HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
THƯ GỬI CỘNG ĐỒNG DÂN CHÚA
Anh chị em thân mến,
1. Trong Tông Hiến Venerabilium Nostrorum, ngày 24 tháng 11 năm 1960, Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII công bố việc thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam. Năm nay 2020, chúng ta kỷ niệm 60 năm sự kiện đáng nhớ này. Chúng tôi vui mừng được gặp gỡ nhau trong Hội Nghị thường niên, tại Trung Tâm Mục Vụ của Tổng Giáo Phận Sài Gòn – Thành Phố Hồ Chí Minh, xin gửi lời chào thân ái đến toàn thể cộng đồng Dân Chúa và mong muốn chia sẻ cùng anh chị em vài tâm tình về đời sống và sứ mệnh Giáo Hội.
2. Trong Tông Thư Jam in Pontificatus (1961), Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII viết: "Từ nay hầu hết các giáo phận ở Việt Nam sẽ do các Giám Mục bản quốc quản trị. Sự kiện đó minh chứng cách hùng hồn sự trưởng thành và khả năng của hàng giáo sĩ bản xứ nay đã đông đúc và được huấn luyện đầy đủ". Tại thời điểm đó, ở Việt Nam có khoảng 1.500.000 (một triệu rưỡi) người Công Giáo thuộc 17 giáo phận, ngày nay trên toàn quốc, có khoảng 7.000.000 (7 triệu) trong 27 giáo phận. Đây là dấu hiệu sự trưởng thành và phát triển của Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam, mặc dù việc loan báo Tin Mừng vẫn còn nhiều giới hạn. Chúng ta cùng nhau tạ ơn Thiên Chúa là nguồn mọi ân phúc, và tri ân các bậc tiền nhân về di sản cao quý các ngài để lại bằng mồ hôi và nước mắt, đôi khi bằng cả máu đào minh chứng niềm tin. Tâm tình tri ân đích thật không chỉ mời gọi chúng ta đón nhận mà còn phải sống, khai triển và chuyển tải di sản các ngài để lại, cách riêng là sự hiệp thông trong Giáo Hội và sứ mệnh làm muối cho đời, ánh sáng cho trần gian (x. Mt 5,13-16).
3. Từ khi thiết lập Hàng Giáo Phẩm tới nay, dù phải đối diện với không ít khó khăn, thử thách, Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam vẫn luôn duy trì sự hiệp thông với Đức Thánh Cha và Giáo Hội hoàn vũ, cũng như giữ gìn sự hiệp thông trong Giáo Hội tại quê nhà. Mỗi người chúng ta cần ý thức đóng góp phần mình vào việc xây dựng sự hiệp thông đó như thánh Phaolô kêu gọi: "Xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn, là hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau. Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác" (Pl 2,2-4).
Trong bối cảnh hiện tại, chúng tôi cũng rất quan tâm đến những lệch lạc trong đời sống đức tin nơi một vài phong trào đạo đức, có thể do thiếu hiểu biết giáo lý, hoặc do những bất cập trong các hoạt động mục vụ tại một số giáo xứ. Vì thế, xin anh em linh mục, với đức ái mục tử, hãy nỗ lực đồng hành với anh chị em trong các giáo xứ nhằm giúp họ trở thành những môn đệ và tông đồ thực thụ của Đức Giêsu, Đấng là đường, là sự thật và là sự sống của tất cả mọi người (x. Ga 14,6).
4. Hiệp thông trong Giáo Hội là để "cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống" (Kinh Đức Mẹ La Vang). Thật vậy, "vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô" (Hiến chế Mục Vụ, 1). Với tinh thần đó, trong những ngày này, chúng tôi kêu gọi anh chị em tích cực tham gia vào việc cứu trợ nạn nhân bão lụt tại miền Trung. Đồng thời, để ngăn ngừa dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát, chúng ta hãy tuân thủ những quy định về y tế và góp phần với toàn xã hội trong việc xây dựng môi trường sống lành mạnh.
5. Để bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống, chúng tôi cũng muốn lưu ý anh chị em về việc sử dụng các phương tiện truyền thông. Trong thế giới ngày nay, các phương tiện truyền thông hiện đại là khí cụ hữu hiệu đế mở rộng tâm trí, kết nối yêu thương và gia tăng tình liên đới. Đáng tiếc là có nhiều người sử dụng các phương tiện truyền thông để gây chia rẽ hơn là hiệp nhất, gieo rắc hận thù hơn là tình yêu, cổ vũ lầm lạc hơn là chân lý. Là người Công Giáo, chúng ta phải sử dụng các phương tiện truyền thông để phục vụ chân lý, tình yêu và hiệp nhất để đóng góp cho sự phát triển toàn diện của con người. Mới đây, ngày 10 tháng 10 năm 2020, tại vương Cung Thánh Đường Thánh Phanxicô Assisi, Carlo Acutis (1991-2006) được tuyên phong Chân Phước. Ngài là mẫu gương tiêu biểu cho chúng ta trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông để loan báo Tin Mừng tình yêu của Thiên Chúa cho anh chị em đồng loại.
6. Thế giới kỹ thuật số cũng là "ngôi nhà" thân thương của người trẻ. Giáo Hội luôn quan tâm đến người trẻ, vì thế Giáo Hội Việt Nam dành ba năm 2019-2022 để tập trung vào mục vụ giới trẻ. Chủ đề mục vụ của năm 2021 tới đây là "Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình". Gia đình là nơi người trẻ tập sống tương quan căn bản với Thiên Chúa trong cầu nguyện, tương quan hiếu thảo với cha mẹ, và tương quan huynh đệ với anh chị em trong nhà. Gia đình cũng là nơi người trẻ học tập những đức tính nhân bản như trung thực, quảng đại, phục vụ, tinh thần trách nhiệm. Ước mong các bạn trẻ cùng với cha mẹ mình vun đắp gia đình thành ngôi nhà cầu nguyện, mái ấm yêu thương và nơi đào tạo con người trưởng thành toàn diện.
Chúng ta đang sống trong tháng Mân côi, xin Đức Mẹ Mân côi giúp chúng ta biết noi gương Mẹ thưa "Vâng" với Lời Chúa và trở thành sứ giả loan báo Tin Mừng cho người khác, bằng đời sống chan chứa yêu thương và dấn thân phục vụ.
Làm tại Trung tâm mục vụ TGP. Sài Gòn - TP. HCM,
Ngày 15 tháng 10 năm 2020
Chủ tịch HĐGMVN
đã ký
TGM. Giuse Nguyễn Chí Linh
Tổng Giáo phận Huế
Tổng thư ký HĐGMVN
đã ký
Gm. Phêrô Nguyễn văn Khảm
Giáo phận Mỹ Tho
Download file PDF tại đây.
Nguồn:hdgmvietnam.com