17/02/2025 -

Kinh Thánh

700
_Pierre Grelot_

Khi trình bày “Mười mệnh đề về ơn linh hứng Kinh Thánh” ở đây, tôi không có ý canh tân việc nghiên cứu đề tài này. Tôi chỉ muốn thu góp lại những yếu tố liên quan còn đang rải rác trong các công trình đã được phổ biến suốt 25 năm vừa qua. Nếu tôi có chọn năm 1958 làm cái mốc khởi đầu, chính vì đó là năm cuốn sách nhan đề Ueber die Schriftinspiration của cha K. Rahner được xuất bản lần đầu tiên[2].

Lập một danh mục các tác phẩm đã được xuất bản từ hồi đó có lẽ là việc vượt quá phạm vi giới hạn của mục đích tôi theo đuổi ở đây. Hiến chế Công Đồng Dei Verbum chỉ đề cập đến vấn đề này một cách thoáng qua (ch. III, s.11), chuẩn nhận một điểm giáo lý căn bản đã được xác định rõ ràng rồi. Còn đối với những nghiên cứu thần học đã được xuất bản trước và sau đó, tôi chỉ nhắc đến theo trí nhớ những tác phẩm như của J. L. McKenzie, P. Benoit, L. Alonso-Schokel, H. Haag, B. Vawter, P. J. Achtemeier, T. A. Hoffman[3]. Nhưng những tên tuổi được liệt kê trên đây vẫn còn giới hạn lắm. Lịch sử vấn đề, được bàn dài rộng trong các mục ở các Từ điển, đã được J. Beumer[4] giới thiệu năm 1968. Còn bản thân tôi thì đã đụng chạm đến vấn đề này trong một tác phẩm ra đời ngay trước Khóa họp cuối cùng của Công Đồng, và rồi khi chú giải ch. III Hiến chế Dei Verbum[5].

Nếu hôm nay tôi trở lại vấn đề này, thì không phải là để đưa ra những đề tài thật mới, nhưng chỉ có ý liên kết chặt chẽ hơn quan niệm về linh hứng Kinh Thánh, một đàng với các điểm giáo lý liên quan đến khái niệm Truyền Thống, những cấu trúc Hội Thánh và Thư Quy các sách thánh và, đàng khác, với những vấn đề được khoa phê bình Kinh Thánh và thực tiễn của khoa giải thích nêu lên. Mối tương liên giữa các vấn đề trên là điều tôi chú ý hàng đầu[6].



MỆNH ĐỀ SỐ 1

Ơn linh hứng Kinh Thánh không được nghiên cứu như là một điểm giáo lý tách biệt, được Kinh Thánh, Truyền Thống và các văn kiện của Huấn Quyền chứng nhận, cứ coi như nguyên nó là đủ. Như tên gọi của nó (ơn linh hứng Kinh Thánh) cho thấy, cần phải nối kết ơn linh hứng Kinh Thánh với hoạt động thiên hình vạn trạng của Chúa Thánh Thần trong nhiệm cuộc cứu độ, bởi vì sự kiện này, tạo cơ sở cho vai trò riêng biệt của Kinh Thánh trong Hội Thánh, chỉ là một điểm ứng dụng mà thôi. Thực ra, có thể cứu xét riêng biệt điểm này, để thấy rõ những dữ kiện và để phân biệt những hệ quả trong việc truyền đạt mặc khải. Nhưng cần đặt nó trước hết vào trong toàn thể mà nó là thành phần.

Toàn thể này gồm có ba yếu tố giải thích và tạo điều kiện cho việc khai sinh ra một “Sách Thánh” (1 Clém. 53,1) :

a) Trước hết, đó là sự hiện hữu của một cộng đoàn được mời gọi đón nhận ơn cứu độ : cộng đoàn ấy là Israel thời giao ước cũ và Hội Thánh thời giao ước mới.

b) Thứ hai, đó là kinh nghiệm lịch sử của cộng đoàn này, có phẩm tính khác nhau trong hai Giao Ước, nhưng giữa lòng lịch sử nhân loại, lại đóng một vai trò chính yếu để ghi lại những dấu chỉ của kế hoạch Thiên Chúa đặt định.

c) Cuối cùng là lời mời gọi riêng được một số người đón nhận để giữ những vị trí then chốt và hoàn thành những chức năng tích cực trong việc ơn cứu độ của Thiên Chúa đến trong lịch sử.

Nếu cứu xét vấn đề ơn linh hứng với bước lùi lại như thế, ta nối kết được vấn đề ơn linh hứng dễ dàng hơn với sự kiện chung là hoạt động của Thần Khí, Đấng xưa đã cứu thoát Israel để làm cho Israel thành Dân Thiên Chúa (x. Is 63,14) và cũng là Đấng nay, trong Hội Thánh, vẫn đang cứu thoát những người tin bằng cách tháp nhập họ vào Đức Kitô (x. Ep 4,4). Một khi vấn đề được đặt vào đúng vị trí như thế rồi, ta có thể phân tích những dữ kiện của vấn đề ngày càng chính xác hơn.

MỆNH ĐỀ SỐ 2

Khi đó lập tức xuất hiện câu hỏi : Phải nói về các sách được linh hứng hay về các tác giả được linh hứng ?

a) Những tranh luận diễn ra trong khung cảnh thần học cổ điển từ thế kỷ XVI đã nhấn mạnh đến các tác giả được linh hứng, đến nỗi đưa ra được cả một “tâm lý của ơn linh hứng”. Cách nhìn vấn đề như thế đã có nơi các nhà thần học trung cổ rồi. Dưới hình thức uyển chuyển nhất. Cách nhìn này tổng quát hoá khái niệm về lời ngôn sứ ta thấy trong Tổng luận thần học của thánh Tôma (IIa-IIae, q. 171-178), với những khái niệm được thánh nhân đưa ra về “nguyên nhân chính” (= Thiên Chúa) và “nguyên nhân dụng cụ” (= tác giả sách thánh).

Từ đó, một khúc quanh thành hình, do ảnh hưởng của một suy tư triết lý chú ý nhiều hơn tới lý thuyết về ngôn ngữ và sự phân biệt giữa ngôn ngữ truyền khẩu (“verba volant…”) với ngôn ngữ thành văn (“… scripta manent”) : độc giả đứng trước một “bản văn-đối tượng”). Khi một máy phóng chiếu được chĩa thẳng một chiều vào các bản văn Kinh Thánh như thế, một số người đi đến chỗ cho rằng thắc mắc về ý nghĩa “xuất xứ” của các bản văn như thế là vô ích, là không bao giờ có thể phục hồi được : chính việc đọc các bản văn hiện có sẽ trở thành “sản sinh ý nghĩa”. Nói về “các tác giả được linh hứng”, có lẽ sẽ là nại đến một “ngoại-bản văn”, một qui chiếu lịch sử mà ta chỉ thiết lập được qua trung gian của chính các bản văn mà thôi. Vậy thì ích gì ? Chính các bản văn mới là chỗ ta cần thắc mắc, cần tìm hiểu. Người ta còn nhìn nhận các bản văn có một giá trị riêng để đặt cơ sở cho đức tin, bởi vì người ta tham gia vào đời sống của Hội Thánh, “nhóm-độc giả” đang bảo tồn các bản văn đó. Nhưng chẳng lẽ cố gắng tìm hiểu về tâm lý của các tác giả mà “ý hướng” của họ có thể không bao giờ gặp được lại là chuyện vô ích ?

