28/08/2024 -

Hiểu để sống Đức Tin

693
Một tờ báo Công giáo có bài viết về một cuốn sách cho là đã xác định được những lời Đức Giêsu nói trong các sách Tin Mừng. Chúng ta có nên tin vào các sách Tin Mừng khi những sách này cho chúng ta biết những lời Đức Giêsu đã nói không?


Thời Đức Giêsu không có kỹ thuật thu băng hay quay video, chỉ có một ít bản văn mà thường lại mâu thuẫn nhau, với bấy nhiêu, không thể nào xác định một cách rạch ròi đâu là những lời Đức Giêsu nói. Trong vấn đề này, việc hầu như tốt nhất mà chúng ta, cũng như các chuyên gia nghiên cứu Thánh Kinh, có thể làm được, là nói rằng các bằng chứng chỉ mang tính cách “có lẽ” nhiều ít. Nhiều nghiên cứu loại này còn đang tiếp tục, và góp phần gia tăng hiểu biết của chúng ta về Đức Giêsu cũng như đời sống và sứ điệp của Người.

Ở đây chúng ta chỉ đề cập tới giả thuyết về những gì Đức Giêsu nói trong các sách Tin Mừng, nhưng cần ghi nhớ vài điều. Trước hết, ngay các sách Tin Mừng cũng khác nhau nhiều về các lời của Đức Giêsu. Chẳng hạn, kinh Lạy Cha trong Mátthêu khác với Luca (và cả hai lại khác với kinh mà chúng ta đang dùng), và các lời truyền phép Thánh thể trong bữa Tiệc ly cũng khác nhau giữa các sách Tin Mừng.

Thứ đến, hầu hết các bản văn cổ mà từ đó các sách Thánh Kinh hiện đại dịch ra đều không có dấu ngoặc trích dẫn (ngoặc kép), thậm chí cả dấu phẩy. Không có kiểu chấm câu như của chúng ta bây giờ. Trong các thủ bản ấy, các nhóm từ và câu cứ liên tục, giả định là người đọc sẽ hiểu ý nghĩa. Khi người ta viết, “Đức Giêsu nói thế này… thế này…”, thì tác giả có ý nói đó là lời trích dẫn trực tiếp, hay chỉ là ý tưởng mà Đức Giêsu muốn diễn tả – mà chúng ta gọi là trích dẫn gián tiếp? Câu trả lời cuối cùng là ở nơi phán đoán của người dịch.

Điểm thứ ba, và quan trọng nhất, những người nghe Đức Giêsu nói, và những người biên soạn các sách Tin Mừng và các sách Thánh Kinh khác theo hình thức hiện nay chúng ta có, hầu như không chú ý lắm đến các chi tiết văn phạm như chúng ta. Từ ngữ hoặc cú pháp sử dụng không quan trọng bằng ý nghĩa. Đối với họ, điều đáng quan tâm hơn là giáo huấn của Đức Giêsu được chuyển đạt một cách trung thành, rồi được chuyển dịch từ thể loại ngôn ngữ Aram (ngôn ngữ thường ngày của Đức Giêsu, mặc dù có lẽ Người cũng biết tiếng Hy Lạp và Latin) sang tiếng Hy Lạp, rồi cuối cùng sang các thứ tiếng khác.

Cuốn sách mà bạn đề cập đến có thể hoặc không thể giúp chúng ta hiểu biết về Tân Ước cùng những gì Đức Giêsu đã nói và làm. Tuy nhiên, các sách Tin Mừng như chúng ta đang có gồm chứa sức mạnh thiêng liêng như Lời của Thiên Chúa. Điều quan trọng nhất là thái độ cởi mở đối với Lời đó, và đức tin.
114.864864865135.135135135250