17/05/2024 -

Giảng dạy Xuất bản

1492
Trân trọng giới thiệu quý độc giả “THỜI SỰ THẦN HỌC, SỐ 104 – THÁNG 5/2024” của Trung tâm Học vấn Đa Minh, với chủ đề “BÍ TÍCH THÊM SỨC”, phát hành dịp Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.

LỜI GIỚI THIỆU

Nhân dịp lễ Ngũ Tuần, số báo này được dành cho bí tích Thêm sức, vốn được coi là bí tích trao ban Chúa Thánh Thần.

Trong kinh “Nghĩa đức tin” quen đọc vào các Chúa Nhật, các tín hữu được dạy rằng: “Có bảy phép bí tích mà thôi, song phép Rửa tội và phép Mình Thánh Chúa và phép Giải tội là ba phép cần kíp hơn cho chúng tôi được rỗi”. Trong bối cảnh này, thử hỏi: phép Thêm sức có cần thiết không? Phải chăng phép Thêm sức không chỉ là bí tích được xếp thứ hai trong số bảy bí tích mà còn được coi là thuộc về hạng hai xét về tầm quan trọng, nghĩa là nếu không lãnh thì cũng chẳng sao!

Tuy nhiên, đó mới chỉ là một câu hỏi thực dụng. Vào giữa thế kỷ XX, nhiều cuộc tranh luận đã nảy lên chung quanh bí tích này, đặc biệt trong lãnh vực đối thoại đại kết, liên quan đến thần học tín lý.

- Một đàng, các Giáo hội Cải cách không coi “phép Thêm sức” như một bí tích, bởi vì thiếu nền tảng Kinh Thánh. Thực ra, tuy Giáo hội Công giáo tuyên xưng rằng tất cả bảy bí tích đều do Chúa Giêsu thiết lập, nhưng cảm thấy lúng túng khi phải xác định: bí tích Thêm sức được thiết lập vào lúc nào? Dựa trên đoạn văn Tân Ước nào?

- Đàng khác, các Giáo hội Chính thống nhìn nhận có bảy bí tích, nhưng ba Bí tích Khai tâm được ban cùng một lúc, kể cả đối với các thiếu nhi. Họ tố cáo Giáo hội Công giáo làm sai lệch bản chất của ba bí tích này, ít là ở hai điểm: 1/ Một, bởi vì Giáo hội Công giáo tách rời việc cử hành ba Bí tích Khai tâm (đừng kể trường hợp người lớn tuổi) vào ba thời điểm khác nhau: Rửa tội lúc sơ sinh; Thêm sức và Rước lễ vào tuổi nhi đồng; 2/ Hai, tệ hơn nữa, thứ tự lãnh nhận các bí tích đã bị đảo lộn: Rửa tội – (Giải Tội) – Rước Lễ - Thêm sức. Không lạ gì mà nhiều Giáo hội Chính thống đã tuyên bố là các bí tích của người Công giáo đều là vô hiệu (nếu một người Công giáo muốn chuyển sang Chính thống thì phải rửa tội lại).

Trong nội bộ thần học Công giáo, cũng không thiếu vấn nạn đã được đặt ra: Chúa Giêsu có thiết lập bí tích Thêm sức không? Lập lúc nào? Bí tích Thêm sức khác với bí tích Rửa tội ở chỗ nào: phải chăng bí tích Rửa tội chỉ có công hiệu thanh tẩy tội lỗi, và phải chờ đến lúc thêm sức thì Thánh Thần mới được trao ban? Ngược lại, nếu Thánh Thần đã được trao ban trong bí tích Rửa tội rồi, thì đâu cần gì bí tích Thêm sức nữa?

Những bài viết trong số báo này nhằm trả lời cho các vấn nạn ấy, bao gồm nhiều lãnh vực khác nhau: lịch sử, Kinh Thánh, phụng vụ, giáo luật, thần học, mục vụ.

