11/02/2014 -

Hiểu để sống Đức Tin

6088
 

 

 

Trước đây, các sách Kinh thánh tại Việt Nam thường mang tựa đề Sấm truyền cũ và Sấm truyền mới. Sấm truyền là gì? Giữa sấm truyền cũ và sấm truyền mới có gì khác nhau?

 

Những quyển Kinh thánh trọn bộ xuất bản gần đây gồm có hai phần gọi là Cựu ước và Tân ước. Nhưng ở những bản dịch xuất bản vào đầu thế kỷ XX thì tựa đề của hai phần là “Sấm truyền cũ và Sấm truyền mới”. Như vậy có thể nói được là “Sấm truyền cũ và sấm truyền mới” tương đương với “Cựu ước và Tân ước”. Sở dĩ người ta không dùng tiếng “Sấm truyền” có lẽ bởi vì danh từ này không còn thông dụng nữa. Trong từ điển tiếng Việt do Viện ngôn ngữ học xuất bản, chúng ta thấy không có từ “sấm truyền”. Nếu muốn đi lục lọi các từ điển cổ thời, thì từ “sấm truyền” được định nghĩa như là “Lời dự đoán có từ lâu đời được truyền lại”. Sấm có nghĩa lời dự đoán, lời tiên tri, (chẳng hạn như sấm trạng Trình). Tôi nghĩ rằng nếu hiểu như vậy thì quả thật là nguy hiểm: người ta dễ quan niệm rằng Sách thánh như là sách sấm ký, tiên đoán vận mạng cá nhân và xã hội. Môn học Kinh thánh sẽ bị đồng hóa với môn tiên tri bói toán.

 

Thế còn Cựu ước và Tân ước có nghĩa là gì?

 

Dĩ nhiên, nếu chỉ dừng lại ở chỗ phân tích từ ngữ mà thôi thì thật là khó hiểu: Cựu ước và Tân ước có nghĩa là “ước” cũ và “ước” mới. Ước là gì? Chắc hẳn không phải là ước mơ (ước mong, ước ao, ước nguyện), nhưng cần hiểu theo nghĩa là “giao kết”, chẳng hạn như khi nói: định ước, khế ước, quy ước, hiệp ước. Một cách cụ thể hơn, ở đây cần được hiểu theo nghĩa là “giao ước”: giao ước cũ và giao ước mới.

 

Giao ước là gì?

 

Đây là cả một vấn đề còn tranh luận giữa các nhà nghiên cứu Kinh thánh. Nói chung, hết mọi người đều đồng ý rằng dân tộc Israel tự hào là dân được Thiên Chúa tuyển chọn. Việc tuyển chọn này được thể hiện qua việc Thiên Chúa thiết lập một giao ước với dân Israel. Thế nhưng đến khi giải thích bản chất của giao ước thì các nhà học giả đã đưa ra nhiều ý kiến khác nhau. Nội dung của vấn đề có thể tóm lại trong hai câu hỏi sau đây: 1/ Thiên Chúa đã thiết lập giao ước với Israel lúc nào: từ các tổ phụ hay từ ông Môsê? Có một hay nhiều giao ước? 2/ Phải hiểu thế nào về giao ước: đó là một thứ hiệp định song phương, giữa hai phe ngang nhau, hay giữa đế quốc với nước chư hầu (kẻ mạnh kẻ yếu), hay là một lời cam kết đơn phương? Hai câu hỏi có liên hệ với nhau, bởi vì khi thiết lập giao ước với tổ phụ Abraham, thì Thiên Chúa đơn phương cam kết chứ không đòi hỏi ông phải thi hành nghĩa vụ nào hết; còn nơi giao ước thiết lập trên núi Sinai, thì dân tộc Israel phải cam kết thi hành nghĩa vụ, tôn trọng với các điều ước trong giao ước. Nói khác đi, ở thời các tổ phụ, giao ước mang tính cách đơn phương, còn từ núi Sinai, thì nó trở thành song phương. Thế rồi đến khi bước sang Tân ước thì xem ra lại trở về với quan niệm đơn phương.

 

Nhưng mà tại sao lại gọi quyển sách Kinh thánh là Giao ước, Cựu ước và Tân ước?

