BÀI 8
ĐỨC KHIẾT TỊNH THÁNH HIẾN TRONG MỐI HIỆP NHẤT PHU THÊ GIỮA ĐỨC KITÔ VÀ HỘI THÁNH
(23-11-1994)
ĐỨC KHIẾT TỊNH THÁNH HIẾN TRONG MỐI HIỆP NHẤT PHU THÊ GIỮA ĐỨC KITÔ VÀ HỘI THÁNH
(23-11-1994)
1. Theo sắc lệnh Công Đồng Perfectae caritatis, các tu sĩ “trước mặt tất cả mọi tín hữu là một sự nhắc nhở về cuộc kết hôn kỳ diệu được Thiên Chúa thực hiện, và sẽ biểu lộ trọn vẹn trong tương lai, nhờ thế mà Giáo hội lấy Đức Kitô làm lang quân duy nhất” (DT 12). Chính ở cuộc kết hôn này mà ta khám phá được giá trị nền tảng của đức khiết tịnh hay độc thân vì Thiên Chúa. Chính vì lý do đó mà Công Đồng nói tới “khiết tịnh thánh hiến”.
Chân lý về cuộc kết hôn này được mặc khải trong khá nhiều đoạn văn của Tân ước. Chúng ta nhớ rằng Gioan Tẩy Giả đã chỉ định Đức Giêsu như là chàng rể sở hữu hôn thê, nghĩa là đám dân chạy đến lãnh phép rửa; còn ông Gioan coi mình như là “người bạn của chàng rể, đứng đó nghe chàng” và “vui mừng hớn hở vì nghe được tiếng nói của chàng” (Ga 3,29). Đó là hình ảnh hôn lễ đã được sử dụng trong Cựu Ước để ám chỉ mối tương quan mật thiết giữa Thiên Chúa và dân Israel: nhất là các ngôn sứ, sau ông Hôsê (1,2tt) đã dùng hình ảnh đó để đề cao mối liên hệ này và để nhắc nhở dân mỗi khi họ phản bội Ngài (x. Is 1,21; Gr 2,2; 3,1; 3,6-12; Ed 16; 23). Trong phần thứ hai của sách Isaia, sự khôi phục dân Israel được trình bày như cuộc hoà giải giữa người vợ bất trung và người chồng (x. Is 50,1; 54,5-8; 62,4-5). Hình ảnh tôn giáo này của Israel cũng xuất hiện nơi sách Diễm Ca và Thánh Vịnh 45, là những bài ca hôn lễ tiên báo hôn ước với Vua Mêsia, theo như truyền thống Do Thái và Kitô giáo đã giải thích.
2. Trong bối cảnh truyền thống dân tộc mình, Chúa Giêsu cũng áp dụng hình ảnh này cho chính mình để nói rằng Người là chàng rể đã được loan báo và mong chờ: chàng rể Mêsia (x. Mt 9,15; 25,1). Người cũng dùng thuật ngữ này để giải thích “Vương quốc” mà Người mang đến là gì. “Nước Trời” giống như ông vua kia mở tiệc cưới cho con mình” (Mt 22,2). Ngườøi so sánh các môn đệ của mình với các người bạn của chàng rể, họ vui sướng vì sự hiện diện của Người, và họ sẽ ăn chay khi chàng rể bị cất đi khỏi họ (x. Mc 2,19-20). Ai cũng biết dụ ngôn nói về mười cô trinh nữ chờ đợi chàng rể đến để vào dự tiệc cưới (x. Mt 25,1-13) cũng như dụ ngôn các đầy tớ phải tỉnh thức để đón chủ mình khi ông đi dự tiệc cưới trở về (x. Lc 12,35-38). Có thể nói rằng theo hướng đó mà phép lạ đầu tiên mà Đức Giêsu đã làm tại Cana mang đậm ý nghĩa, bởi vì là một bữa tiệc cưới (x. Ga 2,1-11).
Khi tự nhận là chàng rể, Đức Giêsu đã diễn tả ý nghĩa việc Người bước vào lịch sử, nơi mà Người đến để thực hiện hôn lễ của Thiên Chúa với nhân loại, theo như lới loan báo của các ngôn sứ, để thiết lập giao ước mới của Giavê với dân Ngài, và để đổ vào lòng con người ân huệ mới của tình yêu Thiên Chúa, làm cho họ cảm nếm được niềm vui. Như chàng rể, Người mời gọi đáp trả món quà tình yêu này: tất cả mọi người đều được kêu gọi đáp trả tình yêu bằng tình yêu. Đối với một vài người, Người yêu cầu một sự đáp trả cách trọn vẹn hơn, mạnh mẽ hơn, tận căn hơn: đó là sự đáp trả của cuộc sống trinh khiết hay độc thân “vì Nước Trời”.
