07/08/2016 -

Huynh đoàn Đa Minh

2588

HĐGDĐMVN hành hương về nguồn: Đền thánh Tử đạo Hải Dương

2g00 chiều thứ Năm ngày 14 tháng 7 năm 2016 đoàn đến thăm Đền thánh Tử đạo Hải Dương thuộc Giáo phận Hải Phòng. Nơi đây đã là một trung tâm hành hương được nhiều người biết đến. Linh địa Hải dương, tại khu đất trước kia gọi là Khu Năm Mẫu đã thấm đậm máu đào của nhiều anh hùng tử đạo, trong đó có bốn thánh tử đạo Hải Dương gồm :  hai giám mục Hermosilla Liêm OP, Valentinô Vinh OP, linh mục Almato Bình  OP đều  chịu tử đạo ngày 1-11-1861 và thầy giảng Giuse Nguyễn Duy Khang TOP, chịu tử đạo ngày 6-12-1861.

Đã nhiều lần nghe về các vị thánh tử đạo Hải Dương cũng như đã từng được hôn xương thánh, nhưng hôm nay đứng ngay trên mảnh đất đã thấm đẫm máu các anh hùng tử đạo đổ ra để làm chứng cho đức tin một niềm xúc cảm trào dâng khác lạ.

Cha Tổng đặc trách cho biết tại chính nơi linh thiêng này, năm 1927, một ngôi Đền Thánh đã được xây cất với hai ngôi tháp nguy nga hoành tráng, bên cạnh đó là Trường tập dòng Đa-minh.

Ngôi Đền Thánh ngày ấy được xây dựng dài 65 mét, rộng 18 mét, với hai cây tháp vuông, cao 30 mét. Lễ cung hiến Đền Thánh được cử hành long trọng ngày 03-11-1928. Kể từ đây, linh hài bốn Vị được trịnh trọng tôn kính trong Đền Thánh, và mỗi năm có hàng trăm ngàn người đến kính viếng, nhất là vào dịp lễ Các Thánh trong tháng 11 hàng năm, nhưng đặc biệt hơn cả là vào ngày 06-11 lễ kính các Thánh Tử Đạo hàng năm.

Trường Đệ Tử Đa Minh cũng được xây dựng bên cạnh Đền Thánh tại khu pháp trường Năm Mẫu này, nơi đã thấm đẫm máu biết bao anh hùng tử đạo, với ước nguyện là đào tạo mầm non cho Giáo Hội theo gương tiền nhân anh hùng tử đạo ở đây. Từ đó, pháp trường Năm Mẫu trở nên một thắng cảnh tươi đẹp, nổi tiếng và sầm uất cho thị xã Hải Dương…

Nhưng rất tiếc, do hậu quả của chiến tranh, Đền Thánh Tử Đạo Hải Dương đã bị hư hại nặng nề hầu như bình địa vào năm 1967, Ngôi Đền Thánh nguy nga đã bị bom tàn phá trong chiến tranh, chỉ còn lại một phần cây tháp chuông và vài mảng tưởng nham nhở như dấu chứng của một cuộc chiến tàn khốc. Sau khi Đền thánh bị tàn phá, đất đai xung quanh Đền Thánh bị lấn chiếm dần. Ngay chính nơi lòng Đền Thánh, chỗ linh thiêng nhất, cũng bị các hộ dân chiếm cứ trái phép và dựng nhà. Đứng bên hai phần mộ của các ngài, cha con cùng cất cao lời kinh ngợi ca chúc tụng Thiên Chúa và cầu xin các Thánh Tử đạo cầu bầu cho con cháu các ngài đang đứng trên mảnh đất linh thiêng.

Tiến đến bia đá nơi hành quyết, nơi các vị bị chặt đầu, ai cũng thổn thức. Khi cha Tổng đặc trách cất lời ca “Đây bài ca ngàn trùng…” thì cảm xúc òa vỡ, lẫn trong tiếng hát là những tiếng nấc nghẹn. Xúc động xen lẫn cảm giác ngậm ngùi, vì một nơi thánh thiêng đến thế lại nằm sát ngay cửa nhà dân, người người qua lại, dẫm đạp, bước qua.

Đó là những ngôi nhà của những người không cùng tôn giáo với chúng ta. Đã nhiều năm các cha cũng như giáo dân Hải Dương đã nhiều lần đề nghị các cơ quan hữu trách giúp đỡ di dời những hộ dân ra khỏi Đền Thánh để tái thiết Ngôi Đền Thánh, giữ lại vẻ đẹp tôn giáo giữa một thành phố ngày càng phát triển. Tòa Giám mục cũng đã can thiệp để chương trình này sớm được thực hiện.

