26/02/2011 -

Giáo hội Việt Nam

1925

 


 


THỜI WTO, ĐE DỌA HAY CƠ MAY


CỦA ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN NGƯỜI CÔNG GIÁO VIỆT NAM?


 


Nguyễn Trọng Viễn O.P.


 


Nói đến đời sống đức tin thời đại kinh tế thị trường, rồi thời đại kinh tế hội nhập, có lẽ nhiều người có cảm nghĩ rằng đó là một thời đại có nhiều nguy cơ đe dọa đời sống đức tin của người tín hữu Công giáo. Tuy nhiên, nếu chúng ta thấy những nỗ lực tìm công bình bằng phương cách cào bằng của thời bao cấp có tính chất khiên cưỡng nào đó, thì chúng ta cũng nhận ra việc chấp nhận những yếu tố của nền kinh tế thị trường không phải chỉ là một sự bắt buộc phải giảm bớt đòi hỏi luân lý vì sự yếu kém của con người. Việc chuyển đổi từ nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường không phải chỉ có ý nghĩa là vì con người luôn có sự ích kỷ và ham lợi, và vì điều đó không thể hoặc chưa thể vượt qua được, nên người ta đành phải chấp nhận nguyên tắc cạnh tranh lợi nhuận. Thật ra, từ bầu khí khiên cưỡng của nền kinh tế bao cấp, chúng ta nhận ra một số giá trị chân thật của nền kinh tế thị trường : tôn trọng cá nhân người tiêu dùng như là những chủ thể; nỗ lực khám phá nhu cầu thật của con người từ một sự “nghiên cứu thực tế” chứ không phải những cảm nhận chủ quan hoặc những tính toán trên lý thuyết; việc đáp ứng nhu cầu của con người phải dựa trên nguyên lý hấp dẫn, nguyên lý của cái “đẹp” chứ không phải nguyên lý của một thứ “chân lý” được làm sẵn để áp đặt trên người khác,…


Trong bầu khí kinh tế thị trường, chẳng những chúng ta có thể khám phá ra được những nguyên lý vận hành tốt đẹp trong đời sống đức tin của ngươi tín hữu công giáo, nhưng còn có cơ may định hướng một cách chân thật hơn trong nỗ lực mục vụ của các người lãnh đạo trong Giáo hội trong thời đại mới; nhất là cơ may khám phá những giá trị đích thực của Tin mừng. Bởi vì cơ cấu của một nền kinh tế thị trường, hoặc mạnh hơn nữa là cơ cấu cạnh tranh khốc liệt của thời đại WTO, mặc dù trước mắt có thể làm suy yếu nếp sinh hoạt rầm rộ quen thuộc của Giáo hội, nhưng đó cũng có thể là một thách đố giúp cho sinh hoạt của Giáo hội Việt Nam tìm lại khuôn mặt nguyên tuyền hơn của mình.


