13/09/2021 -

Giảng dạy Xuất bản

1328

Kính thưa quý độc giả,
Sau khi trang Web của Tỉnh dòng có bài giới thiệu hai quyển sách của linh mục Võ Viết Cường, OP., suy gẫm về mùa dịch bệnh Covid-19, nhiều độc giả đã viết điện thư cho Ban Biên tập để tìm hỏi mua những quyển sách ấy. Sau khi liên lạc với tác giả, cha Viết Cường chủ trương không mua bán sách của ngài dưới bất kỳ hình thức nào. Ngược lại, ngài sẵn sàng gửi nội dung cho Ban Biên tập để đăng tải cho nhiều người cùng chia sẻ với những suy tư của ngài. Do đó, khi có dịp thuận tiện, Ban Biên tập sẽ cho đăng toàn bộ nội dung những sách này trên trang Web Tỉnh dòng. Còn hiện tại, trang Web Tỉnh dòng sẽ đăng tải bài chia sẻ mỗi ngày của cha, kính mong quý độc giả theo dõi.
Theo ý của tác giả và cũng là vấn đề đạo đức truyền thông, nếu quý vị nào muốn đăng lại những bài viết của ngài, xin vui lòng không tự ý chỉnh sửa nội dung, và ghi rõ trích nguồn từ đâu.
Nguyện xin Chúa chúc lành và ban bình an cho toàn thể quý vị.
Truyền thông Đa Minh

1. Chuyện chúng mình:
BẮT GIỮ NGƯỜI ĐÀN ÔNG GIẢ MẠO TRUNG TƯỚNG QUÂN ĐỘI

TTO - Đoàn an ninh 2 - Cục Bảo vệ an ninh quân đội phối hợp với lực lượng kiểm soát quân sự Bộ tư lệnh Tp.HCM và Công an quận Bình Thạnh, Công an quận 7 vừa khám phá, bắt giữ hai người giả sĩ quan quân đội.
Theo đó, khoảng 21h45 ngày 9-9, trong lúc làm nhiệm vụ tại khu vực cầu Kinh, phường 27, quận Bình Thạnh, tổ kiểm soát quân sự thuộc Tiểu đoàn kiểm soát quân sự 31, Bộ tư lệnh Tp.HCM phát hiện một người mặc quân phục, gắn quân hàm đại úy, chạy xe gắn máy đi qua chốt kiểm soát dịch bệnh, có biểu hiện khả nghi.
Khi lực lượng chức năng kiểm tra, người này không xuất trình được giấy tờ hợp lệ. Tổ kiểm soát quân sự đã tiến hành lập biên bản, đưa về đơn vị làm rõ. Qua đấu tranh, người này khai tên Trần Vũ Hàn Minh Nhật (34 tuổi, ngụ Tp. Thủ Đức).
Về hành vi giả mạo sĩ quan quân đội, Minh Nhật khai: Ngày 3-9, Nhật được "thủ trưởng" của mình là "trung tướng" Võ Thành Phúc cấp cho 1 bộ quân phục, cấp bậc đại úy, sử dụng nhằm lưu thông qua các chốt kiểm soát, vận chuyển thuốc kháng thể LV119 (dạng bột) cho các bệnh nhân F0. 
Tối 9-9, Nhật vận chuyển thuốc lưu thông qua chốt kiểm soát tại khu vực cầu Kinh thì bị lực lượng kiểm soát quân sự phát hiện, bắt giữ.
Từ lời khai của Nhật, các cơ quan chức năng đã triệu tập ông Phúc (52 tuổi, ngụ quận 7) lên làm việc. Tại cơ quan điều tra, ông Phúc tự nhận mình là "trung tướng Quân đội nhân dân Việt Nam", công tác tại "Cục Trinh sát đặc biệt phụ trách về sinh học". Ông này ngoan cố, tỏ thái độ bất hợp tác với lực lượng chức năng.
Sau quá trình đấu tranh, biết không thể quanh co chối cãi, ông Phúc khai nhận, bản thân không phải là sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, không phải là cựu chiến binh.
Thông tin từ Đoàn an ninh 2 cho biết: Hành vi giả mạo cán bộ cấp cao của quân đội của ông Phúc đã được đơn vị nắm bắt thông tin, theo dõi từ đầu năm 2020. Theo đó, ông Phúc đã nhiều lần mặc quân phục với cấp hàm thiếu tướng, trung tướng, xuất hiện tại một số hoạt động do Ban liên lạc cựu chiến binh và các hoạt động xã hội ở một số đơn vị, địa phương trên địa bàn Tp.HCM.