Được biết vào tháng 9 năm 2014 theo đề nghị của Tòa Giám mục Hải Phòng, chính quyền tỉnh Hải Dương đã có những cuộc tiếp xúc với vị Đại diện Tòa Giám mục với mục đích tiến hành những thủ tục liên quan đến việc giải tỏa và tái thiết Đền Thánh Tử đạo Hải Dương. Hai bên đã thống nhất phương án giải phóng mặt bằng và hỗ trợ di dời các hộ dân đang định cư trong phần đất của Đền Thánh. Số hộ dân sẽ di dời khỏi khu vực Đền Thánh là 43 gia đình. Các hộ này đã chấp thuận di dời và ký kết bằng văn bản, do Chính Quyền quy định.

Nhưng cho đến nay, khu vực Đền Thánh vẫn hoang tàn…

Cha con cùng nhau chụp hình ngay trên mảnh đất đầy hào hùng, bất khuất, linh thiêng nhưng hoang tàn ấy không khỏi bức xúc và ngậm ngùi trước một ngôi Đền Thánh bị xâm phạm giữa một thành phố văn minh giàu đẹp.  Chưa kịp rời khỏi khu đất thánh, một cơn mưa rào đổ xuống như cùng rơi những giọt nước mắt ngậm ngùi, đau xót và xúc động của đoàn hành hương.

15h, đoàn được mời về Giáo xứ Hải Dương để chào Quý cha giáo phận Hải Phòng cũng như anh chị em Huynh đoàn giáo phận Hải Phòng.

Ngoài bánh, nước, kem dùng tại chỗ, các anh chị huynh đoàn Hải Phòng còn gửi tặng món quà quê hương là những chiếc bánh gói tràn đầy tình cảm mến thương cho tất cả anh chị em đoàn miền Nam cũng như miền Bắc.

Tại đây các Huynh Đoàn Giáo Phận Miền Bắc cũng tạm biệt để ra về. Đoàn hành hương Miền Nam quay trở về Nhà Chung tòa Giám mục Thái Bình.

Bữa cơm tối tại đây cũng là bữa cơm cuối, tạm biệt quý cha, quý thầy để ra về. Chúng con hết lòng cám ơn quý cha, quý thầy đã vì yêu thương mà tận tình chăm sóc cho đoàn chúng con từng bữa ăn, chỗ nghỉ thật đầy đủ và tốt đẹp. Tòa nhà 7 tầng khang trang, rộng rãi, tiện nghi giúp chúng con lấy lại sức vì những ngày qua rong ruổi trên đường cộng với khí hậu khác với miền nam; những bữa ăn ngon miệng và đầy tràn tình yêu thương, chúng con sẽ nhớ mãi tình thương q1uy cha, quý thầy đã lo cho chúng con. Nguyện xin Thiên Chúa ban nhiều hồng phúc cho quý cha quý thầy.

3g00 sáng thứ Sáu, mọi người đã thức dậy, khăn gói ra về. Đứng trước Đức Mẹ La Vang ở sân Nhà Chung cha con lại cùng nhau dâng lời kinh tiếng hát cảm tạ Thiên Chúa cho chúng con những ngày hành hương tốt đẹp, và xin Mẹ La Vang cầu bầu cho chúng con ra về bình an.

6g30 đoàn đến nhà thờ Chính tòa Phát Diệm quen được gọi là nhà thờ Đá. Một ngôi nhà thờ cổ và nổi tiếng được cho là một trong những nhà thờ đẹp nhất Việt Nam, Hiện nay, tỉnh Ninh Bình và các nhà nghiên cứu Nhật Bản đang hoàn thiện hồ sơ về kiến trúc nhà thờ Phát Diệm để đề nghị UNESCO công nhận nhà thờ Phát Diệm là di sản văn hóa thế giới. Nơi đây còn được mệnh danh là “Kinh đô Công giáo” của Việt Nam.

Gọi là nhà thờ Đá vì ngôi thánh đường này được xây dựng hoàn toàn bằng đá tự nhiên. Toàn bộ đều bằng đá: từ nền, tường, cột, chấn song cửa… Nhà Thờ đá Phát Diệm là một kiệt tác về kiến trúc được xây dựng từ năm 1875 đến năm 1899. Nhà thờ được xây dựng bởi cha Phêrô Trần Lục, còn gọi là Cụ Sáu, chánh xứ Phát Diệm. Đây là một quần thể kiến trúc kiểu Đình chùa Phương Đông, kết hợp với lối kiến trúc Gôtic của nhà thờ Phương Tây. Quần thể gồm: Ao Hồ, Phương Đình, Nhà Thờ Lớn, bốn nhà thờ cạnh, Nhà Thờ Đá, ba Hang đá nhân tạo

Từ xa vào có thể thấy tượng Chúa Giêsu làm Vua đặt trên bệ ở giữa một hòn đảo nhỏ hình vuông trong hồ hình chữ nhật.