3. Chúng ta cũng biết là thánh Phaolô đã tiếp nhận và triển khai hình ảnh Đức Kitô hôn phu mà Cựu Ước đã gợi lên và chính Đức Giêsu cũng đã dùng trong khi giảng dạy và huấn luyện các môn đệ, tức là những kẻ họp thành thiết lập cộng đoàn đầu tiên. Đối với những người sống trong đời hôn nhân, thánh Tông đồ khuyên họ hãy nhìn đến về mẫu gương của hôn lễ đấng Mêsia: “Người làm chồng, hãy yêu thương vợ như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh” (Ep 5,25). Kể cả ngoài việc áp dụng đặc biệt này cho đời hôn nhân, thánh tông đồ còn coi đời sống Kitô hữu trong viễn tượng của một sự kết hiệp phu thê với Đức Kitô: “Tôi đã đính hôn anh em với người độc nhất là Đức Kitô, để tiến dâng anh em cho Người như một trinh nữ thanh khiết” (2Cr 11,2).
Đây là cuộc tiến dâng cho Đức Kitô-hôn phu mà thánh Phaolô mong muốn áp dụng cho hết mọi người Kitô hữu. Nhưng chắc chắn rằng hình ảnh người trinh nữ thanh khiết mà thánh nhân nói tới thì tìm được sự thể hiện trọn vẹn nhất và ý nghĩa nhất trong cuộc sống khiết tịnh thánh hiến. Mẫu gương sáng ngời nhất của sự thể hiện này là Đức Trinh Nữ Maria, Người đã đón nhận nơi mình những tinh hoa của truyền thống hôn ước của dân tộc. Người không chỉ dừng lại ở chỗ ý thức mình thuộc về Thiên Chúa trên bình diện xã hội tôn giáo, nhưng Người còn mang ý tưởng hôn ước của dân tộc Israel đến chỗ trao dâng toàn thể thân xác và linh hồn mình “vì Nước Trời”, dưới hình thức cao cả của sự khiết trinh được chọn lựa với đầy đủ ý thức. Vì thế Công Đồng có thể khẳng định rằng đời sống thánh hiến trong Giáo Hội được thực hiện cách hài hoà sâu xa với Đức Trinh Nữ Maria (x. GH 46), người được Giáo huấn của Giáo hội trình bày như “người nữ thánh hiến tuyệt hảo nhất”.
4. Trong thế giới Kitô giáo, một ánh sáng mới được loé ra từ lời của Đức Kitô và từ cuộc hiến dâng điển hình của Maria đã sớm được các cộng đoàn tiên khởi nhận biết. Việc quy chiếu về sự phối hiệp giữa Đức Kitô và Giáo Hội mang lại cho đời sống hôn nhân phẩm giá cao cả nhất: cách riêng, bí tích Hôn phối đưa những người phối ngẫu vào mầu nhiệm kết hiệp của Đức Kitô và Giáo Hội. Nhưng việc tuyên khấn khiết tịnh hay độc thân làm cho những người thánh hiến tham dự vào mầu nhiệm của hôn ước một cách trực tiếp hơn. Trong khi tình yêu vợ chồng đến với Đức Kitô lang quân nhờ một con người làm phối ngẫu, thì tình yêu trinh khiết đến thẳng với Đức Kitô nhờ sự kết hiệp trực tiếp với Người, không qua các trung gian: một cuộc kết hôn thiêng liêng thực sự trọn vẹn và dứt khoát. Chính vì vậy mà nơi những người tuyên khấn và sống khiết tịnh thánh hiến, Giáo Hội thực hiện tối đa sự kết hiệp giữa hôn thê với Đức Kitô lang quân. Vì thế phải nói rằng cuộc sống trinh khiết nằm ở trung tâm của Giáo Hội.
