26/05/2024 -

Kinh Mân Côi

2715
Từng là một người hoài nghi về mọi điều liên quan đến Đức Maria, Cha Lawrence Lew của dòng Đa Minh giờ đây đi khắp thế giới, rao giảng về Kinh Mân Côi như là “Quà tặng Đức Maria dành cho toàn thể Giáo Hội”.


ROME, 20/5/2024 – Được chọn làm làm “Đặc trách cổ võ Kinh Mân Côi cho toàn Dòng Đa Minh”, giờ đây cha Lawrance của Dòng Đa Minh cống hiến hết mình cho việc rao giảng và phổ biến kinh Mân Côi trên toàn thế giới.

Cha Lawrence đã truyền cảm hứng về lòng sùng kính kinh Mân Côi bằng phương thức truyền thống của Dòng Đa Minh, đó là kết hợp giữa niềm đam mê nghiên cứu thần học với việc sáng tạo nghệ thuật thánh thông qua các buổi giảng tĩnh tâm, viết sách và du thuyết ở nhiều nơi trên thế giới.

Vốn sinh ra trong một gia đình theo đạo Tin Lành ở Kuala Lumpur, Malaysia, cha Lawrance lần đầu tiên tiếp xúc với đạo Công giáo vào tuổi niên thiếu khi gia đình đến sống tại Singapore. Đi học tại một ngôi trường cổ kính nhất ở Singapore do các thầy La Salle thành lập, người tu sĩ Đa Minh tương lai khám phá ra niềm đam mê nghiên cứu thần học, hùng biện, âm nhạc và sáng tạo nghệ thuật thánh. Nói với tờ Register, cha Lawrance tâm sự: “Lúc đầu, tôi đến với Công giáo chỉ ngang qua con đường suy tư”. “Tôi hết sức quan tâm đến những gì các bạn cùng lớp Công giáo của tôi tin vào, nhưng thành thật mà nói, tôi muốn chứng minh cho họ thấy họ sai và đạo Tin Lành mới đúng”.

Tuy vậy, “thật phước đức,” vị linh mục Đa Minh nói thêm, “Chúa nhân lành nhưng cũng rất hài hước. Càng đọc về những gì người Công giáo tin và những gì Giáo Hội Công giáo dạy, tôi càng nhận ra rằng Giáo Hội Công giáo mới thật sự có sự tiếp nối của Hội Thánh tông truyền. Những giáo huấn của Chúa Giêsu đã được các tông đồ và Hội Thánh Công giáo lưu truyền qua các thời đại. Khi tôi nhận ra điều đó, tôi thực sự không còn lựa chọn nào khác là: trở thành người Công giáo.”

Cha Lawrence cho biết thêm, sau khi lấy được bằng Cử nhân Luật dân sự tại Đại học Leeds, Anh Quốc, cha gia nhập chủng viện của Giáo phận Leeds và theo sự quan phòng của Chúa, cha đã dần khám phá ra ơn gọi Dòng Đa Minh. Cha Lawrance khởi đầu con đường tu trì của mình bằng cách lên mạng “tra cứu về tất cả các dòng tu mà cha ấy từng được nghe tên”. Cha nhớ lại: “Tôi truy cập vào địa chỉ web của tỉnh Dòng Đa Minh ở Anh, và tôi thấy ở đó có mọi thứ tôi đang tìm kiếm cho đời sống tu dòng. Tôi khám phá ở đây có đời sống cộng đoàn, có một truyền thống sâu sắc về nếp sống, nét đẹp trong kinh nguyện, phụng vụ, đời sống chung, sứ vụ học hành và giảng thuyết, và nhất là có thánh Tôma Aquinô. Dường như mọi thứ đã đâu vào đấy.”

DÒNG TU CỦA ĐỨC MARIA

Suy tư về nguồn gốc của Dòng Đa Minh, Cha Lawrence giải thích: “Có một câu chuyện rất hay kể về việc Đức Mẹ đã cầu xin Đức Giêsu, Con của Mẹ cho Dòng Đa Minh ơn dạy dỗ, ơn rao giảng và khả năng sửa chữa những sai lạc đức tin. Nó như một minh chứng cho thấy sự xuất hiện của Dòng Đa Minh là bởi ơn trên. Chúa đã nhậm lời kêu xin của Đức Mẹ và thế là Dòng ra đời. Lý do này khiến Dòng Đa Minh được gọi là “Dòng của Đức Mẹ”.

