01/10/2015 -

Hiểu để sống Đức Tin

16677
Hồi đầu tháng này, phụng vụ kính lễ các thánh thiên thần bản mệnh. Các hoạ sĩ thường vẽ các thiên thần mặc áo trắng với đôi cánh. Tại sao các thiên thần lại mang cánh?

Chúng ta sẽ lần lượt đi từng bước một trong việc tìm hiểu ý nghĩa đôi cánh của các thiên thần, từ biểu tượng tự nhiên, sang nguồn gốc lịch sử và sau cùng là ý nghĩa thần học. Trên bình diện tự nhiên, đôi cánh chim biểu thị cho sự lanh lẹ. Chúng ta có thể thấy nhiều hãng hàng không lấy cánh chim làm biểu tượng, và cách riêng là các phi công đều đeo huy hiệu đôi cánh ở trên ngực, ra như chứng tỏ rằng họ có khả năng bay bổng như chim. Đó là biểu tượng tự nhiên. Bây giờ chúng ta cần phải đi lên một cấp nữa: tại sao lại gắn đôi cánh cho các thiên thần? Câu trả lời đơn giản hơn cả là tại vì muốn mô tả bản tính của các vị là nhanh nhẹn. Nhưng mà nhanh nhẹn làm cái gì? Thi đua với ai? Đây là câu hỏi mà các sử gia đặt ra.

Có lẽ thi đua với gió. Các thiên thần vọt nhanh hơn gió, có phải như vậy không?

Có lẽ đúng một phần, nhưng đó là xét theo ý nghĩa thần học. Các sử gia muốn biết từ hồi nào các hoạ sĩ đã gắn đôi cánh cho các thiên thần, và vì lý do gì? Cho đến nay, người ta cho rằng nguồn gốc của nó không phải là Kinh thánh, nhưng là các tôn giáo ở vùng Cận đông, nơi mà xuất hiện những vị thần linh dưới hình thù của một người hay thậm chí một con thú có mang cánh. Đôi cánh chỉ sự lanh lẹ, như chớp như gió. Tuy nhiên, Kitô giáo du nhập các hình ảnh đó hơi muộn. Chị nên biết là Do thái giáo tuyệt đối cấm việc hình dung Thiên Chúa bằng hình tượng. Lúc đầu Kitô giáo cũng tiếp nhận truyền thống đó. Dần dần, các Kitô hữu bắt đầu vẽ hình của đức Kitô, Thiên Chúa nhập thể, với những biểu tượng của vị mục tử. Rồi càng ngày nền mỹ thuật Kitô giáo phát triển với những bức chân dung của Đức Kitô, đức Maria, các thánh. Việc hoạ chân dung của các vị không khó, bởi vì họ cũng là con người như chúng ta. Chỉ cần thêm những nét biểu tượng các nhân đức trổi vượt nhờ cách tô điểm các mầu. Nhưng làm thế nào mà vẽ các thiên thần, vốn thuộc vào loài thiêng liêng, vô hình vô tượng? Các hoạ sĩ chỉ còn cách là dùng các khuôn mẫu đã có từ các tôn giáo hay các nền văn hóa đương thời. Theo các sử gia, khuôn mẫu gây ảnh hưởng trực tiếp đến lối biểu tượng các thiên thần là nữ thần chiến thắng Victoria của dân Rôma, được kính ngay tại trụ sở của Thượng viện đế quốc. Vị thần này mang áo dài trắng, với đôi cánh chim, và cầm triều thiên.

Như vậy, các Kitô hữu muốn nói lên rằng các thiên thần là những người chiến thắng ma quỷ, phải không?

Có lẽ đó không phải là ý nghĩa nguyên thủy. Lúc đầu, ý nghĩa của đôi cánh chỉ muốn nói lên sự nhanh nhẹn. Sự nhanh nhẹn ở đây không nên hiểu theo nghĩa vật lý (chạy đua xem ai đạt vận tốc cao hơn), nhưng theo nghĩa tinh thần: mau mắn trong việc thi hành ý định của Thiên Chúa. Chị nên nhớ rằng trong nguyên gốc tiếng Do thái và Hy-lạp của Kinh thánh, các thiên thần là những sứ giả của Thiên Chúa. Vì thế, sự mau lẹ được hiểu là họ chấp hành sứ mạng ngay tức khắc, không chần chừ, như chúng ta đọc thấy trong thánh vịnh 103, câu 20: “Chúc tụng Chúa đi, hỡi muôn vì thiên sứ, bậc anh hùng dũng mãnh thực hiện Lời Người, luôn sẵn sàng phụng lệnh”.