1. Một sự thay đổi theo chiều hướng tôn trọng “thượng đế” hơn


Thời kinh tế thị trường, nhất là thời kinh tế hội nhập vào trào lưu kinh tế của thế giới, thời đại WTO, là thời đại người bán hàng phải hết sức tôn trọng khách hàng, tôn trọng như “thượng đế” vậy. Nguyên tắc ấy trước tiên, biểu lộ một sự đảo ngược trọng tâm của vận hành kinh tế; chính nhu cầu của người tiêu dùng mới là điểm qui chiếu của hoạt động kinh tế chứ không phải một chương trình ít phản ảnh được nhu cầu thực sự. Có lẽ điều trước tiên sẽ xảy đến trong sinh hoạt của Giáo hội Việt Nam là : sống trong bầu không khí ấy, chắc chắn càng ngày người tín hữu sẽ nhận ra sự phi lý, hoặc sự nặng nề của tổ chức trong Giáo hội Việt Nam. Nhìn vào sinh hoạt của Giáo hội Việt Nam, đặc biệt là những giáo xứ hoặc những giáo phận ít nhiều mang tính cách “toàn tòng”, chúng ta có thể thấy hầu hết vẫn vận hành theo kiểu lấy ý muốn của cha xứ làm trọng tâm, hoặc đặt ưu tiên cho một trật tự ổn định, một nề nếp quen thuộc của giáo xứ hơn là đáp ứng những hoàn cảnh thực tế của đa số người tín hữu. Những hoàn cảnh cá biệt thì dĩ nhiên là bị loại trừ không thương xót. Các linh mục, và cả các giám mục, hình như vẫn quen đánh giá một tập thể trong Giáo hội theo tiêu chuẩn nề nếp chung, trật tự chung, một thứ “chủ nghĩa xếp hàng” nào đó buộc mọi người phải đáp ứng những đòi hỏi như nhau để được những ân huệ như nhau. Sinh hoạt giáo xứ chỉ được quan tâm ở những tổ chức, những sinh hoạt chung chứ ít khơi lên và nuôi dưỡng được một “khung trời” tự do nội tâm, một thứ “bản lãnh” nội tại của người tín hữu trong đời sống đạo, và như thế, đời sống đức tin của người tín hữu chỉ thể hiện một thứ “đạo sinh hoạt”, treo đời sống đức tin của mình vào những tổ chức, những sinh hoạt đạo đức chứ không thực sự sống đức tin như một người trưởng thành.


Thứ đến, ta có thể thấy rằng nguyên tắc tôn trọng “thượng đế” của nền kinh tế thị trường cũng phản ảnh một chút tinh thần của Tin mừng, của tinh thần Tân Ước, nghĩa là nghĩa là tinh thần của người mục tử đi tìm con chiên lạc chứ không phải chờ con chiên trở về; chỉ có điều là nếu châm ngôn khách hàng là “thượng đế” của kinh tế thị trường nhằm o bế những người có tiền, thì tinh thần của Tin mừng lại đòi hỏi người mục tử quan tâm đến những người nghèo, nghèo cả về vật chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, trong đời sống của Giáo hội Việt Nam, chúng ta nhận thấy, nói chung, người mục tử ít tôn trọng nhu cầu riêng của người tín hữu. Nhất là những “người nghèo”, những người có hoàn cảnh riêng biệt thì thường không đựơc tôn trọng và không được lắng nghe để tìm được cách giải quyết. Giáo quyền thì thường vẫn giải quyết vấn đề theo kiểu “không kiểm soát được thì cấm”; biện pháp ấy có thể ngăn chặn được một số lạm dụng, nhưng cũng luôn bao hàm những áp đặt oan ức cho một số người khác, những người có hoàn cảnh khó khăn thực sự, những “người nghèo” thực sự, những người có nhu cầu thực sự cần được linh động giải quyết. Một số giáo phận và một số cha xứ không muốn hoặc hạn chế tối đa việc giải quyết phép chuẩn hôn nhân chẳng hạn, theo tôi, đó là một thứ biện pháp giải quyết theo kiểu “không kiểm soát được thì cấm”.


Không kể những lý do về não trạng, về đạo đức, theo phân tích xã hội, chúng ta có thể nhận ra lý do sâu của tình trạng nói trên cũng chính là qui luật cung-cầu. Nếu xét theo qui luật cung cầu thì trong Giáo hội Việt Nam hiện nay, người linh mục không cần giáo dân mà giáo dân cần linh mục; nghĩa là cung không đủ cầu. Chính điều đó làm cho người linh mục càng ngày càng ít quan tâm đến việc “lên đường đi tìm con chiên lạc”, ít nỗ lực xoay sở để loan báo Tin mừng; nhưng thường phải thoả mãn nhu cầu tâm linh của người giáo dân một cách bất đắc dĩ; hoặc đạo đức hơn thì cũng dừng lại ở mức độ một người mục tử liêm chính, chu toàn trách nhiệm đòi hỏi của một người công chức. Những tính cách như thế khác xa mẫu mực của người mục tử mang ngọn lửa của sứ vụ trong tim. Tình hình mất quân bình theo luật cung cầu như thế làm cho người linh mục cũng như những sinh hoạt trong giáo xứ rất dễ diễn tiến theo kiểu ban phát, theo cơ chế xin cho như chúng ta thấy trong xã hội thời kinh tế bao cấp trước đây.