b) Việc đảo ngược tình trạng như thế đưa tới một ngõ cụt khác : làm thế nào để có thể đánh giá các bản văn Kinh Thánh là có thế giá lớn hơn thế giá của các sách thánh khác, và thế giá của Hội Thánh xét như nhóm-độc giả ? Liệu có thể làm được điều này mà không cần đến một sự qui chiếu lịch sử về “truyền thống sáng lập” (tradition fondatrice) vốn đã dành vị trí cho cả Hội Thánh lẫn các bản văn thánh mà chính Hội Thánh qui chiếu vào đó để bảo đảm có được những nền tảng vững chắc ? Nhưng chính các bản văn lại không phải đã được viết sẵn từ trời rơi xuống : nhìn theo theo tương quan này, mặc khải Kinh Thánh không theo kiểu kinh Coran, và các bản văn làm chứng về các mặc khải đó không thể bị tách ra khỏi cái xã hội trong đó các bản văn đó đã có được một vị trí vào một khoảnh khắc nhất định trong lịch sử của nó. Điều đúng, đó là không được suy luận quá đáng về ý hướng chủ quan của các tác giả các bản văn ấy để đặt mình vào vị trí của họ một cách nào đó (x. lý thuyết giải thích của Dilthey). Ngược lại, khởi đi từ nội dung cũng như từ “hình thức” của các bản văn đó, ta có thể nêu bật chức năng các bản văn đó đã đóng trong cộng đoàn, mà vì/cho cộng đoàn ấy các bản văn này đã được viết ra : đó là một yếu tố khách quan có tương quan trực tiếp với “xã hội học của các bản văn”.

Qua lối trên đây, ta gián tiếp động chạm đến ý hướng giáo huấn của các tác giả, cho dù tính cách, con người tác giả như thế nào là điều hoàn toàn vượt khỏi tầm tay của những người muốn truy tầm. Như thế cũng đủ để cho thấy các bản văn và các tác giả là không thể tách rời nhau được : bản văn không phải là một “đối tượng” đã được chế ra để người đọc có thể gắn vào đó bất kỳ một hoặc nhiều ý nghĩa nào đó, để độc giả sẽ trở thành “người sáng tạo” ; còn có một “lời” được tác giả ngỏ với độc giả xuyên qua thời gian và không gian. Độc giả còn phải ở vào vị trí của thính giả chăm chú lắng nghe, để đón nhận được lời ấy và để cho lời ấy vang lên nơi bản thân mình : chính trong hướng đi này, khoa giải thích đúng đắn, được gói ghém trong cái người ta gọi là “cách đọc” được đặt vào.

c) Vậy mà các bản văn Kinh Thánh hiếm hoi đề cập trực tiếp đến sự kiện linh hứng lại đúng là không tách rời các bản văn thánh với các tác giả đã khai sinh ra các bản văn đó, mà cũng chẳng tách rời sứ điệp những người được linh hứng mang lại dưới hình thức truyền khẩu với hành vi nhờ đó họ chuyển tải sứ điệp kia dưới hình thức thành văn. Trong 2 Tm 3,16, thực sự có vấn đề “toàn thể Kinh Thánh được Thiên Chúa linh hứng” (theopneustos). Nhưng muốn sử dụng kiểu nói trên cho khả dĩ và đúng đắn, thì tình trạng được miêu tả trong 2 Pr 1,21 phải được thể hiện : “Không một lời ngôn sứ nào lại do ý muốn của người phàm”, nhưng “chính là dưới sự thúc đẩy của Thần Khí mà có những người đã nói theo lệnh Thiên Chúa”.

Từ ơn linh hứng của các bản văn, ta được dẫn đến ơn linh hứng của các tác giả của các bản văn đó. Kiểu nói đã được sử dụng đàng khác lại có tính cách bao trùm, bởi vì kiểu nói ấy giả thiết rằng mọi bản văn thánh đều được bao phủ bởi ân huệ “lời ngôn sứ”, xét vì các bản văn ấy làm chứng về Đức Kitô, và tất cả đều được nhằm đến dưới cái tên chủng loại là “Lời Thiên Chúa” – cả thành văn lẫn truyền khẩu. Chính theo cùng một cách này, theo Hr 1,1-2, “sau khi đã nói với cha ông chúng ta, nhiều lần và dưới nhiều thể thức, qua các ngôn sứ, Thiên Chúa, trong những ngày sau hết này, đã nói với chúng ta qua Chúa Con mà Người đã đặt làm Đấng thừa hưởng vạn sự”.

Không thể tách những lời cổ xưa của Thiên Chúa ra khỏi lịch sử, dọc theo dòng lịch sử ấy, những lời này đã được tuyên ra, của các ngôn sứ (hiểu theo nghĩa bao quát của từ này, là những người đã tuyên những lời đó, của các bản văn trong đó các lời kia đã được thu góp lại và chuyển tải đến cho chúng ta, của tính hướng đích vốn qui chiếu những lời ấy một cách tiềm ẩn về Đức Kitô trong tương lai, đích thân đến vào lúc tận cùng của thời gian với tính cách là Lời Thiên Chúa cả qua sứ điệp của Người lẫn bằng chính cuộc đời của Người. Chức năng xuất xứ của những bản văn này, cả truyền khẩu lẫn thành văn, được gắn liền với chức năng của các tác giả các bản văn ấy là những người đã nói về phía Thiên Chúa. Chức năng ấy như thế là khúc dạo đầu cho chức năng làm chứng mà tác giả thư gửi tín hữu Hípri từng nhìn nhận nơi cả hai và cả hai ngày hôm nay vẫn còn tiếp tục hoàn thành cho cộng đoàn những người tin.

Chính khi đề cập đến vấn đề dưới góc độ này mà thần học về ơn linh hứng phải vừa để ý đến các sách thánh lẫn các tác giả của các sách thánh, với tất cả những hệ luận lịch sử và văn hoá kèm theo đã tạo điều kiện để sứ điệp của Thiên Chúa hình thành, trong thời gian và ở một nơi chốn nhất định, bên trong một truyền thống được dàn trải suốt chiều dài của nhiệm cuộc lịch sử ơn cứu độ.

MỆNH ĐỀ SỐ 3

Sau khi đưa các bản văn được linh hứng về với các tác giả của chúng, cần phải xác định vị thế và hoàn cảnh của các tác giả trong cộng đoàn được mời gọi đón nhận ơn cứu độ. Hai điểm này có liên quan đến vấn đề các thừa tác vụ Lời trong Cựu Ước và Tân Ước.

a) Thư gửi tín hữu Hípri cũng như thư 2 Phêrô thu hết các tác giả thánh vào tên gọi chung là “các ngôn sứ”. Nhưng khi nghiên cứu chi tiết các bản văn Kinh Thánh, cần để ý nhiều hơn tới sự khác biệt giữa các tác giả phát ngôn của Thiên Chúa với các chứng nhân tiềm ẩn hoặc minh nhiên của Đức Kitô, bằng cách nhắc đến sự khác biệt giữa “các thừa tác vụ Lời”. Họ có chung một chức năng cốt yếu : Thiên Chúa đã nói cho con người qua trung gian của những con người ấy. Nhưng muốn lặp lại kiểu nói của chính thư gửi tín hữu Hípri, thì phải nói chức năng này được những con người ấy chu toàn “dưới nhiều thể thức” (polytropos : Hr 1,1).

