28/02/2017 -

Hiểu để sống Đức Tin

4313
Khi theo dõi thời sự, chúng ta thấy những vụ chém giết do nhóm Hồi giáo cực đoan gây ra. Tại sao gọi là cực đoan? Đó là nhãn hiệu mà nhà báo đặt cho họ, hay do chính họ tự nhận như vậy?

Chắc chắn là không tôn giáo nào hay không tín đồ nào muốn bị gắn nhãn hiệu là “cực đoan”, và cũng chẳng ai dại gì mà tự xưng là cực đoan. Thực ra chúng ta gặp thấy khó khăn trong vấn đề dịch thuật. Cái mà gọi là “Hồi giáo cực đoan” là dịch bởi “fundamentalist”. Tệ hơn nữa, có khi có nơi còn dịch là “cuồng tín, quá khích”.

Phải dịch thế nào cho đúng?

Tôi cũng không biết phải dịch thế nào nữa cho chính xác. Điều cần thiết là phải hiểu rõ nó là cái gì đã. Trước tiên nên biết rằng nguồn gốc của hiện tượng này bắt nguồn từ Kitô giáo, rồi sau đó, các nhà xã hội học mới áp dụng cho các tôn giáo khác trên hoàn cầu. Xét về nguồn gốc lịch sử thì hiện tượng này bắt nguồn từ Hoa kỳ vào đầu thế kỷ XX, tại Giáo hội Presbyterals (Calvinô). Nhằm chống lại các trào lưu giải thích Kinh thánh theo khuynh hướng phóng khoáng cũng như chống lại các thuyết tiến hóa, một nhóm người đã quảng bá một số tài liệu mang tựa đề The Fundamentals, từ đó mà có tính từ Fundamentalist. Tự nó, “fundamentals” chỉ có nghĩa là những điều căn bản (hay là cơ bản), được tóm trong 5 nguyên tắc sau đây: 1/ Kinh thánh không thể sai lầm. 2/ Đức Giêsu sinh bởi Mẹ Maria đồng trinh. 3/ Các phép lạ kể lại trong Phúc âm có thực. 4/ Đức Giêsu đã chết để chuộc tội cho chúng ta. 5/ Đức Kitô đã sống lại và sẽ quang lâm.

Đó là những chân lý căn bản của đức tin Kitô giáo. Đâu có gì là cực đoan, cuồng tín đâu?

Như vừa nói, dịch “fundamentalist” là cực đoan hay quá khích thì không đúng. Chắc chắn là không ai hãnh diện rằng mình là tín đồ cực đoan. Thế nhưng, vào năm 1920, một phong trào được thành lập tại Chicago mang danh là Liên đoàn các Kitô hữu Fundamentals. Tự nó, từ ngữ chỉ muốn nói rằng họ chấp nhận 5 nguyên tắc cơ bản của Kitô giáo vừa nhắc tới. Tuy nhiên, cần phải lồng hiện tượng này trong bối cảnh lịch sử của nó thì mới hiểu được. Trên lý thuyết, họ muốn bảo vệ các chân lý căn bản của Kitô giáo chống lại những trào lưu duy lý, phủ nhận phép lạ, phủ nhận thiên tính của Đức Giêsu. Tuy nhiên, phong trào này gắn liền với khuynh hướng bảo thủ trong các Giáo hội Tin lành Hoa kỳ ở cuối thế kỷ XIX, chủ trương giải thích Kinh thánh theo chữ đen, chống lại những phương pháp giải thích theo nghĩa lịch sử. Họ cũng nhấn mạnh đến chân lý Chúa quang lâm, thúc đẩy những cuộc ăn năn trở lại, bởi vì họ cho rằng thế giới này suy đồi, sắp tới ngày tàn. Nói cách khác, họ có cái nhìn rất bi quan yếm thế, coi thế giới này ở dưới sự thống trị của ma quỷ, và họ cầu mong Chúa quang lâm sẽ tiêu diệt sự dữ.

Như vậy nguồn gốc của phong trào fundamentalist là Giáo hội Tin lành bên Hoa kỳ, thế thì tại sao lại áp dụng cho các nhóm Hồi giáo?