Trước khi vào đề, thiết tưởng nên nói đôi lời về danh xưng. Trong tiếng Việt, bí tích này được gọi là “thêm sức”, gợi lên ý tưởng “tăng thêm sức mạnh”; nhưng trong nguyên ngữ Latinh, tên của bí tích là “confirmatio” hàm ngụ ý nghĩa là “xác nhận, khẳng định, củng cố”. Từ ngữ này có thể hiểu theo hai nghĩa, khách thể và chủ thể. Xét về phía khách thể, bí tích này “củng cố” thêm ân sủng đã ban trong bí tích Thánh Tẩy. Xét về phía chủ thể, người lãnh bí tích “khẳng định” lời cam kết mà cha mẹ (hay người đỡ đầu) đã làm thay trong khi lãnh bí tích Thánh Tẩy. Bên Đông phương, bí tích này được gọi là chrismatio (xức dầu chrisma, hay myron), và còn để lại vết tích trong tiếng bên Ý (cresima) và kể cả bên Việt Nam (trước đây gọi là bí tích “xức trán”)[1].

1. Sự tiến triển nghi thức phụng vụ và thần học về bí tích Thêm sức

Thông thường, các bài nghiên cứu thần học bắt đầu với việc tìm hiểu nền tảng Kinh Thánh của bí tích. Tuy nhiên trong vấn đề đang bàn, cần phải thay đổi phương pháp. Bài đầu tiên của linh mục Paul Turner trình bày lịch sử của sự thành hình bí tích Thêm sức dưới khía cạnh phụng vụ. Danh từ confirmatio vào lúc đầu chỉ có nghĩa pháp lý, tức là (giám mục) xác nhận giá trị của việc Rửa tội (hoặc do một linh mục cử hành, hoặc được lãnh nhận từ một giáo hội khác). Mãi đến thế kỷ V, danh từ ấy mới được hiểu về việc giám mục xức dầu thánh cho một người đã được rửa tội. Dù sao, tập tục giám mục xức dầu trong một nghi thức biệt lập chỉ mới phát triển vào thời Trung cổ bên Tây phương, và được giải thích như là ban ơn Chúa Thánh Thần. Tác giả cho thấy rất nhiều cuộc tranh luận đã nổi lên tiếp theo sự thay đổi này, liên quan đến tác viên cử hành bí tích, tuổi của ứng viên lãnh bí tích, và thứ tự giữa việc cử hành phép Thêm sức và Rước lễ lần đầu.

2. Đạo lý của Giáo hội về bí tích từ thời Trung cổ đến nay

Tiếp tục tìm hiểu lịch sử sự tiến triển của bí tích, giáo sư Mario Florio cho thấy từ thời Trung cổ, nghi thức “xức dầu” sau khi lãnh bí tích Rửa tội dần dần trở thành đối tượng của một bí tích thứ hai trong số bảy bí tích. Bài nghiên cứu gồm hai phần chính. Trong phần thứ nhất, tác giả trình bày sự tiến triển của thần học về bí tích Thêm sức kể từ các học giả cổ điển của kinh viện: Hugues de St. Victor, Petrus Lombardus, thánh Tôma Aquinô. Đạo lý của vị Tiến sĩ Thiên thần trở thành quy chuẩn của huấn quyền từ thời Trung cổ đến nay, như sẽ được trình bày trong phần thứ hai: Công đồng Lyon II (1274), Firenze (1439), Trento (1547). Vaticanô II (1963) và ĐTC Phaolô VI (Tông hiến Divinae consortium naturae năm 1971).
 
3. Cử hành bí tích Thêm sức : Phụng vụ và kỷ luật hiện hành

Sau khi ôn lại lịch sử sự tiến triển của nghi thức và thần học, bài này trình bày phụng vụ và kỷ luật hiện hành. Hai linh mục J. A. Abad Ibáñez - M. Garrido Bonaño, O.S.B. giới thiệu diễn tiến của việc cử hành bí tích dựa theo nghi thức do Đức Thánh Cha Phaolô VI ban hành năm 1971. Kế đó, linh mục Libero Gerosa bổ túc thêm với những quy định của Bộ Giáo luật 1983 liên quan đến thời gian và nơi chốn cử hành; tác viên và người nhận lãnh bí tích (cũng như người đỡ đầu); những hiệu quả pháp lý.