Cho dẫu bản văn trên chỉ nhắm tới các tác giả của Cựu Ước, nhưng rõ ràng là từ ngữ ấy cũng có thể áp dụng đựơc cho cả các tác giả Tân Ước nữa. Theo tương quan này, không có sự dị biệt đặc thù nào giữa các bản văn được giảng, tức là được nói lên, dưới hình thức cố định qua tiết điệu thi ca hoặc theo một hình thức tự do của văn xuôi, các bản văn sau đó được thu thập vào trong một hiệu đính thành văn. Truyền khẩu và thành văn bao gồm những khả năng khác nhau để chuyển dịch, cố định và chuyển tải từ thế hệ này sang thế hệ khác sứ điệp mà mỗi tác giả cưu mang dưới ảnh hưởng – dù có ý thức hay không – của ơn linh hứng của Thiên Chúa. Nhưng điểm chính yếu lại không phải ở chỗ đó : nó nằm ở trong sự truyền thông được hình thành giữa “người nói” (truyền khẩu hoặc thành văn) và cộng đoàn được người nói ngỏ lời “dưới nhiều thể thức”. “Các thể thức” nói đây phụ thuộc vào hoàn cảnh “người nói” đang giữ và chức năng mà mỗi một bản văn do người nói soạn ra phải chu toàn.

b) Trong Cựu Ước, có thể nhận ra những hoàn cảnh xã hội rõ rệt nhất liên hệ với các bản văn. Các hình thức và các chức năng có một số khác biệt lớn : các tư tế, ngôn sứ, ca trưởng, kinh sư nắm giữ “sự khôn ngoan” thực tiễn tạo nên những loại tổng quát dính dáng đến phần lớn các cuốn sách. Bên trong những loại này, ta còn thấy có nhiều thể loại văn chương khác nhau. Nhưng những cuốn sách như Rút, Esther, Đaniel, Giuđitha, Diễm ca thuộc về loại tác giả nào ? Các nhà phê bình vẫn còn do dự. Trong những trường hợp này, phân biệt chức năng của những cuốn sách ấy dễ hơn là chức năng của các tác giả đã viết ra những cuốn sách ấy.

Trong Tân Ước, ta có may mắn là tìm được những từ ngữ chuyên môn cho thấy những thừa tác vụ khác nhau của Lời : “tông đồ, ngôn sứ và thầy dạy” (1 Cr 12,28), bản văn Ep 4,4 thêm vào số đó “những người loan báo Tin Mừng”, và Mt 23,34 kể thêm “các hiền nhân và các kinh sư” (những tước hiệu thông dụng trong Do thái giáo thời bấy giờ). Nhưng ta cũng thấy những kiểu nói ám chỉ chung chung đến giáo huấn (Rm 12,7), đến giáo lý (Gl 6,6), đến nỗi vất vả cực nhọc của một số vị niên trưởng trong việc phục vụ Lời (1 Tm 5,17). Các thừa tác vụ tăng thêm và khác nhau. Mỗi một thừa tác vụ, trong những hoàn cảnh và những nơi chốn nhất định, trở thành tác nhân sáng tạo ra các bản văn, những bản văn này chu toàn những chức năng rõ rệt trong đời sống của cộng đoàn địa phương, nhất là trong “các buổi hội họp cộng đoàn”.

c) Đặc biệt, liên can đến các trách vụ thừa tác này mà Tân Ước nói đến “những ân huệ nhưng không của Thần Khí”, hoặc các đoàn sủng. Các chức năng và các đoàn sủng thừa tác không thể tách rời nhau được : một đoàn sủng đặc thù không thể tạo ra những chức năng thường tồn (chẳng hạn như ơn “nói các ngôn ngữ” hoặc ơn “chữa bệnh”) được ; nhưng không có chức năng thường tồn, và nhất là không có việc phục vụ Lời nào mà lại không “mang tính cách đoàn sủng”. Ơn linh hứng Kinh Thánh không phải là cái gì khác hơn là một sự ứng dụng cụ thể của loại các đoàn sủng “có tính cách chức năng” này, một khi các bản văn đã được sáng tác ra để phục vụ Lời được viết thành văn và rồi được bảo tồn như một “tài sản của Hội Thánh”.

Đó là con đường cơ bản cần phải đi trên đó mà đặt vấn đề thần học về ơn linh hứng Kinh Thánh và có thể hiểu cho đúng. Ơn ấy có một mục đích đặc loại, xét vì nó đưa đến chỗ làm cho Lời Thiên Chúa được cố định thành văn ; nhưng nó lại được nối kết chặt chẽ với các đoàn sủng thuộc về chức năng liên can đến việc loan báo những lời ấy. Chính vì thế, cũng như các chức năng thừa tác làm nên một trong những nền tảng thuộc về cấu trúc của Hội Thánh (x. Ep 2,20 tóm tắt việc phục vụ Tin Mừng vào chức năng của “các tông đồ và ngôn sứ”) thế nào, thì kết quả thực tiễn các chức năng này đưa tới, khi làm cho Lời Thiên Chúa cố định thành văn, cũng đi vào trong khung cảnh của chính những nền tảng thường tồn này (x. K. Rahner).

MỆNH ĐỀ SỐ 4

Trong mối tương quan với “việc xây dựng Hội Thánh” trong đó các sách Kinh Thánh có một vai trò hàng đầu khi bảo đảm sự thường tồn qui phạm của Lời Thiên Chúa trong mọi thời, thì Đức Kitô Giêsu ở trong một hoàn cảnh riêng biệt.

1) Nếu Đức Giêsu đã viết, thì tôn giáo xuất phát từ Người sẽ theo kiểu như là kinh Coran : bản văn thánh, được coi như từ trên trời xuống, sẽ mãi mãi chỉ có thể là y nguyên như thế, có áp lực chi phối như là qui tắc của đức tin và của “thực tiễn” suốt mọi thế kỷ trong dòng lịch sử. Thế nhưng, mặc khải chung cuộc đã đến nơi Đức Giêsu và qua trung gian của Người dưới một thể thức khác : Người đã nói, đã hành động, đã sống một cuộc đời con người theo kiểu mẫu ngôn sứ, thày dạy, hiền nhân, khải thị, cứu thế theo một đường hướng khác với đường hướng những người đồng thời với Người vẫn nghĩ, cho cả đến tấn thảm kịch chung kết qua cái chết của Người trên thánh giá. Sau đó, để trên đá tảng là Người, thiết lập “thế giới mới” trong đó Người sẽ đem lại ơn cứu độ cho mọi người, “Thiên Chúa đã cho Người phục sinh” (Cv 1,32 ; 3,15 ; 4,10 …), “Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban một Danh vượt trên mọi danh” (Pl 2,9). Đó là biến cố bao trùm đặt Người vào trong tương quan với các bản văn của cả hai Giao Ước. Chính qua tất cả những điều đó – chứ không phải chỉ qua thập giá của Người mà thôi – Thiên Chúa “đã nói với chúng ta lời cuối cùng nơi Đức Kitô Giêsu”.

b) Còn đối với Cựu Ước, Đức Giêsu nhận lấy, qua phận của Người làm một người Do thái, tất cả những giá trị tích cực gói ghém trong những yếu tố có tính cách cấu tạo, đã được nhìn theo nhãn quan năng động : kinh nghiệm lịch sử đã “nhào nặn” nên dân Israel ; Lề Luật đã từng là “người quản giáo” (Gl 3,24) của dân ấy ; sứ điệp của các ngôn sứ với phương diện kép của nó, tức là lời mời gọi sám hối để đương đầu với cuộc Phán xét và lời hứa cứu độ để mời gọi hy vọng ; lời cầu nguyện đáp lại Lời Thiên Chúa và hoạt động của Người được ghi trong lịch sử ; sự khôn ngoan trong thực hành như là cô giáo dạy cho biết sống, vv …

