10/03/2015 -

Đời Sống Thánh Hiến

8784
Hiệp nhất là một đề tài quen thuộc nhưng chưa bao giờ cũ. Nhìn vào thế giới ngày nay, khi tiến trình toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ, chúng ta vẫn có thể nhìn thấy nhiều đổ vỡ và chia rẽ giữa các quốc gia, các tổ chức và đảng phái. Nguyên nhân của những tan rã này đến từ nhiều yếu tố khác nhau, nhưng tựu trung, nó bắt nguồn sự xung đột về quyền lợi của một cá nhân, một tập thể, hay một nhóm hội nào đó. Yếu tố nền tảng để xây dựng mối quan hệ không còn là những giá trị thiêng liêng, thuộc tinh thần như bác ái, huynh đệ; nhưng là những gì trông bề ngoài có vẻ cao cả nhưng chỉ là một bức bình phong che đi cái tham vọng bên trong, chúng được đặt tên là: đại nghĩa, công cuộc,… Vì lẽ đó, mỗi khi xảy ra những tranh chấp hay bị đụng chạm đến quyền lợi riêng, người ta dễ quay lưng với tập thể, cố gắng tìm kiếm những đồng minh để tạo thêm sức mạnh, lập ra một hội mới để đấu tranh dành cho được phần hơn về mình, mà quên mất cái đại cuộc chung ban đầu mà các bên cùng đề ra!

Vì thế, bây giờ là lúc chúng ta phải quay về để tìm lại những giá trị căn cốt ban đầu, những nền tảng vững chắc cho tình liên đới. Bởi vì, chỉ khi thượng tôn những giá trị chân chính ấy, con người mới có được những mối tương quan hiệp nhất thực sự, những sức mạnh to lớn để có thể thực thi đại nghĩa trong cuộc đời.

1. Hiệp nhất hiểu theo phong cách “teen”

Đi dạo vòng quanh các trang mạng nước ngoài, người viết thấy có một cách mới để lý giải các hạn từ vốn mang nghĩa tươi đẹp, chẳng hạn : LOVE là Listening – Obvious – Vision – Emotion, với ý nghĩa: TÌNH YÊU là biết lắng nghe, lạc quan, cùng nhìn về một hướng và biết trân trọng cảm xúc của nhau. Hay hạn từ FAMILY là Father – And – Mother – I – Love – You nghĩa là ba mẹ ơi, con yêu ba mẹ. Cách lý giải này đôi khi không chính xác lắm nhưng nó cũng phản ánh ít nhiều ý nghĩa chính yếu của các hạn từ nói trên, và cũng thể hiện sự sáng tạo của người trẻ ngày hôm nay nữa. Cùng thể thức đó, trong bài này, người viết cũng thử sử dụng cách như vậy để giải thích hạn từ HIỆP NHẤT, hy vọng không quá sai lạc (bởi vì tiếng Việt bị chi phối bởi các dấu thanh điệu, cho nên để diễn tả cho chính xác là một việc khó khăn) và cũng mang chút gì đó mới mẻ bên cạnh phương pháp truy nguyên gốc từ.

Để ngắn gọn, người viết chỉ dùng phương pháp “teen” để xem xét chữ HIỆP vì trong hạn từ HIỆP NHẤT yếu tố ‘hiệp’ mang ý nghĩa hành động nhiều hơn: đó là những gì chúng ta phải làm để nên ‘nhất’ nghĩa là nên một. Xin được giải thích từ HIỆP là Huynh đệ – “Iu” thương – Ê ẩm – Phó thác. Điều đó nghĩa là gì ? Có lẽ đi từ dưới lên trên sẽ ý nghĩa hơn.

- Phó thác: Phó thác chính là sự tin tưởng, một điều rất cần thiết trong một nhóm hội.

- Ê ẩm: Sự tin tưởng đôi khi khiến các thành viên phải ê chề, thiệt thòi nhưng vẫn cản đảm chấp nhận.

- “Iu” thương : Nhờ những hy sinh và tin tưởng nhau mà tình thương yêu giữa các thành viên ngày càng mạnh mẽ và sâu sắc hơn.

Huynh đệ: Nhờ tình thương yêu được gia tăng qua các biến cố đồng lao cộng khổ mà các thành viên trở nên thân thiết như anh em một nhà.
Tóm lại, HIỆP NHẤT nghĩa là dám tin tưởng và dám sống chết với nhau trong một tình thương yêu huynh đệ duy nhất. Và đó cũng chính là những yếu tố nền tảng tạo nên nguồn sức mạnh tập thể. Một nhóm hội dù chỉ gồm những người yếu, nhưng các thành viên biết nâng đỡ và hỗ trợ nhau, thì nhóm hội đó vẫn rất mạnh mẽ và có thể đảm đương những công việc lớn lao.