Tại các sự kiện này, ông này thường mặc quân phục cấp tướng, chụp ảnh chung với một số đại biểu, khách hàng. Ông này đã khéo léo ngụy trang để qua mặt nhiều người.
Trong lúc Đoàn an ninh 2 đang củng cố hồ sơ, chứng cứ để tiến hành đấu tranh thì ông Phúc bị phát hiện từ vụ việc nêu trên. Cơ quan chức năng đã dẫn giải ông này về nhà riêng.
Tại đây, ông Phúc đã giao nộp 2 bộ quân phục, quân hàm cấp tướng, huân, huy chương các loại. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, ông Phúc là giám đốc Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu đầu tư và chăn nuôi Đồng Xoài ở quận 7. Ông này đã ký vào biên bản, thừa nhận hành vi giả mạo sĩ quan cao cấp của quân đội.
Hiện cả hai người nói trên đã được bàn giao cho Công an quận Bình Thạnh điều tra, xử lý theo thẩm quyền. Cùng với hành vi giả mạo sĩ quan quân đội; hoạt động sản xuất, lưu hành, tiêu thụ thuốc kháng thể điều trị COVID-19 và các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp do ông Phúc quản lý, cũng sẽ được cơ quan chức năng mở rộng điều tra.
Các tổ chức, cá nhân có thông tin liên quan đến hoạt động của những người nêu trên, xin liên hệ, cung cấp cho cơ quan điều tra thông qua Đội điều tra tổng hợp Công an quận Bình Thạnh, số điện thoại: 028.38432345.
MINH HÒA
(Nguồn: https://tuoitre.vn/bat-giu-nguoi-dan-ong-gia-mao-trung-tuong-quan-doi-20210910214504138.htm)

2. Những con số biết nói
Stt Quốc gia Được chữa khỏi Tử vong Tổng số
1 Campuchia 93.904 2.040 99.504
2 Singapore 68.188 58 71.687
3 Timor-Leste 15.315 95 18.515
4 Việt Nam 374.578 15.279 613.322
Thế giới 201.977.702 4.643.414 225.438.904
Cập nhật lúc 6g5, ngày 13.9.2021

3.Khuôn vàng thước ngọc (Lc 7,1-10, thứ Hai, tuần XXIV Thường niên – kính nhớ thánh Gioan Kim khẩu, giám mục, TSHT)

Bài tường thuật này ít chú ý đến phép lạ cho bằng chú ý đến đức tin của người nhận được phép lạ. Cũng giống như thánh Mátthêu, tác giả Luca nhìn thấy ở đây một điềm tiên báo dân ngoại sẽ gia nhập Hội Thánh; tuy nhiên, chỉ có thánh Luca là nhấn mạnh đến mối giao hảo giữa người ngoại này với các người Do Thái và lòng khiêm nhường của viên đại đội trưởng đến xin Đức Giêsu chữa bệnh cho người nô lệ của mình. Tác giả Luca biết rõ, thường thì một người Do Thái rất khó nhận lời mời của một người ngoại; thế nhưng ở đây, Đức Giêsu đã nhận lời thỉnh cầu mà không e ngại bất cứ điều gì. Tác giả Luca còn cho biết thêm một chi tiết khác, đó là người ngoại giáo này có thiện cảm với Do Thái giáo, cũng giống như đại đội trưởng Conêliô được nói tới trong sách Công vụ Tông đồ (Cv 10,2). Lòng tin của viên đại đội trưởng là ở chỗ chấp nhận vô điều kiện uy quyền của Đức Giêsu. Chính điều đó đã đưa ông đến với Đức Giêsu mà không gặp bất kì trở ngại nào.
Thưa Ngài, không dám phiền Ngài quá như vậy, vì tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi. Cũng vì thế, tôi không nghĩ mình xứng đáng đến gặp Ngài. Nhưng xin Ngài cứ nói một lời, thì đầy tớ của tôi được khỏi bệnh”. Đó là lời tuyên xưng đức tin, nhưng không phát ra từ môi miệng của người có đạo mà từ môi miệng của một người ngoại giáo, tức là viên sĩ quan Rôma. Mãi cho đến hôm nay, Giáo Hội vẫn mời gọi con cái mình lặp lại lời tuyên xưng đức tin ấy mỗi khi đón nhận Thánh thể. Có thể nói, đó là một đức tin vừa khiêm tốn vừa mạnh mẽ; không dài dòng văn tự nhưng đầy sự xác tín.