Đoàn được quý sơ hướng dẫn tham quan Phương Đình. Phương Đình  có nghĩa là “nhà vuông”, hình dáng như cái đình làng, kích thước gần như vuông; chiều ngang 21m, sâu 17m, cao 25m, có 3 tầng. Tầng dưới lớn nhất, xây toàn bằng đá xanh vuông vắn, chia thành ba lòng, trong mỗi lòng có một sập đá. Sập đá ở lòng giữa to nhất, là một khối dài 4,20m, rộng 3,20m, dày 0,30m, tương truyền là sập rồng của vua thời Nhà Hồ (1400-1407) ở thành Tây Giai (Thanh Hoá) ngày xưa. Trên các vách có phù điêu bằng đá, tạc một số vị Thánh. Trên các vách ngoài của tầng dưới có những phù điêu tạc sự tích Chúa Giêsu, từ khi Chúa vào thành.

Qua một cầu thang hẹp và thấp, đoàn được lên tầng giữa, cũng bằng đá, có mái, ở đây đặt một trống cái, chỉ dùng các ngày Chúa Nhật và lễ lớn cùng với chuông.

Ở bốn góc tầng này là bốn tháp nhỏ có mái cong, trên đỉnh là tượng bốn vị Thánh sử.  Một cầu thang gỗ đưa lên tầng trên cùng, bằng gỗ, có mái, nơi đặt quả chuông Nam cao 1,90m, đường kính 1,10m, nặng gần 2 tấn. Chuông có 4 núm: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Trên bốn mặt có chữ La-tinh ghi: “Thánh Maria, Thánh Giuse, Thánh Gioan Tẩy Giả, Năm Chúa Giáng Sinh 1890”; mặt khác ghi lời chuông nói: “Tôi ca tụng Chúa thật, tôi kêu gọi dân chúng, tôi tập hợp giáo sĩ, tôi khóc người qua đời, tôi đẩy lui dịch tễ, tôi điểm tô ngày lễ”.

Nhân sự kiện đoàn đến tham quan, sơ cho phép đại diện đoàn được gõ một tiếng chuông, tiếng ngân vang và thật lạ.

Sau Phương Đình đoàn được vào nhà thờ Đá, Nhà thờ được xây dựng vào năm 1883 dài khoảng 15m, rộng 8,50m, cao 6m; nền, cột, xà, tường, chấn song, tháp, bàn thờ đều bằng đá. Phía trong Nhà thờ bằng đá cẩm thạch nhẵn bóng, với những đường nét thanh thoát nhẹ nhàng. Vách hai bên là những chấn song đá, gần vách có những bức đá chạm thông phong (chạm lộng) hình cây tùng và cúc, mai và trúc. Những bức đá này được xẻ từ đá tảng dày 2,5cm. Ba bàn thờ bằng đá chạm trổ; mặt trước bàn thờ chính, ở giữa có hình trái tim với lưỡi gươm đâm thâu, bên trái tạc một cái giếng đậy nắp. Trên bàn thờ chính là Nhà Tạm bằng gỗ chạm, sơn son thiếp vàng và tòa Đức Mẹ bằng đá. Bên ngoài có những bức chạm thông phong (chạm lộng) bằng đá rất đẹp, hình chim phượng hoàng xòe cánh, mang bút nghiên, và con sư tử có bờm dài và răng nanh nhưng mặt trông như mặt người đang cười.

Tiếc rằng thời gian có hạn nên đoàn không được viếng thăm toàn bộ quần thể này.

Gần 10g00 đêm, đoàn đến Đức Mẹ Trà Kiệu, tuy muộn nhưng cha con vẫn dâng lễ tạ ơn Thiên Chúa và Mẹ Maria. Thánh lễ về khuya nhưng thật sốt sắng.

Ngay sau thánh lễ đoàn lên đường ngay.

15g30 thứ Bảy ngày 16/7/2016, xe về đến nơi xuất phát: nhà thờ Ba Chuông.

Tạ ơn Chúa, cảm tạ Mẹ Maria và thánh tổ phụ Đaminh. Chúng con có một chuyến hành hương bình an và thật nhiều xúc cảm. Chúng con tin tưởng qua chuyến đi này với những gì chúng con đã cảm nhận được khi đến tận nơi các cha ông đã hy sinh đổ máu đào để làm chứng cho đức tin giúp chúng con sống đạo vững vàng hơn và chúng con can đảm làm chứng cho đức tin của mình qua những khó khăn trong cuộc sống hôm nay.

Cám ơn Quý cha Ban Đặc trách Huynh Đoàn Tỉnh, cám ơn quý anh chị BPV/ Huynh Đoàn Tỉnh đã tổ chức cho anh chị em một chuyến đi nhiều kỷ niệm, cũng là dịp để anh chị em trong các giáo phận được gặp gỡ nhau. Qua chuyến đi anh chị em được gắn kết và hiệp thông với nhau nhiều hơn.

Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria, thánh phụ Đaminh, các thánh Tử đạo, cách riêng các thánh Tử đạo dòng Đaminh chuyển cầu, nguyện xin Thiên Chúa Ba Ngôi ban cho chúng con niềm tin sắt son, lòng cậy vững vàng và lòng mến tha thiết để chúng con thi hành sứ vụ Loan Báo Tin Mừng trong công việc phục vụ mà Chúa và Dòng đã trao phó.

Theresa - hddmvn.net

114.864864865135.135135135250