Tất cả những điều đó, ở nơi Đức Giêsu, đạt tới “sự thành toàn”, tức là sự sung mãn chung cuộc diễn ra trong cuộc đời của Người. Đồng thời, Sách Thánh cổ xưa cũng “được thành toàn”, nhờ một sự “tăng thêm ý nghĩa”, từ nay trở thành chìa khoá để “đọc Sách Thánh cổ xưa trong Thần Khí”. Sự tăng thêm ý nghĩa này không xoá bỏ tầm quan trọng ban đầu của các sách ấy, đã được trải dài dọc ngang trên các chặng kế tiếp nhau trong công việc “quản giáo” của Thiên Chúa. Nhưng nó làm cho, qua “chữ viết”, sáng lên sức năng động mà Thần Khí đã đặt vào đó nhằm thực hiện việc cứu độ nhờ Đức Kitô sau này.

c) Khi nhận lấy Cựu Ước theo một cách thế vượt quá những giới hạn có thể đoán trước được của chính Cựu Ước, Đức Giêsu đồng thời đã đưa ra sự đụng độ mở đầu làm cho “thay đổi Sách Thánh” để “biến đổi Sách Thánh thành Tin Mừng” (Origène). Đồng thời, nhờ sự thành toàn có tính cách lịch sử của “mầu nhiệm” mà cuộc Phục sinh đã đến để làm thành cao điểm, Người đã trở thành đối tượng của Tin Mừng này sau khi đã là Người loan báo chính Tin Mừng ấy. Vì thế, các lời của Người, kỷ niệm về các hành vi của Người, “sự tưởng niệm” (anamnèse) cái chết và cuộc phục sinh của Người, đã được giao phó cho ký ức sống động của các chứng nhân của Người để những người này thực hiện hai công việc mà Người đã giao phó cho họ : một đàng, đó là việc thành lập Hội Thánh để qui tụ vào trong cộng đoàn được mời gọi đến ơn cứu độ này những kẻ tin vào Người ; đàng khác là việc truyền bá Tin Mừng này nhờ các bản văn sẽ là nền văn chương “có tính cách chức năng” của Hội Thánh này.

Nếu đích thân Đức Giêsu đã không viết gì, thì đó là để cho các chứng nhân của Người mối quan tâm “tạo hình” về mặt văn chương, với một sự trung thành tích cực nhưng khác biệt nhau, cho Tin Mừng mà từ rày giở đi họ là những người gìn giữ. Nhưng cũng như Đức Giêsu đã nói và hành động dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần (x. Mc 1,10 và song song) thế nào, thì công việc của các chứng nhân của người được hoàn thành cũng nhờ ở Thần Khí mà Người đã hứa ban cho họ như thế.

MỆNH ĐỀ SỐ 5

Thừa tác vụ của các chứng nhân của Đức Giêsu, tức là các “tông đồ” của Người, được nối dài cách bình thường bằng nhiều công việc phục vụ khác nhau của Lời do các ông đảm nhận, hoặc bằng sự lan toả của hoạt động các ông nhằm loan báo Tin Mừng và đời sống của các cộng đoàn địa phương. Công việc được thực hiện như thế đưa đến chỗ sản sinh ra những bản văn không thể tách rời khỏi đời sống cộng đoàn ấy. Việc chuyển từ truyền khẩu sang thành văn đánh dấu một khoảnh khắc quan trọng trong tiến trình phát triển của một sản phẩm như thế, bởi vì nó khiến cho phải lựa chọn và cố định những bản văn riêng rẽ đã được soạn thảo để phục vụ đời sống cộng đoàn, mà chính bản thân đời sống này cũng được đặt dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần rồi.

a) Việc lựa chọn và cố định các bản văn đã không bao giờ được tiến hành một cách có hệ thống dưới hình thức một tổng hợp chung : việc chọn lựa ấy phụ thuộc vào những hoàn cảnh cụ thể đã khiến một số “người phục vụ Lời” – các Tông Đồ hoặc những người bảo tồn truyền thống tông đồ – dùng phương sách này để đáp ứng những nhu cầu thực tiễn của cộng đoàn, nhằm giáo huấn cộng đoàn và giúp cho cộng đoàn kiên trì trong đức tin và trong “thực tiễn” theo tinh thần Tin Mừng. Bởi đó là những phận vụ thuộc thừa tác, nên ta không thể tách rời hoạt động sáng tạo văn chương này ra khỏi hoạt động tổng quát của Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho các môn đệ của Đức Giêsu thành “những chứng nhân” của Người (Lc 24,48 ; Cv 1,8 ; 2,32 …vv) và là Đấng “đưa dẫn họ vào chân lý trọn vẹn” (Ga 16,13). Tất cả các bản văn, dù là truyền khẩu hoặc thành văn, có trước và chuẩn bị cho việc biên soạn các Sách Thánh, hoặc là để loan báo Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô, hoặc là để giải thích các Sách Thánh nhằm vào mầu nhiệm toàn thể của Người, đều đã được bao bọc nhờ các đoàn sủng dành cho “những người tôi tớ phục vụ Lời”. Ở đây ta thấy một hệ luận hợp lý do những nguyên tắc đã được nêu lên trước.

b) Đồng thời, việc đọc có tính cách giải thích các bản văn Cựu Ước, được phác hoạ ở cấp độ lời giảng truyền khẩu trước khi đi qua một số bản văn thành văn, phải được coi như một sự hoà lẫn có tính cách đoàn sủng, không phải đối với nội dung từ ngữ (ngoại trừ những biệt lệ như việc sửa chữa bản văn Mk 5,1 LXX trong Mt 2,6), nhưng là đối với tầm quan trọng vốn được gán cho chúng qua việc đọc lại theo kiểu Do-thái, nói cách khác, có thể coi như một sự tái tạo đích thực đối với ý nghĩa của chúng, để từ rày giở đi, các bản văn ấy được nhập vào lời loan báo Tin Mừng : chính qua đó, các bản văn ấy đã trở thành một Sách Thánh Kitô giáo.

Con số các bản văn được dùng lại một cách minh nhiên trong Tân Ước vẫn giới hạn. Nhưng có thể từ đó rút ra những nguyên tắc căn bản của “việc đọc lại trong Thần Khí” này để có thể hiểu làm thế nào các bản văn Cựu Ước, qua trung gian của Đức Giêsu Kitô được nhìn trong sự sung mãn của mầu nhiệm của Người và qua việc chuyển trao các thừa tác vụ thuộc đoàn sủng của Lời, từ rày giở đi làm thành một Sách Thánh “được hoàn tất”.

c) Còn đối với các sách thuộc Tân Ước, sự khác biệt về văn chương của các bản văn trong các sách đó có liên hệ trực tiếp với các chức năng được các tác giả chu toàn, những hoàn cảnh cụ thể trong việc biên soạn của họ, việc khởi thảo truyền khẩu hoặc thành văn của những văn liệu đã chuẩn bị cho ấn bản chung cuộc trong huấn giáo sơ yếu, thuyết giảng, phụng vụ, việc đọc qui về Đức Kitô của các Sách Thánh cổ xưa… vv. Vì tất cả các hoạt động này rõ ràng là việc thực thi các thừa tác vụ được hưởng sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, cho nên các hoạt động này ngay từ đầu được bao phủ nhờ ơn linh hứng của Thiên Chúa, vì việc thích ứng chính xác các bản văn (cuối cùng đã được giữ lại) vào các chức năng mà các bản văn ấy giữ trong đời sống Hội Thánh xuất phát từ Chúa Thánh Thần, Đấng vẫn hướng dẫn các tác giả nhằm vào thiện ích chung của Hội Thánh (x. 1 Cr 12,7).