4. Suy tư thần học

Dựa trên những dữ kiện đã thu thập về lịch sử phụng vụ, đạo lý, giáo luật, giáo sư José Antonio Velasco cố gắng đưa ra một tổng hợp thần học bí tích Thêm sức, nhìn qua bốn lối tiếp cận: a) Tiếp cận thần học bí tích: Bí tích Thêm sức với các Bí tích Khai tâm. b) Tiếp cận tín lý: Những công hiệu của bí tích Thêm sức. c) Tiếp cận huấn giáo nhiệm tích: Ý nghĩa của các cử chỉ và lời đọc lúc cử hành. d) Tiếp cận mục vụ: Việc chuẩn bị các ứng sinh nhận lãnh bí tích.

5. Quan điểm của thần học Đông phương về bí tích Thêm sức

Sau những bài viết liên quan đến thần học Latin về bí tích Thêm sức, linh mục Stefano Parenti trình bày cho chúng ta quan điểm của thần học Đông phương, đặc biệt dựa trên công thức ban bí tích được ĐTC Phaolô VI du nhập năm 1971, “ấn tích ân huệ Thánh Thần”. Theo ngài, công thức này rất quen thuộc với nghi điểm Byzantin. Phải chăng đây là một cố gắng xích lại gần với truyền thống Đông phương? Tác giả bài viết cho thấy rằng không phải tất cả các Giáo hội Đông phương đều hiểu công thức ấy như nhau.

6. Đối thoại đại kết

Trong bài này, phạm vi nghiên cứu mở rộng đến chiều kích đại kết. Cha Benedikt Tomás Mohelník, O.P. điểm qua những đề tài thảo luận liên quan đến bí tích Thêm sức trong các văn kiện đối thoại với Giáo hội Chính thống và Cải cách. Về phía Chính thống, vấn nạn được nêu lên liên quan đến sự tách rời thời điểm ban ba bí tích khai tâm (bên Chính thống, người lớn cũng như ấu nhi lãnh ba bí tích cùng một lần), và thứ tự lãnh nhận (Thêm sức sau Thánh Thể). Về phía các giáo hội Cải cách, họ không nhận lễ Thêm sức là bí tích, mà chỉ là cơ hội để huấn giáo và tuyên xưng đức tin.

7. Đối thoại liên tôn: quan điểm của Giáo hội Công giáo và Hội đồng Đại kết các Giáo hội

Cách đây 60 năm, vào dịp lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống năm 1964, ĐTC Phaolô VI đã thiết lập “Văn phòng dành cho những người ngoài Kitô giáo” (Secretariatus pro non Christianis); vào năm 1988, cơ quan này được ĐTC Gioan Phaolô II đổi tên thành “Hội đồng Tòa Thánh đặc trách đối thoại liên tôn” (Pontificium Consilium pro dialogo inter religiones). Cách đây 10 năm, Thời sự Thần học đã có một bài kỷ niệm biến cố ấy[2]. Lần này, chúng ta có dịp đối chiếu giữa quan điểm của Giáo hội Công giáo với Hội đồng Đại kết các Giáo hội (World Council of Churches / Conseil Écuménique des Eglises) chung quanh đề tài đối thoại liên tôn, qua bài viết của Douglas Pratt.
 
_Trung tâm Học vấn Đa Minh_

[1] Đó là chưa nói đến một tên gọi “bình dân” tại nhiều nước Âu châu, đó là “bí tích chia tay” (hoặc giã từ), lý do là nhiều thanh thiếu niên, sau khi nhận bí tích này, đã từ giã nhà thờ, không còn tham gia phụng vụ nữa!
[2] Xc. Tấn Anh, “Năm mươi năm đối thoại liên tôn” trong Thời sự Thần học, số 65 (tháng 8/2014), tr. 179-199.
114.864864865135.135135135250