18/09/2024 -

Giáo lý cho người trẻ

732

Có lẽ bạn đã từng xem một vở hài kịch về một anh chàng quá nhút nhát đến độ không dám nói lời nào cách trực tiếp với cô bạn gái mà anh yêu mến, để rồi phải viết ra những gì muốn nói và đọc cho cô ấy nghe. “Đọc kinh” cách đơn thuần cũng giống hệt như vậy. Nếu tất cả những gì chúng ta làm là đọc thuộc lòng một vài lời cho Thiên Chúa thay vì nói chuyện cách trực tiếp với Người bằng chính những lời của riêng chúng ta, thì chúng ta cũng y hệt chàng trai trong vở hài kịch. Thi thoảng là vì chúng ta xấu hổ hay lo sợ. Hoặc có thể vì chúng ta nghĩ là Thiên Chúa ở quá xa chứ không phải đang hiện diện tại đây và ngay lúc này, giống như việc bạn chỉ viết thư cho một người bạn khi họ đang ở xa chứ không phải khi họ đang ở ngay sát bên bạn. Tuy nhiên, cả hai nguyên nhân đều không xác đáng vì (1) Thiên Chúa là người bạn và người yêu, chứ không phải ai đó mà bạn phải lo sợ, và (2) Thiên Chúa luôn luôn ở sát bên bạn, không bao giờ vắng mặt (x. Tv 139,1-18).

Những lời kinh bổn là điều rất tốt, thế nhưng những lời kinh ấy không nên thay thế hẳn những lời cầu nguyện riêng tư. Bạn nghĩ sao về một người bạn mà chẳng bao giờ họ nói chuyện với bạn trực tiếp mà chỉ toàn đọc cho bạn những bức thư?

Những lời kinh bổn, được viết ra trước, có ba công dụng chính: (1) dành cho những buổi thờ phượng chung, theo nhóm, tạo nên bầu khí hiệp nhất; (2) như những bài hát mà bạn dâng lên Thiên Chúa, khi bạn muốn hát một bài hát cho người yêu dấu – động lực cho ước muốn đó không phải phát xuất từ sự sợ hãi, xấu hổ hay xuất phát từ ý nghĩ sai lầm rằng, Thiên Chúa thì ở xa chứ không phải đang hiện diện tại đây, lúc này; và (3) được dùng như một sự khởi đầu cho lời cầu nguyện riêng tư, theo kiểu đường băng dành cho máy bay của những lời cầu nguyện riêng tư của chính bạn dùng để cất cánh.

Cầu nguyện chỉ đơn giản là trò chuyện với Thiên Chúa. Đó là điều dễ làm nhất trên thế giới này. Nó còn dễ hơn nói chuyện với người ta, bởi vì luôn có khả năng là những người ấy sẽ (1) hiểu lầm chúng ta, không thực sự nhận biết được chúng ta, hay (2) hạ nhục, không chấp nhận chúng ta hoàn toàn. Thế nhưng, Thiên Chúa là Đấng (1) toàn tri và (2) giàu lòng thương mến. Người (1) không bao giờ hiểu lầm bạn, thậm chí khi bạn hiểu lầm chính mình. Người đọc được tâm hồn bạn đằng sau những lời nói. Và (2) Người không bao giờ hạ nhục bạn. Thậm chí khi Giuđa chuẩn bị phản bội, Đức Giêsu vẫn gọi ông là “bạn hữu” (Mt 26,50); và Người cũng cầu nguyện cho những người lính Rôma tham gia vào việc giết hại Người: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,24). Đó là vì Thiên Chúa mà chúng ta cầu nguyện. Nếu chúng ta đang gặp sầu khổ, Người liền biết được. Người đã khóc tại mồ nơi bạn của Người là anh Ladarô chết (Ga 11,35). Nếu chúng ta nhận thấy nơi mình có những điều không thể hiểu được, thì Người hiểu hết tất cả. Thậm chí tội lỗi của chúng ta cũng không phải là chướng ngại vật nếu chúng ta biết hối cải, ăn năn, vì Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ ngay lập tức.

Thi thoảng, có thể Thiên Chúa sẽ cố ý dẫn chúng ta đến tình trạng không biết nói gì, ngõ hầu chúng ta có thể vượt xa khỏi lời nói và nghỉ ngơi trong cánh tay của Người (Tv 131). Những người bạn, người yêu, và thành viên trong một gia đình yêu thương nhau thì thường giao tiếp với nhau bằng sự thinh lặng sâu sắc hơn là bằng lời nói. Tại sao lại không thử lắng nghe Thiên Chúa? Bạn sẽ không nghe thấy lời nói bằng đôi tai của bạn, nhưng sẽ nghe được sự bình an và tình yêu bằng con tim của mình, vì Thiên Chúa chính là bình an và tình yêu đó (1Ga 4,8).

Chẳng có một lý do nào trên thế giới này khiến bạn phải sợ hãi khi mở toang con người mình, chân thành và trở nên thân thiết với Thiên Chúa, bởi vì “trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8,39).
114.864864865135.135135135250