Bài phỏng vấn nữ tu Rosmery Castañeda Montoya, OP, người đã tham gia vào công việc của Thượng Hội Đồng về tính hiệp nghị.
“Sự đóng góp của phụ nữ là cần thiết cho một Giáo hội muốn đổi mới chính mình khi trở về nguồn”, nữ tu Rosmery Castañeda Montoya, OP, người đã tham gia vào công việc của Thượng Hội Đồng về tính hiệp hanh, nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn sau đây dành cho các phương tiện truyền thông của Dòng Giảng Thuyết. Trong cuộc phỏng vấn này, sơ gợi lại vai trò của phụ nữ trong hoạt động của các cộng đoàn tiên khởi mà “chúng ta đau đớn nhìn nhận rằng vai trò đó thuộc về quá khứ”, đồng thời sơ cùng cho thấy “thậm chí ngày nay, nhiều người vẫn không muốn từ bỏ vai trò thứ yếu đã được gán cho phụ nữ như những người hạng hai hoặc hạng ba”.
1. Xin sơ cho biết kinh nghiệm cá nhân của sơ tại Thượng Hội Đồng.
Tôi cảm tạ Chúa đã cho tôi sống kinh nghiệm này của Giáo hội và tôi cảm ơn các bạn đã cùng tôi muốn biết và cử hành những gì Giáo hội chúng ta đang sống trong hành trình Thượng Hội Đồng kể từ năm 2021.
Đã ba năm chúng ta ngoan ngoãn bước đi theo hơi thở của Chúa Thánh Thần để phục hồi tính độc đáo tông đồ của Giáo hội. Đây không phải là các hoạt động, hoặc các cuộc họp chóng vánh, hoặc các cuộc phỏng vấn đơn thuần cho các cuộc khảo sát. Không. Những gì chúng ta đã trải qua cho thấy con đường này có lộ trình được vạch ra rất rõ ràng, nhưng vẫn rộng mở. Cách thức để mọi thứ nên diễn ra nên là như thế: một số người bước vào hành trình Thượng Hội Đồng sau khi đã tiếp xúc với các đề xuất mới; những người khác nhìn từ xa nhưng đang dần đánh thức mong muốn về một sứ vụ mục vụ giúp tạo điều kiện cho việc gặp gỡ, lắng nghe, trò chuyện và tìm kiếm những gì Chúa Thánh Thần đang nói với các Giáo hội ; và một số người khác biết rằng quá trình này được hướng dẫn bởi hơi thở của Chúa Thánh Thần nhưng vẫn chưa quyết định dấn thân, nhưng tôi chắc chắn rằng họ sẽ làm như vậy, khi họ thấy dân Chúa phấn khởi tham gia vì dân này có một "khuôn mặt", vì dân này đang được lắng nghe và, nhờ tham gia trong tư cách là dân bao gồm những người đã lãnh nhận Phép Rửa, dân này mang đến sự mới mẻ Giáo hội cần.
Kinh nghiệm tại Đại hội thứ nhất của Thượng Hội Đồng lần thứ XVI, vào tháng 10 năm 2023 là sự khai mở "lều trại nội tâm chúng tôi", nơi chúng tôi mang đến tiếng nói của con cái Thiên Chúa là những người chúng tôi yêu thương và phục vụ. Và ở đó, trong những bàn tròn có tác động lớn đến chính các thành viên của Thượng Hội Đồng và những người đã từng bước theo chúng tôi qua các phương tiện truyền thông khác nhau, chúng tôi đã trải nghiệm phương pháp đối thoại trong Thánh Thần. Phương pháp này tạo điều kiện cho đối thoại, suy tư và tìm kiếm sự đồng thuận để mang lại một diện mạo mới cho Giáo hội với căn tính phổ quát và đại kết, nơi người nghèo và phụ nữ có tiếng nói của mình, giáo dân có thể bày tỏ các đặc sủng đã nhận được và đời sống thánh hiến được coi trọng vì tính ngôn sứ tái định hình diện mạo của Giáo hội là Mẹ.
Bầu khí huynh đệ làm cho chúng tôi trở thành bạn bè và anh em. Chúng tôi nói chuyện như những người bình đẳng, chúng tôi có những điểm chung; chúng tôi muốn đào sâu sáng khởi Kitô giáo, nền tảng của căn tính Phép Rửa, để thúc đẩy mục vụ hiệp thông, để vươn tới những người xa xôi nhất bằng sứ vụ không biên giới. Các hồng y, giám mục, linh mục, giáo dân, phụ nữ và tu sĩ đã nghiệm thấy rằng Lời dệt nên tình huynh đệ. Lời Chúa và cử hành phụng vụ đã mang lại sức sống tin mừng cho một tiến trình vốn có thể vẫn chỉ là những cuộc thảo luận theo kiểu By-zan-tin chẳng đi đến đâu.