Như thế cũng có thể ví các thiên thần bay lẹ như gió chứ gì?

Sự so sánh này khá tự nhiên. Tuy vậy, trong Kinh thánh Cựu ước, khi so sánh các thiên sứ với gió, thì có lẽ người ta không muốn nói tới sự nhanh nhẹn, cho bằng sự nhẹ nhàng. Trong tư tưởng cổ điển, gió và không khí tượng trưng cho thế giới thiêng liêng, đối lại với thế giới chất thể. Sở dĩ các thiên sứ nhanh nhẹn chu toàn sứ mạng một phần cũng tại các ngài không bị cản trở bởi vật chất. Thiết tưởng đây là điều mà vịnh gia muốn nói ở thánh vịnh 104, câu 3-4: “Chúa ngự giá xe mây, Ngài lướt bay cánh gió. Sứ giả ngài: làn gío bốn phương, nô bộc Chúa, lửa hồng muôn ngọn”. Còn Phúc âm nhất lãm, khi tả quang cảnh của ngày chung thẩm thì nói đến việc các thiên sứ được sai đi để quy tụ muôn dân từ “bốn gió”, nghĩa là 4 phương trời (Mc 13,26-27; Mt 24,30-31).

Lúc nãy cha nói rằng khi du nhập biểu tượng của nữ thần Chiến thắng của Rôma, các Kitô hữu chỉ chú trọng đến ý nghĩa nhanh nhẹn của đôi cánh, chứ không lấy ý nghĩa chiến thắng. Nhưng mà có nhiều bức tranh vẫn vẽ thiên thần Micae chiến thắng quỷ dữ. Vậy là cũng có tư tưởng chiến thắng nữa đấy chứ?

Tôi chỉ ghi nhận ý kiến của vài nhà sử học mà thôi. Theo họ, khi du nhập biểu tượng thần chiến thắng, lúc đầu sự chú ý được dành cho đôi cánh, tượng trưng cho sự nhanh nhẹn nhẹ nhàng; về sau mới thêm tư tưởng chiến thắng. Ý nghĩa này được áp dụng cách riêng cho thiên sứ Micae, lãnh đạo các thiên sứ trong cuộc giao tranh với Satan, như chúng ta có thể đọc thấy ở sách Khải huyền chương 12, câu 7-9. Tuy nhiên, ý nghĩa chiến thắng không phải chỉ dành cho thiên sứ Micae, mà còn cho các Kitô hữu nói chung. Nhiều hoạ sĩ vẽ thiên thần hộ tống linh hồn của người lành về thiên quốc, tay cầm triều thiên đội lên đầu kẻ đã thắng tội lỗi và các chước cám dỗ.

Nếu con không lầm, thiên sứ Micae là đàn ông. Thế sao các bức tranh lại vẽ thiên sứ dưới hình thiếu nữ?

Nên biết là phái tính nam nữ chỉ áp dụng cho các loài có thể xác, chứ không áp dụng cho loài thiêng liêng. Vì vậy mà không thể nói được các thiên thần thuộc phái nam hay phái nữ. Bên Âu châu, việc hình dung phái tính chịu ảnh hưởng không nhỏ của từ ngữ, giống đực hay giống cái. Thí dụ như Hội thánh được ví như là mẹ, và hiền thê, bởi vì từ Ecclesia là giống cái trong tiếng Hy-lạp và La-tinh. Vì thế không lạ gì mà “tự do, công lý, chiến thắng” được hình dung như là nữ thần, bởi vì trong tiếng La-tinh và tiếng Pháp, các từ đó ở giống cái (Libertas, Justitia, Victoria). Còn từ “thiên thần” (angelus) là giống đực cho nên được hình dung là nam nhi là phải rồi. Trong Kinh thánh, ta thấy có những đoạn mô tả các thiên thần xuất hiện dưới hình của nam nhi, thí dụ như ở sách Sáng thế (chương 18, khi hiện ra với ông Abraham), sách Tôbia, về thiên thần Raphael, và trong Phúc âm nhất lãm khi nói về các thiên sứ hiện ra dưới hình một thanh niên, để báo tin Chúa Phục sinh cho các bà đi ra viếng mồ (Mc 16,5). Dựa theo các bản văn Kinh thánh, trong các thế kỷ đầu tiên, các bức hoạ vẽ các thiên thần theo hình nam nhi, đặc biệt là các thiên thần Micael, Raphael, Gabriel. Mãi tới thời cận đại người ta mới vẽ các thiên thần dưới hình thiếu nữ.

