25/06/2017 -

Hiểu để sống Đức Tin

4884

Tại nhiều nơi có thói quen hôn kính xương thánh vào dịp lễ kính vị thánh đó. Và đôi khi người ta còn trưng bày hài cốt các thánh trên bàn thờ. Tục lệ kính hài cốt các thánh có từ bao giờ? Có luật lệ gì về vấn đề này không?

Vấn đề tôn kính hài cốt các thánh tử đạo đã có một lịch sử lâu đời. Và trong phạm vi này, luật lệ của Giáo hội cũng không thiếu. Nói chung, thì luật được đặt ra không phải để bắt buộc các tín hữu phải tôn kính hài cốt các thánh, cho bằng để bài trừ những tệ đoan, hoặc phòng ngừa những lệch lạc. Chúng ta hãy đi ngược dòng lịch sử, để theo dõi tập tục cũng như là luật lệ của Giáo hội. Các Kitô hữu tiên khởi, cũng giống như các người Do thái và Rôma, có thói tục tôn kính thi hài người chết, theo nghĩa là họ không vứt bỏ thây ma người chết ở giữa trời cho chim muông thú rừng tới cắn xé, nhưng mà chôn cất tươm tất trong nghĩa trang. Vào những ngày giỗ, gia đình thân nhân tụ họp lại cạnh ngôi mộ để đọc kinh cầu nguyện. Tuy nhiên, đang khi mà đối với các người qua đời nói chung, thì các tín hữu tưởng nhớ đến họ và cầu nguyện cho họ; nhưng mà đối với các người chết vì đạo, thì các tín hữu lại có tâm tình và thái độ khác. Họ coi cái ngày mà các vị bị giết như là ngày sinh nhật, nghĩa là được sinh vào nước trời. Vì thế, ngày giỗ của các vị được tưởng nhớ không phải với tâm tình thương tiếc khóc lóc như kiểu các người quá cố khác, mà là như buổi lễ. Vào dịp đó, người ta đọc lại hạnh tích của các vị, cách riêng là cuộc tuẫn đạo của các vị. Dù sao, thì cũng nên biết là trong các thế kỷ đầu tiên, các Kitô hữu chưa được phép xây cất những nơi thờ tự. Vì thế, ngoài những buổi họp nhau ở tư gia để cầu nguyện, một địa điểm khác để gặp gỡ là ở ngoài nghĩa trang, trên mồ của các vị tử đạo. Nhà cầm quyền Rôma tôn trọng tính cách thánh thiêng của các nghĩa trang, cho nên họ làm ngơ cho các buổi phụng tự đó.

Như vậy là các Kitô hữu bày tỏ lòng tôn kính với các vị tử đạo, chứ đâu có gì liên can tới hài cốt của các ngài đâu?