2. Hiệp nhất theo phong cách “Giêsu”

Đức Giêsu, trong những giờ phút cuối đời, trước khi chịu chết trên Thập giá, giữa những xung đột và bắt bớt, Ngài vẫn tha thiết cầu nguyện để mọi người được nên hiệp nhất, như Ngài với Chúa Cha:

“Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con. Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một : Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một ; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con.” (Ga 17, 20-23).

Những lời trên cho thấy sự hiệp nhất thật quan trọng, nó được chú ý nhiều hơn cả chuyện thiên đàng và địa ngục. Yếu tố chính để xây dựng tình hiệp nhất chính là tình yêu Agapê, tình yêu hy hiến giữa Cha, Con, và Thánh Thần chứ không phải bất kỳ động lực hay tình cảm nào thuần túy nhân loại. Vì con người là hình ảnh Thiên Chúa, tức mang trong mình phần nào Agapê, nên con người có khả năng yêu thương như Thiên Chúa. Khả năng ấy thể hiện qua sự hy sinh cho nhau, quên mình vì người khác, để rồi chính tình yêu đó sẽ phá tan mọi rào cản và nối kết mọi người lại với nhau.

Và như vậy, bất kỳ hành động nào đi ngược lại tình hiệp nhất, phá vỡ tình hiệp nhất cũng là một vi phạm đến bản chất của con người, ảnh hưởng đến sự hài hòa nơi con người. Trong Cựu ước, các câu chuyện Cain giết Aben (x. St 4,1-16), chuyện tháp Baben (x. St 11,1-9) kể về việc đi ngược lại sự hiệp nhất -sự chia rẽ- với nguyên nhân xuất phát từ thói ghen tương, kiêu ngạo, vốn là hậu quả của tội nguyên tổ, để rồi từ đó tạo ra những mâu thuẫn giữa người với vạn vật, giữa người với người, và giữa người với Thiên Chúa. Thánh Phaolô trong thư gởi giáo đoàn Galát cũng nhận xét rằng: hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ là những gì đi ngược lại với Thần Khí của Thiên Chúa, và như thế không xứng đáng được hưởng Nước Trời (x. Gl 5,20-21).

Thế nhưng, Đấng Tình Yêu có thể xoa dịu và cứu vớt tất cả. Thật vậy, chính Đấng Tình Yêu đã đến thế gian để kêu gọi con người trở nên một với Ngài như thân nho và cành nho (x. Ga 15,5). Khi tháp nhập với Thân Nho là Đức Giêsu, chúng ta trở nên một với Người và nên một với nhau, và từ đó, chúng ta nhận được ơn Thánh Linh xuất phát từ Thiên Chúa để ngày càng sống hài hòa, gắn bó và yêu thương nhau (x. Gl 5,22-23).

3. Những lời khuyên từ Kinh thánh để củng cố tình hiệp nhất

* Mọi người hãy biết nhắm đến ích chung, không nhắm đến lợi riêng

Thánh Phaolô đã nói: “chúng ta hãy theo đuổi những gì đem lại bình an và những gì xây dựng cho nhau” (Rm 14,19). Điểm chung ấy chính là niềm tin vào Đức Kitô và tình yêu lớn lao của Người, một tình yêu đã nối kết tất cả chúng ta làm một trong Giáo Hội và trở thành anh chị em với nhau. Tránh những điểm riêng là đừng tập trung vào cá tính, sở thích, lối giải thích, phong cách sống cá nhân. Thánh Phaolô đã tha thiết khuyên điều này : “Thưa anh em, nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tôi khuyên anh em hãy nhất trí với nhau trong lời ăn tiếng nói, và đừng để có sự chia rẽ giữa anh em, nhưng hãy sống hòa thuận, một lòng một ý với nhau” (1Cr 1,10).

* Phải thực tế với những ước muốn bản thân;

Dietrich Bonhoeffer nói: “Ai yêu mơ ước của mình cho cộng đoàn nhiều hơn yêu chính cộng đoàn của mình đang sống, sẽ là kẻ phá hoại công đoàn của mình.” Thực vậy, nếu mỗi người không biết tạ ơn những gì được trao ban từ Thiên Chúa, gia đình, nhóm hội mà mình tham gia; không biết dấn thân, sắp đặt mục tiêu chung lên trên những ước vọng cá nhân, thì dù có những kinh nghiệm và khả năng lớn lao đến đâu, chúng ta cũng không đạt được bất kỳ thành công nào, nhưng chỉ toàn là những yếu đuối, bất toàn, kém tin, khó khăn. Bên cạnh đó, nếu chỉ biết than phiền, thì chính chúng ta lại trở nên những kẻ “kỳ đà cản mũi” phá tan đi mối tương quan giữa các thành viên với nhau.