Trước hết, đức tin của viên sĩ quan được coi là một sự khiêm tốn cần thiết vì nó cho thấy, con người không có quyền đòi Thiên Chúa ban ơn. Bởi đó, tất cả những ơn lành chúng ta lãnh nhận, đặc biệt là ân huệ sự sống mà Bí tích Thánh thể mang lại, đều do lòng thương xót của Thiên Chúa. Đức tin của viên bách quan được coi là kiểu mẫu cho hết mọi Kitô hữu; bởi vì, lời cầu xin của chúng ta nếu được Thiên Chúa nhậm lời thì không phải vì chúng ta xứng đáng, nhưng là nhờ lòng Chúa yêu thương. Đức tin của viên sĩ quan được coi là một sự khiêm tốn thẳm sâu vì nó cho thấy, ơn Chúa ban thường vượt quá lòng mong ước của chúng ta. Thật thế, viên sĩ quan đã không thể ngờ rằng, Đức Giêsu lại sẵn sàng thân hành đến nhà ông, một điều ngoài sức tưởng tượng của ông, bởi vì người Do Thái không bao giờ được phép vào nhà người ngoại giáo, thậm chí là tiếp chuyện với họ thì cũng đã bị coi là nhiễm uế.
Kế đến, chính trong sự khiêm tốn của viên sĩ quan đã biểu lộ một đức tin mạnh mẽ đến độ Đức Giêsu nói rằng, chưa từng thấy người nào trong dân Israel có lòng tin như thế. Thật vậy, sự tín thác của viên đại đội trưởng được gọi là một đức tin mạnh mẽ vì ông tin vào tình thương vô bờ bến của Thiên Chúa, một tình thương không thể không nhận lời cầu xin của những con người khốn cùng. Niềm xác tín của ông càng trở nên mạnh mẽ hơn khi ông nhờ bằng hữu nói với Đức Giêsu: Xin Ngài cứ nói một lời, thì đầy tớ của tôi được khỏi bệnh.
Niềm tin đáng khâm phục của một người ngoại giáo hôm nay, hẳn phải làm cho chúng ta liên tưởng tới những lời mà chính Đức Giêsu đã từng cảnh giác những người Do Thái: “Thiên hạ từ phương Đông, từ phương Tây sẽ vào dự tiệc trong Nước Thiên chúa, còn con cái trong nhà thì bị đuổi ra ngoài”. Đây chắc hẳn cũng là lời nhắc nhớ cho mỗi người trong chúng ta.
Cuối cùng, khi chọn người ngoại giáo để làm gương cho chúng ta về đức tin, Đức Giêsu cũng muốn cho thấy đức tin là một ân huệ Thiên Chúa ban nhưng không mà Thiên Chúa quảng đại trao tặng cho con cái mình. Ân huệ ấy Thiên Chúa muốn tặng ban cho tất cả mọi người, không phân biệt lương giáo. Điều quan trọng là chúng ta có biết mở rộng lòng mình ra để đón nhận hay không. Chúng ta có thể mở rộng tâm hồn để đón nhận Đức tin bằng đời sống cầu nguyện, bằng việc học hỏi và suy niệm Lời Chúa và nhất là bằng việc thực hành những đòi hỏi của Tin Mừng. Chỉ khi nào chúng ta dám sống đức tin ngay từ trong những công việc bé nhỏ tầm thường, thì khi ấy, đức tin của chúng ta mới sống động và phát triển giống như người lực sĩ, muốn sức lực được dẻo dai, thể lực được nâng cao, thì cần phải kiên trì luyện tập mỗi ngày. Lời của thánh Giacôbê Tông đồ cho thấy: “Đức tin không việc làm là Đức tin chết”; điều này cũng phải luôn trở thành lời nhắc nhớ chúng ta mỗi ngày. Chúng ta nên biết rằng, chính khi thực hành những đòi hỏi của đức tin, thì niềm xác tín của chúng ta vào Thiên Chúa chẳng những ngày càng trở nên sống động mà còn không ngừng được tăng trưởng nữa.