Đúng như vậy. Như vừa nói, luật Rôma rất nghiêm ngặt đối với các nghĩa địa, coi như là nơi bất khả xâm phạm. Vì thế không ai được đụng tới các ngôi mộ của người chết và dĩ nhiên là không được đụng tới xác chết. Thế nhưng, từ thế kỷ IV trở đi, một khúc quặt đã xảy ra. Các Kitô hữu được tự do hành đạo. Các thánh đường được cất lên. Tìm địa điểm nào để cất? Nếu mà hỏi các Đức Giám mục hay các cha xứ ngày nay, thì chắc chắn chúng ta sẽ được trả lời là tìm chỗ nào thuận tiện cho bổn đạo tới dâng lễ, thí dụ ở trung tâm thành phố hay ở giữa làng. Thế nhưng, vào hồi thế kỷ IV thì người ta nghĩ khác. Bên thánh địa, thì người ta cất nhà thờ tại các nơi mà Chúa đã đi qua (thí dụ: Nadarét, Bêlem, vườn cây dầu, núi Golgôta, mộ Chúa vv). Còn ở Rôma, thì người ta cất nhà thờ tại những nơi mà các thánh tông đồ đã hy sinh vì đức tin. Đó là tiêu chuẩn để cất các đền thờ kính thánh Phêrô, Phaolô, Lôrenxô, cũng như hàng chục đền thờ khác tại Rôma. Người ta trù tính làm sao để cho bàn thờ được xây liền trên ngôi mộ của thánh tử đạo, để khi dâng Thánh lễ, chúng ta tưởng nhớ cuộc Tử nạn của đức Kitô cũng như những môn đệ đã đi theo chân của Ngài. Từ đó việc cất nhà thờ, hay bàn thờ trên mồ các thánh tử đạo trở thành một tiêu chuẩn được chấp nhận. Thế nhưng một vấn đề cụ thể được đặt ra. Có nơi thì có cả chục vị tử đạo được chôn tại một nghĩa trang. Có nơi thì chẳng có vị tử đạo nào hết. Vì vậy mà có chuyện phải cải hài cốt của các vị, hoặc là để tôn kính ở một chỗ xứng đáng hơn, hay là dành cho những thành phố nào muốn cất nhà thờ mà không có mộ của thánh tử đạo. Tóm lại, trong khi mà việc tôn kính các vị tử đạo đã có từ thời cổ, nhưng việc tôn kính hài cốt của các vị bắt đầu từ thế kỷ IV; hay muốn chính xác hơn, từ khi có những chuyện di chuyển hài cốt của các thánh tử đạo, mới có luật về vấn đề này.

Luật do Giáo hoàng ra hay là của các công đồng?

Theo các sử gia, những luật đầu tiên là của Nhà nước. Bởi vì như đã nói trên đây, cổ luật Rôma rất nghiêm ngặt trong việc bảo vệ các nghĩa trang và thi hài người chết. Vì thế, bây giờ muốn đào mả để lấy hài cốt thì phải sửa lại pháp luật. Tiếp đó, mới tới luật của Giáo hội, nhằm tới nhiều phương diện: thí dụ, cần phải bảo đảm tính cách xác thực (bởi vì thời nào cũng có đồ giả mạo, kể cả xương thánh), và nhất là tránh những thứ dị đoan mê tín cũng như những chuyện buôn thần bán thánh. Trong lịch sử, có những công đồng sau đây đã ra những quy định cho vấn đề này: công đồng Lateranô IV (năm 1215), công đồng Trentô (khóa 25, năm 1563), và công đồng Vaticanô II, trong hiến chế về Hội thánh số 51; hiến chế về phụng vụ số 111; 125.

Những luật vừa nói chỉ liên can tới hài cốt của các thánh tử đạo mà thôi hay sao?

Vấn đề dần dần được mở rộng tới tất cả di tích của các thánh nữa. Trở lại lịch sử của Giáo hội, chúng ta thấy rằng tiếp theo các thánh tử đạo, lịch phụng vụ thêm danh sách các giám mục, tu sĩ nữa. Các tín hữu cũng bày tỏ lòng tôn kính với thi hài các vị ấy. Thế nhưng có lúc mà lòng ngưỡng mộ không phải chỉ dành cho đời sống đạo hạnh của các vị, nhưng mà lan rộng tới hết những gì có liên hệ xa gần tới các vị: từ thi hài, cho tới áo quần, giày dép, vật dụng, cho tới nhà ở, những nơi mà các vị hoạt động, vân vân. Thực ra, thì nguồn gốc của thói tục này có lẽ bắt đầu từ thánh địa; như vừa nói trên, từ thế kỷ IV, vào lúc mà tại Rôma người ta cất nhà thờ trên mồ các thánh tử đạo, thì bên thánh địa, người ta cất nhà thờ tại những chỗ mà Chúa Giêsu, Đức Mẹ đã sống: nhà ở, nơi làm việc, nơi biến hình, nhà tiệc ly, vân vân. Dĩ nhiên, người ta cũng cố gắng đào bới các di tích thánh, nổi bật nhất là cây thánh giá, rồi tới vòng gai, những cây đinh, khăn liệm, rồi tới máng cỏ. Chắc chắn rằng đầu óc tưởng tượng sẽ còn phịa ra nhiều thứ khác, thí dụ tấm tã mà Đức Mẹ đã vấn bọc, cái cưa và dùi đục của thánh Giuse... Đại khái, thì lập luận bình dân cho rằng những gì mà Chúa, Đức Mẹ và các thánh đã đụng chạm tới thì cũng được lây cái chất thánh sang. Không nói ai cũng thể đoán được, cái lập luận đó mang theo nhiều hệ luận thực hành không nhỏ. Vì vậy, mà các nhà chức trách trong Giáo hội đã phải can thiệp dưới tựa đề chung là “di tích của các thánh” (de reliquiis sanctorum).