Tuy là một hiện tượng bắt nguồn từ Giáo hội Tin lành Hoa kỳ nhưng dần dần, các nhà xã hội học cũng mở rộng sự đối chiếu với các tôn giáo khác trên hoàn cầu nữa. Như vừa nói, nguồn gốc của nó có một tầm khá hạn hẹp, nghĩa là trong lãnh vực giải thích Kinh thánh, theo đúng nghĩa đen (chẳng hạn như Thiên Chúa thực sự dựng nên trời đất trong 6 ngày; ngày hiểu là khoảng thời gian 24 giờ). Khuynh hướng chú giải này cũng nhận thấy ở nơi cả các nhà thần học công giáo vào đầu thế kỷ XX. Một cách tương tự như vậy, trong việc giải thích các tín điều đức tin, phong trào fundamentalist không chấp nhận có sự tiến triển về đạo lý. Hiện tượng này cũng thấy nơi nhiều nhà thần học công giáo ở đầu thế kỷ XX. Thế nhưng, điều mà các nhà xã hội học muốn nêu bật là thái độ của tôn giáo đối với trần thế. Khuynh hướng fundamentalist coi trần thế này đồi trụy sa đoạ, vì thế mà không thể nào sống chung được.

Khi áp dụng cho các nhóm Hồi giáo, thì đặc tính nào quan trọng hơn cả: giải thích Sách thánh hay thái độ đối với trần thế?

Cả hai. Chị nên biết rằng Hồi giáo có quan niệm rất chặt chẽ về Sách thánh. Họ quan niệm rằng chính thiên sứ đã mặc khải các chân lý cho ông Mahomet. Cho nên vấn đề phê bình hay chú giải Sách thánh không được đặt ra bởi vì Sách thánh gồm những lời mặc khải từ trời, cứ thế mà tuân hành thôi. Quan niệm về tổ chức xã hội cũng nghiêm khắc không kém. Không có chuyện phân biệt giữa hai lãnh vực đạo với đời: tất cả mọi thực tại đều đã được quy định trong Sách thánh: các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội đều phải tuân theo luật đạo.

Tuy rằng dịch fundamentalist là “cực đoan, cuồng tín” thì không đúng; nhưng mà cũng không hoàn toàn sai, phải không?

Các nhà xã hội học thú nhận là hiện tượng fundamentalist rất phức tạp. Chị chỉ cần biết rằng nếu trong Kitô giáo người ta đếm được tới 20 phong trào, đa số thuộc các Giáo hội Tin lành nhưng mà cũng có nhóm thuộc Công giáo (như nhóm của Lefèbvre) và Chính thống (bên Nga), thì bên Hồi giáo có tới 32 nhóm, thì đủ biết khó lòng mà mô tả các đặc trưng chung. Chúng ta thử lấy Israel làm thí dụ điển hình. Tại đây có hai nhóm Hồi giáo (Hamas và Jihad), cộng thêm với bốn nhóm của đạo Do thái nữa. Nếu có những nhóm chủ trương bảo vệ luân lý cổ truyền (chống lại sự sa sút đạo đức), thì cũng có những nhóm liên hệ với lực lượng cách mạng với âm mưu lật đổ chính quyền.

Các nhóm Hồi giáo bên Israel muốn lật đổ chính quyền để tranh đấu giải phóng cho dân tộc Palestine phải không?

Đó chỉ là một nhóm nhỏ. Chị nên biết là các nhóm Hồi giáo fundamentalist hoạt động mạnh mẽ hơn tại những quốc gia mà hầu như toàn dân theo Hồi giáo, chẳng hạn như tại Algerie, Ai cập, Pakistan. Tại những nước này, đối tượng chống đối của họ không phải là các tôn giáo khác, nhưng chính là chính quyền quốc gia. Như đã nói trên đây, Hồi giáo có một quan điểm thần quyền về tổ chức chính trị xã hội. Tất cả mọi thể chế đều phải tuân theo luật của đạo; nói cách khác: chính quyền nằm trong tay giáo quyền. Thế nhưng từ những thế kỷ gần đây, do ảnh hưởng của văn hóa Tây phương, người ta muốn tách rời hai lãnh vực đạo và đời ra. Đó là chưa nói tới những trào lưu khác liên quan tới giáo dục, khoa học, luân lý gia đình. Những nhóm “fundamentalist” cho rằng đây là một sự Tây hóa, đánh mất bản sắc văn hóa đạo đức cổ truyền. Họ coi văn hóa Âu Mỹ tương đương với phong hóa đồi trụy, vô thần. Vì thế không lạ gì mà các nhóm đó tranh đấu đòi trục xuất văn hóa lai căng, trở về với những giá trị đạo đức truyền thống. Trong bối cảnh này, nhóm “fundamentalist” bị đồng hóa với “bảo thủ” “thủ cựu”, nếu chưa nói là cực đoan.