Cha Lawrance nói thêm: “Có rất nhiều câu chuyện hay về Đức Mẹ liên quan đến Dòng. Ví dụ, tà áo Dòng (áo phép - scaplula) mà anh em Đa Minh đang mặc là do Đức Mẹ ban cho. Đức Mẹ còn ban cho Dòng Đa Minh chuỗi Mân Côi, đó là món quà quý giá nhất mà Mẹ đã giao phó cho Dòng.”

Mặc dù truyền thống Đa Minh cho rằng Chuỗi Mân Côi đã được Đức Mẹ trao cho Thánh Đa Minh khi Mẹ hiện ra với ngài năm 1208, nhưng truyền thống đọc kinh bằng chuỗi hạt có thể đã được tìm thấy từ buổi đầu của Kitô giáo. Cha Lawrence giải thích, ngay từ thế kỷ thứ 3, các giáo phụ sa mạc đã dùng chuỗi hạt hoặc các dây được thắt nút để đếm 150 Thánh Vịnh khi cầu nguyện. Họ cũng dùng để đếm lời cầu nguyện khác, chẳng hạn lời cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” hay đếm các kinh Lạy Cha.

Qua nhiều thế kỷ, truyền thống cầu nguyện này dần dần thay đổi và liên quan nhiều hơn đến Đức Mẹ. Theo truyền thống, vào thế kỉ 11, thánh Phêrô Đamian của Dòng Biển Đức là người đề nghị đọc kinh Kính Mừng trên chuỗi hạt thay vì Kinh Lạy Cha. Vào năm 1365, tu sĩ Henry Kalkar của Dòng Xitô đã chia 150 Kinh Kính Mừng thành 15 nhóm, mỗi nhóm 10 kinh, với kinh Lạy Cha xen giữa mỗi chục. Việc thực hành suy niệm trong khi đọc kinh Kính Mừng được cho là của một tu sĩ dòng Xitô khác có tên Dominic (†1460), người đã gán vào mỗi kinh Kính Mừng một ý suy niệm nào đó về Đức Mẹ hay Chúa Giêsu.

Việc thánh Đa Minh đã cộng tác như thế nào vào việc phổ biến Kinh Mân Côi vẫn còn bỏ ngỏ, tuy nhiên, có thể nói, thánh Đa Minh chắc chắn đã cầu nguyện và rao giảng Kinh mân Côi nhằm hoán cải những người lạc giáo. Thực tế có ít nhất mười vị Giáo hoàng đã trình bày về mối liên hệ giữa thánh Đa Minh với Kinh Mân Côi. Xưa nay, truyền thống vẫn luôn cho rằng chính thánh Đa Minh là người truyền bá và phổ biến kinh Mân Côi.

SỨC MẠNH CỦA KINH MÂN CÔI

Cha Lawrance kể lại: “Là một người Tin Lành trở lại, lúc đầu, tôi khá tự tin nghĩ rằng mình không thật sự cần Đức Maria. Tất cả những gì tôi nghĩ tôi cần là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, là Đấng Cứu Độ chúng ta, và Chúa Ba Ngôi. Nhưng không ai có thể thực sự sống như một Kitô hữu mà không biết Mẹ Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa đã muốn chúng ta phải biết và yêu mến Chúa Giêsu nhờ Mẹ Maria”.

