05/12/2021 -

Giáo hội Hoàn Cầu

667

Lúc gần 4 giờ chiều, ngày thứ Sáu, ngày 03 tháng Mười Hai năm 2021, Đức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự buổi cầu nguyện đại kết với hơn 100 người di dân, tại Nhà thờ Công giáo Thánh Giá của dòng Phanxicô ở Cipro. Thánh đường không xa Tòa Sứ thần Tòa Thánh. Đây là hoạt động cuối cùng của Đức Thánh cha trong hai ngày viếng thăm tại đảo này.

 

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Nhà thờ Thánh Giá nằm sát vùng trái độn do quân đội Liên Hiệp Quốc trấn đóng giữa khu vực của người Thổ Nhĩ Kỳ và khu của người Cipro. Nhà thờ này thay thế cho thánh đường đầu tiên có từ năm 1642 và được kiến thiết vào năm 1902, với sự tài trợ của hoàng gia Tây Ban Nha và các cha dòng Phanxicô. Cạnh thánh đường là tu viện của Dòng Phanxicô có từ năm 1959.

Lời chào của Đức Thượng phụ Pizzaballa

Đến nhà thờ, Đức Thánh cha đã được Đức Thượng phụ Pizzaballa, Dòng Phanxicô ở Jerusalem, cũng là vị Chủ chăn của Cộng đồng Công giáo Latinh ở Cipro, đón tiếp. Ngài đã ngỏ lời chào mừng Đức Thánh cha trước khi mọi người cùng nghe đọc đoạn thư thánh Phaolô gửi tín hữu thành Ephêso (2,13-22): “Người là an bình của chúng ta, là Đấng đã biến hai bên, Do thái và dân ngoại, thành một”.

Đức Thượng phụ nói đến thảm trạng của hàng ngàn gia đình di dân và tị nạn đến từ các nơi trên thế giới, nhất là từ Trung Đông thương đau. Cipro là đảo đầu tiên trong các đảo ở Địa Trung Hải cảm nghiệm thảm trạng của hàng ngàn người di dân, trốn chạy chiến tranh và lầm than, nay họ đang dừng lại ở đây, không có lối thoát, không có viễn tượng tương lai.

Đức Thượng phụ nói: “Đây là một thực tại không được người ta nói đến, trừ một vài hoàn cảnh bi thảm. Thảm trạng của những người này nhắc nhớ chúng ta về hiện tượng di cư không phải là một hiện tượng địa phương, không phải chỉ liên quan đến Cipro nhưng cả Trung Đông, Bắc Phi, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Ý, Ba Lan hoặc bất kỳ nước nào khác trên thế giới. Hiện tượng này đòi những câu trả lời hoàn vũ, và cộng đồng quốc tế không thể không tự hỏi. Lịch sử dạy chúng ta rằng dựng lên những hàng rào không bao giờ là giải pháp, vì các hàng rào tượng trưng sự sợ hãi, và xóa bỏ mọi lời hứa về tương lai, cho thấy rõ sự thiếu viễn tượng của chúng ta.

“Hiển nhiên, Giáo hội chúng ta không thể ảnh hưởng tới những tiến trình di dân lớn lao với bao nhiêu thảm trạng, nhưng Giáo hội có thể lắng nghe tiếng nói của những người di dân, mang lại cho họ một khuôn mặt và một danh xưng. Đó là sứ mạng của chúng ta: trả lại phẩm giá và căn tính cho những người mà nhiều người khác không muốn nhìn hoặc gặp, nhưng họ hiện hữu thực và đang chờ đợi câu trả lời của chúng ta.

Đức Thượng phụ không quên cám ơn bao nhiêu người thiện nguyện, giáo dân, cũng như tu sĩ, người Cipro cũng như những người đến từ các nơi khác, xả thân đón tiếp và giúp đỡ những người di dân đến đây và nhờ họ những người di dân được lắng nghe và nâng đỡ.

Chứng từ của đại diện Caritas

Tiếp lời Đức Thượng phụ, bà Elisabeth Chrysanthou, đại diện Caritas Cipro, đã trình bày chứng từ và cho biết về sứ mạng của Caritas Cipro: trợ giúp những người túng thiếu cần được bảo vệ và mang lại tiếng nói cho những người không tiếng nói.

Bà nói: Do vị trí của Cipro, là ngã tư của các đại lục và các nền văn hóa, nhiều người từ những vùng bị khủng hoảng như Liban, Trung Đông và những vùng xa hơn đến đây tìm nơi nương náu và những điều kiện sống tốt đẹp hơn. Có những người khác rời bỏ quê hương đi tìm kiếm một công việc làm hoặc để học hành, nhưng họ bị rơi vào tay những kẻ buôn người. Nhiều người bị bạo hành, lường gạt và đủ thứ cơ cực; tra tấn, nô lệ và bỏ rơi.

“Hiện nay, Cipro là nước nhận nhiều người tị nạn nhất tính về tỷ lệ dân số, so với bất kỳ các nước Âu châu nào khác. Caritas Cipro cố gắng đáp lại thách đố đó và săn sóc hàng chục ngàn người để tìm cách lấp đầy hố chia cách về an sinh xã hội, nhờ sự hỗ trợ của các tổ chức bác ái khác, như Cơ quan cứu trợ của Công giáo Hoa Kỳ.”