 

Tự nó, giao ước là một hành động: hành động cam kết, dù đơn phương hay song phương. Hành vi giao ước được thảo ra thành văn kiện, như là bằng cớ của việc cam kết. Ngoài ra, giao ước cũng có thể ám chỉ một lễ nghi: lễ nghi thiết lập giao ước, hoặc tưởng niệm giao ước. Theo một nghĩa rộng lớn hơn, giao ước ám chỉ tất cả đường lối cư xử của Thiên Chúa đối với dân mà Ngài đã tuyển chọn bằng giao ước. Quyển sách ghi lại những sự kiện mà Thiên Chúa đã thi hành cũng được gọi là Sách Giao ước.

 

Tại sao gọi là Giao ước cũ và Giao ước mới?

 

Như đã nói trên đây, theo các bản văn hiện tại, dân tộc Israel tin rằng Thiên Chúa đã thiết lập giao ước với họ nhiều lần nhiều cách: Ngài đã đơn phương cam kết với tổ phụ Abraham nói ở sách Sáng thế (chương 15 và 17); Ngài đã kết ước với ông Môsê trên núi Sinai nói ở sách Xuất hành (chương 19 đến 14). Tính cách song phương của giao ước Sinai được nhấn mạnh hơn nữa dưới sự giải thích của sách Đệ nhị luật chương 29-30. Giao ước với ông Môsê được lặp lại dưới thời ông Giosuê tại Sikem (theo sách Giosuê chương 24) và với vua Đavit (sách 2 Samuel, chương 7; và thánh vịnh 89). Đến khi sang tới thời các ngôn sứ, ta thấy ông Gêrêmia và Edêkiel loan báo giao ước mới, mà đặc trưng là nó không còn viết trên bia đá nữa nhưng là được khắc trong tâm khảm, với việc ban Thần khí để thay đổi lòng chai dạ đá thành tâm hồn thuần thục.

 

Giao ước mới được được ban hành lúc nào?

 

Người ta thường hiểu Tân ước được đánh dấu với đức Kitô. Một điều nên ghi nhận là các tác giả Tân ước ít khi dùng tiếng “Giao ước”. Hơn thế nữa, khi sử dụng từ “giao ước”, họ không nghĩ đến các khế ước song phương cho bằng các lời cam kết đơn phương của Thiên Chúa. Điều này được chứng tỏ qua bản dịch La-tinh quen gọi là bản Vulgata. Lẽ ra từ berittrong tiếng Do thái có thể dịch là pactum hay foedus tương đương với “hiệp ước, liên minh, giao ước”; thế nhưng bản dịch La-tinh lại dùng tiếng testamentum, có nghĩa là “di chúc, ý định”. Như vậy dịch Novum Testamentum là “sấm truyền mới” thì có lẽ sát nghĩa hơn là “Tân ước”, bởi vì ở đây không nhằm nói lên tương quan song phương như là trong “giao ước” cho bằng “quyết định đơn phương” của Thiên Chúa. Sấm truyền có thể hiểu nghĩa đó: truyền đạt lại lời của Chúa. Chúng ta thấy Phúc âm nhắc đến “giao ước mới” (novum testamentum) khi thuật lại việc Chúa Giêsu thiết lập bí tích thánh thể: “Đây là chén máu Thầy, máu giao ước mới và vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho các con và muôn người được khỏi tội” (Mc 14,24 và các đoạn song song). Tác giả của thư gửi dân Do thái gọi Đức Giêsu là trung gian của giao ước mới, qua cái chết của mình (9,15). Để hiểu tư tưởng này, cần trở lại với nghi thức thiết lập giao ước nói ở sách Xuất hành chương 24, khi ông Môsê dùng máu chiên bò rảy trên toàn dân như biểu hiệu của việc chấp nhận giao ước. Việc đổ máu hay rưới máu là một thành phần của lễ nghi thiết lập giao ước, hơn là vạch ra nội dung của giao ước.

 

Nội dung của giao ước mới là gì?