5. Cũng dựa theo quan niệm của Tin Mừng và Kitô giáo, cần phải nói thêm rằng cuộc phối hiệp trực tiếp này với Đức lang quân tạo thành một sự tiên báo cho cuộc sống trên trời, mà đặc trưng là chiêm ngắm hoặc chiếm hữu Thiên Chúa mà không qua trung gian. Như Công Đồng Vaticanô II nói, sự khiết tịnh thánh hiến “gợi ra trước mặt người Kitô hữu sự kết hợp lạ lùng do Thiên Chúa thiết lập và sẽ tỏ hiện đầy đủ ở đời sau” (DT 12). Vì thế trong Giáo Hội bậc sống trinh khiết hay độc thân có một ý nghĩa cánh chung, như sự loan báo đặc biệt rõ ràng về sự chiếm hữu Chúa là Đức lang quân duy nhất, sẽ được thực hiện cách viên mãn ở thế giới bên kia. Theo hướng này ta có thể đọc những lời Đức Giêsu loan báo về tình trạng những người được tuyển chọn sau khi phục sinh thân xác: họ “sẽ không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. Quả thật họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các Thiên Thần, và bởi vì là con cái của sự sống lại (những kẻ được sống lại) nên họ là con cái của Thiên Chúa (Lc 20,35-36). Dù cho có những bóng tối và những khó khăn của cuộc đời trần thế, đời sống khiết tịnh thánh hiến mở đầu cho sự phối hiệp với Thiên Chúa, trong Đức Kitô, mà những người được chọn sẽ hưởng trong hạnh phúc trên trời, khi thân xác của con người được phục sinh sẽ được nên thần khí.
6. Nếu suy xét mục đích của sự kết hiệp trên trời với Đức Kitô lang quân, ta sẽ hiểu được hạnh phúc sâu xa của đời sống thánh hiến. Thánh Phaolô ám chỉ đến hạnh phúc này khi nói rằng ai không cưới vợ thì lo lắng những sự thuộc về Chúa và không bị phân tâm giữa thế giới và Chúa (x. 1Cr 7, 34 -35). Nhưng hạnh phúc này không loại trừ và chuẩn chước hy sinh, bởi vì sự độc thân thánh hiến mang theo những từ bỏ, nhờ đó mà ta được kêu gọi trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô chịu đóng đinh hơn. Thánh Phaolô nhắc nhớ cách rõ ràng rằng trong tình yêu lang quân, Đức Giêsu Kitô đã dâng hiến hy tế vì sự thánh thiện của Giáo Hội (x. Ep 5,25). Dưới ánh sáng của Thập giá, chúng ta hiểu rằng mỗi cuộc phối hiệp với Đức Kitô lang quân là sự dấn thân của tình yêu cho Đấng chịu đóng đinh. Bởi vậy, những ai tuyên khấn khiết tịnh thánh hiến biết mình được trạch cử để thông phần sâu xa hơn vào lễ hy sinh của Đức Kitô để cứu độ thế giới (x. HA 8 và 11).
7. Tính cách vĩnh viễn của cuộc kết hiệp phu thê giữa Đức Kitô và Hội thánh được diễn tả qua giá trị chung quyết của sự tuyên khấn khiết tịnh thánh hiến trong đời tu: “Sự thánh hiến đó càng trở nên hoàn hảo hơn, khi việc Chúa Kitô hiệp nhất với Giáo Hội, hiền thê của Người, bằng mối dây bất khả phân ly, càng được phản ánh trong những mối dây ràng buộc vững bền và chắc chắn hơn” (GH 44). Tính cách không thể phân ly của giao ước giữa Giáo Hội và Đức Kitô hôn phu, được tham dự trong sự hiến thân chính mình cho Đức Kitô trong đời sống trinh khiết, làm nền tảng cho giá trị vĩnh viễn của việc tuyên khấn trọn đời. Có thể nói rằng việc tuyên khấn là quà tặng tuyệt đối dành cho Người là Đấng Tuyệt Đối. Chính Chúa Giêsu đã làm cho chúng ta hiểu điều đó khi nói rằng: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đằng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa” (Lc 9,62). Sự vĩnh viễn, trung thành trong lời cam kết của đời tu được sáng tỏ nhờ những lời của Tin Mừng.
Khi làm chứng cho sự trung thành với Đức Kitô, những người thánh hiến nâng đỡ lòng trung thành của những đôi vợ chồng trong đời hôn nhân. Nhiệm vụ phải nâng đỡ này nằm trong lời tuyên bố của Đức Giêsu đối với những người yêm hoạn vì Nước Trời (x. Mt 19,10-12): với lời tuyên bố ấy, Thầy Giêsu muốn cho thấy rằng sự bất khả phân ly của hôn nhân, - mà Người vừa phát biểu -, thì không phải là không thể giữ được, - như các môn đệ muốn nói như thế -, bởi vì có những người, với sự trợ giúp của ân sủng, đã sống tiết dục hoàn toàn ngoài hôn nhân.
Vì thế chúng ta thấy rằng, trong chương trình của Chúa, độc thân thánh hiến và hôn nhân đều liên kết với nhau chứ không khử trừ nhau. Cả hai đều mang nhiệm vụ biểu lộ rõ rệt hơn sự kết hợp giữa Đức Kitô và Giáo Hội.