Chứng từ của bốn người di dân

Tiếp theo đó, bốn người di dân: một phụ nữ từ Trung Đông, một thanh niên Phi châu, một thanh niên khác từ Nam Á đã trình bày với Đức Thánh cha và mọi người về những băn khoăn, cảm tưởng đau khổ vì bị ghét bỏ bởi là người di dân, hoặc phải chịu nhiều bất công, những cuộc trốn chạy khỏi bạo lực, bom đạn, đói khổ và đau đớn, bị lường gặt, bóc lột, lãng quên và phủ nhận.

Sau cùng là một thiếu nữ nói lên những mơ ước: ước mơ một thế giới trong đó không phải đánh nhau, trốn chạy, bị bắt đi khỏi nhà giữa đêm khuya; ước mơ một thế giới hòa bình, các nước không còn giao chiến với nhau; cô ước mơ trở thành bác sĩ, được chào đón ở mọi nơi và được người khác quan tâm, không bị nghi kỵ...

Huấn từ của Đức Thánh cha

Lên tiếng sau khi nghe các chứng từ, Đức Thánh cha cám ơn những người trẻ di dân về chứng tá của họ và ngài cho biết có ấn tượng mạnh về những điều họ nói.

Đức Thánh cha nói: “Sau khi nghe các anh chị em, chúng tôi hiểu rõ hơn tất cả sức mạnh của Lời Chúa, qua thánh Phaolô tông đồ, nói rằng “Anh chị em không còn là những người ngoại quốc nữa, nhưng là những người đồng hương của các thánh và thân nhân của Thiên Chúa” (Ep 2,19). Đây là lời tiên tri của Giáo hội: một cộng đoàn - tuy có tất cả những giới hạn của con người - nhưng thể hiện giấc mơ của Thiên Chúa. Vì cả Thiên Chúa cũng mơ ước, cô thiếu nữ nói rằng mình đầy những mơ ước. Cũng như cô, Thiên Chúa ước mơ một thế giới hòa bình, trong đó các con cái của Người sống như anh chị em với nhau.

“Anh chị em di dân thân mến, sự hiện diện của anh chị em rất ý nghĩa đối với buổi cầu nguyện đại kết này. Chứng tá của anh chị em như một cái “gương soi” đối với chúng tôi, các cộng đoàn Kitô.

“Chứng tá của các bạn nhắc nhở chúng tôi rằng cả chúng ta cũng là một cộng đoàn đang lữ hành từ xung đột đến hiệp thông. Trên con đường dài này với những thăng trầm, chúng ta không được sợ hãi những khác biệt giữa chúng ta, nhưng sợ sự khép kín và những thành kiến ngăn cản chúng ta gặp gỡ nhau thực sự và đồng hành với nhau. Những khép kín và thành kiến tái tạo giữa chúng ta bức tường chia cách mà Chúa Giêusu đã phá đổ, đó là sự thù hận (Xc Ep 2,14). Vì thế, hành trình của chúng ta tiến về sự hiệp nhất có thể tiến bước theo mức độ tất cả chúng ta cùng nhau ngắm nhìn Đấng là “An bình của chúng ta” (ibd.), là “tảng đá góc” (v.20).

Và Đức Thánh cha kết luận rằng ước gì đảo này, đang bị chia cắt đau thương, trở thành phòng thí nghiệm về tình huynh đệ, nhờ ơn Chúa. Đảo này có thể đạt được điều ấy với hai điều kiện: trước tiên là thực sự nhìn nhận phẩm giá của mỗi người (Ft 8). Đây là nền tảng đạo đức, một nền tảng phổ quát, và cũng là ở trung tâm đạo lý xã hội Kitô giáo. Điều kiện thứ hai là cởi mở tín thác nơi Thiên Chúa là Cha của tất cả mọi người: và đây chính là “men” mà chúng ta được mời gọi trở thành như tín hữu. (Xc ibid. 272)

Với hai điều kiện đó, có thể là giấc mơ được thể hiện trong cuộc sống hằng ngày, gồm những bước cụ thể từ xung đột đến hiệp thống, từ oán ghét đến yêu thương. Đó là một hành trình kiên nhẫn, ngày qua ngày, giúp chúng ta đi đến nơi mà Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta.

Sau huấn từ của Đức Thánh cha là phần lời nguyện phổ quát bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Tiếp đến là kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha, kết thúc buổi cầu nguyện lúc 5 giờ 30 chiều.

 https://vietnamese.rvasia.org/%C4%91%E1%BB%A9c-gi%C3%A1o-ho%C3%A0ng/%C4%91%E1%BB%A9c-th%C3%A1nh-cha-ch%E1%BB%A7-s%E1%BB%B1-bu%E1%BB%95i-c%E1%BA%A7u-nguy%E1%BB%87n-%C4%91%E1%BA%A1i-k%E1%BA%BFt-v%E1%BB%9Bi-anh-ch%E1%BB%8B-em-di-d%C3%A2n

114.864864865135.135135135250