MỆNH ĐỀ SỐ 6

Cùng nguyên tắc đó có thể đem áp dụng vào các bản văn thuộc Cựu Ước.

a) Sự linh hứng của các bản văn đó không được nhìn một cách trừu tượng như thể là một ân sủng “gratis data” dành cho các tác giả, các nhà soạn tác hoặc các nhà ấn hành chung cuộc mà thôi, để làm cho nội dung vật chất đã được giữ lại có phẩm tính là Lời Thiên Chúa hoặc là trong Hội Thánh từ thời các tông đồ, hoặc đã như thế rồi trong Do-thái giáo mà Hội Thánh thừa hưởng. Trái lại, phải thấy trong ơn linh hứng Kinh Thánh một tiến trình toàn thể bao bọc, theo dòng thời gian, tất cả các bản văn được soạn thảo thành văn hoặc truyền khẩu để xác định, dưới hình thức văn chương thích hợp với những nhu cầu của mỗi thời đại, qui luật của đức tin và “thực tiễn” xuất phát từ Lời của Thiên Chúa chân thật.

b) Như vậy theo mối tương quan này, cần phải để ý đến tiền sử của các bản văn mà nghiên cứu kỹ lưỡng thì phải nhìn nhận là phức tạp, cũng như những hoạt động của việc đọc lại, tái bản, tái giải thích, bổ túc mà điểm hạt nhân cổ kính của nó đã có thể là đối tượng suốt dòng các thế kỷ. Những cố gắng tìm kiếm của khoa phê bình nội tại, cho dù những kết quả có tính cách giả thuyết đi chăng nữa, thì cũng đều vận hành trong vùng ảnh hưởng của ơn linh hứng Kinh Thánh, cho dẫu những kết luận do những người tìm tòi đưa ra chỉ là như thế và vẫn để ngỏ cho những nỗ lực tìm tòi tiếp theo. Điều cốt yếu là chức năng của các bản văn sơ khởi hoặc trung gian ấy đã có liên quan trực tiếp với việc chú nhận của Lời Thiên Chúa cho Israel là cộng đoàn được gọi đến ơn cứu độ. Việc bội tăng “những người được linh hứng” mà người ta giả thiết là có can thiệp vào việc biên soạn tiệm tiến một số sách chỉ làm phản ánh việc biên soạn của “các tôi tớ phục vụ Lời” hiện diện dọc suốt lịch sử của Dân Thiên Chúa để bảo đảm cho việc mặc khải phát triển ở trong lịch sử đó.

c) Theo viễn tượng ấy, không thể không xét đến khả năng có một sự đa nguyên về thể thức được chính những bản văn được linh hứng mặc cho, cũng được giữ lại trong truyền thống Kinh Thánh và được coi như cùng một danh nghĩa là có liên quan đến qui luật của đức tin và của “thực tiễn”. Có một số ví dụ trong một số đoạn văn – song song nhưng khác nhau – mà chính những tổng hợp Kinh Thánh đã thu thập lại (ví dụ Gr 23,56 và 33,15-16) hoặc đôi khi được hoà trộn để làm thành những bản văn tổng hợp (ví dụ những trình thuật đây đó về ơn gọi của ông Môsê, trong Xh 3,1 – 4,7). Vì thế, không thể loại trừ chuyện những hiệu đính khác nhau của cùng một bản văn có thể được coi như cũng được ơn linh hứng, nếu các bản văn đó đã thực sự được đọc như là Lời Thiên Chúa trong cộng đoàn được mời gọi đến ơn cứu độ (ví dụ những hiệu đính của các sách Samuel hoặc sách Tobia).

Công việc của khoa phê bình bản văn khi ấy có một hướng đi khác với hướng đi của việc tìm kiếm đối với một bản văn được gọi là “sơ thuỷ”, khó có thể phục hồi chính xác, sẽ là bản văn duy nhất “được linh hứng”. Có thể nói được là mâu thuẫn nếu tác động của Chúa Thánh Thần để trông nom coi sóc việc bảo tồn Lời Thiên Chúa mà đã để cho, trong một số trường hợp, bản văn được Người linh hứng bị mất đến nỗi chỉ còn lại những âm vang hạng hai mà thôi, hơn kém đã xa rời trong chi tiết đối với nội dung của các bản văn đó. Trái lại, hoàn toàn là bình thường nếu như tác động ấy đã lo liệu để việc cố định những hoa trái khác nhau của bản văn ấy trong việc truyền lại vẫn giữ được đúng đắn.

MỆNH ĐỀ SỐ 7

Vấn đề một (hoặc nhiều) bản dịch Hy-lạp của Kinh Thánh có trước Tân Ước đã được các tác giả sử dụng và, tiếp theo sau các ông, trong Hội Thánh cổ xưa, lại xuất hiện vào cùng một ngày.

a) Vấn đề không phải là xét những bản dịch này như là những bản dịch sát chữ từ các nguyên bản, hoặc đánh giá tính cách văn chương của ngôn ngữ dịch, nhưng là làm sao để hiểu được chức năng riêng của chúng trong truyền thống Kinh Thánh. Thế mà các bản dịch ấy đã chuyển các bản văn – bằng tiếng Hípri hoặc, trong mức độ khiêm tốn nào đó, tiếng Aram – của một thế giới văn hoá này sang thế giới văn hoá kia. Vì thế, có thể nói các bản dịch ấy tái tạo một cách nào đó, có khi bằng cách tóm tắt (Gióp), có khi lại bằng cách làm phong phú thêm lên nhờ những yếu tố mới (Đaniel), trong cả hai bản dịch có trước Tân Ước, có khi bằng cách soạn lại hoàn toàn (Esther). Các bản văn Hy-lạp như vậy đáng được nghiên cứu vì chính chúng, như là những tác phẩm của những tác giả có trách nhiệm đã viết ra để phục vụ thiện ích thiêng liêng của cộng đoàn những người tin.

Các tác giả này, dẫu chúng ta hoàn toàn không biết gì về họ, đã chu toàn một thừa tác vụ cốt yếu mà kết quả của thừa tác vụ đó là sự truyền thông chân thực Lời Thiên Chúa, ở cấp độ mà việc khai triển của mặc khải đã đạt tới khi họ làm công việc của họ. Như vậy, thật là hợp lý khi nghĩ rằng sinh hoạt của họ không vuột ra khỏi hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng vẫn hằng trông nom coi sóc cộng đoàn những người tin và hướng dẫn cộng đoàn ấy trong sự chờ mong đối với ơn cứu độ, bằng cách chuẩn bị từ xa, qua việc chuyển các bản văn sang môi trường Hy-lạp, một ngôn ngữ đặc trưng mà Tân Ước tiếp theo đó đã có thể sử dụng.

b) Chính vì lý do này mà trong Tân Ước, những người giữ những thừa tác vụ “thuộc đoàn sủng” đã sử dụng một cách khác, với tư cách là những chứng nhân của Lời, các bản văn Kinh Thánh Hípri và các bản văn Kinh Thánh Hy-lạp. Thế mà, tập tục này, được truyền vào Hội Thánh cổ xưa như là một truyền thống tông đồ thuộc phạm vi thực hành, là dấu duy nhất cho phép nhìn nhận cách chắc chắn giá trị “có tính cách qui luật” của các bản văn (hoặc “tính Thư Quy” tích cực) và, đồng thời, tính cách được linh hứng của các bản văn đó vốn làm nền tảng cho tính Thư Quy này.

c) Việc nại vào Kinh Thánh Hípri cũng như Kinh Thánh Hy-lạp được kèm theo bằng việc tái giải thích có tính cách Kitô học, chính nó được thực hiện dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần (x. trên). Hoạt động sau này không vì thế mà đem tính cách “được mặc khải” đến cho các phương thức giải thích được sử dụng để làm rõ lên “sự gia tăng ý nghĩa” gắn liền với chữ của các bản văn, dù các bản văn ấy xuất phát từ Do-thái giáo (ví dụ khoa chú giải của các Rápbi) hoặc từ Văn hoá Hy-lạp (ví dụ ngụ ngôn). Rõ ràng những phương thức này tự chúng cho thấy đó là những nét đặc thù về văn hoá ghi ấn dấu con người tác giả, giống hệt như việc có nhiều thể văn và phong cách viết có thể nhận ra được trong cả hai Giao Ước. Nhưng khía cạnh “nhân loại” này của mọi bản văn Sách Thánh đã được hướng đích, theo vận hành riêng của nó, qua cách diễn đạt chân thực Lời Thiên Chúa mà mỗi bản văn trở thành cái trụ đỡ. Chính với danh nghĩa này mà hoạt động của Chúa Thánh Thần đã bao bọc lấy hết mọi hành vi cần thiết cho việc biên soạn các bản văn thánh, trong khung cảnh của việc phục vụ Lời mà các tác giả thực hiện.