Vị linh mục Dòng Đa Minh, khi suy ngẫm về vai trò không thể phủ nhận của Đức Maria trong lịch sử cứu độ đã nhấn mạnh, nhờ tiếng “Xin Vâng” của Đức Mẹ mà Thiên Chúa đã trở thành con người và toàn thể tạo thành nhờ đó mà được biến đổi. Vậy nên thật thích hợp để lần hạt Mân Côi để tôn vinh Đức Mẹ và Con của Mẹ thông qua lời kinh của Đức Mẹ. Ngài giải thích, “Theo cách nói của thánh Anathasiô, Thiên Chúa đã trở thành con người để con người có thể trở thành Thiên Chúa và tôi nghĩ điều này cũng tóm tắt ý nghĩa của Kinh Mân Côi. Cha Garrigou-Lagrange, bậc tôn sư của Dòng Đa Minh của chúng tôi nói rằng: “Kinh Mân Côi trình bày cho chúng ta các mầu nhiệm về ơn cứu độ”. Chúng ta không quan tâm nhiều đến mốc thời gian trong cuộc đời của Chúa Kitô cho bằng lưu ý đến tính thần học ngang qua các câu chuyện có trong cuộc đời của Người: Chúa Kitô trở nên một con người, đã chịu chết vì tội lỗi của chúng ta và sống lại từ cõi chết, để nhờ đó, chúng ta được sống lại và được Người thần hoá.”

Cha Lawrence nói thêm: “Khi rao giảng Kinh Mân Côi, về cơ bản, tôi trình bày về cách thức chúng ta có thể tham dự vào cuộc đời của Chúa Kitô vì cuộc đời của Người “thần hoá” chúng ta và thánh hóa chúng ta ngày hôm nay”.

Nhắc lại mức độ đáng lo ngại của sự cô lập xã hội, sự cô đơn và đau khổ về cảm xúc do đại dịch gần đây gây ra, Cha Lawrence lưu ý rằng ngài đã nhận thấy có “sự gia tăng thực sự các nhóm cầu nguyện Mân Côi thông qua nền tảng Zoom và các phương tiện truyền thông khác”. Cha Lawrence nói: “Cầu nguyện liên kết mọi người lại với nhau và tôi nghĩ đó là sức mạnh to lớn của Kinh Mân Côi. Nó hiệp nhất chúng ta và đưa chúng ta vào ngay trung tâm của Giáo Hội hoàn vũ. Chúng ta là một cộng đồng có sự hiệp thông thánh, và Kinh Mân Côi là quà tặng mà Đức Maria ban cho toàn thể Giáo Hội.”

TRỞ NÊN TỔNG ĐẶC TRÁCH PHỔ BIẾN KINH MÂN CÔI CHO TOÀN DÒNG.

Vào ngày 7/10/2019, nhằm ngày Lễ Đức Mẹ Mân Côi, Cha Cha Lawrence được cha Tổng Quyền dòng Đa Minh Gerard Francisco Timoner III bổ nhiệm làm “Tổng đặc trách phổ biến Kinh Mân Côi”. Ngài cho biết: “Dòng Đa Minh được chia thành các tỉnh Dòng trên khắp thế giới và mỗi tỉnh Dòng đều có vị đặc trách phổ biến kinh Mân Côi tại địa phương mình”. Ngài nói: “Vì là Tổng đặc trách phổ biến kinh Mân Côi cho toàn Dòng, công việc chính của tôi là cố gắng giúp đỡ và điều phối công việc của những vị đặc trách kinh Mân Côi tại địa phương. Tại Rôma này, tôi đã gặp cha Tổng Quyền để trình bày về Hiệp Hội Mân Côi. Đó là một hiệp hội lâu đời nhất trong Giáo Hội và có mạng lưới tâm linh lớn nhất trên thế giới nhằm liên kết mọi người lại với nhau thông qua việc lần hạt Mân Côi”.

Trong suốt tháng Năm này, Cha Lawrence cũng sẽ đến Cộng hòa Séc, Slovakia và Tây Ban Nha để thăm và hỗ trợ các hiệp hội Mân Côi địa phương. Mùa hè này, ngài cũng sẽ tham dự Đại hội Thánh Thể Quốc gia ở Hoa Kỳ và tới Đài Loan vào cuối năm để giúp thành lập Hội Mân Côi ở đó. Cha Lawrance chia sẻ: “Trong khi Đức Mẹ là vị đặc trách thật sự và tốt nhất cho việc truyền bá Kinh Mân Côi thì công việc của tôi với tư cách là Tổng đặc trách Kinh Mân Côi cho toàn Dòng bao gồm việc rao giảng Kinh Mân Côi thông qua các cuộc tĩnh tâm tại các giáo xứ trên toàn thế giới và bằng việc viết sách.