Và cũng có thể gọi là cuồng tín nữa, phải không?

Tôi không dám sử dụng các nhãn hiệu đó. Lý do là tại vì chúng ta đang ở trong lãnh vực phong hóa xã hội, chứ không phải là trong lãnh vực vật lý toán học. Trong toán học, 2 với 2 bằng 4: điều này quá rõ; vì thế ai bảo 2 với 2 bằng 5 là sai, và ai cứ khư khư với sự sai lầm của mình thì đáng gọi là ngoan cố. Trong vật lý, cũng tương tự như vậy: màu trắng thì khác với màu đen: không thể gọi trắng là đen và đen là trắng. Còn khi bước sang các giá trị đạo đức, thì việc đánh giá đâu là phải đâu là trái, đâu là hay đâu là dở thì không tuyệt đối như vậy. Con cái vâng lời cha mẹ là một điều tốt. Nhưng nếu cha mẹ dốt nát mà cứ bắt con cái phải vâng lời thì không còn là điều tốt nữa; vả lại nếu khuyến khích con cái cãi lại cha mẹ thì chưa biết sẽ tốt hơn hay không. Từ một tỉ dụ cỏn con như vậy, chúng ta có thể suy ra những thực tại khác: hầu như thực tại nào cũng có mặt trái mặt phải của nó. Chế độ dân chủ có cái hay mà cũng có cái dở; chủ nghĩa tư bản có cái hay mà cũng có cái dở. Có lẽ khuyết điểm của nhóm fundamentalist là thần thánh hóa tất cả các thực tại trong quá khứ, và tẩy chay tất cả những gì tân tiến. Chúng ta cũng liều mình rơi vào thái cực đối lập: tất cả cái gì mới thì đều tốt, và tất cả cái gì cổ thì đều đáng phải loại bỏ. Phải nhìn nhận rằng, dưới khía cạnh tâm lý, thái độ của nhóm fundamentalist dễ hiểu hơn, bởi vì họ thấy truyền thống giá trị hàng ngàn năm là một bảo đảm chắc chắn; còn những cái mới thì chẳng biết sẽ tồn tại bao lâu. Các nhà xã hội học nhận thấy rằng nơi nào các cuộc thay đổi xảy đến quá nhanh thì nguy cơ fundamentalist càng lớn; điển hình là tại Hoa kỳ, nơi bắt nguồn các phong trào fundamentalist. Nếu thiếu các xác tín làm điểm tựa, thì con người dễ bị tha hóa, và có loạn thần kinh thì cũng không có gì lạ! Niềm tin cổ truyền mang lại một điểm tựa an toàn giữa những bập bềnh sóng gió của dòng lịch sử. Dĩ nhiên, đó không phải là lý tưởng. Lý tưởng không phải là cứ bám khư khư vào quá khứ, nhưng là cần biết phân biệt cái hay cái dở trong cái cũ cũng như trong cái mới. Đây là điều mà thần học ngày nay gọi là sự phân định. Sự phân định là một đặc sủng của Thánh thần ban cho cộng đoàn tín hữu: khi cùng nhau cầu nguyện, tìm hiểu ý Chúa, cộng đoàn sẽ nhận ra hướng đi của Chúa Quan phòng trải qua dòng lịch sử. Từ công đồng Vaticanô II, Giáo hội công giáo nhìn nhận rằng Kinh thánh không chứa đựng hết tất cả các chân lý thuộc thiên văn, khoa học tự nhiên, chính trị, kinh tế xã hội. Trọng tâm của Kinh thánh là những chân lý liên hệ đến ơn cứu độ. Ngoài ra, lý trí có khả năng để khám phá những chân lý, qua việc áp dụng các phương pháp khoa học. Người tín hữu đón nhận các chân lý đó, cũng như sẵn sàng đối thoại học hỏi với các nền triết học, các nền văn hóa, các tôn giáo, về những gì hữu ích để nâng cao đời sống con người.

Lm. Giuse Phan Tấn Thành, op.
114.864864865135.135135135250