20/08/2024 -

Hiểu để sống Đức Tin

494

Trong Tin Mừng Luca có một số sự kiện liên quan đến “Đức Giêsu lịch sử”, có vẻ như khác với Đức Giêsu mà chúng ta biết. Đức Giêsu lịch sử là ai?


“Tìm hiểu về Đức Giêsu lịch sử” là một phong trào quan trọng trong việc nghiên cứu Thánh Kinh hồi thế kỷ 20. Nếu được giải thích môt cách thích đáng và thận trọng, phong trào này có thể giúp chúng ta hiểu một số những yếu tố quan trọng trong giáo huấn của Hội thánh về Tân Ước, đặc biệt là Tin Mừng.

Đối với những người mới bắt đầu, cần phải biết đến giáo huấn Công giáo về việc bốn sách Tin Mừng được thành hình trong ba giai đoạn thời gian. Trước hết là sứ vụ cá nhân của Chúa Giêsu, những gì Người thực sự đã nói và làm, những mối quan tâm của Người, những hạng người mà Người tiếp xúc. Một cách có vẻ rất đơn giản để thâu thập những điều này là hỏi: nếu tôi có một “camera” đi theo Người khắp nơi, thì tôi sẽ thu lại những hình ảnh nào?

Giai đoạn thứ hai là giai đoạn loan báo, khi các tông đồ và các môn đệ đầu tiên rao giảng về Chúa Giêsu cho các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, khoảng giữa năm 35 và 70. Các ngài giải thích lời nói và hành động của Chúa Giêsu như thế nào cho những nền văn hóa khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, ngôn ngữ khác nhau? Sứ điệp cứu độ, “Tin Mừng” của Chúa phục sinh đã bắt rễ như thế nào nơi các tín hữu mới?

Giai đoạn cuối cùng là giai đoạn trước tác thực sự, kéo dài từ khoảng năm 65 đến 100. Trong những năm này, “từ những điều được truyền lại”, các tác giả sách Tin Mừng “chọn lựa điều này, giản lược điều khác thành một tổng hợp, giải thích điều nọ theo hoàn cảnh của các hội thánh”. Như vậy, các ngài soạn thảo một bản trần thuật về Chúa Giêsu “theo phương pháp phù hợp với mục đích mà mỗi tác giả đặt ra cho mình”. Mục đích của các ngài, không phải là soạn một “bản tiểu sử” của Đấng Cứu thế, nhưng là vẽ nên một chân dung của Chúa Giêsu để làm nền cho lòng tin vào Chúa Kitô phục sinh (xc. Chỉ dẫn của Ủy ban Giáo hoàng về sự thật lịch sử trong các sách Tin Mừng, năm 1964, và các văn kiện khác).

Điều quan trọng ở đây là phải nhấn mạnh rằng đức tin Kitô giáo tin rằng tất cả mọi điều này xảy ra dưới sự hướng dẫn và linh ứng của Chúa Thánh Thần, Đấng mà Chúa Giêsu đã hứa sẽ ở với cộng đoàn tín hữu của Người qua các thế hệ (Ga 14). Như vậy, chúng ta hoàn toàn không sợ rằng “sự thật” về Chúa Giêsu và sứ điệp của Người có thể bị mất mát hay lầm lẫn vào thời các sách Tin Mừng được viết ra.

Trái lại, diễn tiến đưa đến các văn phẩm này làm cho chân dung của Chúa Giêsu trong bốn sách Tin Mừng trở nên rõ ràng hơn và chắc chắn là có tính cách mặc khải nhiều hơn (ít nhất là xét từ quan điểm loài người chúng ta) nếu các sách ấy được viết sau ngày Chúa sống lại. Một lần nữa, những điều ấy xảy ra cho thấy Chúa Thánh Thần hoạt động như thế nào nơi Hội thánh còn non trẻ.

Như vậy, có thể trả lời cho bạn một cách thật ngắn gọn. “Đức Giêsu lịch sử” là Đức Giêsu “thật sự” đã đi lại trên mặt đất, là Đấng mà chúng ta có thể khám phá ra đang ẩn mình đàng sau những câu chữ và những biến cố trong các sách Tin Mừng hiện tại – những hoàn cảnh trong đời sống của Người, dân chúng sống và làm việc như thế nào vào thời đó, những thực tại xã hội, kinh tế, tôn giáo và chính trị tác động thế nào tới đời sống của họ. Với những động lực và mức độ đức tin khác nhau, các học giả hỏi: Nếu chúng ta nghiên cứu về phương diện lịch sử và khoa học đàng sau những câu chữ trong các sách Tin Mừng, thì liệu chúng ta sẽ hiểu Đức Giêsu “thực” nào, những lời nói và việc làm nào của Người?

Đó là một câu hỏi có giá trị và có tiềm năng soi sáng. Tuy nhiên, cho dù việc nghiên cứu như thế có soi sáng và gợi hứng cho chúng ta, nó sẽ không bao giờ thay thế hoặc làm giảm uy tín một Đức Giêsu mà chúng ta đã biết và yêu mến nhờ đức tin, một Đức Giêsu của các sách Tin Mừng.
114.864864865135.135135135250