2. Khám phá nhu cầu thật của người tín hữu


Khi người nông dân không có khả năng để đi vào thời đại cơ khí hoá, anh ta vẫn “trung thành” với con trâu. Thế nhưng, trong tình hình chung của nền sản xuất cơ khí hóa, anh nông dân sẽ phải nhìn sang mảnh ruộng bên cạnh, để thấy chiếc máy cày đi quá mau, cầy xới đất quá tốt, rồi anh ta đâm ra bực tức, quát nạt con trâu già của mình để nó đi nhanh hơn, cầy xới đất tốt hơn. Thế nhưng con trâu không thể nào trở thành chiếc máy cày được; con trâu ì ạch kéo cày và lãnh nhận những đòn roi vô lý từ anh nông dân chậm tiến. Đó là thứ bệnh tạm gọi là bệnh “quát nạt những con trâu già”; bệnh của những người “mục đồng” không theo kịp được diễn tiến mới của thời đại, không đủ sức “leo lên máy cày” để hướng dẫn người tín hữu trong thời đại mới, và để bù trừ thì người mục tử ấy trút tất cả nỗi giận của mình lên những con trâu khốn khổ, dựa theo những thói quen của một thời đại đã qua : phải ăn mặc đồng phục khi đi lễ, không được đi lễ trễ, phải ngồi vào hàng ghế trên, phải xưng tội vào đúng giờ quy định, phải làm thủ tục hôn phối đúng giấy tờ… ; người mục đồng ấy trách móc người tín hữu không tha thiết với việc nhà thờ, người mục đồng ấy kêu than người tín hữu đam mê kiếm tiền và ham mê thăng tiến theo thế gian…; người mục đồng ấy không hiểu được những thúc bách gay gắt của thời đại mới, những nhu cầu chính đáng, những thách đố gay gắt của con người trong thời kinh tế thị trường, người mục đồng ấy không cảm thông được những thất bại đau thương và cả những hoàn cảnh bi đát khiến nhiều người không thể vào nhà thờ đúng giờ, không thể lên hàng ghế trên để ngồi cách thanh thản, không thể đi xưng tội đúng giờ…


Chúng ta có thể thấy rõ là Giáo hội Việt Nam chưa có, hoặc chưa có một cách phổ biến, việc nghiên cứu mục vụ có tính cách “khoa học” để có thể “cảm” được những biến động xâu xa trong tâm hồn con người trước tác động của thời đại mới, nhất là không có được những đường hướng có tính chiến lược trong kế hoạch mục vụ của mình. Hình như các đấng bậc có trách nhiệm cao nhất trong Giáo hội Việt Nam ít dám nghĩ và dám làm, nên không thấy được những vấn đề trong Giáo hội của mình và cũng không đưa ra được một đường hướng rõ rệt nào cả. Điều ấy khiến những những người có trách nhiệm thường đưa ra những biện pháp “kỷ luật” không nhằm một chiến lược nào cả mà chỉ là những biện pháp có tính cách đối phó tình thế; và đó chính là mảnh đất tốt cho căn bệnh “quát nạt những con trâu già”.