Lạy Chúa, xin không ngừng củng cố đức tin cho chúng con, để dù rơi vào giữa những đau khổ và thử thách, chúng con vẫn giữ được tâm hồn bình an và luôn mong đạt được thành qủa của đức tin là ơn cứu độ. Xin cho chúng con biết hăng say và khiêm tốn trong việc phục vụ mọi người như là Chúa đã nêu gương. Và, xin đừng để cho sự kỳ thị hay oán ghét trở thành những rào cản khiến chúng con vơi đi nhiệt tâm trong việc thực thi bác ái đối với mọi anh chị em của mình.

4. Lời bàn
- Nhân vật chính trong câu chuyện này là viên sĩ quan Rôma, và dĩ nhiên ông không phải là một người tầm thường. Trước hết, ông là sĩ quan coi 100 binh sĩ và không có viên bách quan nào lại là người dễ bị người khác coi thường. Hễ chỗ nào trong Tân Ước đề cập đến các viên bách quan thì đều nói tốt về họ. Sử gia Polypius đã cho biết những đức tính của sĩ quan bách vệ quân như sau: “Họ là những người chỉ huy rất năng động, rất đáng tin cậy. Họ không tự tìm nguy hiểm, không quá say mê chiến đấu, nhưng khi thúc bách thì họ sẵn sàng kháng cự và chết tại chỗ”. Viên bách quản phải là một người lăn lộn giữa các người khác, nếu không họ sẽ không bao giờ làm tròn nhiệm vụ của mình.
- Trước hết, chúng ta nhận thấy, ông có một tấm lòng yêu thương đặc biệt đối với đầy tớ của mình. Ông rất thương người nô lệ này và sẵn lòng làm mọi việc để mong cứu được nó. Theo luật Rôma, một nô lệ được định nghĩa như là một món đồ vật. Chủ nhân có quyền tự do sinh sát người nô lệ của mình. Một văn sĩ Rôma chuyên về quản lý gia cư có lời khuyên các gia chủ nên kiểm kê hàng năm các vật dụng và cũng khuyên họ ném bỏ bớt những món gì cũ kĩ bể nát, cũng như những nô lệ già yếu không sử dụng được nữa. Thông thường, khi một tên nô lệ không còn làm việc được nữa, họ liền bị chủ ném bỏ ra ngoài để chờ chết. Bởi đó, thái độ của vị đại đội trưởng này đối với nô lệ của ông quả là một sự kiện phi thường.
- Thứ đến, ông là một người rất sùng đạo. Một người đã xây cất cho dân chúng một hội đường, hẳn không phải là người chỉ có cảm tình hời hợt với đạo Do Thái. Thực ra, người Rôma khuyến khích các sinh hoạt tôn giáo nhưng với mục đích chính trị là để giữ dân chúng trong vòng trật tự. Hoàng đế Augustus khuyến khích xây hội đường cũng chỉ vì mục đích đó. Các hình thức khác nhau về tôn giáo thịnh hành trong đế quốc Roma lúc đó được dân chúng xem là đúng đắn, còn các triết gia thì xem là sai lầm; nhưng quan tòa thì xem là có ích. Còn ở đây, viên sĩ quan này không phải là một chính trị gia, ông là một quân nhân và ông là một người có thiện cảm với tôn giáo.
- Bên cạnh đó, ông còn có một tình cảm khác thường với dân tộc Do Thái. Người Do Thái khinh dân ngoại và dân ngoại cũng vì thế mà ghét người Do Thái. Chủ nghĩa bài Do Thái không phải là một điều gì mới lạ. Người Rôma gọi dân Do Thái là những kẻ thuộc dòng giống dơ bẩn, họ coi Do Thái giáo là một thứ mê tín man rợ, họ nói về lòng ghen ghét của người Do Thái đối với mọi chủng tộc khác, họ tố cáo Do Thái giáo thờ đầu con lừa và mỗi năm người Do Thái giết một người dân ngoại để cúng tế thần minh. Tuy vậy, cũng có nhiều người dân ngoại, vì quá chán thứ đa thần giáo của mình cùng những thứ luân lý suy đồi của người ngoại giáo, nên chấp nhận giáo lý của Do Thái giáo về một Thiên Chúa duy nhất và nền luân lý khổ hạnh của người Israel. Nhưng bầu không khí của câu chuyện này chứa chan một tình thân mật giữa viên sĩ quan với dân tộc Do Thái. Đó là điều mà chúng ta dễ dàng nhận ra.