Tại sao vậy?

Có lẽ vì muốn tăng thêm phần duyên dáng xinh đẹp cho các ngài. Vả chăng, tuy các bức tranh cổ thời hình dung các thiên thần dưới hình dạng nam nhi, nhưng ta thấy các ngài cũng để tóc quăn và dài, má hồng môi thắm. Thật khó mà phân biệt được nam hay là nữ giới.

Và có lẽ y phục của các ngài cũng khó mà phân biệt được thuộc phái nào, phải không?

Thực ra trong xã hội cổ thời, y phục giữa nam giới và nữ giới không có gì khác biệt cho lắm. Trước đây, tại Việt Nam, các ông cũng để tóc dài búi tó, và mặc áo dài như các bà. Bên Tây phương, cũng tương tự như vậy. Vào thời cổ, các ông mặc áo thụng, mà vết tích còn duy trì nơi y phục của các linh mục và tu sĩ. Điều đáng chúng ta lưu ý là các hoạ sĩ đã quan niệm thế nào về hình dáng mà màu sắc dành cho y phục của các thiên thần. Cách chung, các vị mặc y phục màu trắng. Đây là lối trình bày dựa theo Kinh thánh, thí dụ khi mô tả các thiên sứ báo tin Chúa Kitô phục sinh (Mt 28,3): màu trắng không những chỉ tượng trưng cho sự thanh sạch nhưng còn tượng trưng cho sự sáng ngời của thiên giới. Ngoài căn bản lấy từ Kinh thánh, các hoạ sĩ cổ thời còn muốn khóac cho các thiên thần nhiều ý nghĩa khác. Các thiên thần mặc áo trắng toát như các thẩm phán và nghị sĩ của Rôma, bởi vì các ngài thuộc hàng chức sắc của triều đình thiên quốc. Về sau, các thiên thần cũng được khóac phẩm phục tư tế, để nói lên vai trò của các thiên thần là tiến dâng hy lễ chúc tụng trước toà Chúa.

Nhưng mà cũng có những bức hoạ vẽ y phục của thiên thần với đủ màu xanh đỏ đấy chứ?

Đúng vậy. Dĩ nhiên mỗi hoạ sĩ có những quan điểm riêng của mình khi nhuộm màu áo của các thiên thần. Tuy nhiên, theo các sử gia, các hoạ sĩ bắt đầu tô màu cho các thiên thần từ khi xuất bản tác phẩm “Phẩm trật thiên quốc” (De coelesti Hierarchia) của ông Đionixiô, vào khoảng thế kỷ V. Theo ông, trên thiên quốc, các thiên thần cũng được phân chia thành các đẳng trật (ông ta nói tới 9 đẳng) cao thấp khác biệt. Vì thế các hoạ sĩ muốn tô màu cho y phục của các thiên thần, nhằm phân biệt các đẳng cấp ấy. Tưởng cũng nên biết là vào thời cổ, người ta rất nể ông Điônixiô, vì tưởng lầm rằng ông ta là đồ đệ của thánh Phaolô, được sách Tông đồ công vụ nhắc đến ở chương 17 câu 34. Tác phẩm của ông được coi như mang nguồn gốc từ các thánh tông đồ. Nhưng mà, như đã nói, khoa sử học hiện đại cho rằng tác giả sống vào thế kỷ V, chứ không phải là đồ đệ của thánh Phaolô. Vì thế ông được đặt tên là Điônixiô giả (Pseudo Dionysius). Các hoạ sĩ bên Đông phương thường cho thiên thần Sêraphim mặc áo màu đỏ, còn thiên thần Kêrubim mặc áo màu xanh dương; số cánh cũng tăng lên 4 và 6. Sang thời Trung cổ, các thiên thần được gán cho nhiều chức vụ khác nhau, vì thế mà y phục cũng trở nên đa dạng: có vị lo việc coi sóc nhân gian, có vị lo chầu trước toà Chúa; có vị lo chiến đấu chống ma qủy, có vị phụ tá trong việc phán xét. Từ đó ta thấy có những thiên thần cầm cân, cầm giáo, hay là gảy đàn múa hát. Và bên cạnh các thiên thần tráng niên còn có các thiên thần tí hon, mình trần chỉ có thêm đôi cánh.

(Giuse Phan Tấn Thành, OP)
114.864864865135.135135135250