MỆNH ĐỀ SỐ 8

Đối với các sách Tân Ước, xét theo lý thuyết, vấn đề được trình bày một cách khá đơn giản vì lẽ thời gian khá vắn cũng đã đủ để chuẩn bị, để biên soạn và để ấn hành chung cuộc. Nhưng cũng cần ghi nhận ba điểm.

a) Vì việc chuẩn bị, biên soạn và ấn hành chung cuộc này liên hệ chặt chẽ với những hoạt động thừa tác của “các tôi tớ phục vụ Lời” mà kết quả sau cùng của việc phục vụ ấy đã được Hội Thánh nhìn nhận như là chứng nhân chân thực của mặc khải và theo các đoàn sủng chức năng đi kèm theo các thừa tác vụ này, cho nên chính những hoạt động ấy cũng đi vào trong vòng hoạt động của chính những đoàn sủng này : trong trường hợp của họ, các đoàn sủng này đưa tới chỗ sản sinh ra những bản văn được linh hứng. Như thế, phải coi ơn linh hứng Kinh Thánh như là một đoàn sủng bao trùm toàn thể tiền sử, truyền khẩu hoặc thành văn, của các bản văn được bảo tồn trong Tân Ước, miễn là các hoạt động đã được hoàn tất nhằm mục đích này có đối tượng là việc loan báo chân thực Tin Mừng nhằm phục vụ đời sống đức tin, cầu nguyện và “thực tiễn” Kitô giáo trong các Hội Thánh có nguồn gốc tông đồ.

b) Sẽ là tuỳ tiện khi giản lược ơn linh hứng Kinh Thánh vào duy những bản văn đã được cố định sau cùng và đã đến được với chúng ta, đàng khác bất kể các tác giả trực tiếp là những ai, không hề xét đến sự kiện những người ấy thu thập, bổ túc, thích ứng các văn liệu truyền khẩu và thành văn mà họ đã coi như “có tính cách qui luật” cho đức tin và đời sống thực tiễn. Lòng trung thành của họ với “kho tàng” đã lãnh nhận như thế không hệ tại ở việc họ chỉ lặp lại máy móc, nhưng trong việc hiện tại hoá của họ đáp ứng những nhu cầu rõ rệt của các thừa tác vụ chính họ phải chu toàn.

Những tìm kiếm có tính cách phê bình về tiền sử của một số cuốn sách, tuỳ mức độ tính cách văn chương của chúng gợi lên hoặc bắt buộc, như thế nằm ở bên trong vòng ảnh hưởng trong đó ơn linh hứng đã hoạt động, bởi vì mỗi giai đoạn của việc “hình thành” của chúng đều có liên hệ với việc thi hành những chức năng thuộc thừa tác bấy giờ Hội Thánh nhấn mạnh, và Chúa Thánh Thần trợ giúp những người nắm giữ các chức năng ấy. Tuy nhiên, phải coi chừng kẻo gán cho những kết quả – vẫn luôn luôn có tính cách giả thuyết – của những tìm kiếm có tính cách phê bình thế giá của chính Lời Thiên Chúa : về phương diện này, không một cố gắng tái xây dựng nào có thể tự hào là tìm lại được bản văn được linh hứng bên ngoài những tổng hợp đã được Hội Thánh nhìn nhận là có tính Thư Quy, và lại càng không được mâu thuẫn với những tổng hợp đó.

c) Càng phải coi chừng kẻo chỉ coi là được linh hứng và “có tính cách qui luật” của đức tin duy những bản văn mà khoa phê bình đề nghị coi như là “nguyên gốc”. Nguyên tắc này áp dụng vào cả hai trường hợp.

- Nó liên hệ trước tiên đến việc nghiên cứu các sách Tin Mừng, trong đó chỉ có Ipsissima verba và Ipsissima facta của Đức Giêsu mới được coi là đáng kể, làm phương hại những trình bày sau cùng là những trình bày đôi khi đã được biến đổi nhằm giải thích một hoặc nhiều ý nghĩa của các lời nói và việc làm đó.

- Tiếp đến, nó liên hệ đến những sách khác “có tính cách tông đồ” mà những sách nguyên thuỷ nhất lại được hưởng một thế giá lớn hơn, làm phương hại những cuốn sách muộn hơn trình bày những khai triển muộn.

Norma normans của đức tin và “thực tiễn” Kitô giáo được thành hình, theo chứng từ của thánh Irênê, do “Truyền thống tông đồ” hiểu trong tính cách toàn thể của Truyền thống ấy. Thế mà, tất cả các bản văn Tân Ước đều là những chứng nhân “có tư cách” của Truyền thống này. Đoàn sủng linh hứng Kinh Thánh như vậy bao trùm, theo cùng một danh nghĩa và không phân biệt “cấp độ”, các bản văn được xét là “nguyên thủy” hoặc “nguyên gốc” và cả những bản văn muộn nhất (cho đến thư 2 Phêrô và đoạn kết dài của sách Tin Mừng Máccô). Việc các sách ấy có liên lạc trực tiếp hoặc gián tiếp với con người của các tông đồ hay không – qua một loại các trung gian dài ngắn hơn kém – không làm cho vấn đề trên thay đổi chút nào. Thật vậy, ơn linh hứng Kinh Thánh đã đồng hành với công việc của tất cả các tác giả góp phần cộng tác vào việc biên soạn các sách Tân Ước, từ các Tông Đồ cho tới người hèn mọn nhỏ bé nhất, “những tôi tớ phục vụ Lời”, suốt thời gian cần phải có để cho “truyền thống đặt nền” (tradition fondatrice) được cố định nhờ tác phẩm thành văn hầu có thể truyền lại cho mọi thế hệ “kho tàng” tông truyền.

MỆNH ĐỀ SỐ 9

Thực tại ơn linh hứng Kinh Thánh không trực tiếp được ghi lại trong các sách được hưởng đoàn sủng ấy. Ta có thể giả thiết là có đoàn sủng ấy trong các trường hợp mà tác giả của các tác phẩm này là các ngôn sứ, các Tông Đồ hoặc các hiền nhân bậc thầy ý thức về sứ mệnh của mình. Nhưng ngay cả trong những trường hợp này, cần phải xác minh tính cách hữu lý của sứ mạng đã được nhận lãnh bằng cách thực hiện một sự biện phân có phê phán. Trong những trường hợp khác, những gán ghép có tính cách văn chương được ghi trong các sách, nội dung của chính các sách này đều không cung cấp tiêu chuẩn đủ cho việc xác minh này.

a) Tiêu chuẩn biện phân duy nhất cuối cùng có tính cách quyết định là sự nhìn nhận và sử dụng các sách này như là những cuốn sách “có uy tín” với danh nghĩa là Lời Thiên Chúa, trong cộng đoàn gìn giữ đức tin chân thật và nhấn mạnh đến những thừa tác vụ giúp cộng đoàn sống động và giữ gìn cộng đoàn ấy. Cộng đoàn này có hai hình thức kế tục nhau. Hình thức thứ nhất là dân Israel suốt dòng lịch sử của dân này, cho tới thời của Do-thái giáo theo ngôn ngữ Hipri (hoặc Aram) và ngôn ngữ Hy-lạp, mà Hội Thánh đã nhận gia sản của dân này. Tiếp đó, sau “cuộc thay đổi” tận căn diễn ra nơi Đức Giêsu Kitô, Hội Thánh các Tông Đồ và hậu tông đồ mà “truyền thống thực tiễn” của Hội Thánh được truyền về điểm này không suy suyển vào trong các cộng đoàn địa phương, cho dù có những khác biệt nho nhỏ về một vài cuốn sách Cựu Ước và thậm chí cả Tân Ước mà danh mục chính xác khó ấn định.