 

Có ít là hai lối giải thích nội dung của giao ước mới, nhất là khi đối chiếu với giao ước cũ. Lối thứ nhất chú trọng tới những điều Chúa truyền khiến, từ đó có sự đối chọi giữa luật cũ và luật mới, mà ta thấy điển hình nơi bài giảng trên núi được ghi trong Tin mừng theo thánh Matthêu. Chúa Giêsu giải thích cho thấy đâu là cốt tủy của 10 giới răn, và nhất là cách thức thi hành: không phải chỉ bằng việc tuân giữ căn cứ theo chữ đen, nhưng cần phải đi vào tinh thần sâu xa của nó là diễn tả sự trọn lành của tình thương. Trọng tâm của luật mới là yêu thương, yêu thương theo gương của Thiên Chúa Cha trên trời. Dựa theo thánh Gioan, đây cũng là di chúc (hay chúc thư) của Chúa Giêsu để lại cho các môn đệ trong bài giảng tại nhà Tiệc ly.

 

Lối giải thích thứ hai thì đi vào mục tiêu của giao ước. Khi thiết lập giao ước đầu tiên với tổ phụ Abraham, Thiên Chúa muốn bày tỏ tình thương đặc biệt đối với ông, qua lời hứa sẽ ban cho ông một gia nghiệp phong phú. Trong quan niệm thời đó (thời du mục), gia nghiệp phong phú được biểu lộ qua con cháu đông đúc, đất đai phì nhiêu. Nhưng dần dần, quan niệm về gia nghiệp được uốn nắn, mang tính cách thiêng liêng hơn, nghĩa là lấy chính Thiên Chúa là gia nghiệp, là hạnh phúc. Dựa theo chiều hướng đó mà trong thư gửi giáo đoàn Galát thánh Phaolô trình bày Đức Kitô như là giao ước mới. Trước đây, tổ phụ Abraham mới chỉ nhận được lời hứa; giờ đây nơi Đức Kitô, lời hứa đó được thực hiện, khi mà toàn thể nhân loại (chứ không phải riêng một dân tộc Israel) được trở thành con cái Thiên Chúa, được giải thoát khỏi điều kiện nô lệ tội lỗi và sự chết.

 

Một khi đã có giao ước mới rồi, thì các giao ước cũ hết công dụng, phải không?

 

Trải qua lịch sử Kitô giáo, đã có nhiều khuynh hướng trái nghịch nhau khi bàn về mối liên hệ giữa giao ước cũ với giao ước mới. Một phần sự xung khắc ý kiến bắt nguồn từ quan niệm thế nào là giao ước. Nếu xét về công hiệu cứu độ, thì hẳn là giao ước của Đức Kitô mang tính cách vĩnh viễn chung cục, bởi vì mang lại ơn cứu độ cho hết mọi người; dưới khía cạnh này thì các giao ước trước kia không còn ý nghĩa gì nữa. Nếu xét về lịch sử mối tương quan giữa Thiên Chúa với con người, thì chúng ta thấy rằng có một sự liên tục tiệm tiến giữa các giao ước. Thiên Chúa không tự mâu thuẫn với mình, trước khi nói trắng bây giờ đổi thành đen. Không, lịch sử các giao ước được ví như một tiến trình tiệm tiến, từ lời hứa đến thực tại, từ hừng đông tới chính ngọ: tất cả mọi lời hứa được viên mãn ở nơi Đức Giêsu Kitô. Chính vì lý do đó mà Giáo hội vẫn còn đọc các sách Cựu ước chứ không quẳng đi, theo chủ trương cực đoan của ông Markiôn hồi thế kỷ II. Mối liên hệ giữa các sách Cựu ước và Tân ước được thánh Augustinô diễn tả như sau: “Tân ước ẩn tàng trong Cựu ước; Cựu ước tỏ lộ trong Tân ước” (Novum in Vetere latet, Vetus in Novo patet). Câu nói này được trưng dẫn ở Sách Giáo lý Hội thánh công giáo số 129. Cựu ước coi như báo trước, Tân ước coi như hoàn thành. Một thí dụ cụ thể: các tước hiệu mà chúng ta tuyên xưng về Đức Giêsu, tựa như: “Kitô, Emmanuel, Đầy tớ đau khổ, Con người”, chỉ có thể hiểu được khi đọc lại các đoạn văn của Isaia và Đaniel. Họ đã nói trước về một nhân vật huyền nhiệm mà có lẽ họ chưa hiểu rõ căn cước; các Kitô hữu thì biết nhân vật đó là ai, nhưng họ muốn lục lọi các bản văn của các ngôn sứ để hiểu rõ hơn ý nghĩa sâu xa của sứ mạng mà đức Kitô đã đến để hoàn tất.

114.864864865135.135135135250