Hoạt động thứ hai của Đức Thánh cha tại Hy Lạp diễn ra lúc gần 4 giờ chiều, ngày 04 tháng Mười Hai. Ngài đến Tòa Tổng giám mục Chính thống Hy Lạp để gặp Đức Tổng giám mục Giáo chủ Ieronymos II của giáo phận Athènes và toàn Hy Lạp.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Đức Giáo chủ năm nay 83 tuổi (1938) trong một gia đình gốc Albani. Nguyên là một giáo sư đại học về khảo cổ, ngài đã bỏ sự nghiệp này để đi tu và được chọn làm giám mục hồi năm 1981, và từ 13 năm nay làm Tổng giám mục giáo chủ.
Đến nơi vào lúc 4 giờ chiều, Đức Thánh cha hội kiến với Đức Tổng giám mục Giáo chủ tại thư phòng, trước khi gặp chung đoàn tùy tùng của Đức Tổng giám mục tại sảnh đường Ngai Tòa. Tại đây, Đức Thánh cha và Đức Tổng giám mục đã hôn sách Tin mừng trước khi ngồi vào ghế.
Diễn từ của Đức Thánh cha
Lên tiếng trong cuộc gặp gỡ, sau lời chào mừng của Đức Tổng giám mục Ieronymos II, Đức Thánh cha bày tỏ vui mừng vì được gặp lại Đức Tổng giám mục giáo chủ, 5 năm sau cuộc gặp gỡ tại đảo Lesbo Hy Lạp, nhân cuộc viếng thăm của ngài tại trại tị nạn ở đảo này. Ngài nhắc đến bao nhiêu căn cội chung từ thời các tông đồ giữa Công giáo và Chính thống, từ các công đồng chung đầu tiên, và nói rằng:
Tái xin lỗi về những lỗi lầm của Công giáo
“Nhưng rất tiếc là sau đó chúng ta đã tăng trưởng và xa cách nhau. Những thuốc độc trần tục làm cho chúng ta bị lây nhiễm, cỏ dại do ngờ vực càng gia tăng sự cách xa và chúng ta đã ngưng vun trồng tình hiệp thông với nhau. Thánh Basilio Cả đã quả quyết rằng các môn đệ đích thực của Chúa Kitô “chỉ được nhào nặn theo những gì họ thấy nơi Chúa” (Moralia 8,1). Đứng về phía Giáo hội Công giáo, tôi xấu hổ nhìn nhận rằng có những hành động và chọn lựa ít hoặc không hệ liên hệ gì với Chúa Giêsu và Tin mừng của Chúa, nhưng đúng hơn do lòng khao khát lợi lộc và quyền hành, chúng đã làm khô héo tình hiệp thông. Thế là chúng ta đã để cho sự phong phú bị thương tổn vì những chia rẽ. Lịch sử có gánh nặng của nó và ngày hôm nay tôi cảm thấy cần lập lại lời xin lỗi Thiên Chúa và các anh em vì những lỗi lầm mà bao nhiêu tín hữu Công giáo đã phạm. Nhưng có một an ủi lớn là niềm xác tín về những căn cội tông đồ của chúng ta và mặc dù có sự biến dạng của các căn cội ấy với thời gian, cây mà Thiên Chúa trồng vẫn tăng trưởng và mang lại những hoa trái trong cùng một Thánh Linh. thật là một ân phúc khi nhìn nhận những hoa trái của nhau và cùng nhau cảm tạ Chúa vì điều này”.
Cổ võ tình hiệp thông
Cũng trong diễn từ tại cuộc gặp gỡ Đức Giáo chủ Chính thống Hy Lạp, Đức Thánh cha cổ võ gia tăng tình hiệp thông giữa hai Giáo hội và ngài nhận định rằng sự hiệp thông dường như động chạm đến một điểm nhạy cảm không những trong xã hội nhưng cả nơi các môn đệ của Chúa Giêsu, “trong một thế giới Kitô được nuôi dưỡng bằng cá nhân chủ nghĩa và định chế cứng nhắc” ... Tình hiệp thông giữa các anh chị em mang lại phúc lành của Thiên Chúa. “Vì thế - Đức Thánh cha nói - chúng ta đừng sợ giúp đỡ nhau tôn thờ Thiên Chúa và phục vụ tha nhân, không thi hành việc chiêu dụ tín đồ và hoàn toàn tôn trọng tự do của người khác, vì như thánh Phaolô đã viết - ‘nơi nào có Thánh Linh của Chúa, thì nơi đó có tự do’ (2 Cr 3,17). Tôi cầu nguyện xin Thánh Thần bác ái chiến thắng sự kháng cự của chúng ta và làm cho chúng ta trở thành những người xây dựng tình hiệp thông, vì ‘nếu thực sự tình yêu loại trừ được sợ hãi thì sợ hãi sẽ biến thành tình yêu, và khi đó ta sẽ khám phá thấy điều cứu vớt chính là sự hiệp nhất” (Thánh Gregorio di Nissa, Omelia 15 về Sách Nhã Ca). Và đàng khác, làm sao chúng ta có thể làm chứng cho thế giới về sự hòa hợp của Tin mừng nếu các Kitô hữu chúng ta còn chia rẽ nhau? Làm sao chúng ta có thể loan báo tình thương của Chúa Kitô, Đấng tập họp mọi dân nước, nếu chúng ta không hiệp nhất với nhau? Bao nhiêu bước tiến đã được thực hiện để chúng ta gặp gỡ nhau. Chúng ta hãy cầu xin Thánh Thần hiệp thông, xin Ngài thúc đẩy chúng ta trên các con đường của Ngài và giúp chúng ta đặt tình hiệp thông, không phải trên những tính toán, trên các chiến lược và thuận lợi, nhưng trên kiểu mẫu duy nhất chúng ta hướng đến, đó là Chúa Ba Ngôi”.
Cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh cha với các vị lãnh đạo Chính thống Hy Lạp kết thúc với phần trao đổi quà tặng và ký sổ vàng, trước khi Đức Thánh cha đến nhà thờ Chính tòa thánh Dionigi của Công giáo, chỉ cách đó 900 mét, để gặp đỡ các giám mục và Cộng đoàn Công giáo địa phương từ lúc quá 5 giờ chiều.