- Ngoài ra, viên sĩ quan này cũng còn là một người khiêm nhường. Ông biết rõ một người Do Thái chính thống bị luật của họ cấm bước chân vào nhà một người ngoại. Ông cũng biết rõ một người Do Thái chính thống sẽ không cho phép một người ngoại bước chân vào nhà mình hay tiếp xúc với người đó. Ông không dám đích thân đến với Đức Giêsu, nên nhờ các bạn hữu Do Thái của mình đi gặp Ngài. Con người đã quen chỉ huy này có một sự khiêm nhu lạ lùng trước sự cao cả đích thực. Luân lý Kitô giáo luôn đề cao sự khiêm nhường; chỉ có điều, những cách thức mà chúng ta thể hiện ra bên ngoài thường cho thấy điều ngược lại. Chúng ta thiếu đi một sự khiêm tốn cần thiết trong nếp nghĩ, cách ăn nói và trong cả lối hành xử của mình.
- Cuối cùng và cũng là điều quan trọng nhất, ông ta là người có đức tin mạnh mẽ. Đức tin của vị đại đội trưởng dựa trên một thứ luận lý chắc chắn. Ông lý luận từ sự kiện trước mắt đến xa xôi, từ kinh nghiệm của riêng ông tới Thiên Chúa. Nếu quyền bính của ông mà còn có hiệu lực như vậy, thì quyền bính của Đức Giêsu sẽ công hiệu hơn biết bao nhiêu. Ông đã đến với lòng tin cậy hoàn toàn như thể ông biết chắc rằng: Đức Giêsu thừa sức khỏa lấp những mong muốn của ông và điều quan trọng hơn đó là, Ngài sẽ không từ chối lời cầu xin của mình. Nếu chúng ta có được một đức tin như thế thì chắc rằng phép lạ cũng sẽ xảy ra; đồng thời, cuộc sống sẽ trở nên mới mẻ và đong đầy hơn cho hết thảy chúng ta. Chúng ta mong đợi Chúa thực hiện cho mình nhiều đã khấn xin; nhưng tiếc rằng, thứ đáng ra phải có là đức tin thì chúng ta lại non kém và hời hợt.
- Thủ tướng đương nhiệm của Palestine, ông Ismail Haniyeh có lần đã từng phát biểu: “Một vài người nghĩ rằng có thể giấu đi sự thật với một chút bao che và tô điểm. Nhưng khi thời gian trôi đi, sự thật sẽ lộ ra, và điều giả dối sẽ phai mờ”. Có lẽ điều này chẳng xa lạ gì với chúng ta; bởi một khi sự thật được phơi bày thì những gì là “xảo ngôn loạn đức” sẽ dần được bóc mẽ, đồng thời trả lại nguyên trạng cho những gì thuộc về chân lý.  Thành ngữ “Cáo mượn oai hùm” thường dùng để chỉ những người thích dùng thủ đoạn mượn thế kẻ mạnh làm lá chắn để hù dọa, lừa bịp bá tánh nhằm phục vụ lợi ích cá nhân. Đó là một thực tế mà chúng ta có thể nhìn thấy ở bất cứ xã hội nào. Tuy nhiên, điều đáng báo động là hiện nay nó đã trở thành một thứ “bệnh”, len lỏi vào trong mọi ngóc ngách của đời sống. Câu chuyện một vị “giám đốc” giả mạo Trung tướng quân đội để qua mắt nhiều người trong công việc làm ăn thì cũng chẳng phải là điều gì đó mới mẻ. Thói quen nhờ cậy và xin quyền trợ giúp từ những người thân thực ra là chuyện “bình thường như cân đường hộp sữa”. Đơn cử thế này, rất nhiều người khi tham gia giao thông mà bị bắt lại vì vi phạm một lỗi bất kỳ nào đó; ngay sau khi dừng phương tiện thì việc đầu tiên là nhấc điện thoại và gọi cho “người thân” chứ không phải là sẵn sàng hợp tác với nhân viên công lộ. Cả trong sinh hoạt của Giáo Hội cũng không thiếu những biến tướng gây chướng tai gai mắt như vậy. Có thể nói được rằng, rất nhiều người trong chúng ta từng rơi vào những cám dỗ như vậy; chỉ có điều, cách thế mà chúng ta gặp phải khác nhau mà thôi. Ai cũng muốn công việc của mình được mau chóng hơn, thuận tiện hơn; nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc, người nào đó sẽ phải gánh chịu sự thiệt thòi bởi chúng ta đã xí mất phần ưu tiên của họ.
