07/10/2021 -

Kinh Mân Côi

2381

Nhân dịp kỷ niệm 400 năm công bố tông sắc “Consueverunt Romani” của Đức Giáo Hoàng Piô V, (Tông sắc giải thích và ấn định hình thức truyền thống của Kinh Mân Côi), Đức Thánh Cha Phaolô VI đã ra Tông huấn “Recurrens Mensis October”; trong đó Ngài viết: Hơi thở cần cho thể xác thế nào thì Kinh Mân Côi cũng cần cho linh hồn như vậy.”
Kinh Mân côi là lời kinh bình dân nhất trong các lời kinh, nhưng lại rất hiệu quả để cùng Đức Maria, những Kitô hữu chúng ta đi theo và cầu nguyện với Thiên Chúa, đồng thời dâng lên Ngài lời cảm tạ tri ân về tất cả những gì Thiên Chúa đã ban cho bản thân, cho gia đình và cộng đoàn của ta.
Tháng mười hay còn gọi là Tháng Mân Côi, Giáo hội mời gọi mỗi Kitô hữu hãy chiêm ngưỡng Đức Maria Mân Côi, để cùng Mẹ ta bước theo Chúa Giêsu trên con đường thập giá, qua việc đọc và suy niệm Kinh Mân Côi.
Khi suy niệm về mầu nhiệm Kinh Mân Côi cũng là lúc chúng ta nhìn lại hành trình cứu độ mà Thiên Chúa Thực hiện cho nhân loại qua Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô; Người Con được Sứ Thần của Chúa loan báo trong Tin Mừng thánh Luca chúng ta vừa nghe: “Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu” (Lc 1,31).
Làm sao có thể tin được việc một phụ nữ không “ăn ở” với người đàn ông mà lại mang thai? Ấy vậy mà chuyện này lại xảy ra nơi Đức Maria. Đúng là chỉ có việc Chúa làm, như lời Tin Mừng rằng: “vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37).

Trong quá khứ, Adam cũ (tổ tông loài người) đã phá vỡ tương quan giữa Thiên Chúa với con người; thì giờ đây Adam mới là Đức Giêsu đã nối lại mối tương quan đó bằng công cuộc nhập thể, và tự nguyện đi đến cái chết trên thập giá nhằm cứu chuộc muôn người.
Khởi đầu cho công cuộc nhập thể, Thiên Chúa đã chọn không ai khác là Đức Maria, một nữ tì hèn mọn, đơn sơ, khiêm nhường nơi làng quê Nazarét bé nhỏ để cho Con của Ngài nhập thể. Sự khiêm tốn, của Đức Maria được thể hiện rõ ràng và cụ thể  sau lời chào của sứ thần Gáp-ri-en: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”. Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì” (Lc 1,28-29).
Quả vậy, vì khiêm nhường nên Đức Maria rất đỗi ngạc nhiên, khi được Sứ Thần của Thiên Chúa chào: “Mẹ đầy ân sủng”. Điều này cũng có nghĩa là Mẹ không dám nhận mình là người toàn hảo, và lại càng không dám mơ tưởng đến diễm phúc được làm Mẹ Đấng Cứu Thế như bao phụ nữ Do Thái thời đó đang mong mỏi. Trái lại, Mẹ luôn khiêm tốn nhận mình là con người bất toàn, yếu hèn, trong thân phận của dòng dõi Eva tội lỗi xưa kia.
Thế nhưng, để thực hiện công trình cứu độ, Thiên Chúa đã tuyển chọn và gìn giữ Mẹ khỏi Nguyên Tội, để cung lòng Mẹ xứng đáng cho Con Chúa nhập thể.
Mỗi Kitô hữu cũng hãy bắt chước Đức Maria: khiêm nhường trong đời sống, chăm chỉ trong công việc và biết lắng nghe Lời Chúa. Mà lắng nghe Lời Chúa là gì nếu không phải ta thường xuyên đọc Kinh Thánh, tham dự Thánh Lễ, sống tinh thần Tin Mừng của Chúa giữa lòng xã hội hôm nay – một xã hội thực dụng, không còn tha thiết với việc lắng nghe Lời Chúa, mà chỉ chạy theo cơm áo, gạo tiền, công danh sự nghiệp mà quên đi mất phần linh hồn.
Mỗi người hãy nhìn lại đời sống của mình và nhìn sang nhà hàng xóm xem họ đã thấy sứ điệp của Chúa, qua cách ăn nết ở nơi bản thân, gia đình, giáo họ, giáo xứ chúng ta chưa? Vì vậy, khi nào những lời kinh chúng ta đọc trên môi miệng chính là lẽ sống; những tràng chuỗi chúng ta cầm trên tay là phương tiện sống còn cho phần rỗi; từng hạt của chuỗi Mân côi là công cụ để ta chiến đấu với những cám dỗ thì lúc đó, ta sẽ trở nên ánh sáng cho trần gian, như lời Chúa dạy: “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian…Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.” (Mt 5,14.16)
Hy vọng đời sống mỗi Kitô hữu sẽ là cuốn Kinh Thánh sống hay nói như ngôn ngữ của tháng Mân Côi: “chúng ta là những chuỗi chàng ht Mân Côi” cho người khác đọc mỗi ngày, qua từng chữ trên nét mặt, trong cử chỉ và lối sống của chúng ta. Amen.
Giuse Nguyễn Văn Hoàng, OP.
 
114.864864865135.135135135250