Vào năm 2021, cha Lawrance viết cuốn “Mầu Nhiệm Được Bày Tỏ”. Đó là một cuốn sách gồm 20 bức ảnh mà cha vẽ nhằm minh họa những mầu nhiệm Vui – Sáng – Thương – Mừng của Kinh Mân Côi. Mỗi bức ảnh được kết hợp với những suy niệm và cầu nguyện lấy cảm hứng từ nghệ thuật “để giúp chúng ta suy niệm tốt hơn, đặc biệt khi bị chia trí, về các mầu nhiệm Kinh Mân Côi trong sự kết hợp với nghệ thuật thánh”.

DÂNG LÊN MẸ “VÒNG HOA HỒNG THIÊNG LIÊNG”

Cha Lawrence nhận xét: “Kinh Mân Côi là lời cầu nguyện mà nhiều người trong chúng ta sẽ mang theo trong suốt đời sống làm người Công giáo của mình”. Thật là đẹp khi chúng ta lần hạt Mân Côi khi buồn phiền, khi lo lắng, khi biến cố nào đó xảy ra trong cuộc sống khiến chúng ta đau khổ, cũng như trong những lúc vui mừng”.

Suy ngẫm về sự phù hợp của việc cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi trong tháng Năm, Cha Lawrence giải thích rằng từ “kinh Mân Côi” trong tiếng Anh xuất phát từ chữ “rosarium” trong tiếng La Tinh và nó có nghĩa là “một khu vườn hoặc một vòng hoa hồng”. Do đó, theo sát nghĩa nhất, kinh Mân Côi là “một vòng hoa tuyệt đẹp mà chúng ta dâng lên Đức Mẹ, như một vòng hoa thiêng khi cầu nguyện”. Vì tháng Năm là tháng của mùa xuân, “khi vạn vật nở hoa” và trở nên sống động sau mùa đông, nên điều tự nhiên là chúng ta tưởng nhớ đến Đức Mẹ, Mẹ của mọi sinh linh và cầu xin Đức Mẹ chuyển cầu cho chúng ta.

Cha Lawrence chia sẻ thêm: “Truyền thống tốt đẹp trong Dòng Đa Minh nói rằng cha thánh Đa Minh được Đức Mẹ truyền, lạc giáo sẽ bị dẹp tan cho đến khi những lời cầu nguyện như được dâng lên sương mai trên mặt đất. Từ 'ros' trong tiếng Latinh, cũng có nghĩa là 'sương'. Ý tưởng tuyệt vời này muốn trình bày, khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta đang cầu nguyện để những giọt sương thiêng liêng mang lại sự tươi mới và cuộc sống mới cho một nhân loại đang cằn cỗi.” Thế giới đang trở nên khô cằn vì tội lỗi, vì bạo lực, chia rẽ và chiến tranh, vậy nên Kinh Mân Côi “vì thế càng cần thiết hơn để chúng ta có thể tưới đẫm trái đất bằng những giọt sương ân sủng của Thiên Chúa, những giọt sương của Chúa Thánh Thần”.

Kinh Mân Côi là như vậy: Giống như Đức Maria, chúng ta đặt mình trước ân sủng của Thiên Chúa để vâng phục Thiên Chúa, để thưa “Xin Vâng” với Người. Đó là việc chúng ta cố gắng mang lại một sáng tạo mới, một sự bình an mới cho nhân loại”.
Chuyển ngữ: Fr. Tôma Trần Hiệu, OP

Nguồn: Bénédicte Cedergren, “From Skeptic to Promoter: Dominican Friar Explains the Power of the Rosary”, Interview, truy cập ngày 26/5/2024.

Xem thêm: Phỏng vấn của Truyền thông Tỉnh dòng thánh Giuse, Hoa Kỳ với cha Cha Lawrence Lew về Kinh Mân Côi: 

114.864864865135.135135135250