Sự hiện diện của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong các phiên họp đã có tác động sâu sắc đến tôi vì ngài không chỉ là người hướng dẫn tiến trình, nhưng còn là chứng nhân của một đức tin không lay chuyển vào Giáo hội mà ngài yêu mến và cho Giáo hội đó, ngài đã hiến dâng cuộc đời mình. Ngài lắng nghe mọi người, mọi người, mọi người, như chính ngài nhắc lặp đi lặp lại, ngài thể hiện sự gần gũi, ấm áp của con người, ngài chú ý đến lời của người khác, ngài mong muốn bảo vệ sự hiệp thông trên mọi phân cực hoặc bất đồng, ngài bình thản giải quyết các xung đột phát sinh, ngài khiêm nhường khi để mỉnh bị chất vấn. Tất cả những điều ấy chắc chắn khiến ngài trở thành vị Giáo hoàng Giáo hội mong đợi và cần đến ngày nay.
2. Các phụ nữ có thể đóng góp gì cho sứ vụ của Giáo hội hoàn vũ?
Đóng góp của phụ nữ là cần thiết cho một Giáo hội muốn đổi mới chính mình khi trở về nguồn. Chúng ta đều quen thuộc với vai trò của phụ nữ trong hoạt động của các cộng đoàn tiên khởi và chúng ta đau đớn nhận ra rằng vai trò này thuộc về quá khứ. Vào thời điểm mấu chốt nào mà vai trò chính của họ đã biến mất trong Giáo hội? Và chúng ta đã quên rất nhiều! Ngay cả ngày nay, nhiều người vẫn không muốn từ bỏ vai trò thứ yếu được gán cho phụ nữ như là những con người hạng hai hoặc hạng ba.
Phụ nữ trong Giáo hội đã làm phong phú cho các cộng đoàn đức tin từ những thế kỷ đầu tiên. Khả năng lãnh đạo của họ là sự cống hiến, không bao giờ đong đếm nỗ lực hay thời gian. Nó hình thành trong sự phát triển của con người và Kitô giáo chỉ nhờ ơn là một người nữ. Ai có thể chối rằng phụ nữ đã nâng đỡ Giáo hội? Họ biết cách bảo vệ sự sống, dịu dàng chăm sóc, chữa lành bằng cử chỉ thương xót khi nhìn thấy những vết thương do bạo lực và chiến tranh gây ra. Họ không ngại mạo hiểm khi tạo ra những điều mới mẻ, ngay cả khi đi ngược lại xu hướng.
3. Theo sơ, chủ đề về tính hiệp nghị liên quan như thế nào đến đặc sủng của Dòng?
Đặc sủng của Dòng, nhờ đó chúng ta đã được nuôi dưỡng về mặt tinh thần trong hơn tám trăm năm, là mối liên hệ sống động với Lời: chiêm niệm Lời và trao cho người khác hoa trái của sự chiêm niệm. Do đó, chúng ta dễ dàng tìm thấy mối liên hệ của Đặc sủng với tính hiệp nghị. Tính hiệp nghị Giáo hội theo đuổi ngày nay được nuôi dưỡng bởi Lời, để với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, duy trì sự hiệp thông như một cuộc gặp gỡ huynh đệ dành cho tất cả mọi người, sự tham gia như một lời tạo ra sự sống, và sứ vụ khai phá nền tảng mới và mở rộng chân trời.
Công cuộc loan báo Tin Mừng ở Châu Mỹ Latinh và vùng Caribê chứng tỏ lòng nhiệt thành truyền giáo của các anh em đầu tiên đã đến để phá vỡ sự độc quyền của một xã hội da trắng và nỗi kinh hoàng của chế độ nông nô, để làm tỉnh ngộ một Kitô giáo thông đồng với cái chết, chỉ bằng sức mạnh của Lời (hãy nhớ đến cha Antón de Montesinos, OP, Cha Bartolomé de las Casas, OP, Cha Juan de Zumárraga, OP, Cha Pedro de Córdoba, OP và những người khác mà các bạn biết rõ). Họ đã biến người da đỏ vô danh thành anh em của mình để nhân bản hóa và bảo vệ. Làm sao chúng ta có thể khẳng định rằng những sự kiện mà Dòng đã sống như thế không phải là một con đường hiệp nghị, ngay cả khi từ ngữ này chưa được biết đến?
Khi nỗ lực tập trung sứ vụ vào Đặc sủng Nguyên thủy của mình, Dòng đang đóng góp cho Giáo hội hiệp nghị là Giáo hội đòi hỏi sự tham gia và dấn thân của tất cả mọi người, coi trọng và tôn trọng Đặc sủng của mỗi gia đình dòng tu. Dòng Nữ Đa Minh Bác ái Dâng Mình đang hướng tới Tổng tu nghị lần thứ 56, nhằm xác định vị trí của mình trong Giáo hội với khuôn mặt hiệp nghị, dựa trên sự khó nghèo và dễ bị tổn thương của chúng ta, để “cùng nhau biến chuyển đời sống và sứ vụ” như một câu trả lời cho Giáo hội ngày nay.