Cha có thể cho biết những điểm chính mà giáo quyền muốn lưu ý trong vấn đề này không?

Chúng ta có thể phân biệt ba khía cạnh: tín lý, phụng vụ và kỷ luật.

Về tín lý, các công đồng không ngừng nhắc nhở rằng hết mọi thứ tôn kính đều phải nhằm tới Thiên Chúa, nguyên ủy của mọi sự trọn lành thánh thiện. Khi tôn kính các thánh, chúng ta ca ngợi công trình mà Thiên Chúa đã thực hiện nơi những con người mỏng dòn. Thứ đến, sự tôn kính các di tích của các thánh phải đưa chúng ta tới chỗ ái mộ bắt chước các vị chứ không nên coi đó như là cái bùa chú. Một thí dụ cụ thể: mục đích tôi đặt di ảnh của mẹ tôi là để nhắc nhớ tôi tới công ơn sinh dưỡng của bà mẹ; chứ nếu mà tôi chỉ ôm chặt và suốt ngày hôn hít cái bức hình và tấm khảm thì sớm muộn gì cũng có người sẽ đưa tôi vào bệnh viện tâm thần.

1) Từ những nguyên tắc về tín lý, phụng vụ đã đặt ra những tiêu chuẩn trong việc tôn kính, cách riêng khi có tính cách công khai. Phải làm cách nào để làm nêu bật sự tôn thờ tuyệt đối dành cho Thiên Chúa, và sự cung kính dành cho các tôi tớ của Chúa. Do đó mà trong cách bày biện các di tích của các thánh, chúng ta không thể đặt ngang hàng bên cạnh Mình Thánh Chúa hay Thập giá của Chúa. Cũng vậy, cũng phải trưng bày thế nào để cho người ngoài công giáo khi vào nhà thờ sẽ không choáng váng trước một rừng các hình tượng và di tích của các thánh: họ sẽ có cảm tưởng là lạc vào một đền đa thần!

2) Sau cùng, về khía cạnh kỷ luật, cần phải kiểm chứng về tính cách xác thực của các di tích đó. Như chúng ta đã biết, vô tình hay hữu ý, không thiếu người lạm dụng sự dễ tin để bịa ra các di tích của các thánh. Một điểm nữa về kỷ luật liên hệ tới vấn đề mua bán các di tích này, vừa lo tránh chuyện mua đồ giả, lại vừa lo tránh chuyện buôn thần bán thánh! Bộ giáo luật hiện hành chứa đựng rất ít điều khoản về vấn đề này (đ.1186-1190). Bởi vậy, chúng ta cần phải quy chiếu tới các luật lệ của Toà thánh (cách riêng là Bộ phong thánh và bộ phụng tự) và của Bản quyền địa phương.

Giuse Phan Tấn Thành, op.

Chú thích hình: Hơn 100 ngàn giáo dân Việt Nam và các vị thừa sai nước ngoài đã chịu tử đạo từ 1798 đến 1861 trên mảnh đất hình chữ S này. Đây là hình ảnh một buổi cung nghinh hài cốt các thánh tử đạo tại Việt Nam.

114.864864865135.135135135250