24/06/2016 -

Hội họa - Nhiếp ảnh

6443
Khi nhìn vào các bức icon thánh, đã bao giờ bạn thắc mắc tự hỏi, tại sao Đức Kitô hay các vị thánh được vẽ trong đó, thường có một số cử điệu bàn tay nhất định? Mỗi cử điệu đều có một ý nghĩa nhất định nào đó, nhưng rõ là, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể hiểu được chúng: chúng được “viết ra” trong thứ ngôn ngữ mang tên “Hy Lạp”! Người Hy Lạp và người La Mã cổ đã thiết lập một hệ thống ký hiệu bàn tay rất bài bản, quy củ đâu ra đó, và các nhà giảng thuyết, các diễn giả thời đó thường sử dụng chúng khi thuyết trình trước công nghị hay trước Viện nguyên lão, trong các buổi chuyện trò riêng tư, hoặc thậm chí, trong lớp học nữa. Dĩ nhiên, các cử điệu hỗ trợ cho lời thuyết trình là việc bình thường vào thời đó. Nghĩa là, chúng rất thông dụng và hầu như ai cũng hiểu. Nhưng chúng ta thì khác. Bởi thế chúng ta cần được trợ giúp để có thể giải mã được chúng.


Không có chi lạ lẫm khi các họa sỹ là Kitô hữu tiên khởi sử dụng các cử điệu bàn tay trong các bức vẽ Đức Kitô, các thánh và các thiên thần. Chẳng hạn, trong các bức icon thánh mô tả việc Truyền Tin, thiên sứ Gabriel thường được mô tả với cử điệu tay giơ lên giống y hệt các diễn giả La Mã lúc họ muốn cho thấy là họ sắp sửa truyền đạt hay nói ra một thông tin gì đó can hệ. Hiểu theo nghĩa này, thì cử điệu giúp dọn đường cho lời thuyết giảng của họ. Truyền thống hay cách làm này quả thật rất phổ biến vào thời La Mã cổ, đến nỗi cử điệu này được nhận ra nơi hết thảy các bức vẽ Truyền Tin cổ nhất mà chúng ta còn lưu giữ được cho đến nay.


Ý nghĩa của cử điệu bàn tay, gắn liền các thuyết trình viên, các diễn giả cổ thời, chính là khởi điểm giúp tìm hiểu về ý nghĩa các bức họa thánh, có hình ảnh Đức Kitô giơ tay của Người lên y hệt một diễn giả Hy Lạp hay La Mã cổ thời. Chẳng phải rõ ràng là thế này chăng: hơn bất kỳ ai khác, Người có rất nhiều điều hệ trọng để nói với chúng ta?

Tuy nhiên, cử điệu bàn tay đó, thậm chí, còn có những tầng nghĩa sâu xa đáng để xem xét kỹ càng hơn. Đặc biệt trong trường hợp những bức ảnh thánh mô tả Đức Kitô, biểu tượng tính của các cử điệu bàn tay còn phức tạp hơn nhiều.

Quả thế, trong bất kỳ bức icon thánh mô tả Đức Kitô nào của Công Giáo Byzantine hay của Chính Thống Giáo, tay phải Đức Giêsu được vẽ ở trạng thái giơ lên để chúc lành. Cũng cánh tay này là tay mà vị linh mục dùng để chúc lành cho người khác trong các nghi lễ phụng vụ, và cũng chính vì lý do này, mà các vị thánh thuộc hàng giáo sỹ được vẽ, được mô tả là đang giơ tay phải của mình lên theo cùng thể thức.


Trong các bức icon thánh của Chính Thống Giáo Hy Lạp, hay trong các bức icon Kitô giáo thuở ban đầu, cử điệu bàn tay chúc lành này còn được tạo hình theo các ký tự IC XC, là những ký tự viết tắt (lấy ký tự đầu và cuối) của những từ Hy Lạp chỉ danh “Giêsu” (IHCOYC) và “Kitô” ( XPICTOC). Bàn tay chúc lành được vẽ với cử điệu, phác lên Danh của Đức Giêsu, “Danh hiệu trên hết mọi danh hiệu”.


Ngoài việc phác lên các ký tự, cử điệu bàn tay chúc lành của Đức Kitô còn truyền tải một số chân lý đức tin nữa. Ba ngón tay vẽ lên ký tự IX, tượng trưng cho Chúa Ba Ngôi, cho sự Hiệp Nhất của Tam Vị Nhất Thể, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Ngón cái và ngón đeo nhẫn được mô tả là chạm vào nhau, chẳng những tạo thành ký tự C, nhưng còn tượng trưng cho mầu nhiệm Nhập Thể, sự hiệp nhất giữa bản tính nhân loại và thần tính trong ngôi vị Đức Kitô.

Hãy xem xét kỹ một bức icon thánh, bạn sẽ nhận ra là có những thông điệp trong đó dành cho bạn, và giờ thì bạn đã hiểu được ít nhiều.

Daniel Esparza
(Chuyển dịch: Truyền thông Đa Minh)
http://aleteia.org
114.864864865135.135135135250