4. Một phụ nữ Đa Minh có thể đóng góp vào việc xây dựng hòa bình trên thế giới như thế nào?
Chúng ta đều biết rằng thế giới ngày nay đang bị chia rẽ và có những vết thương sâu sắc cần được chữa lành. Là những người thuộc gia đình Đa Minh, chúng ta không tuyên bố chấm dứt chiến tranh và bạo lực ngày càng lan rộng, nhưng nếu mỗi người chúng ta, theo đặc sủng sáng lập của mình, là sự hiện diện sống động của Tin Mừng thương xót được minh họa trong dụ ngôn Người Samari nhân hậu, chúng ta không thể tránh khỏi việc nhìn thấy những người bị thương mà không dấn thân. Cử chỉ gần gũi của chúng ta với những người đau khổ khiến chúng ta có những hành động cụ thể cho họ. Có lẽ đã đến lúc, vì sự táo bạo cho sứ vụ, chúng ta mở các tu viện và biến chúng thành những ngôi nhà của lòng thương xót, những chiếc lều mở rộng để chào đón các nạn nhân sống sót sau bạo lực, những nhà trọ che chở và bao bọc di dân thống khổ và cô đơn.
Sự hiện diện của chúng tôi tại vùng Urabá (Colombia), trên đường đến Panama qua ngả Darien Gap nổi tiếng kinh hoàng, bắt đầu bằng việc xây dựng nhà cửa cho các nạn nhân của bạo lực tại vùng trồng chuối, sau đó là nơi trú ẩn cho các trẻ mồ côi cha, và ngày nay, chúng tôi hiện diện khiêm nhường giữa những người di cư, dấn thân lắng nghe, đồng hành, hướng dẫn và cung cấp thực phẩm khi chúng tôi có thể. Có lẽ đây cũng là lúc lên những chiếc xe cứu thương đã thúc đẩy các chị em đầu tiên của chúng tôi đến với sự sáng tạo vô hạn nhằm giúp đỡ những người bị thương trên đường. Và không biết có đúng không, có lẽ chúng ta nên bắt đầu bằng cách giải trừ vũ khí trong tâm hồn mình, để tình huynh đệ, nền tảng của sự thánh hiến chúng ta, không bị tổn hại.
Một ngày nọ, Mẹ Sáng lập Dòng chúng tôi là Marie Poussepin, OP, đã rời bỏ công việc kinh doanh ở Dourdan trong nước Pháp, để đón vào trong tim mình những người nghèo vì ốm đau và các trẻ mồ côi ở Sainville là những người còn sót lại sau các cuộc chiến tranh Fronde. Với khuôn mặt của Tin Mừng, Mẹ là nguồn cảm hứng cho chúng ta.
Sơ Rosmery Castañeda Montoya, OP là một nữ tu Đa Minh người Colombia thuộc Hội Dòng các Nữ Đa Minh Bác Ái Dâng Mình. Sơ đã được Đức Giáo hoàng Phanxicô chọn tham gia Thượng Hội Đồng về tính hiệp nghị. Sơ là người phụ nữ duy nhất thuộc Dòng Giảng Thuyết tham dự Đại hội thường kỳ lần thứ 16 của Thượng hội đồng Giám mục, với chủ đề “Vì một Giáo hội hiệp nghị: hiệp thông, tham gia và sứ vụ”, được tổ chức tại Rô-ma từ ngày 4 đến ngày 29 tháng 10. Sơ Rosmery là một thần học gia, thạc sĩ Thần học và Kinh thánh. Là giáo sư tại Khoa Thần học của Đại học Giáo hoàng Bolivar Medellin (Colombia) và tại Đại chủng viện trong cùng thành phố này, từ năm 2015, sơ đã thực hiện sứ vụ của mình tại Tổng giáo phận Panama với tư cách là Giám đốc Khoa Huấn luyện Kitô giáo, với Viện Thần học Mục vụ (Huấn luyện các phó tế vĩnh viễn, giáo lý viên, nhân viên mục vụ và giáo dân). Sơ điều hành Trường Mục vụ Kinh thánh và dạy Tân Ước tại Đại Chủng viện San José. Sơ là thành viên của Ủy ban Thần học thuộc Hội đồng Giám mục Panama.
? Tôi đang gặp vài khó khăn với một người theo thuyết bảo thủ. Xin vui lòng cho biết những đoạn văn trong Thánh Kinh nói về việc Chúa Giêsu thiết lập bảy bí tích?
Nhiều người Công giáo (và nhiều Kitô hữu khác) có liên hệ với những người