị tích cực nào đó, luôn cần được tiếp nối bằng thái độ kiên nhẫn. Kiên nhẫn là phẩm tính gắn liền với bản chất của đời người, vì con người có thân xác, sống trong vũ trụ, luôn cần thực hiện vận mạng đời người trong thời gian. Hoa trái của lòng kiên nhẫn đích thực là tinh thần trung tín và sáng tạo. Thái độ trung tín và sáng tạo như thế cũng không là gì khác hơn việc tin tưởng và cộng tác với Chúa Thánh Thần để đưa tiến trình Hiệp hành trở thành một dòng sức sống chân thực và phong phú.

Quả thật, Hiệp hành không phải là một “sự vật” để ta có thể xác định bằng việc cân đong đo đếm, nhưng là một sự sống mà ta còn cần phải hòa nhập và tích cực cộng tác để hướng tới tương lai. Như thế, thành quả của Hiệp hành không phải chỉ là kết quả của thời gian đã qua, nhưng còn tùy thuộc vào thái độ của người tín hữu trong thời gian sắp tới.

Nếu tạm coi Hiệp hành như dấu ấn của một nền “văn hóa phi vật thể” trong đời sống Giáo hội, và để ấn dấu ấy được vững mạnh hơn, ta cần nhìn lại và xác định lại ý nghĩa những giá trị cốt lõi của tinh thần Hiệp hành : hiệp thông – tham gia - sứ vụ.

- Hiệp thông : Người Việt vốn có một sự nhạy bén về đời sống chung và khá quảng đại trong việc chia sẻ vật chất cũng như công sức để xây dựng những công trình chung. Tuy nhiên, thái độ hiệp thông này thường chỉ dừng lại ở những điều tích cực và rất ít có khả năng thông cảm, liên đới trong những điều tiêu cực… Người Việt yêu thích bóng đá, nhưng đó phải là “bóng đá chiến thắng”; người Kitô hữu Việt Nam rất quí trọng và quảng đại chia sẻ vật chất với các linh mục, nhưng đó là khi linh mục tốt lành và làm được những việc tốt cho giáo xứ… Người Việt rất dễ dàng kết án những huấn luyên viên hoặc cầu thủ không thành công; người Kitô hữu cũng rất dễ dàng chống đối các linh mục mà mình không ưa thích… Tóm lại sự hiệp thông trong đời sống Giáo hội, nói chung, mới chỉ được một nửa, và đó là một nửa dễ dàng, chứ chưa đủ cảm thông, chưa dám liên lụy với nhau trong cả những yếu kém và sai lỗi của nhau…

- Tham gia : mặc dù thành phần người công giáo thực hành đời sống đức Tin còn khá cao so với nhiều quốc gia khác, nhưng có lẽ mức độ người công giáo Việt Nam tham gia vào công việc chung của Giáo hội chưa phải là nhiều.  Hoạt động của các ban ngành đoàn thể trong các giáo xứ vẫn vận hành khá tốt, những chức việc phục vụ ytrong các giáo xứ, nói chung, vẫn khá đều đặn… Nhưng phần đông những người khác thì lại khá thụ động, thậm chí còn phá rối hoặc đòi hỏi những điều dễ dàng cho mình mà thôi.

- Sứ vụ : Yếu tố sứ vụ có lẽ là điều yếu nhất trong đời sống Giáo hội Việt Nam. Một phần lớn người Kitô hữu lo “giữ đạo” hơn là sống đạo; chu toàn lề luật như một sự đối phó với đòi hỏi luân lý khó khăn của Chúa để mong được rỗi linh hồn, chứ không phải tìm thấy nơi đời sống đức Tin một sự sống chân thật và phong phú. Do đó, đời sống đức Tin cũng thường giới hạn trong việc đạo và khá đóng kín đối với anh chị em lương dân…

Những điều nói trên là một cái nhìn khái quát về một nề nếp sống đạo lâu đời của người Kitô hữu Việt Nam. Tuy vậy, bên cạnh đó, ta cũng có thể thấy có nhiều tín hiệu lạc quan, chẳng hạn những sinh hoạt của giới trẻ Công giáo vẫn khá tích cực, khá nhiều hội đoàn Công giáo vẫn sinh hoạt đều đặn, một số người tín hữu trung tín và kín múc sự sống đức Tin qua những nhà chầu Thánh Thể, qua việc đọc Kinh Thánh, và qua những khóa học hỏi tại các trung tâm mục vụ; những nhóm tông đồ thiện nguyện trong việc chăm lo cho sự sống, chăm lo cho những người khó khăn và các bệnh nhân…

Điều chúng ta hy vọng là những tín hiệu tích cực ấy sẽ  được phát triển trong nền “văn hóa phi vật thể Hiệp hành” và trở nên như những “hạt cải”, những “nhúm men” không ngừng lớn mạnh.
Biết đâu đó chữ “Hiệp Hành” vốn đã bị nhiều chỉ trích vì quá lạ thường, thì vô hình trung đã để lại một ấn dấu khó phai mờ hơn trong tâm thức của người Kitô hữu Việt Nam?

Biết đâu đó, việc phê bình tiến trình Hiệp hành, hoặc ngay cả thái độ thất vọng vì tiến trình Hiệp hành vừa qua, cũng lại là một ấn dấu có thể đưa đến những hệ quả tích cực trong đời sống Giáo hội Việt Nam ?
114.864864865135.135135135250