- Albert Camus, một triết gia và cũng là một nhà văn nổi tiếng người Pháp đã có lần nói: “Sự thật, giống như ánh sáng, làm người ta chói mắt. Sự giả dối thì ngược lại, là ánh chiều hôm tươi đẹp bao trùm lên mọi vật”. Đôi khi, sự thật không chỉ làm cho người ta chói mắt mà nó còn gây chói tai cho người nghe nữa. Tuy nhiên, chân lý luôn là thứ được mọi người chân nhận và trân trọng. Sứ điệp Tin Mừng của ngày hôm nay cũng cung cấp cho chúng ta một lối nhìn như thế. Trong khi người Israel coi thường dân ngoại bởi vì họ luôn phủ lên nhãn quan của mình một thứ chủ nghĩa ưu tuyển; thì ngược lại, viên sĩ quan dường như không mấy lưu tâm tới vấn đề đó. Ông tạo cho mình một mối giao hảo với những người không cùng chủng tộc và cũng chẳng cùng tôn giáo với mình. Ông thừa hiểu những luật lệ hà khắc của người Do Thái. Tuy nhiên khi có việc cần, những bằng hữu tốt bụng đã sẵn lòng làm cầu nối để chuyển những thỉnh nguyện của ông đến với Đức Giêsu. Đó là mối quan hệ rất đời, rất người nhưng nó không hề mang dáng dấp của sự vụ lợi hoặc dựa hơi người khác. Nếu như khi “thuộc hạ” của ông “Trung tướng dỏm” bị bắt, làm lộ ra nhiều sự thật bất ngờ; thì ở đây, những thuộc cấp của viên sĩ quan được sai phái lại mang đến cho độc giả chúng ta những khám phá thú vị về gia chủ của họ. Nếu như vị giám đốc nọ nghĩ rằng, nhờ bộ quân phục đang khoác trên mình thì “lính” của mình có thể đánh lừa và qua mặt nhiều người; thì ở đây, viên bách quan lại xác tín rằng, Lời của Đức Giêsu có khả năng chữa bệnh từ xa, tức là Ngài có thể cứu đầy tớ của ông mà không cần xuất hiện trong ngôi nhà của mình.
- Trích đoạn Sách Thánh hôm nay kể lại một phép lạ khác thường. Thật vậy, những người liên quan trực tiếp tới phép lạ này đều không hề xuất hiện trước mặt Đức Giêsu; ngay cả người đầy tớ mắc phải căn bệnh hiểm nghèo gì chúng ta cũng chẳng rõ. Ngoài ra, phép lạ này cũng không trình bày bất kỳ một mệnh lệnh chữa lành nào, mặc dù kết quả tốt đẹp được ghi nhận một cách không thể nào vắn gọn hơn. Câu chuyện này nhấn mạnh đến tác động vô song nơi quyền năng của Thiên Chúa, bất chấp cả không gian lẫn thời gian. Trình thuật kết thúc với sự thán phục của Đức Giêsu đối với niềm tin của viên đại đội trưởng ngoại giáo, nhưng đồng thời cũng bộ lộ sự thất vọng của Ngài dành cho những người Israel. Đây cũng là một bài học dành cho hết thảy chúng ta khi xét lại các mối tương quan mà mình đang có. Với Chúa, đời sống đức tin của chúng ta lắm khi cho thấy sự yếu kém, nhạt nhòa. Nói cách khác, chúng ta chưa thực sự tin vào quyền năng của Chúa, cho dù biết Lời Chúa và tin theo Ngài đã lâu. Với tha nhân, chúng ta chưa trân trọng chữ “Tín” cho đủ mức. Một khi người ta đủ tin tưởng nhau thì mọi mối tương giao sẽ trở nên tốt đẹp. Bằng ngược lại, sự bất tín chỉ đem lại sự đổ vỡ và nghi kỵ mà thôi. Hãy luôn nhớ rằng, chiếm được lòng tin thì rất khó, mà hủy diệt nó thì dễ vô cùng; quan trọng không phải là dối gạt chuyện lớn hay nhỏ mà chính việc dối gạt đã là có vấn đề. Ước mong mọi người người trong chúng ta luôn biết vững tin ở nơi Chúa và cũng biết dành cho nhau sự tin tưởng cần thiết; nhờ đó mà mọi người biết cùng nhau kiến tạo một cuộc sống tốt đạo đẹp đời.
 
Viết Cường, O.P. 
114.864864865135.135135135250