21/08/2024 -

Hiểu để sống Đức Tin

408

Theo các học giả Thánh Kinh, trong suốt cuộc đời, Đức Giêsu luôn ý thức mình là Thiên Chúa. Vậy nếu Đức Giêsu không biết chắc mình là Thiên Chúa, tại sao chúng ta lại nghe theo giáo huấn của Người? Hội thánh dạy gì về vấn đề này? Tại sao chúng ta nhấn mạnh đến nhân tính của Đức Giêsu?

Câu hỏi của bạn liên quan đến hai mầu nhiệm căn bản của đức tin (mầu nhiệm thứ ba là vấn đề Ba ngôi). Chúng ta tin rằng Đức Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật.

Làm sao một con người có thể bao gồm trong mình tất cả những phẩm tính của một Thiên Chúa vô biên cùng với tất cả những phẩm tính (ngoại trừ tội lỗi) của bản chất con người hết sức hữu hạn? Đó là một mầu nhiệm. Đó là câu hỏi mà Kitô giáo thắc mắc từ thuở ban đầu và chúng ta không ngừng cố gắng tìm hiểu thêm, nhưng luôn luôn ý thức rằng, với tầm hiểu biết của chúng ta, thật khó mà có được một sự giải thích đầy đủ.

Dù sao đi chăng nữa, chúng ta cũng phải tôn trọng hai bản tính này, bằng không chúng ta sẽ coi nhẹ điều thiết yếu trong niềm tin của chúng ta về Đức Giêsu là đấng Cứu thế. Chúng ta không thể phủ nhận bất cứ khía cạnh nào của Thiên Chúa như được thể hiện nơi Đức Giêsu. Mặt khác, đức tin và chính Tân Ước khẳng định rằng Đức Giêsu không chỉ xuất hiện ở đây đó như là một con người. Người có bản tính nhân loại hoàn hảo, với tâm trí thực của con người, với ý chí thực của con người, với thân thể thực của con người, với tất cả những gì mà trí khôn, ý chí, và thân thể thiết yếu phải có.

Một số người, đặc biệt trong những thế kỷ đầu, nói về trí khôn của Đức Giêsu đến nỗi hầu như phủ nhận nhân tính của trí khôn ấy. Theo những người này, Người có một thứ “cửa lật” nối kết trí khôn của Người với trí khôn của Thiên Chúa, đặc biệt trong cơn khủng hoảng, khiến cho trí khôn của Người không phải là trí khôn con người mà là trí khôn Thiên Chúa.

Làm sao có thể hiểu điều này được nếu không cho rằng Đức Giêsu thực sự không có một trí khôn nhân loại, một bản tính nhân loại, mà chỉ là “hình như” có mà thôi? Tân Ước thậm chí cũng nói rõ sự khác biệt này. Luca cho chúng ta biết rằng Đức Giêsu sống ở Nazareth, Người “lớn lên trong sự khôn ngoan và tuổi tác và đẹp lòng Thiên Chúa và người ta” (2:52). Ngoài những điều khác liên quan đến bản tính của Đức Giêsu, thư gửi tín hữu Do Thái nói rằng Người học “vâng phục từ đau khổ Người phải chịu” (5:8).

Làm sao có thể nói những điều đó về Thiên Chúa được? Chúng ta không biết. Nhưng rõ ràng Luca và tác giả thư Do Thái đã cảm thấy thoải mái khi nói những điều đó về Đức Giêsu.
Chúng ta phải hết sức thận trọng để cách nói của chúng ta không có nghĩa là phủ nhận thần tính của Đức Giêsu. Thế nhưng chúng ta cũng phải thận trọng để đừng nói điều gì xem ra phủ nhận nhân tính của Người. Đó không phải là vấn đề “nhấn mạnh”, nhưng là nhìn nhận rằng Người thực là con người và cũng thực là Thiên Chúa.

Như tôi đã nói, sự kết hợp hai bản tính nơi Đức Giêsu là một mầu nhiệm. Chúng ta có thể tìm hiểu mầu nhiệm này, nhưng đừng cố gắng giải quyết vấn đề bằng cách bỏ một phần đi. Làm như thế chúng ta sẽ phủ nhận một điều gì đó nơi Đức Giêsu, mà điều đó lại cần thiết cho một nhân tính đích thực.

Mầu nhiệm nhập thể luôn là hòn đá vấp cho những ai muốn làm môn đệ Đức Giêsu. Tuy nhiên, mỗi người chúng ta đối đầu với một thử thách về đức tin khi chúng ta gặp những hệ lụy đầy đủ của mầu nhiệm này. Đối với một số người ngày nay, cũng như đối với những người dân làng Nazareth khi Đức Giêsu trở về viếng thăm, nhìn chung, Người vẫn là người quá khó hiểu.
114.864864865135.135135135250