06/08/2024 -

Giáo lý cho người trẻ

878

Mỗi người sẽ có câu trả lời khác nhau cho câu hỏi này. Ai là người trả lời đúng? Còn Đức Kitô thì sao? Chẳng phải Người có quyền trả lời cho câu hỏi làm Kitô hữu có nghĩa là gì, tức là trở thành kẻ đi theo Người đó sao?

Người nói gì? Người bảo những kẻ đi theo Người hãy nên một với Người, tháp nhập vào trong thân thể của Người. “Thầy là cây nho, còn anh em là cành” (Ga 15,5) – cùng một sự sống, cùng một thân cây. Mỗi Kitô hữu là một nhánh của Đức Kitô, một phần của Người. Cùng nhau, các Kitô hữu làm nên Hội thánh, thân thể của Đức Kitô (Ep 5,30; Cl 1,18). Công đồng Vaticanô II đã định nghĩa Hội thánh là: “Dân Thiên Chúa”.

Làm một Kitô hữu là trở thành phần tử của Hội thánh. Thế nhưng Hội thánh không chỉ là một tòa nhà hay một thể chế hữu hình. Thể chế hữu hình là dáng vẻ của thân thể, là lớp da bọc bên ngoài. Còn sự sống của thân thể chính là Đức Kitô. Người là trái tim của Hội thánh, là linh hồn của Hội thánh.

Chúng ta trở thành chi thể của Đức Kitô, được tháp nhập vào thân mình Đức Kitô nhờ Bí tích Rửa tội, và sau này chúng ta sẽ xác quyết điều đó bằng đức tin.

Điều này được mô tả như là một cuộc sinh nở mới. Ông Nicôđêmô đã bàn hỏi về vấn đề này với Đức Giêsu (Ga 3,1-17; Tt 3,5). Khi chúng ta được rửa tội và tin tưởng một đời sống mới từ Thiên Chúa sẽ đi vào trong linh hồn chúng ta. Nó không phải là sự sống thể lý sinh học, sự sống mà chúng ta có được từ bố mẹ mình, nhưng là sự sống thiêng liêng, sự sống siêu nhiên xuất phát từ Chúa Cha, Đấng ngự trên trời.

Vì vậy, làm một Kitô hữu là điều gì đó hơn cả việc chỉ tin tưởng vào các giáo huấn của Đức Kitô cũng như cố gắng tuân theo những lệnh truyền của Người. Nó còn hơn cả việc chỉ tin tưởng và thi hành điều gì đó, cho dù chắc chắn việc làm Kitô hữu phải có hai điều trên; nó là việc trở nên một tạo vật mới. “Cho nên, phàm ai ở trong Đức Kitô đều là thụ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi” (2Cr 5,17).

Làm một Kitô hữu thì giống như trở thành một con bươm bướm thay vì là một con sâu bướm vậy. Đó là một sự thay đổi thực sự, một sự thay đổi bên trong cái mà mình là, không chỉ là một sự thay đổi trong tư tưởng và hành động dù nó cũng phải có hai điều này.

Đức Giêsu đã dùng những từ ngữ khác nhau để diễn tả đời sống siêu nhiên vốn biến chúng ta thành một thụ tạo mới. Người gọi đó là “Sự sống đời đời”, “Vương quốc Thiên Chúa” và “Vương quốc Nước Trời”. Đức Giêsu nói sự sống ấy là thứ quý giá và quan trọng nhất trên thế gian này, quan trọng đến nổi đáng để từ bỏ tất cả để đạt được. Người nói: “Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy” (Mt 13,45-46).

Viên ngọc này là sự sống đời đời. Nó bắt đầu ngay lúc này, trong cuộc đời này và tiến về Quê Trời khi chúng ta chết đi. Nếu có trong mình sự sống đến từ Thiên Chúa ấy, thì chúng ta có thể sống với Thiên Chúa, nhìn thấy Người, yêu mến Người và tận hưởng Người mãi mãi trong một trạng thái vui sướng vô hạn và không thể tưởng tượng được. Nếu không có sự sống ấy chúng ta là những kẻ thất bại theo một cách thức thực sự đáng kể: thất bại muôn đời.

Và tất cả những gì chúng ta phải làm để có được sự sống đời đời đó là phải chấp nhận sự sống ấy trong đức tin. Đó là một món quà. “Ai khát, hãy đến; ai muốn, hãy đến lãnh nước trường sinh mà không phải trả tiền” (Kh 22,17). Một món quà thì phải được trao ban cách tự do đồng thời phải được chấp nhận trong sự tự do. Thiên Chúa tự do trao ban cho chúng ta món quà này, chúng ta phải chấp nhận nó cách tự do. Chúng ta đã không được tự do trong việc nhận sự sống thể lý từ cha mẹ mình. Không ai hỏi xem chúng ta có muốn sinh ra đời không. Thế nhưng Thiên Chúa thì lại hỏi xem chúng ta có muốn sinh ra trong gia đình của Người không. Đức tin là câu trả lời có trước lời đề nghị này.
114.864864865135.135135135250