Chẳng hạn, chúng ta có thể thấy khá rõ Giáo hội Việt Nam nói chung và người tín hữu nói riêng quá thiếu sót trong khía cạnh sống chứng ta Tin mừng giữa trần thế; hầu hết các hội đoàn của chúng ta mang tinh cách của một thứ hội đạo đức nhiều hơn là sống tinh thần công giáo tiến hành, nghĩa là qui tụ người tín hữu thuộc đủ mọi thành phần vào những việc đạo đức như nhau chứ ít khi giúp cho người tín hữu sống Tin mừng trong nghề nghiệp, trong môi trường sống của mình như một lời chứng. Chẳng hạn người tín hữu trong Giáo hội Việt Nam thường “treo” đời mình vào sinh hoạt chung hơn là sống đức tin với sự tự chủ, tự nguyện từ chính bản thân; từ đó, người tín hữu đạo đức dễ trở thành những người vui với những sinh hoạt đạo đức chứ không phải là những người thực sự có mối tương quan sống động với Chúa Giêsu; điều đó làm cho người tín hữu đọc kinh giỏi chứ không biết cầu nguyện và hết giờ sinh hoạt của nhà thờ thì không biết làm gì. Chẳng hạn người tín hữu Việt Nam thường tìm cách chu toàn lề luật hoặc né luật chứ không biết sống với Chúa trong một lương tâm sáng suốt và ngay thẳng; chẳng hạn người tín hữu Việt Nam không có khả năng sáng tạo bản thân mình để đáp lại thánh ý Chúa đối với mình… Những nhận định như thế, nếu được đón nhận một cách khoa học hơn, nếu được đưa vào trong chiến lược phát triển của Giáo hội, thì chúng ta cần có những lối mở : chẳng hạn khuyến khích các linh mục hỗ trợ nhiều hơn các nhóm công giáo tiến hành (nếu cần có thể dâng lễ thứ ba hoặc thứ bốn cho các buổi hội họp của họ); chẳng hạn khuyến khích tạo bầu khí thinh lặng trong phụng vụ, khuyến khích việc chầu Thánh Thể riêng, tập cho tín hữu biết đọc Kinh Thánh trong suy niệm và cầu nguyện; chẳng hạn nên để rộng một số quy định để người tín hữu tập dần biết sống với Chúa trong sự tự chủ của lương tâm mình nhiều hơn…


3. Cơ may thể hiện những giá trị chân chính của Tin mừng


Tôi thường nghĩ rằng một Giáo hội không mang trọng trách loan báo Tin mừng, một Giáo hội mà cán cân truyền giáo không cân xứng, thì những thành phần trong Giáo hội ấy, linh mục và tín hữu, thay vì nhận thấy những giá trị nhân bản Kitô giáo đích thực để giới thiệu cho người khác, sẽ ta chỉ quanh quẩn xét nét nhau trong nội bộ và tạo ra bao nhiêu những lễ nghĩa rườm rà mà thôi. Giáo hội đóng kín ấy thích đề cao chuyện danh giá hơn thua; tô vẽ những sinh hoạt hình thức rầm rộ; đặt ra nhiều qui luật đòi hỏi nhau một cách khó khăn… Những yếu tố như thế chúng ta có thể thấy khá rõ trong các xứ đạo toàn tòng hoặc những giáo phận có nhiều tính cách “toàn tòng”.


Cũng thế, với thách đố của bầu khí kinh tế thị trường, người mục tử không thể dễ dàng đưa ra những áp đặt kỷ luật theo kiểu từ trên xuống, nhưng luôn phải khám phá nét đẹp của Tin mừng để giới thiệu, để mời gọi, để thuyết phục; người tín hữu sẽ nhậy bén hơn để thấy được cái kỳ cục trong lối sống của mình… Trong bầu không khí kinh tế thị trường, người ta luôn hy vọng vào một lời đáp trả tự nguyện của “người tiêu dùng”. Bầu không khí “cạnh tranh” như thế buộc người mục tử phải đi vào “cuộc chơi” một bình đẳng hơn.


Một cách nào đó, nền kinh tế phân phối vận hành theo chiều hướng : “cái thiện” được chuyển tải theo nẻo đường “cái chân” để đến với người tiêu dùng; vận hành ấy dễ trở thành một sự áp đặt của bên sản xuất đối với bên tiêu dùng. Trong khi đó, vận hành của nền kinh tế thì trường lại đi theo chiều hướng “cái thiện” chọn con đường “cái mỹ” để kêu gọi, để “quyến rũ” được sự đáp ứng của người tiêu dùng; vận hành này mang tính cách của một cuộc “đối thoại” bình đẳng nhằm tìm ra chân lý. Trong đường hướng của nền kinh tế phân phối, người ta đã có sẵn “cái thiện” từ trước, người ta xác tín vào “cái thiện” ấy và tìm biện pháp buộc người khác phải chấp nhận bằng một hệ thống ý niệm chặt chẽ. Ngược lại, trong đường hướng của nền kinh tế thị trường, “cái thiện” của tôi được đưa vào cuộc thử luyện, vào cuộc cạnh tranh trên bình diện giá trị (cái mỹ) để có thể tự chứng tỏ phẩm chất của mình. Khi mà nhu cầu cuộc sống trở nên phong phú và đa dạng, người ta không chỉ cần ăn no mặc ấm, nhưng cần ăn ngon mặc đẹp, thì đường lối của nền kinh tế phân phối không thể đáp ứng được nữa, nhưng chính tính cách năng động của nền kinh tế thị trường mới có thể tạo ra được mối tương quan song phẳng hơn giữa người sản xuất và người tiêu dùng, cũng như sáng tạo ra được những hàng hóa thích hợp cho nhiều nhu cầu mới.