Trong tất cả các trường hợp trên, chính với danh nghĩa truyền thống tông đồ đã được thiết lập mà truyền thống Hội Thánh đã nhìn nhận uy thế của hết mọi sách, không phải để xoá mình trước những sách đó nhưng là hội nhập chúng vào các cấu trúc căn bản của mình như là một gia sản của truyền thống “tạo nền” mời gọi đọc các sách ấy như là Lời Thiên Chúa.

b) Trong tiến trình của việc nhìn nhận này, từ đó đã xuất phát danh mục chính thức những Sách Thánh (hoặc “Thư Quy”), cộng đoàn Hội Thánh đã không hành động như thể là một đám đông hỗn độn, không phân biệt.

Quả là ân sủng của Chúa Thánh Thần không bao giờ thiếu cho bất kỳ một ai trong số các chi thể của Người. Nhưng việc xác định cấu trúc nền tảng tạo thành Hội Thánh một đàng không để cho “tình cảm trung bình” có thể tung hoành giữa họ. Cái cấu trúc cơ bản khác này là các thừa tác vụ được đảm nhận do sự “kế tục các tông đồ” của họ đã đóng một vai trò quyết định, cùng với ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Chính theo tiêu chuẩn này mà phải nại đến thánh Irênê để hiểu thế nào là Truyền Thống tông đồ chân thực (Contra haereses, Quyển III) : thánh nhân gọi là các sách trình bày xác thực Truyền Thống tông đồ theo chứng từ của các Hội Thánh mà “sự kế tục tông đồ” gắn với các Tông Đồ.

Cách thức được lược đồ hoá mà thánh nhân trình bày nguồn gốc của các sách này theo các truyền thống chính thánh nhân đã đón nhận chắc chắn nguyên nó không liên quan đến đức tin : khoa phê bình văn chương và lịch sử có thể được áp dụng hợp pháp vào các dữ kiện khoa này đã thu nhận được bằng cách cứu xét các chi tiết. Nhưng để phản ứng lại sự sinh sôi nảy nở của các tác phẩm trong đó truyền thống tông đồ bị mạo danh, chứng từ của thánh nhân cho thấy rằng dấu chỉ có tính cách quyết định nhờ đó các sách được linh hứng được nhìn nhận, đó là sự thường tồn trong việc sử dụng và sự quả quyết về uy tín có tính cách qui tắc của các sách ấy, trong các Hội Thánh “tông đồ ở đó sự kế tục thừa tác đã được bảo đảm không bị gián đoạn. Các quyết định về sau này được đưa ra giữa lòng truyền thống của Hội Thánh không bao giờ có ý chứng nhận tập tục này như là một sự kiện đã được thiết lập chắc chắn.

MỆNH ĐỀ SỐ 10

Như vậy, những vấn đề ơn linh hứng Kinh Thánh, Thư Quy các Sách Thánh (được hiểu trước tiên theo nghĩa tích cực của từ này), các cấu trúc thừa tác vụ, theo đó cộng đoàn được mời gọi đến ơn cứu độ được dệt lên, các đoàn sủng đi liền với các thừa tác vụ xét như là những công việc phục vụ Lời Thiên Chúa hiện lên như được đan kết với nhau cho tới lúc “truyền thống đặt nền được bảo đảm để truyền thống tiếp nhận” có thể đón nhận gia sản của truyền thống ấy. Việc các bản văn bén rễ sâu vào lịch sử của cộng đoàn, Israel rồi Hội Thánh sơ khai, không cho phép tách những vấn đề thần học này ra khỏi những vấn đề phê bình liên quan đến sự hình thành, xuất bản và truyền đi các Sách Thánh trong cùng một khoảng thời gian.

a) Đối với những gì liên can đến những vấn đề thần học, vẫn có thể nghiên cứu riêng từng vấn đề để thấy rõ ràng chi tiết : các nguồn gốc của chính Kinh Thánh, rồi việc soạn thảo trong truyền thống Hội Thánh vì thế có thể trở thành đối tượng của những cố gắng tìm tòi tỉ mỉ. Đây chính là những phương diện này thường được bàn tới từ thời Trung Cổ, trong đó thánh Tôma, người đã dành cả một vấn đề trong bộ Summa Theologiae để bàn về “ơn ngôn sứ” và từ thế kỷ XVI lúc Công Đồng Trentô xác định danh mục chính thức của các Sách Thánh (hoặc Thư Quy), cũng không quên nhắc nhở rằng qui luật tối hậu của đức tin là “Tin Mừng” được Đức Kitô loan báo và được các Tông Đồ của Người truyền lại (Denz-Schonm., 1501-1505).

Nguyên tắc được nêu ra như thế đã có thể dùng làm điểm khởi hành cho một vấn đề được mở rộng, nhưng những trình bày theo kiểu trường ốc uyên bác bấy giờ lại đi theo một hướng khác, gắn liền với một quan niệm có tính cách hạt nhân của “các chân lý“ đức tin. Vậy việc nghiên cứu riêng rẽ những vấn đề như trên không bao giờ được làm cho quên mất rằng các vấn đề liên lập và tương liên với nhau. Bấy giờ, xét cách tổng quát, người ta có quyền có hai loại tìm tòi nghiên cứu :

1. những loại nghiên cứu “cổ điển”, tức là nhấn mạnh đến tính cách cá nhân của ơn linh hứng xét như là “đoàn sủng” được ban cho các tác giả thánh đến độ lập nên một lý thuyết về “tâm lý học” của ơn linh hứng, ân sủng “gratis data” khiến cho Thiên Chúa, theo nghĩa thực tế, thành “tác giả” của các Sách Thánh, trong khi vẫn tôn trọng hoạt động trọn vẹn con người của các văn sĩ đang hoạt động như thể là “nguyên nhân dụng cụ” của Thiên Chúa (vd. Cha Pierre Benoit) ;

2. những loại nghiên cứu, gần đây hơn, cố gắng nhấn mạnh đến những khía cạnh xã hội của ơn linh hứng, nhằm cho thấy Hội Thánh không phải đứng trước các Sách Thánh như thể đứng trước một “đối tượng” có mặt với Hội Thánh, nhưng trái lại các Sách Thánh là thành phần trọn vẹn của những cấu trúc cơ bản của Hội Thánh (K. Rahner). Việc nối kết hai phương diện này được thực hiện một cách hữu cơ trong các mệnh đề vừa kể trên đây.

b) Cũng theo cách thế này, người ta bắc một chiếc cầu giữa sự kiện linh hứng Kinh Thánh, các thừa tác vụ Lời ở Israel rồi trong Hội Thánh với sự phát triển của chính mặc khải, trong một kinh nghiệm lịch sử mà không có sự kiện nào trong đó bị tách ra. Đồng thời, tất cả các nghiên cứu phê bình nhằm làm rõ lịch sử này và, nhằm vào lịch sử này, cố gắng để tìm ra tiền sử của một số sách phức tạp, hiện ra như thể được liên kết chặt chẽ với các vấn đề thần học mà ta vừa bàn tới trên đây. Khoa phê bình và thần học không hoạt động riêng rẽ : hai khoa này đan kết với nhau không ngừng và soi sáng lẫn cho nhau, cho dù có khác nhau về những phương pháp và phần giả thuyết tất yếu vẫn phải có trong bất kỳ khoa phê bình nào.