* Khích lệ hơn phê bình

Phê phán, xét đoán cách thiên lệch, chủ quan và độc đoán là những thói xấu. Khi phê phán và xét đoán như vậy, chúng ta xen vào công việc của Thiên Chúa! Trong thư Rôma, thánh Phaolô đã nhấn mạnh điều này: Bạn là ai mà xét đoán tha nhân ? Nó đứng hay nó ngã là việc của nó. Nhưng nó sẽ đứng vì có Chúa (x. Rm 14,4). Cứ mỗi lần xét đoán hay phê phán ai đó, chúng ta tự biến mình thành mối nguy hại cho sự hiệp nhất.

* Không nghe những lời nói xấu về người khác

Nói hành, nói xấu là những thói xấu làm nguy hại đến tình hiệp nhất, nhưng cả việc nghe người khác nói xấu về anh em của mình cũng là một việc không nên. Mưa dầm thấm đất, dẫu chúng ta có cái nhìn tốt về người khác, nhưng qua thời gian, nếu cứ mãi nghe những lời nói xấu, chúng ta cũng dễ dàng quên đi những điều tốt đẹp nơi họ. Nghe lời nói xấu cũng gián tiếp trở thành kẻ gây xáo trộn. Thực vậy, sách Châm ngôn đã viết : “Phường gian ác để tâm nghe điều bất chính, quân lừa đảo lắng tai nghe những chuyện hại người” (17,4). Để bảo vệ tình yêu thương chân chính, chúng ta phải gạt khỏi tai những lời nói xấu anh em xung quanh.

* Sửa lỗi nhau theo tinh thần Tin mừng

Đức Giêsu đã nêu ra một tiến trình sửa lỗi nhau đơn giản gồm ba bước: (1) đích thân nhắc nhở anh em cách riêng tư. (2) không được thì kêu thêm vài người nữa. (3) Cuối cùng mới đưa ra cộng đoàn (x. Mt 18,15-17). Khi xảy ra xích mích, chúng ta thường dễ đi phàn nàn, nói xấu với người khác, hơn là can đảm sửa sai anh em trong tình thương yêu huynh đệ. Việc đi “mách lẻo” chỉ làm cho mọi chuyện xấu thêm chứ không giải quyết được điều gì.

* Yêu thương, nâng đỡ người đứng đầu

Người lãnh đạo chính là hiện thân của sự hiệp nhất. Khi đứng ra lãnh đạo, tuy người ấy đứng ở vị thế cao hơn những người khác, nhưng đó không phải là một vinh dự cho bằng một sự can đảm và quảng đại để đảm nhiệm những công việc chung vốn đầy cam go và thử thách. Càng lên cao, gió càng mạnh. Vì thế, chúng ta hãy yêu thương những người làm công tác chung, đó là những lời của thánh Âutinh trong luật sống đời tu nền tảng. Thánh Phaolô, trong thư thứ nhất gởi giáo đoàn Thêxalônica, cũng khuyên mọi người hãy quý trọng những ai đang vất vả vì việc chung nhân danh Chúa, và hãy lấy tình bác ái mà hết lòng tôn kính những người ấy vì công việc họ làm. (x. 5, 12-13)

KẾT LUẬN

Xét cho cùng, cuộc sống này là một cuộc “đồng hành”. Mọi người cùng nhau bước dài trên những nẻo đường trần gian để trở về Quê Trời là nơi ở vĩnh viễn, đích thực. Trên con đường đó có biết bao gian truân, thử thách mà một cá nhân không thể nào tự mình bước hết được. Cần có những bàn tay, đôi chân để tiếp sức;  cần có những con tim và bờ vai để cảm thông, sẻ chia những khốn khó trong đời. Và từ đó mới thấy được rằng, tình hiệp nhất thật quan trọng. Nó thể hiện tình yêu Thiên Chúa cách rõ rệt và trung thực nhất, đồng thời cũng thể hiện tính “người” nhiều nhất, vốn là điểm làm cho loài người khác loài vật. Ước mong sao tất cả được nên một với nhau trong Thiên Chúa, không còn bất kỳ sự chia rẽ hay hận thù, đặc biệt giữa chúng ta là những người Anh Em Dòng Giảng Thuyết.

 
Thomas Juan
114.864864865135.135135135250