Chúng ta có thể thấy một qui luật vận hành tương tự như vậy trong đời sống Giáo hội. Trong một giáo xứ toàn tòng chẳng hạn, các linh mục thường áp dụng đường lối của một thứ “kinh tế phân phối” trong cách tổ chức và sinh hoạt; trong đó, có rất nhiều những qui định chẳng những làm khó cho người tín hữu nhưng nhất là còn làm lu mờ các giá trị nhân bản cung như những giá trị cứu độ của Tin mừng. Ngược lại, khi phải đối diện với người khác tôn giáo, hoặc khi phải đối diện với bầu khí kinh tế thì trường mà trong đó có rất nhiều giá trị khác, nhiều tổ chức khác có thể quyến rũ tâm hồn con chiên, thì người mục tử sẽ thấy phải làm sáng nét đẹp tinh tuyền, cao quý của của đạo Chúa.


Quả thật, nhiều linh mục, và cả nhiều tín hữu nữa, đã quá quen với cơ chế xin-cho, quen với mối tương quan bề trên-bề dưới, quen với cung cách đòi hỏi chứ không chịu lụy phiền, quen với sự khoái trá được phục vụ chứ không phải phục vụ,… và không nhận ra được nhiều sự kỳ cục thậm chí đến mức quái dị đi ngược hoàn toàn với tinh thần của Tin mừng. Có thể chính bầu không khí mới của nền kinh tế thị trường, bầu khi cạnh tranh gay gắt của thời đại WTO sẽ là những yếu tố tạo nên một sự cải tổ bắt buộc đối với những môi trường Giáo hội; và như thế, cũng có nhiều cơ may làm sáng lên nhiều giá trị đẹp của Tin mừng Đức Giêsu hơn.


Tạm kết


Bầu khí kinh tế thị trường trước hết sẽ trở thành một lời chất vấn đối với nề nếp sinh hoạt của Giáo hội Việt Nam. Khi người tín hữu không tìm thấy được trong Giáo hội những đáp ứng cho nhu cầu tâm linh chân chính và có tính nhân-thân của mình, thì sẽ có một số người bỏ Giáo hội, hoặc tìm đến những giải pháp khác; và khi mà các người có trách nhiệm trong Giáo hội không “trả lời” được cho lời chất vấn ấy một cách tự nguyện, thì sẽ đến lúc chính qui luật cung cầu sẽ trở thành một qui luật khách quan buộc Giáo hội Việt Nam phải thay đổi cung cách của mình; nghĩa là khi mà người tín hữu ngán ngẩm và không còn nhiều nhu cầu về tôn giáo nữa, hoặc đúng hơn người tín hữu không còn chấp nhận được tính cách bị bó buộc trong Giáo hội nữa, thì các đấng bậc trong Giáo hội mới cuống cuồng chạy theo để vớt vát. Có người đã phải nói rằng : tôi sốt ruột vì chưa thấy Giáo hội Việt Nam suy sụp. Đó không phải là lời của một người chủ trương xóa bỏ tôn giáo, nhưng là nỗi lòng của một linh mục nhận thấy rằng : vì Giáo hội Việt Nam không có vị thánh để thực hiện được một sự cải tổ từ bên trong, thì đành phải chấp nhận qui luật gay gắt của một sự cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường để có được một sự cải tổ bắt buộc từ bên ngoài vậy.

114.864864865135.135135135250