Nếu quả là “việc định hình” các yếu tố căn bản mà sự hiện diện của những yếu tố ấy không thể nhận ra được trong các sách phức tạp, rồi lịch sử biên soạn đã chi phối việc soạn thảo, rồi công việc ấn hành nhờ đó bản văn được cố định, và sau cùng là những sửa chữa nhờ đó việc thông truyền có thể tiến hành cho đến chỗ chúng được nhìn nhận như là “Lời Thiên Chúa” trong Hội Thánh, đã được tái khám phá nhờ tiến trình toàn thể của “ơn linh hứng” đi kèm theo các “công việc phục vụ Lời” khác nhau này, thì việc nghiên cứu thần học không thể chỉ bằng lòng với việc phân tích bề mặt và đánh giá bản văn, nhờ một phương pháp bất kỳ nào, cũng không cần lưu ý đến lịch sử công việc biên soạn, ngay cả nếu những công việc cần thiết về điểm này tỏ ra là khó khăn và dò dẫm. Những công việc này là một tìm tòi của chính thần học ; lịch sử các bản văn là thành phần của Heilsgeschichte (“nhiệm cuộc cứu độ”), bởi vì lịch sử ấy được liên kết với lịch sử mặc khải mà lịch sử bản văn giúp – trong một chừng mực nào đó – theo dõi những giai đoạn của lịch sử mặc khải. Đối chọi hai quan điểm này với nhau hoặc giả không quan tâm đến lịch sử mặc khải viện cớ lịch sử bản văn sẽ là thiếu khôn ngoan.

Ngược lại, những cố gắng tìm kiếm thuộc ký hiệu học, văn học, xã hội học, lịch sử… vv của khoa phê bình không thể được thực hiện – trừ phi bởi người tiếp cận những vấn đề ấy trong ánh sáng niềm tin của mình – mà không chú ý đến sự kiện toàn thể của mặc khải, trong tổng thể đó các bản văn Kinh Thánh đã được viết ra. Sự độc lập của các phương thức được đem ra sử dụng vẫn được bảo đảm cách hoàn hảo đối với mỗi một hoạt động phải thực hiện. Nhưng mục đích của những phương thức ấy lại không nằm trên bình diện bề mặt mà khoa học, lịch sử, hiện tượng tôn giáo phải chú ý tới : mục đích nhắm tới là nối kết những hành vi biên soạn văn chương đã được lập nên ngay từ lúc bắt đầu và ngày nay vẫn còn làm nên “những dấu vết” có ý nghĩa của Lời Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại. Như vậy, khoa phê bình Kinh Thánh, tự nó, là một phần tiềm năng của thần học (ấy là xin dùng lại một kiểu diễn tả kinh viện thuộc loại cổ điển nhất) : “Haec oportuit facere, et illa non omittere”…

Chuyển ngữ: Giuse Nguyễn Tất Trung, OP.
Nguồn: Dix propositions sur l’inspiration scripturaire trong "Esprit et Vie", năm thứ 96, số 8, ngày 20.02.1986, tr. 97-105.
[1] Bài này đã được in trong bản dịch bằng tiếng Đức, cuốn Mélanges tặng cha Karl Rahner nhân dịp thượng thọ bát tuần của cha : Glaube im Prozess. Christsein nach dem II. Vaticanum, do E. Klinger et K. Wittstadt, Fribourg-en-Brisgau, Herder 1984, pp. 563-579, xuất bản. Vì thế, gọi tên là “các mệnh đề” là những biểu thức vắn gọn để cho thấy những điểm nhấn mạnh của toàn bài viết trong đó có những vấn đề về ơn linh hứng, về Thư Quy Kinh Thánh và về khoa phê bình Kinh Thánh mà không phải một thoáng là trình bày chi tiết đầy đủ được.

[2] K. Rahner, Ueber die Schriftinspiration, “Quaestiones disputatae”, Fribourg-en-Brisgau, 1958 (1959). Nội dung của bài trên được in lại tóm lược trong Handbuch Theologischer Grundbegriffe (được dịch sang Pháp ngữ thành bộ Encyclopédie de la foi, do H. Fries chủ biên, t. II, Paris, 1967, pp. 320-331, kèm theo một thư mục phong phú có cho tới thời điểm bấy giờ). K. Rahner có điểm mới ở chỗ chú ý đến tính cách xã hội học của ơn linh hứng và trình bày các sách được linh hứng như là một “yếu tố cấu tạo” của Hội Thánh.

[3] J. L. McKenzie, “The Social Character of Inspiration”, CBQ 24 (1962), pp. 115-124. – P. Benoit, “Révélation et inspiration : selon la Bible, chez saint Thomas et dans les discussions modernes”, trong bộ Exégèse et théologie, t. III, Paris, 1968, pp. 90-142 (lặp lại và hoàn chỉnh nhiều bài viết trước đó, theo đường hướng do cha M. J. Lagrange và trường phái của cha mở ra). – L. Alonso Schokel, “La Palabra inspirada” (bản dịch Pháp ngữ là cuốn : La Parole inspirée, “Lectio divina” 64, Paris, 1971). – H. Haag, “La Bible comme Parole de Dieu”, trong La révélation dans L’Ecriture et la tradition, “Mysterium salutis” ½, , bản dịch Pháp ngữ, Paris 1969, pp. 125-148. – B. Vawter, “Biblical Inspiration”, New York, Philadelphie, 1972. – P. J. Achtermeier, “The Inspiration of Scripture : Problems and Proposals”, Philadelphie, Wesminster, 1980. – T. A. Hoffman, “Inspiration, Normativeness, Canonicity and the Unique Sacred Character of the Bible”, CBQ 44 (1982), pp. 447-469. Nếu liệt kê thêm thì không biết đến bao giờ cho hết !

[4] J. Beumerr, trong Histoire des dogmes, do M. Schmaus, A. Grillmeier và L. Scheffczyk chủ biên : bộ “Inspiration de la sainte Ecriture”, bản dịch Pháp ngữ, Paris, 1972.

[5] P. Grelot, La Bible, Parole de Dieu, Tounai-Paris 1965, pp. 33-96 (lặp lại bài đã được in với đề tựa là “Inspiration de l’Ecriture et son interpétation”, trong La Révélation divine (Constitution “Dei Verbum”), coll. Unam Sanctam 70b, Paris 1986, pp. 347-380 (so sánh bản văn chung kết với lược đồ đầu tiên, được dịch và phân tích trong pp. 348-359).

[6] Tôi bỏ qua những quan điểm của O. Loretz, đã được khơi lên trong tác phẩm đã được dịch sang Pháp ngữ : Quelle est la vérité de la Bible ?, Le Centurion, 1970. (Chân lý này được giản lược vào “lòng trung tín” của Thiên Chúa). Trong Đức ngữ, người ta đi tới một tác phẩm trình bày “kết thúc của thần học về ơn linh hứng” (Das Ende der Inspirations-Theologie. Chances eines Newbeginns, Stuttgart 1974). Trình bày này ngày nay vẫn còn bị ám ảnh bởi quang cảnh về “sự vô ngộ” của Kinh Thánh ngày xưa đối nghịch với ông Galilê. Nhưng cách đặt vấn đề không bao trùm mọi khía cạnh và sau cùng là trình bày vấn đề không được tích cực.
114.864864865135.135135135250